Hà Nội
23°C / 22-25°C

Hoàng thành Thăng Long: Bí mật đằng sau lớp đất

Thứ năm, 07:41 04/02/2010 | Xã hội

GiadinhNet - Đêm hôm đó trời mưa tầm tã. Nhóm các nhà khảo cổ ngồi trong lán tạm tại khu khai quật Hoàng thành Thăng Long (18 Hoàng Diệu - Hà Nội) lo lắng nhìn khu đất sũng nước trước mặt.

Ngày mai họ sẽ bắt đầu lật từng thớ đất kia lên. Dưới lớp đất sậm vàng kia liệu có chứa đựng những câu chuyện của Hoàng Thành Thăng Long kỳ bí mà bao người chưa từng biết đến?
 
Từ một vụ mua bán đồ cổ
 

Những chân tảng lớn của lầu ngũ giác


TS Hà Văn Phùng, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ Việt Nam, phì cười khi kể lại chuyện ông được “gạ” bán đồ cổ. Đó là một buổi tối trong khu khai quật 18 Hoàng Diệu, một thanh niên trẻ xách bao tải lớn đến tìm TS Phùng, nói nhỏ: “Chú xem hộ cháu những thứ này có phải là đồ cổ không?”. Lựa những mảnh đồ trong bao tải, giơ ra ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn trong lán, TS Phùng nhận thấy đây toàn là cổ vật. Những mảnh bát với nhiều họa tiết trúc, mai, còn có những phù điêu rồng, phượng. Ông tiên đoán, số cổ vật này thuộc thời Lý, Trần.

Cậu thanh niên thấy sự trầm ngâm trên mặt người nhiều kinh nghiệm về cổ vật thì mừng lắm, hỏi: “Thế chú có mua không, cháu bán rẻ cho?”. Nhà khảo cổ già cười khà bảo, chúng tôi làm khoa học, làm gì có tiền mà mua, chỉ có được tặng để nghiên cứu. Cậu cần tiền, mang đi chỗ khác mà bán. Hỏi thêm vài điều, ông biết được chỗ cổ vật này đào lên từ móng nhà chuẩn bị xây trên đường Lý Nam Đế.

Nhâm nhi thêm ngụm trà, TS Phùng lật giở ký ức tại cuộc khai quật vài năm trước. Toàn bộ những kiến trúc các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn như được vẽ lại dưới từng lớp đất. Các phế tích kiến trúc phát lộ tại khu di tích Hoàng thành gồm nền móng, chân cột, từng đoạn đường gạch, trụ móng sỏi hoặc gạch ngói vụn có chức năng chống lún cho những chân cột lớn. Ngoài ra, còn có hệ thống thoát nước, giếng nước, dòng sông, hồ cổ... Trong nhiều hố khai quật đã tìm thấy các dấu tích kiến trúc và di vật thuộc các thời Lý- Trần – Lê (thế kỷ XI - XVII) nằm chồng lên các di tích kiến trúc và di vật thời Tống Bình- Đại La (thế kỷ VII-IX).
 

Ông J.Koizumi (bìa trái)- nguyên Thủ tướng Nhật Bản thăm khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long.

 
Theo TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ Việt Nam, người trực tiếp tham gia khai quật khu Hoàng thành Thăng Long, hệ thống nền móng kiến trúc tìm được tại khu di tích đều được xây dựng rất kiên cố. Trong đó, nhiều gian có kiến trúc với diện tích trên hàng nghìn mét vuông, được suy đoán là kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần. Theo TS Tín, quy mô Hoàng thành Thăng Long xưa, nếu quan niệm đó là vòng thành được vẽ trên bản đồ thời Lê thì phía Bắc là khoảng đường Phan Đình Phùng; phía Nam là đường Trần Phú; phía Tây nằm ở phía ngoài đường Ông Ích Khiêm, phía Đông khoảng đường Thuốc Bắc. Quy mô đó ước khoảng 140 ha dưới thời Lê. Trước đó, thời Lý-Trần, có thể xê dịch hoặc hơn kém diện tích đó một chút. Thành Hà Nội thời Nguyễn thu nhỏ lại khoảng 100ha.

Bí ẩn Đoan Môn và con đường lát gạch

Bình gốm với hoa văn kỳ lạ thời Trần thế kỷ 13-14

 
Đoan Môn là một kiến trúc rất quan trọng của kinh thành thuộc thời Lý-Trần-Lê, trấn thành thời Nguyễn và cả khi chỉ còn là vị trí của một tỉnh thành. Cuộc khai quật cũng bắt đầu ngay chính giữa cửa Đoan Môn để lần tìm con đường Ngự đạo xưa. Các nhà khảo cổ suy luận về một con đường đi vào bệ rồng nơi Vua ngự, Chúa chầu xưa kia. Nơi mà từ đây ban ra những pháp lệnh ảnh hưởng tới sinh mệnh hàng vạn sinh linh.

