Hà Nội
23°C / 22-25°C

Giao lưu trực tuyến về Y đức và cuộc sống

Thứ sáu, 10:34 27/02/2009 | Xã hội

Giadinh.net - Dù rất bận rộn với công việc nhưng đúng 8h30 sáng 27/2, PGS. TS Trần Thúy Hạnh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức và TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW đã có mặt tại tòa soạn Báo Gia đình & Xã hội để tham gia buổi giao lưu trực tuyến.

 
Tổng biên tập báo Gia đình & Xã hội Lê Cảnh Nhạc đã đón tiếp và chúc mừng các khách mời nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, đồng thời giới thiệu với các khách mời về chùm tin bài đặc biệt của báo chào mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam.
 
Đúng 9h, buổi giao lưu trực tuyến với về Y đức và cuộc sống bắt đầu.
 
Lãnh đạo báo Gia đình và Xã hội tặng hoa cho các vị khách mời tại buổi giao lưu. (Từ trái qua phải: Tổng Biên tập Lê Cảnh Nhạc, TS. Nguyễn Viết Tiến, PGS. TS. Trần Thúy Hạnh và PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết).

Chương trình được tài trợ bởi Oriental Star - Văn phòng đại diện Bệnh viện Raffles Singapores.

 
Trần Phương - phuongnam@yahoo.com - Nam 19 tuổi:

Cháu là một sinh viên ngành y, xin hỏi bác Hạnh về những yêu cầu cần có của Người thầy thuốc khi thực hiện y đức?

PGS. TS Trần Thúy Hạnh:

Y đức là phẩm chất tốt đẹp, cao quý của những người hành nghề y. Từ xa xưa, trong những lời thề của Hy-pô-crát đã đề cập đến y đức “Tôi sẽ giữ gìn sao cho đời sống và nghề nghiệp của tôi được trong trắng và thánh thiện”.

Ở nước ta, y đức được các danh y như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông nêu lên từ những thế kỷ trước “Coi nghề thầy thuốc mà tôi đã tự chọn như một con đường cứu người và giúp đời, chứ không xem như một phương tiện thương mại”. Nó biểu hiện truyền thống nhân ái, trân trọng đạo lý, quý trọng con người của dân tộc Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến y đức, Người là hiện thân của đạo đức cách mạng trong sáng đối với ngành y. Người luôn luôn quan tâm giáo dục những người làm công tác y tế về vấn đề y đức.

Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế tháng 2/1955 Người viết: "Phải thương yêu, sǎn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn, lương y phải như từ mẫu". Y đức là vấn đề trung tâm, vấn đề cốt lõi trong quan điểm về y tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 11 năm 1996, Bộ Trưởng bộ Y tế đã quy định “12 điều Y đức”- là tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế.

Hoàng Thu Hà - hoangha@yahoo.com - Nữ 32 tuổi:

Xin bác sĩ cho biết những yêu cầu cần có của Người thầy thuốc khi thực hiện y đức?

PGS. TS Trần Thúy Hạnh:

Là một người thầy thuốc, khi lựa chọn nghề này cần tâm niệm rằng phải hết sức mình cố gắng cứu chữa cho người bệnh, thấu hiểu hoàn cảnh của người bệnh để cảm thông với đau đớn của họ, họ cần sự giúp đỡ của người cán bộ y tế, người bệnh nặng không được phân biệt giàu nghèo thực hiện công bằng trong khám chữa bệnh.

Trong cuộc sống hiện nay, dưới những ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường đã có những tác động tới người cán bộ y tế. Trước những cám dỗ của kinh tế thị trường, đồng lương và thu nhập còn thấp, bệnh nhân đến bệnh viện có nhiều phương thức phải trả tiền thì những tác động tiêu cực dù ít hay nhiều cũng đã làm ảnh hưởng tới người thầy thuốc. Đồng tiền và quà cáp biếu xén cũng đã tác động tới quan hệ đối xử của người thầy thuốc đối với bệnh nhân.

Từ những việc nhỏ như thiếu sự niềm nở và lịch sự trong giao tiếp (nói trống không, thiếu lễ phép và thiếu chủ động hướng dẫn cho người bệnh…) nặng hơn thì thờ ơ với nỗi đau của người bệnh, viện cớ khó khăn và thiếu thốn, ỷ vào sự cứng nhắc về hành chính mà gây phiền hà cho người bệnh, nặng hơn nữa là thiếu trách nhiệm trong theo dõi, chăm sóc cho người bệnh, bỏ vị trí làm việc để xảy ra những sai sót về kỹ thuật và gây ra tai biến cho người bệnh, bắt chẹt người bệnh bằng cách ép người bệnh về chữa tại phòng mạch tư của riêng mình, kê đơn thuốc đắt tiền và móc nối với hiệu thuốc để lấy tiền hoa hồng, vòi vĩnh quà cáp và tiền của người bệnh….đều đã để lại ấn tượng không tốt đẹp về y đức của người thầy thuốc.

Chính vì vậy, người cán bộ y tế phải đấu tranh với bản thân mình, phải trung thực khi thanh toán các chi phí khám và chữa bệnh, kê đơn thuốc phải phù hợp với chẩn đoán và đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, không lạm dụng các xét nghiệm đắt tiền để đỡ chi phí tốn kém cho người bệnh. Mặc dù công việc căng thẳng, sức ép nặng nề, bệnh nhân quá tải dễ là cho người thầy thuốc trở nên mệt mỏi, lãnh cảm, thờ ơ với người bệnh thì người thầy thuốc cần đề cao trách nhiệm cá nhân cũng như gắn liền với trách nhiệm của cả tập thể để động viên thầy thuốc hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Chị Nguyễn Thị Nguyêt, Mỹ Hào, Hưng Yên (có con nhỏ đang điều trị tại BV Nhi Trung Ương):
 
“Các bác sĩ ở đây nhiệt tình quan tâm đến cháu lắm. Con tôi ở đây 9 ngày nhưng không mất tiền viện phí và tiền thuốc nên yên tâm lắm, gia đình chỉ lo thêm tiền ăn ở của người lớn và tiền bồi dưỡng cho cháu thôi. Tôi cũng mong rằng, ngày càng có nhiều bác sĩ có kinh nghiệm, ít nhất là 1-2 năm trong nghề, chăm sóc chữa trị cho các cháu.”
Vũ Mạnh - vumanh@yahoo.com - Nam 33 tuổi:

Tôi thấy vấn đề y đức của các y bác sỹ rất quan trọng vì họ là những người chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Chỉ cần một sai phạm nhỏ của họ cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới người bệnh. Vậy cần có những điều kiện gì, chế tài như thế nào để đủ sức ngăn chặn những hành vi đó?

PGS. TS Trần Thúy Hạnh:

Trong bất cứ ngành nghề nào, khi thực thi nhiệm vụ công chức đều phải có đạo đức nghề nghiệp, nhưng có lẽ nghề y là nghề cần đề cao đạo đức nghề nghiệp hơn tất cả. Không nghề nào quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe và tính mạng con người như nghề y. Không nghề nào mà sai lầm hay thiếu sót ảnh hưởng lớn đến sự sống còn, đến sức khỏe con người như nghề y.

Mọi nghề đều có thể làm ra sản phẩm không đủ tiêu chuẩn, có thể có hàng thứ phẩm. Riêng ngành y, chỉ cần một sai sót nhỏ cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới người bệnh, một cử chỉ vô tình, một thái độ thờ ơ cũng làm tổn thương sâu sắc tới người bệnh và người thân của họ. Chỉ cần quên một miếng gạc trong bụng người bệnh có thể dẫn đến chết người, trả nhầm kết quả xét nghiệm của người này cho người kia cũng làm thay đổi hoàn toàn hướng chẩn đoán và điều trị bệnh.

Vì vậy, để phòng ngừa và ngăn chặn những hành vi vi phạm y đức đó, các thầy thuốc thường xuyên tu dưỡng đạo đức của người thầy thuốc và cùng đơn vị tìm giải pháp, thực hiện các quy định về y đức, quy tắc ứng xử và các quy trình quy phạm chuyên môn, chức năng nhiệm vụ của từng người. Bệnh viện thường xuyên giám sát kiểm tra thực hiện, nâng cao chất lượng điều trị, xây dựng “bệnh viện văn hóa”, đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng động viên về vật chất và tinh thần, điều chuyển cán bộ y tế, cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục người bệnh.Gia đình cùng có trách nhiệm với bệnh viện và quan hệ tốt với thầy thuốc tạo môi trường lành mạnh, tôn vinh thầy thuốc để người thầy thuốc giữ phẩm chất trong sáng của mình.

