Hà Nội
23°C / 22-25°C

Mùa xuân quê hương với “ông đồ Nghệ” Văn Như Cương

Thứ sáu, 11:00 09/02/2018 | Xã hội

GiadinhNet - Xuất thân trong một gia đình có truyền thống dạy học ở ngôi làng nổi tiếng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An), cố PGS Văn Như Cương được biết đến như một trí thức đậm chất “Đồ Nghệ”: Tài hoa và có chút kiêu, gàn. Sau cùng, bỏ lại học hàm, học vị, ông đơn giản chỉ là nhà giáo Văn Như Cương - một chân dung khó quên khi vừa có sự nghiệp, vừa có hình ảnh.


Thầy Văn Như Cương trong vòng tay học trò.     Ảnh: Quang Thành

Thầy Văn Như Cương trong vòng tay học trò. Ảnh: Quang Thành

Những cuộc gặp gỡ mùa xuân

Nhớ một ngày đầu năm 2005, đám sinh viên Quỳnh Đôi tại Hà Nội chúng tôi được PGS Văn Như Cương mời đến nhà chơi. Ông đã dành hẳn một ngày chủ nhật để trò chuyện trò căn dặn và nắm bắt tâm tư của khoảng 70 người trẻ chúng tôi trong không khí vô cùng cởi mở. Tiếng cười tràn ngập căn nhà được xây dựng trong khu đồi thoai thoải ở cạnh đường Láng - Hòa Lạc, đó là lần đầu tôi được gặp trực tiếp nhà giáo nổi tiếng lâu nay chỉ biết qua sách báo với bao ấn tượng.

Hễ bạn trẻ nào gọi ông với cụm từ “Phó Giáo sư”, ông lại cười hiền: “Thầy là được rồi!”. Trong câu chuyện về sự học, về quê hương… không có khoảng cách giữa một Phó giáo sư với đám trẻ vừa mới đôi mươi. Mọi con đường, ngõ xóm với những địa danh xóm Ao, xóm Đình, xóm Bà Cả, xóm chợ Nồi, bờ Rậm… nơi quê nhà dù ra đi từ rất lâu nhưng ông đền nhớ như in.

Đám trẻ say sưa “chất vấn” người thầy đáng kính về việc để râu, về thơ phú, về cuộc sống riêng, thầy Cương hứng khởi đọc những câu thơ của mình: “Năm chục như ta cũng khối người/ Hơn nhau chỉ mỗi bộ râu thôi”; hay “Thơ viết dăm bài vui với bạn/ Sách in mươi cuốn góp cho đời” rồi nhoẻn miệng cười. Ông kể, những năm làm luận án Tiến sỹ tại Nga, ông nhớ da diết làng Quỳnh mà viết ra những câu thơ xúc động: “Bỗng như đâu đây hoa nhài thoang thoảng đưa hương/ Chắc quê ta mùa này hoa nở trắng… Ôi quê hương, ta sẽ về/ Vượt hố bom sâu, vượt cầu giặc phá”. Ông đọc bài thơ được rất nhiều người thuộc để bác lại ý kiến ai đó nói toán học buồn chán khô khan: “Em cắm hoa tươi đặt cạnh bàn/ Mong rằng toán học bớt khô khan/ Em ơi! Trong toán nhiều công thức /Cũng đẹp như hoa lại chẳng tàn”.

Năm nào cũng vậy, không một cuộc gặp gỡ của hội đồng hương sinh viên Quỳnh Đôi nào mà thầy Cương vắng mặt. Biết bao thế hệ sinh viên trưởng thành qua lời căn dặn của thầy.

Lần cuối tôi gặp PGS Văn Như Cương là một ngày đầu xuân Đinh Dậu. Lần đó, thầy Cương vừa mới từ bệnh viện trở về nên còn rất mệt. Ông nằm nghỉ ngơi trong căn phòng phía sau trường Lương Thế Vinh. Tuy đôi tay gầy guộc khẳng khiu vẫn còn cắm cái kim nối ống chuyền nhưng thấy khách vào, ông trở dậy, vẫn với chất giọng Nghệ bao nhiêu năm không thay đổi: “A! Chào nhà báo đồng hương”.