Nhà khảo cổ học Đỗ Văn Ninh cho biết, hố khai quật đã mang lại điều kỳ lạ. Ở độ sâu 1,2m, xuất lộ một đường lát đá viên chân tường Đoan Môn. Những viên đá có hình dáng, kích cỡ khác nhau nhưng đều là loại đá màu trắng đục mài nhẵn đẹp. Những viên đá này được xếp theo thứ tự: Ngoài cùng là hàng đá, mỗi viên có cỡ 75x20cm, xếp giật hai cấp, cấp dưới cao 8cm, cấp trên cao 4cm. Tiếp theo là một hàng to cỡ 75x42cm, xếp thành nền. Sau nữa là 6 hàng đá cỡ nhỏ 60x20cm, xếp giật cấp cao dần vào phía chân tường theo độ chếch 450. Ngoài đường viền đá là một  sân gạch vồ xếp liền nhau, chạy theo hướng Bắc - Nam.

Ở độ sâu 1,9m lộ dấu tích một con đường lát gạch “hoa chanh” thời Trần. Hai đường biên dùng gạch vuông cỡ 36x36cm cắm thành những ô vuông gần bằng nhau. Mỗi ô vuông lại cắm hai đường chéo góc như hình cánh hoa chanh. Những ô vuông nối tiếp nhau thành những đường viền hoa chạy dài suốt hai biên tấm thảm. Lòng đường rộng 1,3m được trải hoàn toàn bằng gạch bìa cỡ 36x19cm. Nghiên cứu phần móng càng thấy độ kiên cố của con đường. Ước tính, con đường này được xây trên 12 lớp vật liệu đất trộn gạch, đất trộn sỏi, đất sét, đất lẫn mảnh bao nung đồ sứ... Trung bình, mỗi lớp dày khoảng 8cm, tổng chiều dày của các lớp đất này là 86cm.

Theo TS Ninh, tính theo hướng Bắc - Nam, các nhà khảo cổ học dự đoán con đường này có thể kéo dài hơn nữa và rất có thể đó là con đường từ Đoan Môn đến điện Thiên An thời Trần. Đáng chú ý là trong số gạch lát con đường thời Trần đó có những viên gạch thời Lý được dùng lại. Như vậy, rất có thể Đoan Môn thời Lý, Trần, Lê về cơ bản đã toạ lạc cùng một nơi. Và vào thời Lý cũng có thể có một con đường đi từ Đoan Môn đến điện Càn Nguyên ở cùng vị trí với con đường thời Trần được phát lộ tại cuộc khai quật này.

Những dấu tích cung điện xưa

Những di vật tại Hoàng thành

 
Điều ngạc nhiên khác khiến TS Phùng và TS Tín cũng phải trầm trồ là những móng trụ gia cố chân tảng. Giai đoạn đầu, các hố khai quật phía Bắc khu A trong các lớp đất ở độ sâu trung bình trên dưới 1,5m so với thềm đá Đoan Môn xuất lộ những ô sỏi trộn lẫn đất sét. Sỏi ở đây khá thống nhất về kích thước, chỉ khoảng bằng hoặc to hơn đầu ngón chân cái. Điều này chứng tỏ sỏi đã được chọn lọc rất kỹ. Các ô sỏi có hình gần vuông và ăn sâu xuống lớp dưới, dày trên dưới 1m. Các ô sỏi xuất hiện từ các hố A1 đến A41. Tổng cộng có tất cả 40 ô sỏi, xếp thành bốn hàng dọc. Đây chính là các hố sỏi gia cố dưới các chân tảng đá kê dưới các cột có chức năng chống lún. Nói theo ngôn ngữ kiến trúc xây dựng thì đây là các móng trụ.

Kết quả đo đạc đã giúp khẳng định đây là phế tích của một kiến trúc có bộ khung chịu lực bằng gỗ có bốn hàng chân cột. Theo các nhà khảo cổ đây là một “tòa nhà nhiều gian”. Tiếp tục khai quật về phía Tây của “tòa nhà nhiều gian”  tìm thấy những móng trụ gia cố chân tảng khác. Bố cục của các móng trụ chân tảng này khá đặc biệt: Sáu trụ móng tròn quây quanh một số trụ móng ở chính giữa. Khoảng cách trung bình giữa “tim” của các móng trụ tròn - làm thành một hình lục giác gần đều là khoảng 130cm. Các cụm móng trụ gia cố chân tảng này trải dài suốt mặt phía Tây của “tòa nhà nhiều gian”. Cụm móng trụ gia cố chân tảng này được coi là phế tích của một kiểu “lầu lục giác nhỏ”, được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn.