Đối với xã hội cần quan tâm đầu tư thích đáng, thực hiện chính sách xã hội quan tâm về vật chất và tinh thần đối với cán bộ y tế để người thầy thuốc phát huy tối đa khả năng cống hiến của mình cho sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các bệnh viện nên đưa ra các quy trình xử lý công việc chuẩn mực để hạn chế tối đa sai sót về chuyên môn và quản lý có thể xảy ra, thường xuyên đi sâu sát nắm tình hình và uốn nắn kịp thời.

Và cuối cùng là giáo dục y đức thường xuyên để làm sao y đức thực sự trở thành một phần không thể thiếu được trong tiềm thức mỗi người cán bộ y tế.
 
PGS. TS. Trần Thúy Hạnh đang trả lời các câu hỏi giao lưu.

Nguyễn Phương Minh - minh_09_12@yahoo.com - Nam 35 tuổi:

Tôi thấy nhiều bác sĩ viết chữ xấu quá. Hôm trước tôi đi khám và bị chuẩn đoán là viêm Amidan. Đơn thuốc bác sĩ ghi tôi dịch mãi chẳng được. Hỏi lại thì ngại bác sĩ khó tính. Ra hiệu thuốc mua rất may họ dịch được. Về nhà không yên tâm tôi lại phải tra lại từng từ, từng loại thuốc một xem có đúng không. Xin hỏi có giải pháp nào không ạ? Hoặc tôi nên ứng xử sao trong trường hợp này ạ? Cảm ơn bác sĩ.

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết:

Tôi rất đồng cảm với ý kiến này. Ngay cả bệnh viện chúng tôi cũng có hiện tượng đó. Vấn đề người quản lí phải nghiêm, uốn nắn không bỏ sót những khuyết điểm nhỏ. Tuy nhiên nhắc nhở nhưng phải vị tha - nhắc để sửa không phải để theo dõi. Với riêng trường hợp này tốt nhất bệnh nhân nên góp ý thẳng thắn với BS. Nếu cần thiết báo với lãnh đạo bệnh viện để họ uốn nắn kịp thời.

Đào Thiện Hải - truongthidaohaintnn@hotmail.com - Nam 28 tuổi:

Chính sách y tế hiện tại có điều gì khó khăn khiến các BS không thể nuôi dưỡng tâm huyết, nhiệt tâm cho nghề không? Mong BS có một câu trả lời thẳng thắn!

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết:

Với cương vị người cầm dao mổ, khám chữa bệnh điều trị cho bệnh nhân. Theo Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị... Nghề y là nghề đặc biệt, học thì lâu, làm việc vất vả nhưng đồng lương đãi ngộ chưa tương xứng. Nhiều người không sống nổi bằng nghề có lúc chưa tâm huyết với nghề. Đừng nghĩ rằng có tiêu cực, có người cả đời điều trị cho bệnh nhân nhưng không nhận một phong bì nào. Đó là đạo đức và sự liêm sỉ của những Thầy thuốc chân chính đích thực.

Với cương vị một người quản lí ở cơ sở: Chúng tôi nghĩ rất nhiều nhưng làm chưa tương xứng vì còn cơ chế chính sách. Hiện cơ chế chính sách có chỗ chưa theo kịp thực tế. Nên chăng trao cơ chế, trao quyền và kiểm tra ngặt nghèo để phát huy tối đa tự chủ, sáng tạo của những nhà chuyên môn.
 
PGS TS Nguyễn Tiến Quyết trả lời câu hỏi của độc giả.

Hường Lê - lehuong@yahoo.com - Nữ 22 tuổi:

Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện các quy tắc ứng xử đối với CBCNV như thế nào ạ? Bà có hy vọng gì khi triển khai thực hiện các quy tắc ứng xử này?

PGS. TS Trần Thúy Hạnh:

Ở bệnh viện chúng tôi, từ năm 2002 đã biên soạn tài liệu tập huấn về kỹ năng giao tiếp để tập huấn cho cán bộ, viên chức bệnh viện. Từ đó tới nay bệnh viện thường xuyên tổ chức tập huấn cho các cán bộ mới vào nghề, định kỳ khảo sát đánh giá sự hài lòng của người bệnh đối với cán bộ nhân viên bệnh viện, hàng tháng tổ chức các buổi giao ban nhắc nhở các đơn vị trong bệnh viện phải có tinh thần trách nhiệm, thái độ ân cần chu đáo với người bệnh.

Khoa Khám bệnh của bệnh viện chúng tôi là nơi tiếp nhận bệnh nhân từ các bệnh viện tuyến tỉnh toàn bộ khu vực phía Bắc chuyển về, hàng ngày lưu lựợng bệnh nhân đến khám và điều trị hàng chục nghìn người, đa phần là bệnh nhân ở xa , để giải quyết hết số bệnh nhân trong ngày, bệnh viện đã bố trí làm việc sớm lên 1 tiếng và về muộn hơn 1 tiếng, nhờ đó mỗi ngày bệnh viện đã giải quyết khám thêm gần 1000 bệnh nhân, không để người bệnh phải chờ đợi sang ngày hôm sau. Bệnh viện còn bố trí nhiều điểm hướng dẫn tạo thuận lợi cho người đến khám bệnh.

Khi Quy tắc ứng xử ban hành, Bệnh viện đã gửi quy định này cho tất cả các đơn vị trong bệnh viện để các đơn vị trong bệnh viện phổ biến đến mọi cá nhân trong đơn vị. Việc tổ chức thực hiện Quy tắc này được thực hiện thường xuyên để các cán bộ y tế đều có thái độ ứng xử tốt, chu đáo ân cần đối với người bệnh, không chỉ làm theo phong trào, mà làm đều đặn thường xuyên để tạo sự thay đổi chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử.

Cụ thể chúng tôi đang xây dựng các quy trình, hướng dẫn phác đồ điều trị cấp cứu và năm 2009 đặt tiêu chí 50% các đơn vị của Bệnh viện thực hiện ISO, quản lý chất lượng dịch vụ và giám sát việc thực hiện. Quy tắc ứng xử đã quy định rất rõ những việc cán bộ, viên chức y tế phải làm, không được làm, ứng xử chung, ứng xử với người bệnh và gia đình người bệnh, ứng xử với đồng nghiệp, ứng xử của cán bộ lãnh đạo đơn vị.

Đây là những chuẩn mực về y đức trong ứng xử, khá chi tiết, cụ thể. Nếu như tất cả các cơ sở y tế nghiêm túc thực hiện quy tắc này thường xuyên và với từng cán bộ làm việc trong các cơ sở y tế: từ bác sỹ, y tá, hộ lý, đến nhân viên hành chính, nhân viên thu tiền, bảo vệ, người trông giữ xe… và mỗi người nhận thức được ý nghĩa nhân văn trong đó để thể hiện bằng hành động, tình cảm của mình chứ không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ thì tôi tin rằng nghề y sẽ trở thành nghề cao quý như đúng nghĩa của nó, người cán bộ y tế sẽ được người dân tôn trọng, tin yêu. Rèn luỵện y đức nói riêng và đạo đức nói chung đều phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất

(Nghệ sĩ Xuân Dịu - Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, đang điều trị tại Bệnh viện 198 Bộ Công An):
 
“Thầy thuốc của bệnh viện nào cũng thế, đều theo lời dạy của Hồ Chủ tịch – “Lương y như từ mẫu”, họ luôn hết lòng vì bệnh nhân, vì nhân dân. Còn chuyện phong bì phong bao ở bệnh viện chỉ là chuyện người ta nói, nếu có, theo tôi cũng chỉ là thiểu số.”
Trần Hạnh Thùy - hanhthuy@yahoo.com - Nữ 35 tuổi:

Tôi xin hỏi: Y đức của người thầy thuốc có cần phải đặt ra khi thầy thuốc ở ngoài giờ làm việc? Ví dụ như đang ở đâu đó như một công dân bình thường, không ai biết mình là thầy thuốc chẳng hạn?

TS Nguyễn Viết Tiến:

Đã nói về Y đức của người thầy thuốc thì phải thể hiện y đức ở trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, kể cả trong khi làm việc ở bệnh viện hay khi ở những nơi công cộng, ví dụ như khi gặp một người bệnh dù không phải là ở bệnh viện nhưng nếu mình có khả năng cứu chữa được họ mà không tham gia vào thì theo tôi cần phải xem xét lại người thầy thuốc đó và người thầy thuốc đó không thể xứng đáng là người thầy thuốc có y đức.