So với lần gặp trước đó nữa, trông ông gầy hơn. Tuy nhiên, bất cứ lúc nào, mệt hay khỏe thì khuôn mặt ấy vẫn toát lên vẻ bình thản và lối nói chuyện thẳng thắn, dí dỏm. Hiếm có ai đang đối mặt với trọng bệnh lại lạc quan và bản lĩnh như PGS Văn Như Cương. Không hề có ý định giấu diếm, ông rất dễ dàng chia sẻ rắc rối lớn về tình hình sức khỏe của mình: “Câu chuyện đó bắt đầu từ cách đây hơn 2 năm. Bác sỹ nói với người nhà của tôi: Thầy bị ung thư gan, chỉ có thể trụ được 3-5 tháng thôi. Gia đình chuẩn bị tinh thần. Tôi không biết điều này nhưng thấy vợ con có thái độ khác thường liền yêu cầu nói thật. Lúc đó, cả nhà mới nói mình bị ung thư. Tôi nghe xong cười và nói: Không, không! Không đúng đâu. Bởi tôi thấy thể trạng mình khá bình thường. Mình tự đọc được cơ thể của mình mà. Rồi tôi lại phải động viên ngược người thân, dẫu có thế đi chăng nữa ta cũng phải chiến đấu, đã 78 tuổi, cũng nhiều rồi. Lúc ấy, có đi cũng chẳng phải lo nghĩ gì nữa. Sống được ngày nào, làm việc ngày ấy”.

Đó là dấu mốc ông bước vào cuộc chiến với căn bệnh ung thư gan. Ông chia sẻ, cho dù là đang nằm viện, thậm chí đang truyền thuốc nhưng cứ đúng ngày khai giảng, Tết Trung thu, ông lại xin phép về với học sinh của mình. “Bệnh viện không cho, tôi bảo không cho mình trốn về. Ngày khai giảng, tôi muốn có mặt để căn dặn đôi điều với các em, ngày trung thu muốn có mặt để ăn bánh cùng các em”. 80 tuổi đời, bạo bệnh vận vào người nhưng ông vẫn miệt mài làm việc, làm việc không ngơi nghỉ. Tôi hỏi ông: “Đã có lúc nào thầy nghĩ đến việc nghỉ ngơi chưa ạ?”. Ông bảo, mình còn sức là còn làm việc. Với mình đó là đam mê và niềm vui.

Trong suốt quá trình làm việc vinh quang của mình, kể cả những năm tháng cuối đời khi sức khỏe yếu dần đi sự trăn trở về giáo dục nước nhà luôn thường trực trong ông, thậm chí câu hỏi lớn đó nhiều lần len vào tận những giấc ngủ trên giường bệnh. Ông buồn buồn: “Nền giáo dục của chúng ta đang gặp vấn đề lớn. Nền giáo dục chúng ta không đáp ứng được yêu cầu đổi mới của xã hội. “Chúng ta đặt câu hỏi “Học để làm gì?”. Hiện chúng ta đang trả lời: “Học để đi thi”. Đó là câu trả lời chưa đúng! Học để làm việc chứ không phải học để đi thi. Hiện học cấp 1 để thi lên cấp 2, cấp 2 để thi cấp 3, cấp 3 thi vào đại học. Đại học lại thi lên nữa. Một nền giáo dục ứng thí”. Những câu chuyện vui buồn về nghề giáo, ngành giáo là mạch nguồn bất tận đối với PGS Văn Như Cương.

Hồi ức của người chị gái

Đầu năm 2018, tôi về Quỳnh Đôi tìm gặp chị gái ruột của PGS Văn Như Cương. Bà Văn Thị Hường cũng là cựu giáo chức, tuy đã ngoài 80 những vẫn minh mẫn, dễ gần và tình cảm như thầy Cương vậy. Mùa xuân này không còn được gặp em, người chị gái của ông bồi hồi xúc động chia sẻ ký ức về người em: “Cậu Cương là con trai út trong nhà. Năm sinh nhật một tuổi, bố mẹ tổ chức lễ để em lựa chọn các đồ vật xem sau này sẽ theo nghề gì. Cả nhà vừa ngạc nhiên và vui mừng khi em chọn ngay cây bút viết. Cứ như thế, như thể tất cả những điều đẹp đẽ đều đã chờ đợi em. Trong những bức ảnh gia đình xưa, cậu Cương tuy còn nhỏ nhưng đã mặc áo sơ mi, quần sooc rất đẹp”.