Theo TS Tín, các chân tảng đều được làm bằng đá sa thạch màu xám. Mặt chân tảng chạm cánh sen mang phong cách nghệ thuật thời Lý. Trên mặt nhiều chân tảng còn rất rõ dấu vết cho biết, cột gỗ dựng trên đó có đường kính 43cm. Theo nhận xét ban đầu, các phế tích kiến trúc ở phía Bắc khu A là của một tổ hợp kiến trúc có liên quan mật thiết với nhau. Bao gồm: “tòa nhà nhiều gian” và một dãy các “lầu lục giác”. TS Tín cho rằng, các dấu tích này đều cùng một niên đại, tương đương vào khoảng thời Lý- Trần ở Đoan Môn. Hơn nữa, xét về mặt kỹ thuật xây dựng, các móng trụ ở đây cũng đều thuộc kỹ thuật của thời Lý và thời Trần. Trong thời Lý, kỹ thuật gia cố sỏi đặc biệt thấy rõ ở chùa Lạng (Hưng Yên), tháp Chương Sơn và tháp Phổ Minh (Nam Định). Điều này còn được khẳng định thêm khi phát hiện một hồ nước có hình gần chữ nhật phía Nam khu “kiến trúc nhiều gian” bị lấp đầy vật liệu thời Lý, Trần.

Những viên gạch kể chuyện lịch sử

Theo TS Đỗ Văn Ninh, vật liệu gạch ngói là loại di vật có số lượng lớn bậc nhất trong Hoàng thành. Điều này cho thấy, công việc xây dựng không lúc nào ngừng suốt những thế kỷ từ thời thuộc Đường (Bắc thuộc) qua các thời Lý- Trần- Lê.

Qua nghiên cứu, TS Ninh phát hiện gạch mang chữ Hán có niên đại sớm nhất là gạch “Giang Tây quân”. Thời nước ta thuộc Đường (thế kỷ VII-IX) hàng năm, cứ vào mùa thu và mùa đông, nhà Đường thường phái nhiều đội quân phòng thủ Lĩnh Nam, gọi là “quân phòng thu” và “quân phòng đông”, chủ yếu là quân vùng Giang Tây sang nước ta. Bọn quan đô hộ bắt quân sĩ xây thành đắp lũy, đóng gạch nung ngói cung cấp cho các công trình xây dựng khi đó. Gạch “Giang Tây quân” gặp rất nhiều trong khu di tích khảo cổ Hoàng thành. Ba chữ “Giang Tây quân” được khắc vào khuôn gỗ rất rõ ràng để rồi in vào gạch khi đất còn ướt mềm.

Tiếp đến là phát hiện loại gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (gạch xây quân thành nước Đại Việt). Đây là loại gạch lần đầu tiên nhìn thấy tại kinh thành Hoa Lư thời Đinh-Lê ở Ninh Bình. Từ bấy đến nay, các nhà khảo cổ đều nghĩ rằng loại gạch này chỉ chuyên dùng ở Hoa Lư. Nhưng khi tìm thấy tại khu khai quật Hoàng thành Thăng Long đã khiến các nhà khảo cổ  phải xem lại những nhận định cũ. Một giả thuyết được TS Ninh đưa ra, phải chăng các triều đình Đinh-Lê đã quản lý và có xây dựng ở đất Thăng Long nên mới để lại những vật liệu xây dựng này? Hoặc Lý Công Uẩn khi đã trở thành Lý Thái Tổ đã điều thợ từ Hoa Lư ra Thăng Long lao động xây dựng kinh đô mới?

Một vấn đề khác nữa khiến TS Ninh trăn trở là liệu có phải kí hiệu những viên gạch là quốc hiệu nước ta thời Đinh-Lê? Sử chép rằng, quốc hiệu nước ta thời Đinh-Lê là Đại Cồ Việt. Quốc hiệu này được ghi lại sớm nhất chỉ từ bộ Đại Việt sử ký toàn thư nửa cuối thể kỷ XV. Các nhà nghiên cứu chữ nôm cho rằng, chữ “Cồ” nghĩa là to lớn, như vậy quốc hiệu này mang hai chữ “lớn”. Quốc hiệu chính ra chỉ là Đại Việt, khi gọi nôm mới là Cồ Việt. Rồi khi chép vào văn tự người ta đã nhầm mà chép cả chữ “Đại” và chữ “Cồ” vào chung một tên. Từ viên gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, có thể nhận định: Việt Nam không có quốc hiệu “Đại Cồ Việt” mà chỉ có quốc hiệu “Đại Việt quốc”. Những viên gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” là di vật có giá trị thuyết phục lớn để chỉnh lý những khiếm khuyết trong sử sách.