Tuấn Nghĩa - tuannghia@vnn.vn - Nam 31 tuổi:

Thưa Tiến sĩ, nghe nói các bệnh viện lớn đang có những hoạt động luân chuyển cán bộ y tế từ tuyến trên về các bệnh viện khó khăn tuyến dưới? Mục đích của các hoạt động này là gì? Bệnh viện Việt Đức có thực hiện việc luân chuyển này không? Ở tuyến trên và tuyến dưới, tuyến nào khó thực hiện y đức hơn?

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết:

Hiện nay theo chỉ đạo của Bộ Y tế đang thực hiện Đề án 1816 “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”. Đây là việc làm đúng, chỉ cần tổ chức tốt, có chính sách rõ ràng sẽ rất có hiệu quả. Mục đích là giúp tuyến dưới khám chữa bệnh, đào tạo tại chỗ để người bệnh tiếp cận nhanh nhất với Thầy thuốc có tay nghề cao, để họ khỏi phải đi lên tuyến trên, đồng thời giảm tải cho tuyến trên. Khắc phục dần sự chênh lệch về trình độ tuyến trên và tuyến dưới.

Bệnh viện HN Việt Đức chúng tôi đã thực hiện Đề án (ĐA) bệnh viện vệ tinh từ năm 2004 với 06 bệnh viện vệ tinh. Thực hiện đề án này rất có hiệu quả. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải chỉ đạo tuyến dưới. Ngoài 06 bệnh viện vệ tinh, tại thời điểm này chúng tôi đang có người đi thực hiện theo ĐA 1816 (ở các nơi 08 bệnh viện) là: Nam Định, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lai Châu, Yên Bái, Tuyến Quang. Ngoài ra chúng tôi còn có đội cấp cứu lưu động sẵn sàng chi viện cho tuyến dưới khi cần thiết.

Ở tuyến trên và tuyến dưới tuyến nào thực hiện y đức dễ, tuyến nào thực hiện y đức khó. Riêng ý kiến tôi tuyến trên dễ thực hiện Y đức hơn tuyến dưới vì:

Tuyến trên phần lớn là những Thầy thuốc giỏi, có tay nghể cao được học tập ở nhiều nước, họ có thu nhập ổn định yên tâm sống bằng nghề. Họ mưu cầu nhưng cái lớn về phấn đấu, nghiên cứu khoa học. Được quản lí chặt chẽ thực hiện Y đức tốt. Có rất nhiều bệnh nhân cho biết lên tuyến trên không có phiền hà gì.
 

Ths, BS.Nguyễn Bích Hoàng, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa TƯ Thái Nguyên đi luân phiên tại Bệnh viện Võ Nhai theo Đề án 1816 từ 17/10-26/12/2008. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng theo BS Hoàng, thời gian 3 tháng đi luân phiên là khoảng đời đẹp trong cuộc đời bác sĩ, bởi anh biết mình giúp được nhiều bệnh nhân nghèo.

Bác sĩ Hoàng kể: Có bệnh nhân sơ sinh bị ngạt nặng sau khi được sinh ra đời, cháu bé đã ngừng tim. Lúc đó cần thiết lập một đường truyền tĩnh mạch, song do bị ngạt nên không thấy ven. Tình trạng quá nguy hiểm, nếu không thiết lập được đường truyền, nguy cơ cháu bé tử vong rất cao. Ngay lập tức, BS Hoàng cắt rốn, rồi tạo đường truyền tĩnh mạch qua rốn và đã cứu sống được bệnh nhân.

Có một ca đẻ, em bé bị ngạt suýt chết, lại bị vàng da, nhưng nhờ BS Hoàng mà hai mẹ con qua khỏi cơn nguy kịch. Bố cháu bé biết ơn bác sĩ lắm, ngay sau khi bác sĩ ra khỏi phòng đỡ đẻ đã mời anh đi ăn cháo. Anh lịch sự từ chối. Sáng hôm sau, người nhà bệnh nhân lại mời anh ăn sáng. Anh vẫn từ chối. Tết Kỷ Sửu, ông bố này xuống tận nhà anh ở Thành phố Thái Nguyên bày tỏ lòng cảm ơn và biếu anh hơn chục cân gạo nương. Trị giá món quà không to, nhưng anh thấy quý tấm lòng của gia đình người bệnh vô cùng.

Phạm Thị Xuân - phamxuan315@gmail.com - Nữ 29 tuổi:

Tôi là cử nhân khoa Hóa học, tôi rất thích nghành hóa dược và đam mê thích thú những nghiên cứu liên quan đến sức khỏe con người, nhưng vì điều kiện nên tôi ko được làm vệc mà tôi yêu thích đó. Nhưng tôi luôn muốn biết khi dùng thuốc trị bệnh cho bệnh nhân, bác sỷ và dược sỷ có tìm hiểu kỷ những phản ứng của những hoạt chất trong thành phần của thuốc với các tết bào của các cơ quan nội tạng của cơ thể? Muốn biết được diều đó thì bác sỷ và dược sỷ tìm hiểu ở đâu?

PGS. TS Trần Thúy Hạnh:

Bạn học về hóa và bạn quan tâm tới điều đó rất quan trọng. Bởi trong ngành y có rất nhiều các vấn đề có liên quan tới hóa như hóa sinh, hóa dược... và khi dùng thuốc trị bệnh cho bệnh nhân thì bác sĩ cũng như dược sĩ luôn được học và hiểu các phản ứng trong thành phần của thuốc có liên quan tới vấn đề trị bệnh có liên quan tới nội tạng. Khoa dược bệnh viện Bạch Mai đã làm tốt vấn đề này, kết hợp với trường ĐH Dược HN và bộ phận dược lâm sàng luôn thông tin cho các thầy thuốc về sự phối hợp cách sử dụng thuốc một cách hiệu quả.

Nếu bạn muốn tìm hiểu, mời bạn liên hệ tới Khoa dược, bộ phận Dược lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai.

hung_lt - hung_lt_1982@yahoo.com - Nam 29 tuổi:

Cả nước ta đang hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, vậy trong ngành y, cụ thể là ở Bệnh viện của bác sĩ đã thực hiện điều gì cụ thể để làm theo tấm gương của Bác?

TS Nguyễn Viết Tiến:

Cả nước ta đang dấy lên phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngành Y là một trong những ngành rất cần được học tập, rèn luyện thường xuyên. Bệnh viện Phụ sản TW chúng ta là một trong những bệnh viện học tập và làm theo chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Và ngay tại Bệnh viện chúng tôi, việc học tập này không phải là những điều cao xa mà là những hành động rất giản dị, bình thường mà tôi cho rằng có ý nghĩa sâu sắc, nhân đạo. Chúng tôi cũng thường nêu cao những tấm gương biết khắcphục khó khăn, thực hành tiết kiệm và đặc biệt là biết động viên, chia sẻ, an ủi những người bệnh.

Và một điều không thể thiếu là thường xuyên học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn của mình. Có như vậy mới có thể trở thành những người thầy thuốc "vừa hồng vừa chuyên" - đấy là những người nhân dân ta rất cần.
 
TS Nguyễn Viết Tiến đang trả lời các câu hỏi giao lưu.

Ban Mai - hoangthuong@yahoo.com - Nữ 29 tuổi:

Thưa bác sỹ, có rất nhiều tấm gương bác sỹ tận tụy với người bệnh, giúp người bệnh vượt qua được bệnh hiểm nghèo. Vậy các BV đã làm gì để động viên, khuyến khích các BS và nhân rộng hơn nữa những cá nhân như vậy?

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết:

Hiện nay, trong bệnh viện Việt Đức có rất nhiều tấm gương bs phục vụ bệnh nhân, không quản ngày đêm, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ điều gì. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế của ta còn khó khăn, về cơ sở vật chất cũng là một vấn đề. Nhưng quan trọng hơn là lãnh đạo, quản lý trong đơn vị hãy biết phát huy trí tuệ và khả năng của mọi người, động viên các y bác sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Người thầy thuốc chân chính, với họ không đơn thuần là vật chất, niềm vui giản dị của họ là khi giúp đỡ bệnh nhân vượt qua những căn bệnh hiểm nghèo.

Thùy Trang - trangthuy@gmail.com - Nữ 26 tuổi:

Có khi nào, với cương vị là một người bác sỹ, bà cảm thấy áy náy vì có thể làm tốt hơn cho người bệnh nhưng đã không làm được?

PGS. TS Trần Thúy Hạnh:

Từ khi là bác sĩ điều trị, tôi đã cố gắng hết sức để phục vụ bệnh nhân chia sẻ và cảm thông với người bệnh về những nỗi đau của họ. Và cũng tham gia các nghiên cứu khoa học, đọc sách để cập nhật và nâng cao kiến thức giúp cho công tác điều trị đạt hiệu quả tốt nhất đối với người bệnh.

