Hà Nội
23°C / 22-25°C

Khám phá phong tục đón Tết của người Dao đỏ ở Yên Bái

Chủ nhật, 18:30 03/02/2019 | Xã hội

GiadinhNet - Đến nay, dù đời sống đã phát triển hơn về mọi mặt, song đồng bào người Dao đỏ ở Yên Bái vẫn giữ được tập tục cổ xưa huyền bí. Sáng mùng 1 Tết, cả bản kéo nhau ra rừng chặt những cành đào, cành mận dầy hoa và nhặt những hòn đá trắng đẹp mang về để bên bàn thờ. Họ quan niệm hòn đá ví như tiền bạc, hoa mận, hoa đào tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, gia đình hoà thuận ấm êm hạnh phúc….


Chị em phụ nữ Dao đỏ làm bánh truyền thống- bánh lưng gù

Chị em phụ nữ Dao đỏ làm bánh truyền thống- bánh lưng gù

Ba ngày Tết kiêng không được mở rương hòm

Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 20 tháng Chạp âm lịch hàng năm, gia đình ông Phùng Văn Thọ (ở thôn Tát Én, xã Khai Trung, huyện Lục Yên) lại tổ chức bữa cơm tất niên tổng kết năm cũ và chuẩn bị chào đón năm mới. Ngay từ sáng sớm, anh em họ hàng đã có mặt đông đủ để giúp gia đình làm cơm, chị em phụ nữ trong bộ trang phục truyền thống chuẩn bị lá chít, gạo nếp, đỗ nho nhe, thịt lợn để làm bánh gù - một loại bánh truyền thống của người dân tộc Dao.

“Ngày xưa, người Dao đỏ chúng tôi thường sống trên núi cao, nhưng sau này đã chuyển xuống ở dưới chân núi. Tuy nhiên, phong tục đón Tết và nhiều phong tục khác vẫn được chúng tôi duy trì và truyền từ đời này sang đời khác. Năm nay gia đình tổ chức mổ lợn gần 70kg cùng đàn gà thiến được nuôi từ đầu năm để mời họ hàng đến uống rượu chúc cho nhau mọi điều tốt lành trong năm mới”, ông Thọ nói và cho biết thêm, riêng xã Khai Trung, người Dao đỏ chiếm tỷ lệ gần 70% dân số toàn xã.

Cũng giống như người Kinh và nhiều dân tộc khác, người Dao đỏ ở Yên Bái đón Tết cổ truyền theo lịch âm với tâm niệm, Tết là dịp để cả gia đình được nghỉ ngơi, sum họp. Đây cũng là dịp để họ cúng báo với tổ tiên thành quả lao động, mọi chuyện vui, buồn xảy ra trong năm.

Để chuẩn bị đón một Tết đầy đủ, trước Tết 5 tháng, bà con dân tộc Dao đỏ đã nuôi lợn, gà, chuẩn bị thóc, gạo để dành riêng cho ngày Tết. Họ cũng có tục cúng ông Công, ông Táo như người Kinh nhưng không cúng vào ngày 23 tháng Chạp mà làm chung với lễ cúng tất niên. Chiều 30 Tết, họ làm lễ quét nhà, lau dọn bàn thờ tổ tiên, quét đi những điều không may mắn của năm cũ. Cả gia đình cùng tập trung dọn dẹp, làm cơm để cúng tất niên.

Trên bàn thờ người Dao đỏ lúc nào cũng có nước, rượu và hương đốt liên tục. Tất cả quần áo, đồ dùng trong ngày Tết đều phải lấy ra ngoài trước đêm giao thừa. Ba ngày Tết phải kiêng không được mở rương hòm vì người Dao đỏ quan niệm, như vậy mới giữ lại được những thứ mình làm ra. Họ bắt đầu ăn Tết từ ngày 25 tháng Chạp. Anh em trong họ thay phiên nhau ăn Tết mỗi nhà một ngày khác nhau.

“Tất cả quần áo, đồ dùng trong ngày Tết đều phải lấy sẵn ra ngoài từ trước đêm Giao thừa. Nếu thứ gì quên không lấy ra, ngày Tết sẽ không được lấy ra. Theo tục của người Dao đỏ để lại, trước Tết, người ta sẵn sàng san sẻ, giúp đỡ nhau nhưng trong 3 ngày Tết không bao giờ cho ai thứ gì ngoài mừng tuổi trẻ con và mời ăn uống tại nhà”, bà Triệu Thị Nhậy (ở thôn Ngòi Thuồng, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên) chia sẻ thêm.