Trong cuộc khai quật, các nhà khảo cổ tìm thấy một viên ngói rất quý, chưa từng thấy ở đâu trong các cuộc khảo cổ. Ngói mang sáu chữ “Hoàng Môn thự dận giám tạo”, viết thành hai hàng dọc trong khuôn hình chữ nhật. Chữ viết nghiêm chỉnh, đẹp. Di vật nằm trong lớp văn hóa thời Trần. Các nhà khảo cổ đoán định đây là viên ngói lợp trên mái một điện khá lớn thời Trần. Hoàng Môn thự là tên cơ quan. Hoàng Môn là cấm môn trong cung đình. Cơ quan này quyền lực rất cao tương tự như Môn Hạ sảnh. Trong Môn hạ sảnh có quan Hành khiển, quyền hành ngang Tể tướng. Nguyễn Trãi đã từng được phong chức Đại hành khiển. Có thể coi cơ quan Hoàng Môn thự tương đương như phủ Thủ tướng ngày nay.

TS Ninh khẳng định, viên ngói có in chữ “Hoàng Môn thự” này là một phát hiện mới, có giá trị bổ sung tài liệu về quan chức thời Trần – Lê mà lịch sử còn chép thiếu. Di vật cũng đã chứng minh rằng, việc khai quật trúng Hoàng Môn thự, một cơ quan kề cận nhà vua - tất yếu được xây dựng giữa Hoàng thành. Viên ngói còn là chứng cứ khoa học giải tỏa sự hoài nghi về khu vực khai quật phía Tây đường Hoàng Diệu không phải là Hoàng thành và những di tích kiến trúc đã thấy ở đây không phải là cung điện.

Cả TS Phùng và TS Ninh cho rằng, vẫn còn hàng triệu hiện vật thuộc khu di tích Hoàng thành Thăng Long cần được các nhà khảo cổ, các nhà lịch sử “đánh thức” để kể lại câu chuyện lịch sử dân tộc và lịch sử các triều đại xưa cho đời sau.
 
Mùa thu năm Canh Tuất (1010), vua Lý Công Uẩn sau khi lên ngôi đã dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên là Thăng Long. Kể từ đó, Thăng Long trở thành Kinh đô được xây dựng và phát triển qua nhiều thế kỷ, với các triều đại Lý-Trần-Lê. Năm 1805, vua Gia Long phá bỏ Hoàng thành cũ để xây dựng thành Hà Nội với quy mô nhỏ hơn thành Thăng Long cũ, vì lúc bấy giờ Thăng Long chỉ còn là Trấn Bắc thành, không còn mang tính chất là kinh đô. Năm 1897, người Pháp phá bỏ thành Hà Nội để xây dựng thành phố mới. Do đó, hào thành, móng tường và toàn bộ dấu tích còn lại bị vùi sâu dưới đất cho đến khi có cuộc khai quật vào năm 2002.
 
Khoảng 4 triệu hiện vật được tìm thấy trong khu di tích này đã khiến cho các chuyên gia trong nước và quốc tế phải trầm trồ, ngạc nhiên. Người ta đánh giá rằng, hiếm có khu di tích khảo cổ học dưới đất nào trên thế giới lại có được vẻ đa sắc về thời gian đến vậy. Khu di tích không chỉ có ý nghĩa với Việt Nam mà còn có ý nghĩa với cả thế giới. Ông Bertran Port - chuyên gia phục chế của Viện Viễn Đông Bác cổ tại Phnompenh (Campuchia), nói: "Tôi vô cùng ấn tượng trước số lượng cũng như vẻ đẹp của các di vật với những chạm khắc tinh tế muôn hình muôn vẻ". Chuyên gia khảo cổ học Hàn Quốc Yun Hyeung Won nói: "Tôi tin là khu di tích khảo cổ học lộng lẫy này sẽ được nghiên cứu và công nhận là di sản thế giới trong một tương lai gần".
 