Đến khi tham gia quản lý, tôi cũng luôn trăn trở về điều đó, làm thế nào để phục vụ bệnh nhân một cách tốt nhất. Nhưng cũng có những lúc tôi cảm thấy áy náy vì có những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, các thầy thuốc và bệnh viện hết lòng cứu chữa chăm sóc, nhưng vì tình trạng bệnh quá nặng, bệnh nhân cũng không qua khỏi. Những điều này làm tôi và các bạn đồng nghiệp cảm thấy rất buồn.

Nguyễn Anh Tuấn - tuandhbk@yahoo.com - Nam 24 tuổi:

Thưa PGS. TS. Nguyễn Tiến Quyết, BV Việt Đức là một trong những BV đầu ngành của cả nước, hàng ngày tiếp nhận rất nhiều các ca bệnh nặng, vậy đội ngũ các BS của BV đã phải nỗ lực và hi sinh như thế nào để tận tụy, hết lòng với bệnh nhân?

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết:

Đây là câu hỏi rất hay. BV VĐ là đầu ngành về ngoại khoa. Hiện nay BV có 160 giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ công tác ở tất cả các khoa, phục vụ bệnh nhân. Một ngày, chúng tôi thực hiện 120-140 ca mổ, với 30 bàn mổ họat động liên tục, với cường độ làm việc "căng" thì người bác sĩ phải rất tận tụy, năng động sắp xếp thời gian công việc hợp lý, làm thế nào để vừa cứu bệnh nhân, đồng thời học tập nâng cao trình độ, đào tạo thế hệ tương lai. Trong bệnh viện chúng tôi, hầu như các bác sĩ không nghỉ phép, chỉ có những buổi nghỉ đột xuất. Công việc luôn cuốn hút chúng tôi. Chúng tôi luôn lấy môi trường bệnh viện là nơi học tập, lao động cống hiến, chia sẻ giúp đỡ bệnh nhân giúp họ vượt qua khó khăn nhanh nhất.

Đình Chung - chung_thuy_235@yahoo.com - Nữ 26 tuổi:

Các bệnh nhân mắc các căn bệnh hiểm nghèo, có rất nhiều người nghèo. Ngoài các hỗ trợ từ bảo hiểm y tế (nếu họ có) thì các bệnh viện đã có những chính sách, chế độ nào để hỗ trợ thêm cho họ chưa?

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết:

Ngoài chính sách BHYT, ở BV Việt Đức chúng tôi có quỹ "Vì người nghèo" để giúp đỡ bệnh nhân. Trong năm 2008, chúng tôi đã miễn giảm viện phí và hỗ trợ người nghèo được gần 3 tỷ, đặc biệt là với bệnh nhân vùng sâu vùng xa, hoàn cảnh khó khăn.
 

Đỗ Minh Hà - Email:dominhha@mail.ru - Nam 27 tuổi:

Kính gửi các GS!Theo tôi, tình hình đời sống văn hoá, xã hội và khoa học - kỹ thuật thay đổi liên tục theo thời gian, thi tiêu chí về Y đức của từng thời kỳ cũng sẽ khác nhau. Vậy xin các GS có thể cho tôi biết quan niệm về Y đức đối với ngành Y tế VN tại các thời kỳ (nhà nước phong kiến VN, thời kỳ Pháp thuộc, thời kỳ xây dựng chủ nghĩa XH, thời kỳ đồi mới từ năm 86 đến năm 2005, và thời kỳ từ sau 2005 tới này). Và nhận định của các GS về quan điểm Y đức trong thời gian sắp tới, khi cơn bão khủng hoảng sẽ ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế nước ta.

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết:

Đây là câu hỏi rất hay!

Nhưng theo tôi, dù bất kỳ ở thời kỳ nào thì tiêu chí của người thầy thuốc vẫn đặt lên hàng đầu. Người thầy thuốc ở thời kỳ phong kiến, tư bản chủ nghĩa,..cũng có những tấm gương rất mẫu mực. Từ 1954 đến nay, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, có rất nhiều gương sáng tiêu biểu trong ngành y. Họ đã phấn đấu hết mình trong sự nghiệp trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Lúc này đây, thế hệ kế tiếp luôn noi gương tấm gương về đạo đức của các bậc tiền nhân, hết lòng phục vụ bệnh nhân. Đương nhiên, trong thời buổi kinh tê thị trường như bây giờ, ảnh hưởng của nó đối với ngành y cũng không ngoại lệ, nhưng theo tôi quan niệm về y đức lúc này phải là 2 phần rõ rệt:

Một là, phải có y đức tốt

Hai là, phải có chuyên môn tốt.

Chỉ có y đức tốt sẽ không hoàn thành nhiệm vụ chữa bệnh. Chỉ có chuyên môn tốt mà không có y đức thì người đó không phải là bác sĩ.

PGS. TS Trần Thúy Hạnh:

Cảm ơn bạn về câu hỏi rất hay. Về vấn đề này, tôi đã trả lời khi bắt đầu cuộc giao lưu, mời bạn xem lại chi tiết ở phía trên. Một cách vắn tắt, tôi xin được nói như thế này: trong thời kỳ nào cũng thế, đã là đạo của người thầy thuốc đều như nhau, đều phải vì người bệnh, lấy người bệnh làm trọng tâm như lời Bác Hồ đã căn dặn "thầy thuốc như mẹ hiền".

Tôi nghĩ rằng, muốn làm được điều đó, xã hội cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, cùng có trách nhiệm với bệnh viện và quan hệ tốt với thầy thuốc nhằm tạo môi trường lành mạnh, tôn vinh thầy thuốc để họ giữ phẩm chất trong sáng của mình. Xã hội cũng cần quan tâm thích đáng, thực hiện chínhsách xã hội về vật chất và tinh thần đối với cán bộ y tế để người thầy thuốc phát huy tối đa khả năng cống hiến của mình cho sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân.

TS Nguyễn Viết Tiến:

Theo tôi, vấn đề Y đức của người thầy thuốc trong các thời kỳ không thay đổi nhưng tiêu chí về người thầy thuốc ở mỗi thời kỳ có sự khác nhau. Tôi lấy ví dụ, trước đây ngành Y tế của thế giới chưa thật sự phát triển, chữa bệnh chỉ sử dụng các phương thuốc thông thường, người thầy thuốc không đòi hỏi có kiến thức thật cao, tay nghề thật giỏi thì Y đức của họ cũng thể hiện ở sự tận tụy, chăm sóc chu đáo người bệnh và dùng những phương thuốc lúc đó có để cứu người.
 
Nhưng hiện nay, khi khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão thì người thầy thuốc chỉ với tấm lòng nhân hậu, tận tụy chu đáo với người bệnh thì chưa đủ. Nếu như người thầy thuốc biết rằng trình độ của mình chưa thể sử dụng được các phương tiện kỹ thuật công nghệ cao mà vẫn tự tin hơn khả năng của mình có để chữa bệnh thì tôi cho rằng, đây là thầy thuốc không có Y đức.

Như vậy, sự tác động của sự phát triển khoa học- kỹ thuật vào Y đức của người thầy thuốc là không nhỏ. Trong cơn bão khủng hoảng kinh tế thì người thầy thuốc sẽ dễ bị ảnh hưởng nếu không biết tự mình rèn luyện và giữ gìn.

Vũ Thị Minh - Nữ 55 tuổi:

Tôi bị máu nhiễm mỡ chỉ số là 6,7 tôi đã dùng thuốc nhiều tháng nay theo chỉ dẫn của BS bệnh viện tiệp HP nhưng đến nay vẫn chưa thuyên giảm. Vậy xin BS một lời khuyên.

PGS. TS Trần Thúy Hạnh:

Trường hợp của chị xin mời tới khám lại ở các bệnh viện hoặc tới bệnh viện Bạch Mai để xét nghiệm lại máu và các bác sĩ sẽ tư vấn cho đơn để chị có thể điều trị một cách tốt nhất. Tôi khuyên chị nên đến sớm, càng sớm càng tốt. Máu nhiễm mỡ là căn bệnh về rối loạn chuyển hóa lipit. Căn bệnh này phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ tránh được các biến chứng nguy hiểm.

Thư Hoài - hoaithu@yahoo.com.vn - Nữ 42 tuổi:

Thưa BS Hạnh, với tư cách là giám đốc bệnh viện Bạch Mai, lại vừa là vợ của Bộ trưởng Bộ Y tế, có khi nào BV Bạch Mai làm sai chủ trương mà chồng bà bỏ qua không?