Bà Hường bảo, hai chị em có rất nhiều kỷ niệm. Bà nhớ tháng lương đầu tiên em trai lĩnh khi bắt đầu đi dạy ở Hà Nội gửi về biếu bố mẹ, rồi những tháng sau đó mua máy khâu về cho các chị may vá kiếm sống. “Tuy nhiên, khi Tết đến xuân về, hình ảnh cậu Cương cõng mẹ mấy chục năm trước khiến tôi nhớ mẹ, nhớ cậu nhất” - bà Hường nói - “Đó là cái Tết cuối cùng bên mẹ bởi tháng 10 năm đó, mẹ đã ra đi mãi mãi. Mùng 1 Tết năm đó, theo lệ thường chúng tôi ra nhà thờ họ, đến chúc Tết anh em, láng giềng. Do trời mưa, đường trơn, mẹ không đi được, vì vậy cậu Cương đã cõng mẹ. Mẹ bảo: “Con buồn cười, để mẹ đi cũng được” bởi cậu Cương trước đó bị gãy chân phải bó bột. Nhưng điều ngạc nhiên khi cõng mẹ, cậu cảm thấy bà nhẹ quá. Mẹ tuy không ốm đau gì nhưng rất nhẹ. Cậu Cương thốt lên: “Trời ơi! Sao tự nhiên mẹ nhẹ bỗng đi thế này”. Mẹ nói: “Người già chỉ có da và xương thì phải nhẹ chứ con lo gì. Mẹ chỉ sợ chân con còn đau không đi xe máy được thôi”. Về nhà, cậu Cương có làm bài thơ cõng mẹ mà nhiều người biết: “Con sáu mươi cõng mẹ chín tư/ Mẹ ơi mẹ nhẹ thế này ư!/Thôi con đừng có lo cho mẹ/ Mẹ sợ chân con sẽ mỏi nhừ””.

Bà Hường kể, lần cuối thầy Cương về quê là dịp Tế tổ đầu xuân 2017. Bà thở dài: “Lần đó, cậu ra Chợ Nồi (khu chợ của làng có từ ngày xưa) tay bắt mặt mừng gặp lại người thân, bà con xóm giềng. Chỉ tiếc một số dự định cho dòng họ Văn còn dở dang…”.

Khởi đầu mới ở Nà Ngao

Những ngày tháng tháng điều trị ung thư cho đến trước khi đi xa mãi, điều PGS Văn Như Cương đau đáu nhất là xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao. Ông đốc thúc mọi việc một cách khẩn trương để sớm xây dựng điểm trường vùng cao để các em được đến trường.

Cuối năm 2017, UBND huyện Bắc Quang (Hà Giang) tổ chức khởi công xây dựng nhà lớp học cho em điểm trường Nà Ngao, Trường Nầm non Đồng Tâm. Đây là công trình do PGS Văn Như Cương và quỹ “Trò nghèo Việt Nam” tài trợ. Chương trình xây dựng “Lớp học cho em” điểm trường Nà Ngao tại thôn Châng, xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang được xây dựng trên diện tích 600m2 với thiết kế một nhà lớp học 4 gian gồm 3 phòng học, một phòng công vụ của giáo viên, một bếp ăn 2 gian, một công trình vệ sinh và sân chơi 100m2 đổ bê tông.

Khi những cánh đào rừng khoe sắc thì công trình nhà lớp học điểm trường Nà Ngao hoàn thành, đã giúp cho cán bộ giáo viên và học sinh của trường có điều kiện học tập tốt hơn.

Đường đến điểm trường Na Ngao phải băng rừng, lội suối nhưng đã gần hơn khi có cây cầu treo được bắc qua. Tuy nhiên, PGS Văn Như Cương đã mãi ra đi, không thể đến thăm được. Tại điểm trường này, các thầy cô giáo sẽ treo ảnh ông với dòng chữ “Nhà giáo Văn Như Cương” để ghi nhớ một cuộc đời hết lòng vì sự nghiệp giáo dục.

PGS Văn Như Cương sinh ra trong một gia đình nhà nho tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm 1954, học xong phổ thông, ông ra Hà Nội học khoa Toán, trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Sau đó, ông trở thành cán bộ giảng dạy tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Ông làm nghiên cứu sinh ngành toán học tại Viện Toán học Steklov, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô và bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ Toán học vào năm 1971. Sau khi về nước, ông làm giảng viên bộ môn Hình học của trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm Vinh.

Năm 1989, ông mở trường Lương Thế Vinh, trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam từ khi Đổi mới.

Nhà giáo Văn Như Cương chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học. Ông là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông (chương trình nâng cao) của Việt Nam. Ông là thành viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam. Ông được Chính phủ công nhận chức danh Phó giáo sư.

Ông mất ngày 9/10/2017 sau 3 năm chống chọi với bệnh ung thư. Hưởng thọ 80 tuổi.