Vân Khánh 
Báo Gia đình & Xã hội Xuân Canh dần
kimngan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Lừa đảo đưa 9 người dân ở Bắc Kạn sang Úc làm việc, một đối tượng quê Hải Dương bị bắt

Lừa đảo đưa 9 người dân ở Bắc Kạn sang Úc làm việc, một đối tượng quê Hải Dương bị bắt

Pháp luật - 50 phút trước

GĐXH - Do nợ nần, Đoàn Văn Trung quê ở Hải Dương lập tài khoản zalo thường xuyên đăng tải hình ảnh về công việc ở Úc với mức thu nhập cao. Khi nạn nhân tin tưởng và chuyển tiền thì chiếm đoạt.

Bắc Kạn: Vận chuyển pháo hoa thuê với giá 2,2 triệu đồng, một đối tượng bị phạt 5 năm tù

Bắc Kạn: Vận chuyển pháo hoa thuê với giá 2,2 triệu đồng, một đối tượng bị phạt 5 năm tù

Pháp luật - 55 phút trước

GĐXH - Vận chuyển pháo hoa với số lượng lớn từ Cao Bằng về Thái Nguyên với giá 2.200.000 đồng, một bị cáo bị xử phạt 5 năm tù giam.

TPHCM chỉ đạo nóng sau vụ trẻ mầm non bị tát, ngồi đè lên bụng, nhét đồ ăn

TPHCM chỉ đạo nóng sau vụ trẻ mầm non bị tát, ngồi đè lên bụng, nhét đồ ăn

Giáo dục - 1 giờ trước

Ngày 24/4, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM có văn bản chấn chỉnh hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo sau vụ bạo hành tại Lớp Mẫu giáo Tí Bo.

Sơn La: Mưa đá phủ trắng ruộng nương, đường sá, gây thiệt hại lớn

Sơn La: Mưa đá phủ trắng ruộng nương, đường sá, gây thiệt hại lớn

Thời sự - 2 giờ trước

GDXH - Trận mưa đá lớn ở xã Lóng Luông và Xuân Nha, huyện Vân Hồ, Sơn La bao phủ đồi núi, ruộng nương gây thiệt hại nặng.

Phát hiện, tạm giữ 3,5 tấn đường kính không rõ nguồn gốc xuất xứ

Phát hiện, tạm giữ 3,5 tấn đường kính không rõ nguồn gốc xuất xứ

Pháp luật - 2 giờ trước

GĐXH - Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng của Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình phát hiện, tạm giữ 3,5 tấn đường không rõ nguồn gốc xuất xứ.

3 học sinh dựng hiện trường tự tử khiến nhiều lực lượng mò dưới kênh suốt nhiều giờ

3 học sinh dựng hiện trường tự tử khiến nhiều lực lượng mò dưới kênh suốt nhiều giờ

Xã hội - 2 giờ trước

GĐXH - Nhận được thông tin nghi có học sinh tự tử trên kênh N2 (địa bàn xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) các lực lượng chức năng đã khẩn trương xuống kênh để mò tìm suốt nhiều giờ.

Phát tán video ‘nhạy cảm’ khi người yêu cũ có bạn trai mới: Hành vi đê hèn

Phát tán video ‘nhạy cảm’ khi người yêu cũ có bạn trai mới: Hành vi đê hèn

Pháp luật - 2 giờ trước

GĐXH - Bực tức vì người yêu cũ có người yêu mới, Thức đã phát tán video "nhạy cảm" lên mạng xã hội với mục đích trả thù.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu công an làm rõ vụ 2 phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu công an làm rõ vụ 2 phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp

Pháp luật - 3 giờ trước

GĐXH - Trong quá trình tác nghiệp ghi nhận vụ cháy nhà xưởng trên địa bàn xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội, 2 phóng viên thuộc 2 cơ quan báo chí đã bị một nhóm đối tượng lăng mạ, hành hung.

Dự án tàu điện không ray được đề xuất triển khai tại Hà Nội có gì đặc biệt?

Dự án tàu điện không ray được đề xuất triển khai tại Hà Nội có gì đặc biệt?

Đời sống - 3 giờ trước

GĐXH - Tàu điện không ray là một loại hình vận tải hành khách công cộng mới được đề xuất áp dụng vào mạng lưới giao thông công cộng thành phố Hà Nội. Tàu không chạy trên đường ray truyền thống mà thay thế bằng đường ray ảo với công nghệ hiện đại.

Mua súng về để bắn chim, nam thanh niên bị phạt tù

Mua súng về để bắn chim, nam thanh niên bị phạt tù

Pháp luật - 3 giờ trước

GĐXH - Sau khi đặt mua một khẩu súng dạng côn xoay trên mạng xã hội với mục đích dùng bắn chim, nhưng Nguyễn Văn Hưng không ngờ hành vi của mình đã vi phạm pháp luật.

Top