PGS. TS Trần Thúy Hạnh:

Cảm ơn bạn về câu hỏi này, quả thực tôi rất đắn đo trước câu hỏi của bạn bởi khi nói về mình bao giờ cũng rất khó đối với tôi. Song tôi cũng xin cố gắng trả lời câu hỏi của bạn như sau: Về công tác, tôi luôn thực hiện nhiệm vụ của mình theo đúng trách nhiệm được giao mà chưa bao giờ nghĩ rằng mình là vợ của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Tôi luôn nghĩ đến trách nhiệm của mình trước 2.000 CBCNV và gần 10.000 bệnh nhân, làm sao để bệnh viện phát triển bền vững, phát huy được truyền thống của bệnh viện gần 100 năm tuổi và hai lần Anh hùng. Đó là điều làm tôi trăn trở nhiều nhất. Mỗi một ngày trôi qua, tôi luôn mong rằng Bệnh viện an toàn, bệnh nhân phấn khởi an tâm điều trị, mang lại hiệu quả cao.

Cũng như hôm nay, không gì vui hơn khi đúng ngày này, ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, tôi đã nhận được một lá thư của một bệnh nhân là một món quà vô cùng có ý nghĩa đối với cá nhân tôi cũng như đối với các thầy thuốc của bệnh viện Bạch Mai.
 
Lá thư tri ân của độc giả Bùi Gia Duẩn gửi tập thể y bác sĩ bệnh viện Bạch Mai.

Lê Sơn - lesonpress@gmail.com - Nam 28 tuổi:

Xin gửi đến Bác sỹ Hạnh, là người đứng đầu Bệnh viện lớn như BV Bạch Mai, lại là phu nhân Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu, chị thấy mình có thuận lợi và khó khăn, áp lực gì với cương vị hiện tại?

PGS. TS Trần Thúy Hạnh:

Cảm ơn bạn, câu hỏi của bạn tôi cũng đã trả lời nhiều độc giả ở phía trên. Xin bạn vui lòng xem giúp. Câu hỏi của bạn phần nào cho thấy bạn hiểu được những áp lực mà tôi gặp phải trên cương vị hiện tại. Cảm ơn bạn vì đã chia sẻ.

Đặng Thị Hồng - Nữ 49 tuổi:

Thưa các bác sỹ, tôi là một độc giả ở miền núi, điều kiện để chăm sóc sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng điều tôi băn khoăn nhất hiện nay và muốn hỏi các bác sỹ là, các bác sỹ nghĩ như thế nào về tình trạng các cửa hàng thuốc bán thuốc cho người dân mà không cần có đơn khám của bác sỹ. Xin cảm ơn các bác sỹ và chúc sức khỏe các bác sỹ nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam.

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết:

Điều bạn băn khoăn là phổ biến vào thời điểm này. Bộ Y tế đã ra rất nhiều văn bản chấn chỉnh, yêu cầu thầy thuốc phải thực hiện theo đúng Quy chế khám chữa bệnh. Rất tiếc, vấn đề bạn băn khoăn nhiều khi không thuộc lĩnh vực của thầy thuốc.Nhiều bệnh nhân chỉ cần nghe và chữa bệnh theo kinh nghiệm. Một số cửa hàng thuốc thì muốn bán được hàng nên mới dẫn đến tình trạng trên.

Tôi mong, bệnh nhân khi có bệnh phải đến những thầy thuốc khám và yêu cầu cho đơn điều trị cụ thể. Ngoài ra, cấm tất cả các cửa hàng thuốc bán thuốc không theo đơn của bác sĩ.

Lê Vũ - levu@yahoo.com - Nam 22 tuổi:

Được biết ngành y tế đang triển khai thực hiện quy tắc ứng xử đối với cán bộ, nhân viên ngành y. Xin bà có thể nói sơ qua về các quy tắc này được không ạ?

PGS. TS Trần Thúy Hạnh:

Hiện nay, ngành y tế đang triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế theo quyết định số 29/2008 /QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ngày 18/8/2008 trên cơ sở căn cứ Luật phòng chống tham nhũng năm 2007, Pháp lệnh cán bộ công chức sửa đổi năm 2003, 12 điều Y đức. Quy tắc ứng xử không những quy định đối với thầy thuốc mà còn đối với các cán bộ không chuyên môn y tế công tác trong ngành y tế phải thực hiện.

Từ trước tới nay, nhiều người cho rằng y đức là những gì to tát, liên quan đến chuyên môn nhiều hơn mà quên rằng y đức không ở đâu xa, là những việc diễn ra hàng ngày tại các cơ sở y tế. Thực tế cho thấy phần nhiều những kêu ca phàn nàn của người bệnh đều là về thái độ, tinh thần phục vụ đối với người bệnh và gia đình người bệnh. Quy tắc ứng xử này là tiêu chuẩn ứng xử của cán bộ, viên chức tại các cơ sở y tế, được ban hành rất kịp thời để chấn chỉnh những thái độ, hành vi chưa đúng của cán bộ y tế.

Nguyễn Thanh Mai - thanhmai4884@gmail.com - Nữ 27 tuổi:

Tôi sinh mổ lần đầu và 1 tháng sau đó bị áp xe một bên vú trái. Vậy cho tôi hỏi, khi sinh lần thứ hai tôi có bị như vậy nữa không và có ảnh hưởng đến tuyến sữa không? Xin chân thành cảm ơn các bác sĩ.

TS Nguyễn Viết Tiến:

Áp xe tuyến vú nguyên nhân là do tắc tuyến sữa mà không được xử lý kịp thời. Nếu sinh lần thứ hai mà không được quan tâm, chăm sóc vú kịp thời và đúng chuyên môn thì nguy cơ bị áp xe vú vẫn còn. Tôi khuyên chị sau khi sinh con nên cho trẻ bú sớm và nếu cảm giác không thông các tuyến sữa (biểu hiện khi nắn vào đầu vú, các tia sữa chảy ra ít, cảm giác đau tức ở vú). Nếu thấy vú sưng đỏ đã là dấu hiệu muộn của viêm áp xe tuyến vú.

Những trường hợp bị tắc tuyến sữa thì nên day vú và hút sữa (có thể bằng máy hút hoặc hút sữa bằng tay, bóp bằng bóng cao su). Chị có thể dễ dàng tìm mua hút sữa bằng tay ngoài thị trường hoặc có thể đến Bệnh viện Phụ sản TW, nhân viên y tế của bệnh viện chúng tôi có thể giúp chị.

Chúc chị sẽ không bị áp xe vú khi sinh con thứ hai.

Nguyễn Thùy Minh - minhbienthuy@yahoo.com - Nữ 24 tuổi:

Thưa BS Nguyễn Viết Tiến, là Giám đốc của BV Phụ sản TW, nơi đảm bảo sức khỏe cho các bà mẹ và trẻ em, hàng tháng, BV của bác sỹ có các hoạt động gì để tổng kết, rà soát, bồi dưỡng hoặc biểu dương/ phê bình thái độ và ứng xử của các bác sỹ với bệnh nhân không?

TS Nguyễn Viết Tiến:

Với tư cách là Giám đốc Bệnh viện - nơi thường xuyên chăm sóc sức khỏe của các bà mẹ, trẻ em và ngay cả những "ông chồng" và những bệnh nhân khác, tôi thường xuyên nêu cao vấn đề thái độ ứng xử văn hóa đối với các bệnh nhân.
 
Ở bệnh viện tôi không những tổng kết theo quý, theo năm mà thậm chí còn thực hiện hàng giờ, thể hiện ở đường dây nóng của bệnh viện. Và hầu hết sự phản ánh qua điện thoại đều liên quan đến thái độ ứng xử của thầy thuốc đối với bệnh nhân. Chúng tôi đều gặp gỡ, phân tích và có những xử lý hết sức tích cực . Có những phản ánh của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân là chính xác tuy nhiên cũng có những bệnh nhân chưa thực sự thông cảm với điều kiện hiện có của bệnh viện như: thiếu thốn về giường bệnh, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu của các bệnh nhân.
 
Nhưng nhìn chung, tất cả những phản ánh của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều được Ban lãnh đạo Bệnh viện chúng tôi tiếp thu đầy đủ, xem xét một cách nghiêm túc và có những xử lý thích hợp đối với những nhân viên y tế đã làm cho những người bệnh không hài lòng. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy hiện nay bệnh viện chưa thể đáp ứng được tất cả mọi yêu cầu của người bệnh. Chính vì thế, chúng tôi sẽ luôn luôn cố gắng đáp ứng ngày càng một tốt hơn trong công tác khám, chữa bệnh, đặc biệt luôn quan tâm đến văn hóa ứng xử của thầy thuốc với người bệnh.