Vào những ngày lễ tết đồng bào dùng các loại rễ cây, thân, lá, một số thảo mộc làm men ủ rượu. Lương thực dùng để nấu rượu sau khi được trộn men, đem ủ kỹ trong các chum vại lớn, thời gian ủ kéo dài từ vài tháng đến một năm… Khi chưng cất rượu bà con dùng chảo gang và chõ gỗ cho nên rượu chưng cất rất thơm ngon, có hương vị riêng, đậm đà, người ta gọi là rượu men lá, uống vào rất êm, ngọt làm người uống say lúc nào không biết…

Đặt “tờ giấy lời ước” vào gốc cây đêm giao thừa

Việc thờ cúng tổ tiên được người Dao đỏ ở Yên Bái đặc biệt quan tâm. Bàn thờ tổ tiên được đặt ở một góc trái gian chính nhà giữa nơi sạch sẽ và gọn gàng nhất. Người Dao đỏ coi tổ tiên trong nhà như thần hộ mệnh luôn theo sát và che chở cho họ. Để mỗi gia đình, dòng họ, thế hệ cháu con, nhất là ông trưởng họ luôn nhớ về nguồn gốc, lịch sử truyền thống của dân tộc mình, họ đã dùng chữ Hán nôm để ghi chép lại tất cả những gì diễn ra trong đời người.

Sau bữa cơm tất niên, người Dao đỏ tắm rửa bằng nước được đun với lá và rễ cây với ý nghĩa rũ sạch bụi bẩn, những điều xấu xa của năm cũ để bước vào năm mới sạch sẽ, may mắn hơn. Nếu là những bộ quần áo mặc thường ngày thì người Dao đỏ không quá chăm chút nhưng lễ phục thì lại rất cầu kỳ, công phu với nhiều màu sắc rực rỡ. Chiếc áo lễ phục được xẻ ngực, nẹp áo được thêu, cài bằng khuy bạc, hai ngực áo đính nhiều bông len đỏ. Cổ áo phía sau đính nhiều chuỗi hạt màu. Hai ống quần được thêu hoa văn từ đầu gối trở xuống. Dây lưng được làm từ mảnh vải dài khoảng hai sải tay. Những bộ lễ phục như thế thường là tốn rất nhiều thời gian nên người phụ nữ chỉ làm khi rảnh rỗi và các cô gái đến tuổi cập kê thì phải chuẩn bị cho mình.

Bà Lý Thị Pham (ở thôn làng Sài, xã Trung Tâm, huyện Lục Yên) kể về đêm giao thừa của người Dao đỏ: “Chuẩn bị đón giao thừa, các thành viên trong gia đình thay cho mình những bộ quần áo mới nhất để đón chào năm mới với mong muốn mọi điều an lành, may mắn và khoẻ mạnh. Sau đó đợi đến giờ xuất hành, mỗi thành viên trong gia đình cầm trên tay một mảnh giấy cùng tìm đến một gốc cây to. Chủ nhà sẽ chém ba nhát dao lên thân cây rồi lần lượt từng thành viên nhét những tờ giấy vào thân cây với những lời nguyện ước: Gửi cho cây những điều xui xẻo của năm cũ qua đi, cầu cho năm mới mọi thành viên trong gia đình ai cũng mạnh khoẻ, làm ăn phát tài, lợn gà đầy chuồng, thóc gạo đầy bồ…”.

Theo lời kể, đêm Giao thừa, người Dao đỏ đốt hương, khấn tụng gia tiên, bàn vương và các thánh thần về ăn Tết và phù hộ cho con cháu. Sáng mùng 1 Tết, họ chuẩn bị bữa cơm tươm tất để làm lễ cúng đầu năm mới, sau đó mỗi thành viên trong gia đình đều phải đem theo một tờ tiền vàng hàng mã để đốt ngay khi ra khỏi nhà với tâm niệm đốt đi tất cả những điều rủi ro, không may mắn.

Cũng có tục “xông đất” như người Kinh, nhưng người Dao đỏ đón khách xông nhà bằng rượu. Trước tiên, chủ nhà rót 4 chén tượng trưng cho tứ quý trong năm để chủ và khách cùng uống, cầu chúc những điều tốt lành trong năm mới, sau đó rót tiếp 2 chén để mời và chúc nhau sức khoẻ, những điều may mắn, tốt lành.

Trong những ngày Tết, sau khi đi chúc năm mới những người trong họ và hàng xóm láng giềng thì già trẻ, trai gái lại nô nức kéo nhau về nơi tập trung sinh hoạt cộng đồng, thường là bãi đất rộng, nay là nhà văn hóa thôn bản. Tại đây, bên chén trà đầu xuân, người lớn tuổi cùng nhau ôn lại truyền thống và những phong tục, bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Lớp thanh niên thì chia thành tốp để ca hát, nhảy múa, chơi các trò chơi dân gian… Đặc biệt, đây cũng chính là dịp để những chàng trai, cô gái Dao gặp gỡ, tìm hiểu rồi ướm lời nhau qua những bài hát tỏ tình, giao duyên. Đã có rất nhiều đôi đã nên nghĩa vợ chồng từ những buổi đi chơi Xuân như thế…

Đồng bào Tây Bắc có câu thành ngữ “Người Mông ăn theo mây, người Thái ăn theo nước, người Dao ăn theo lửa” để chỉ đặc tính của các tộc người này là: Người Mông thường sinh sống trên những ngọn núi mây mù, người Thái thường sinh sống ở gần nguồn nước sông, suối, người Dao có nhiều tập tục tín ngưỡng liên quan đến lửa như: Lễ cấp sắc, lễ nhảy lửa...