Quang Thành

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Bắt giữ nhóm đối tượng lừa kết hôn với người Trung Quốc để chiếm đoạt quà sính lễ

Bắt giữ nhóm đối tượng lừa kết hôn với người Trung Quốc để chiếm đoạt quà sính lễ

Pháp luật - 51 phút trước

GĐXH - Với thủ đoạn tinh vi, nhóm đối tượng đã tạo dựng màn kịch lừa kết hôn với người Trung Quốc để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hình ảnh 'kinh hoàng' tại các chợ tự phát ở Hà Nội

Hình ảnh 'kinh hoàng' tại các chợ tự phát ở Hà Nội

Đời sống - 1 giờ trước

GĐXH - Chợ tự phát (chợ cóc, chợ tạm) đang mọc lên dày hơn ở nhiều khu đông dân cư tại các đường phố Hà Nội. Con đường nơi có chợ cóc họp thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân xung quanh.

Hà Nội: Tuyến buýt nhanh BRT hoạt động ra sao trước ngày bị "khai tử"

Hà Nội: Tuyến buýt nhanh BRT hoạt động ra sao trước ngày bị "khai tử"

Đời sống - 2 giờ trước

GĐXH - Mặc dù được đầu tư hơn 1 nghìn tỉ đồng, thế nhưng sau nhiều năm hoạt động, tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng về giảm thiểu ùn tắc. Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có đề xuất "khai tử" tuyến buýt nhanh BRT để thay bằng đường sắt đô thị.

Đau lòng hai chị em ruột bị đuối nước thương tâm trong ngày nghỉ lễ

Đau lòng hai chị em ruột bị đuối nước thương tâm trong ngày nghỉ lễ

Xã hội - 3 giờ trước

GĐXH - Ra đầm nuôi trồng thủy sản của người thân chơi, thấy em bị ngã xuống nước, chị gái đã lao xuống cứu em. Do không biết bơi, cả 2 chị em cháu D. bị đuối nước.

Hai đợt gió mùa Đông Bắc liên tiếp sắp dồn xuống miền Bắc sau chuỗi ngày oi nóng

Hai đợt gió mùa Đông Bắc liên tiếp sắp dồn xuống miền Bắc sau chuỗi ngày oi nóng

Thời sự - 3 giờ trước

GĐXH - Theo dự báo thời tiết, tuần tới miền Bắc chuẩn bị đón hai đợt gió mùa Đông Bắc khiến nền nhiệt độ giảm nhẹ và trời đỡ nóng.

Kết quả xổ số - KQXS 3 miền, Vietlott hôm nay thứ Sáu ngày 19/4/2024

Kết quả xổ số - KQXS 3 miền, Vietlott hôm nay thứ Sáu ngày 19/4/2024

Xã hội - 3 giờ trước

GĐXH - Kết quả xổ số hôm nay - KQXS thứ Sáu ngày 19/4/2024: Xổ số miền Nam - XSMN, xổ số miền Trung - XSMT, xổ số miền Bắc - XSMB, xổ số Vietlott - XS Vietlott.

Lại xảy ra đuối nước thương tâm tại Quảng Bình

Lại xảy ra đuối nước thương tâm tại Quảng Bình

Thời sự - 3 giờ trước

GĐXH - Trong lúc tắm ở khe suối, nam sinh sinh lớp 9 lặn xuống đáy rồi mắc kẹt vào đá dẫn đến đuối nước.

Liên tiếp xảy ra giông lốc gây thiệt hại về nhà dân, hoa màu

Liên tiếp xảy ra giông lốc gây thiệt hại về nhà dân, hoa màu

Thời sự - 4 giờ trước

GĐXH - Giông lốc liên tiếp xảy ra ở Quảng Trị khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, hư hỏng, hàng chục hecta lúa bị đổ gãy...

Xe khách cháy rụi trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, kẹt xe kéo dài

Xe khách cháy rụi trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, kẹt xe kéo dài

Thời sự - 4 giờ trước

Chiếc xe chở khách đang chạy trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thì bốc cháy dữ dội, thiêu rụi toàn bộ đồ đạc.

Hải Phòng: Chuyển hướng, xe tải bất ngờ tông một phụ nữ tử vong

Hải Phòng: Chuyển hướng, xe tải bất ngờ tông một phụ nữ tử vong

Thời sự - 4 giờ trước

GĐXH - Trong lúc chuyển hướng, xe tải đã tông trúng một phụ nữ Hải Phòng đi xe đạp dẫn đến nạn nhân tử vong.

Top