Phương Thùy - thuy3579@yahoo.com - Nữ 30 tuổi:

Bác sĩ là một trong những người lãnh đạo cao nhất của một bệnh viện có uy tín, những khó khăn và cả những thuận lợi đối với một thầy thuốc kiêm một nhà lãnh đạo là gì, thưa bác sĩ?

PGS. TS Trần Thúy Hạnh:

Về thuận lợi: Tôi may mắn được trưởng thành và gắn bó với bệnh viện gần 30 năm, được học hỏi các thầy, cô và thế hệ các anh chị đi trước truyền đạt những kinh nghiệm về khoa học và quản lý ở một bệnh viện lớn, có truyền thống lâu đời gần 100 năm, với nhiều chuyên gia đầu ngành, giỏi về chuyên môn, gương mẫu nhân ái về đạo đức và tác phong làm việc chuyên nghiệp.
 
Đội ngũ CBCNV của bệnh viện rất yêu nghề, hết lòng vì người bệnh, luôn cầu tiến và sáng tạo trong công việc. Tập thể Đảng ủy, Ban Gám đốc và Công đoàn rất đoàn kết. Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và Nhà nước, là cơ sở thực hành chính của trường ĐH Y Hà Nội về đào tạo thực hành cho các sinh viên và học viên sau ĐH. Hợp tác quốc tế mang lại hiệu quả rất lớn về khoa học....
 
Tuy nhiên, trên cương vị quản lý, chúng tôi cũng gặp những khó khăn như: kinh phí hoạt động trong bệnh viện rất hạn hẹp, chỉ chiếm 4-5% tổng kinh phí hoạt động, trong khi đó 7 chức năng, nhiệm vụ của bệnh viện rất lớn. Bệnh viện là nơi khám chữa bệnh cho nhân dân cả nước, hầu hết là các bệnh nhân bệnh nặng, nghèo từ các tỉnh chuyển về tuyến cuối. Nhiều lúc bệnh nhân cũng không có tiền để chi trả viện phí.
 
Cơ chế thu chi tài chính chưa đáp ứng được nhu cầu chi tiêu trong bệnh viện. Cơ sở vật chất quá cũ, bệnh viện đã bị hỏng và sập, dạn nứt, do chịu ảnh hưởng của 4 lần bom Mỹ, đến nay chưa có kinh phí xây dựng hoàn thiện. Bệnh nhân thì quá tải, hàng ngày có khoảng 10.000 lượt người đến khám, điều trị...Vì vậy, cũng ảnh hưởng đến việc chăm sóc và phục vụ người bệnh.

Hoài Nam - hoainam@yahoo.com.fr - Nam 34 tuổi:

Hiện nay, có khá nhiều người hoài nghi về y đức của người thầy thuốc. Vậy ông/bà có thể giải thích nguyên nhân vì sao mà lại có những ý kiến này?

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết:

Thực ra ở ngành nào cũng vậy, đặc biệt là ngành y, có rất nhiều người có lương tâm, có tinh thần trách nhiệm rất cao. Nhưng cá biệt, có một số ít người đã để cho nhân dân hoài nghi. Nguyên nhân thì có nhiều.

Thứ nhất, theo tôi, những thiểu số đó chưa xác định tốt nhiệm vụ của mình.
Thứ hai, những người này có lúc còn chạy theo lợi ích tầm thường về vật chất.
Thứ ba, cũng có những trường hợp, cách tiếp xúc bệnh nhân chưa thực sự tốt đã khiến bệnh nhân hiểu lầm.

Thứ tư là vấn đề đãi ngộ đối với thầy thuốc, còn ít nhiều bất cập.

Lê Sơn - lesonpress@gmail.com - Nam 28 tuổi:

Thưa Bác sỹ Quyết, chúng tôi có nhận được than phiền về mức phí của bệnh viện Việt Đức cao hơn so với bệnh viện khác khi điều trị cùng một bệnh. Ví dụ như khi điều trị bệnh "thoát vị đĩa đệm", Bệnh viện Bưu điện mổ cho bệnh nhân không có bảo hiểm chỉ có khoảng 8-10 triệu đồng, trong khi đó, các Bác sỹ bệnh viện của ông lạinói giá đến 20-25 triệu đồng? Xin Bác sỹ cho biết rõ vẫn đề này. Xin cảm ơn ông

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết:

Điều bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:

Tôi xin khẳng định giá viện phí của BV Việt Đức đúng theo quy định cho phép của Bộ Tài chính và Bộ Y tế. Giá viện phí bao gồm thuốc và vật tư tiêu hao. Nếu mổ thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp thông thường, chỉ cần mổ lấy đĩa đệm ra, tôi khẳng định chắc chắn chỉ tốn khoảng dưới 5 triệu. Nhưng, hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm, ví dụ như mổ nội soi, mổ vi phẫu, mổ thay đĩa đệm. Các phương pháp này rất ưu việt, muốn áp dụng phương pháp này phải có trang thiết bị hiện đại, phải có vật tư tiêu hao thay thế.

Tôi lấy ví dụ, một đĩa đệm nhân tạo của Mỹ giá nhập tới gần 100 triệu đồng, vì thế, chi phí mổ đương nhiên phải cao hơn. Và đương nhiên, những phương pháp mổ hiện đại đó chỉ áp dụng được ở những bệnh viện đầu ngành và những trung tâm y tế chuyên sau.

Ngọc Thái - songmaitl@yahoo.com - Nam 26 tuổi:

Nghe nói Bênh viện Phụ sản Trung ương đầu tư rất nhiều cho việc phát triển công nghệ cao? Bác sĩ có thể cho biết đó là những công nghệ gì? Công nghệ cao có giúp gì trong việc thực hiện y đức?

TS Nguyễn Viết Tiến:

Hiện nay, Bệnh viện Phụ sản TW đã và đang đầu tư rất nhiều trang thiết bị công nghệ cao trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, phẫu thuật nội soi tạo hình, điều trị sơ sinh non tháng, chẩn đoán trước sinh. Những công nghệ này đã giúp ích rất nhiều trong việc điều trị người bệnh mà những người bệnh này nếu như không được hỗ trợ bằng kỹ thuật công nghệ cao này thì gần như đó là những bệnh "vô phương cứu chữa" như: thụ tinh trong ống nghiệm, những đứa trẻ sinh non tháng... Và như vậy đã giúp cho người thầy thuốc làm được những mong muốn thiết tha của mình mà trước đây không thể thực hiện được. Đó cũng là Y đức.

Vũ Kim Vân - vanvukim@yahoo.com - Nữ 27 tuổi:

Thưa PGS.TS Trần Thúy Hạnh. Tôi được biết ngoài cương vị là Quyền Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bà còn là phu nhân của Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Quốc Triệu. Khối lượng công việc và trách nhiệm của một người đứng đầu bệnh viện lớn quốc gia là rất nhiều, vậy bà dành thời gian cho việc chăm sóc gia đình của mình như thế nào? Tổ ấm của bà hiện giờ ra sao? Xin được cảm ơn bà.

PGS. TS Trần Thúy Hạnh:

Là một phụ nữ, như bao nhiêu phụ nữ khác, chúng tôi vừa gánh vác công việc xã hội và gia đình. Không gì vui hơn khi mỗi một ngày hoàn thành công việc tại bệnh viện tôi lại trở về với tổ ấm của gia đình tôi. Đó là lúc tôi thấy trong lòng thanh thản nhất. Tôi rất vui khi được ở bên mẹ tôi, chồng, cùng các con và cháu nội. Họ là nguồn động viên lớn giúp tôi vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Thúy Quỳnh - quynh_2689@yahoo.com - Nữ 23 tuổi:

Một số người nói rằng bác sĩ là một trong các nghề kiếm ra tiền nhất hiện nay, có đúng không ạ?

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết:

Đây là sự hiểu lầm rất đáng tiếc của nhiều người. Theo tôi, nếu muốn kiếm tiền thì phải đi buôn, còn làm bác sĩ thì không nên đặt nặng vấn đề kiếm tiền. Lý do ra sao chắc các bạn đã hiểu.

Trần Hoàng Phổ - Nam 26 tuổi:

Ngày thầy thuốc xin chúc các bác sĩ mạnh khỏe. Cứ nói đến y đức thì một số người nghĩ đến phong bì và thường hay đổ lỗi cho chuyện cuộc sống khó khăn, kinh tế thị trường… Như vậy chẳng lẽ sẽ không còn những người có lương tâm với nghề sao thưa bác sĩ, hay đây chỉ là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”?