Ghi chép của Cao Tuấn

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Các trường hợp không được bồi thường tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất

Các trường hợp không được bồi thường tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất

Pháp luật - 37 phút trước

GĐXH - Luật Đất đai mới nhất 2024 (có hiệu lực từ 1/1/2025) quy định cụ thể, rõ ràng các trường hợp không được bồi thường tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất.

Thêm một cơ sở nhà sách Tiến Thọ vi phạm PCCC vẫn ngang nhiên mở cửa đón khách

Thêm một cơ sở nhà sách Tiến Thọ vi phạm PCCC vẫn ngang nhiên mở cửa đón khách

Đời sống - 1 giờ trước

GĐXH - Cơ quan chức năng quận Hoàng Mai (Hà Nội) chỉ tên hàng trăm công trình vi phạm về phòng cháy chữa cháy, trong đó có nhà sách Tiến Thọ số 695 – 697 Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội).

Bắt 6 thanh niên trong vụ 2 học sinh bị đánh nhầm

Bắt 6 thanh niên trong vụ 2 học sinh bị đánh nhầm

Pháp luật - 2 giờ trước

Hai học sinh lớp 11 đang trên đường về nhà thì bị nhóm thanh niên dùng gạch đá, dao phóng lợn, gậy gộc tấn công, bị thương nặng.

Sân bay Nội Bài lọt Top 100 sân bay tốt nhất thế giới

Sân bay Nội Bài lọt Top 100 sân bay tốt nhất thế giới

Thời sự - 2 giờ trước

Đại diện sân bay Nội Bài cho biết đơn vị vừa được tổ chức Skytrax bình chọn là sân bay tốt nhất thế giới năm 2024. Cụ thể, Nội Bài xếp thứ 96, tăng 31 bậc so với năm 2023.

Xịt hơi cay vào mặt chủ tiệm để cướp vàng

Xịt hơi cay vào mặt chủ tiệm để cướp vàng

Pháp luật - 3 giờ trước

Khi chủ tiệm ở TP Phan Thiết (Bình Thuận) vừa lấy vàng từ trong tủ ra, nam thanh niên dùng bình hơi cay xịt thẳng vào mặt. Kẻ gây án cùng đồng bọn cướp đi khoảng 2 cây vàng.

Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh lớp 8 ở Cao Bằng

Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh lớp 8 ở Cao Bằng

Pháp luật - 3 giờ trước

Thấy cháu H. (SN 2011) đang đạp xe trên đường, Thành đi xe máy phía sau dùng tay sàm sỡ khiến cháu H. hoảng loạn.

Trường đại học công lập đầu tiên ở phía Bắc đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024

Trường đại học công lập đầu tiên ở phía Bắc đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024

Giáo dục - 3 giờ trước

GĐXH - Trường đại học đầu tiên ở phía Bắc đã công bố điểm chuẩn học bạ là Học viện Phụ nữ Việt Nam với mức điểm cao nhất là 25,5 điểm.

Độc đáo phố nghề thơm nức tiếng giữa lòng Thủ đô, ghé qua là bớt mệt mỏi, căng thẳng

Độc đáo phố nghề thơm nức tiếng giữa lòng Thủ đô, ghé qua là bớt mệt mỏi, căng thẳng

Đời sống - 3 giờ trước

GĐXH – Giữa lòng thủ đô Hà Nội có một phố nghề độc đáo luôn nức hương thơm. Thứ hương thơm này chỉ cần lướt qua phố nghề đã thấy bớt căng thẳng, mệt mỏi, có cảm giác rất dễ chịu, thư thái.

Người dân Hà Nội và miền Bắc ngán ngẩm kiểu thời tiết thay đổi bất ngờ từ nay đến cuối tuần

Người dân Hà Nội và miền Bắc ngán ngẩm kiểu thời tiết thay đổi bất ngờ từ nay đến cuối tuần

Thời sự - 4 giờ trước

GĐXH - Theo dự báo thời tiết, sau một ngày đón mưa dông nền nhiệt giảm, nắng nóng mở rộng thêm ở khu vực Bắc Bộ. Hà Nội là một trong những điểm tăng nhiệt và xảy ra nắng nóng, mức nhiệt dự báo tăng thêm 3 độ.

Hơn 1.600 ngôi nhà tốc mái ở miền núi phía Bắc

Hơn 1.600 ngôi nhà tốc mái ở miền núi phía Bắc

Đời sống - 5 giờ trước

Đến chiều tối 18/4, những cơn dông, lốc và mưa rào lớn đã làm hơn 1.600 ngôi nhà ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc bị bay mất nóc, tróc mái lợp, thủng dột, hư hại...

Top