PGS. TS Trần Thúy Hạnh:

Cảm ơn bạn đã hỏi câu hỏi này. Đây chỉ là hiện tượng "con sâu làm rầu nồi canh" như bạn đã nói. Còn rất nhiều các thầy thuốc tận tụy, không quản ngại gian khổ, không sợ lây nhiễm, vất vả... thâu đêm, suốt sáng bên giường bệnh, thậm chí hy sinh cả thân mình như trong các dịch bệnh nguy hiểm: dịch Sars, HIV/AIDS, H5N1,... Những hy sinh thầm lặng của họ không phải ai cũng hiểu và cảm thông được.

Trương Thị Kim Chi - kimchi0704@gmail.com - Nữ 32 tuổi:

Kính gửi Bác sĩ Việt Tiến. Cháu lập gia đình đã được 7 năm nhưng chưa có con. Qua quá trình kiểm tra tại bệnh viện C thì cháu được chẩn đoán bị đa nang buồng trứng. Năm 2007 cháu đã đi mổ nội soi tại Viện C và đã 2 lần làm thụ tinh nhân tạo nhưng không thành công. Thường thì khi kích thuốc cháu hay bị hiện tượng quá kích mặc dù không phải là quá nặng. Nó chỉ là bị đau kích ở bụng dưới.
 
Hiện nay cháu được chỉ định làm TTON. Vậy trong trường hợp nội tiết của cháu bị yếu thì làm TTON có đem lại được kết quả nhiều không( vì kinh nguyệt của cháu không đều). Nếu trong trường hợp của cháu thì chi phí hết bao nhiêu trong 1 lần làm TTON? Cháu rất mong nhận được câu trả lời của bác. Nhân ngày 27/2 cháu xin chúc Bác và toàn thể cô chú, anh chị mạnh khỏe.

TS Nguyễn Viết Tiến:

Trân trọng cảm ơn cháu đã có những lời chúc tốt đẹp dành cho các thầy thuốc. Theo thư của cháu thì cháu đã bị vô sinh do buồng trứng đa nang. Bệnh lý này cần phải điều trị bằng kích thích buồng trứng, bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Nếu không thành công (thường là 6 lần) thì sẽ chuyển phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, chi phí cho mỗi lần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (TTON) vào khoảng 30-45 triệu và tỷ lệ thành công 30-35% cho mỗi lần làm.

Trước khi quyết định làm, cháu nên đến khám lại. Tôi có thể trực tiếp khám và giúp đỡ cháu. Liên hệ theo số Điện thoại: 043.936.4656 để đăng ký khám bác sĩ Tiến vào chiều thứ tư hoặc thứ bảy hàng tuần.

Chúc cháu may mắn và sớm thành công.

Hoàng Cúc - Nữ 42 tuổi:

Tôi luôn luôn có một băn khoăn mỗi khi vào bệnh viện là tôi lo các bác sĩ làm việc theo kiểu “dây chuyền công nghệ”, có nghĩa là họ làm mãi rồi quen tay, không chăm sóc kỹ cho mình, rồi không tìm ra đúng bệnh, chẩn đoán sai. Vì điều này mà tôi thường khám ở bệnh viện tư vì cảm giác được chăm sóc chu đáo, yên tâm hơn. Điều tôi nghĩ liệu có đúng không? Và nếu thế thì quả là tôi chẳng còn muốn khám trong bệnh viện nữa.

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết:

Điều bạn nghĩ là hoàn toàn không đúng. Các bạn nên nhớ rằng, mỗi khi khám chữa bệnh, đó là thành quả mà chúng tôi đã "tu luyện" cả đời. Vì lý do đó, không bao giờ và không khi nào chúng tôi làm việc theo cách bạn nói - "dây chuyền công nghệ". Người thầy thuốc giỏi, việc đầu tiên của họ là phải biết khám tỉ mỉ cho bệnh nhân. Không tin, các bạn cứ đến Bệnh viện Việt Đức mà thử!

Phùng Văn Cơ - dhythuong@yahoo.com - Nam 35 tuổi:

Tôi thấy vấn đề y đức của các y bác sĩ rất quan trọng, vì họ là những người chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Chỉ cần một sai phạm nhỏ của họ cũng sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới người bệnh. Vậy cần có những điều kiện gì, chế tài như thế nào để đủ sức ngăn chặn?

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết:

Nhận định của bạn là hoàn toàn đúng. Những điều kiện, những chế tài để thực hiện các việc trên là:

1. Đào tạo bác sĩ phải rất chặt chẽ và có chất lượng (chất lượng là số một).
2. Phải có chế độ đãi ngộ đặc biệt theo nghị quyết của Bộ Chính trị để những người bác sĩ yên tâm sống bằng đồng lương chính đáng của mình.
3. Các nhà quản lý phải kiểm tra thường xuyên và lúc này, phải có những hình thức kỷ luật thích đáng mỗi khi phát hiện những sai sót thuộc về tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân.

Đương nhiên, chúng tôi cũng phải nói là, kiến thức về y học là vô hạn nhưng hiểu biết của thầy thuốc là hữu hạn, cho nên có những căn bệnh hiểm nghèo hiện nay vẫn không thể cứu chữa được. Mong các bạn hiểu rằng chúng tôi rất trăn trở, lo lắng khi tình huống xấu xảy ra. Vì vậy, đấy không phải là sai sót của thầy thuốc.

Nguyễn Thị Hải - haithanh@yahoo.com - Nữ 27 tuổi:

Hồi tôi sinh cháu, tôi đã được dặn dò rất kỹ về việc phải bồi dưỡng cho các y tá. Từ lúc lâm bồn cho tới khi hai mẹ con ra viện, tôi cũng phải mất một khoản không ít cho các y tá. Một phần vì tâm lý muốn con được chăm sóc chu đáo, một phần khác vì tôi thấy một số y tá cũng “chấp nhận” cầm tiền. Vậy xin hỏi bác sĩ, làm thế nào để không còn tình trạng này, để sau này khi con tôi sinh tôi cũng không phải dặn cháu phải phong bì cho y tá mà vẫn có tâm lý thật yên tâm khi sinh?

TS Nguyễn Viết Tiến:

Tôi không biết chị đã sinh ở Bệnh viện nào nhưng khi đọc câu hỏi của chị, tôi cũng cảm giác buồn. Nhưng hiện nay, thực tế mà chị nêu là có thật. Có lẽ không một bác sĩ nào muốn hiện tượng này tồn tại mãi.

Theo tôi, có hai lý do dẫn đến hiện tượng chị nêu: thứ nhất bản thân người bệnh có cảm giác sợ hãi và đánh giá thấp người thầy thuốc nên mới phải bồi dưỡng cho thầy thuốc để được phục vụ tận tình, chu đáo. Thứ hai là bản thân một số thầy thuốc trước sự cám dỗ không làm chủ được mình.

Theo tôi, để giải quyết hiện tượng này cần phải từ hai phía. Trước hết, người bệnh phải thay đổi quan niệm rằng phải bồi dưỡng cho thầy thuốc thì mới nhận được sự phục vụ tốt. Về phía các bệnh viện, cần phải thường xuyên, nghiêm túc kiểm tra nhắc nhở và có những hình thức xử lý đúng mức đối với những người vi phạm. Cả hai phía thầy thuốc và bệnh nhân cùng cố gắng tháo gỡ mắt xích của mình thì hiện tượng này được giải quyết càng nhanh. Phong tục Á Đông "đền ơn đáp nghĩa" là đáng trân trọng, nhưng sự cảm ơn phải biểu hiện ở sự trân trọng, biết ơn lại là vấn đề khác.

Nếu chỉ cần cắt một trong hai mắt xích này thì hiện tượng chị nêu ở trên sẽ không còn. Các bệnh nhân hãy tự tin vì trong các bệnh viện chỉ có một số ít "con sâu làm rầu nồi canh", còn lại số đông các nhân viên y tế đều làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Khi gặp những tình huống không hài lòng về sự phục vụ, mong những người bệnh đừng ngần ngại gọi điện đến Ban lãnh đạo Bệnh viện qua đường dây nóng.

Nguyễn Đức Mạnh - Nam 40 tuổi:

Đã có lần tôi phải đưa người nhà vào cấp cứu do tai nạn giao thông tại Bệnh viện Việt Đức. Tôi nhận thấy đây là khu vực khá "nhạy cảm" đối với cả người bệnh và y bác sĩ do ranh giới giữa cái sống và cái chết rất mong manh. Bệnh viện có sự chuẩn bị nào cả về tâm lý lẫn công tác đảm bảo an ninh cho các bác sĩ trực ở khu vực này không thưa Bác sĩ? Bản thân các bác sĩ có cần huấn luyện tâm lý hay không khi phải đối mặt với những tình huống căng thẳng. Xin cảm ơn Bác sĩ.

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết:

Chúng tôi đã lường trước vấn đề này. Ngoài việc chuẩn bị chuyên môn tốt, người thầy thuốc phải xác định đây là nghề phục vụ nên phải có tâm lý tiếp xúc và cách ứng xử tốt. Ngòai ra, để đảm bảo an ninh, chúng tôi đã có 60 bảo vệ ứng trực 24/24. Chúng tôi có lực lượng công an phường Hàng Bông, Hàng Trống, công an quận Hoàn Kiếm, công an Thành phố và đặc biệt là lực lượng phòng PC14 hỗ trợ rất hiệu quả, sẵn sàng giải quyết bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra.

Hoàng Nhật Nam - nhatdanh95@yahoo.com - Nam 25 tuổi:

Thưa bác sỹ, bác sỹ nghĩ gì khi một số ngườ cho rằng các bệnh nhân nghèo khi đến các tuyến bệnh viện tỉnh và TW vẫn còn bị các y tá, bác sỹ đối xử phân biệt?

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết:

Khi đến bệnh viện khám chữa bệnh, chúng tôi quan niệm tất cả đều là bệnh nhân, không phân biệt sang hèn giàu nghèo, cho nên họ phải được đối xử bình đẳng về mọi mặt.

Đương nhiên, bệnh viện có những khu điều trị đặc biệt, điều trị theo yêu cầu. Những người có điều kiện có thể vào đó chữa bệnh, tất nhiên, ở đó bệnh nhân được hưởng những dịch vụ chăm sóc (phòng ốc, nơi ăn nghỉ...) tốt hơn. Còn phương pháp khám chữa bệnh và điều trị ở tất cả các khoa phòng trong bệnh viện đều như nhau, không có sự đối xử phân biệt. Điều bạn nói chỉ là cá biệt xảy ra ở từng con người. Việc đó cần phải được uốn nắn và chấn chỉnh để bệnh nhân không hiểu lầm.

Ngô Thị Hương - hoadongnoi@yahoo.com - Nữ 22 tuổi:

Xin bác sĩ có thể kể một bài học lớn nào về đạo đức nghề nghiệp mà bác sĩ không thể quên?

PGS. TS Trần Thúy Hạnh:

Có rất nhiều điều tôi không thể quên được trong suốt quá trình công tác của mình. Những tấm gương điển hình có thể kể đến ở khoa Hồi sức cấp cứu A9 bệnh viện Bạch Mai, đơn vị 2 lần Anh hùng. Đây là nơi hội tụ củanhiều tấm gương tập thể và cá nhân: GS.Đỗ Đình Địch, GS.Vũ Văn Đính, GS. Nguyễn Thị Dụ cùng cùng các thế hệ học trò bác sỹ, y tá, hộ lý. Họ luôn tận tụy với người bệnh, các nhân viên. Họ ngồi bên người bệnh thâu đêm theo dõi từng hơi thở, từng mạch đập của người bệnh. Bác sỹ khoa Cấp cứu, khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Chống độc đã cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh nguy kịch, hiểm nghèo đưa họ trở về cuộc sống với gia đình.

Có những bác sỹ trong khi đang tận tình cứu chữa người bệnh nhưng vì bức xúc với bệnh tật bệnh nhân đã có thái độ không đúng mức, phản ứng đánh thầy thuốc cán bộ y tế ở đây vẫn kiên nhẫn giải thích, không quản ngại khó khăn, tập trung tận tụy cứu chữa bệnh nhân khỏi bệnh và còn quyên góp tiền cho người bệnh ăn và điều trị, tiền tầu xe để trở về với gia đình.

Hoàng Thị Thắm - tham12352000@yahoo.com - Nữ 25 tuổi:

Thưa ông, ông nghĩ sao về tâm lý cho rằng: Không phải ngẫu nhiên mà mỗi khi có chuyện phải vào bệnh viện (BV), có một số người thấy rất ngại. Ngại vì ở đó, nơi mà người bệnh phải trả tiền cho những dịch vụ mình mua, nhưng lại nhận được một cung cách phục vụ của một số y, bác sĩ không được nhiệt tình lắm?

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết:

Vấn đề bạn hỏi phải phân làm hai phần:

Một là tinh thần thái độ phục vụ của y, bác sĩ không được nhiệt tình, thờ ơ với công việc.

Hai là chất lượng của dịch vụ y tế.

Hai vấn đề này hoàn toàn khác hẳn nhau. Theo tôi, chất lượng của "dịch vụ" Y tế là số một. Làm thế nào để chẩn đoán đúng bệnh, điều trị tốt căn bệnh đó mới là quan trọng, còn tinh thần thái độ phục vụ nếu ai chưa tốt, cần phải uốn nắn chấn chỉnh. Trách nhiệm đó thuộc về các nhà quản lý, cần phải nghiêm túc thực hiện.

Nguyễn Ngọc Thanh - ngocthanh@yahoo.com - Nam 20 tuổi:

Thưa bác sĩ, có phải khi khám Bảo hiểm Y tế, nếu quen biết thì cho thuốc tốt, không quen thì cho thuốc "vừa vừa". Ý kiến của bà thế nào?

PGS. TS Trần Thúy Hạnh:

Như lúc đầu tôi đã trả lời về y đức, đã là người thầy thuốc phải thực hiện công bằng trong khám chữa bệnh, không được phân biệt giầu nghèo, thân quen để gây khó dễ với người bệnh.... Đó là đạo của người thầy thuốc.

Trần Văn Đức - yandm@gmail.com - Nam 30 tuổi:

Nếu có 2 bệnh nhân, một là người thân của "sếp" ông (bà), một là người dân bình thường đang cần cứu chữa, người dân bình thường bệnh nặng hơn, ông (bà) sẽ cứu chữa ai trước? Bản thân ông/bà đã bao giờ phải nhận những cuộc điện thoại nhờ vả từ cấp trên hoặc người thân chưa, khi đó ông (bà) xử lý thế nào?

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết:

Tôi xin khẳng định là chúng tôi sẽ cứu chữa cho người bệnh nặng hơn. Đó là lương tâm và trách nhiệm của thầy thuốc. Thực tế trong công việc hàng ngày, tại bệnh viện Việt Đức, có nhiều bệnh nhân hiểu lầm, ví dụ: một bệnh nhân đến trước bị tai nạn gãy xương hở, máu chảy nhiều, chúng tôi sơ cứu chờ mổ, nhưng có một bệnh nhân đến sau, nhìn bề ngoài không có vấn đề gì xảy ra nhưng thực tế bệnh nhân bị tổn thương tạng, chảy máu trong, nguy hiểm ngay đến tính mạng. Vì vậy, bắt buộc phải xử lý trước. Nhưng nhiều khi bệnh nhân và gia đình không hiểu.

Thu Hương - huong1999@yahoo.com - Nữ 22 tuổi:

Các bệnh viện công đang trở nên quá tải. Hàng đoàn người chen chúc ngủ dưới đất, bệnh nhân nặng không có phòng, nằm tràn ngoài hành lang, còn bác sĩ, y tá thì đã quá quen với cảnh này nên cứ thản nhiên đi lại. Theo ông, làm thế nào để cho bệnh nhân bớt sợ bệnh viện?

TS Nguyễn Viết Tiến:

Tôi rất đáng mừng với thông tin mà bạn chia sẻ là các bệnh viện công đang trở nên quá tải, chứng tỏ sự tin tưởng của người bệnh về chuyên môn đối với các bệnh viện. Tuy nhiên có một thực tế  là chất lượng của nhiều bệnh viện hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của người bệnh (không đủ giường bệnh, thậm chí bệnh nhân phải nằm ở ngoài hành lang). Theo tôi, đây là một thực tế cần được giải quyết sớm.

Theo tôi, không phải bác sĩ và các y tá đã quen và thờ ơ  với các cảnh người chen chúc ngủ dưới đất, bệnh nhân nặng không có phòng, nằm tràn ngoài hành lang.... như chị phản ánh. Người bệnh khổ chắc chắn các thầy thuốc không thể vui, sướng được. 

Hiện nay, ở các bệnh viện, phòng thay đồ và trang phục y tế cho các nhân viên y tế không đủ diện tích. Các nhân viên y tế và họ cũng không thể có những phòng nghỉ giữa các ca trực tiện nghi.  

Tôi tin rằng nhân viên y tế không thờ ơ trước cảnh khó khăn của người bệnh nhưng để giải quyết những khó khăn này cũng phải nhờ sự giúp đỡ của nhiều Bộ, ban ngành.

Qua đây, tôi cũng mong muốn các người bệnh chia sẻ những khó khăn của y tế nói chung. Tôi xin chia sẻ với những khó khăn mà người bệnh đang gặp phải như những trường hợp mà bạn đã nêu. 

Để khắc phục tình trạng trên, Bệnh viện Phụ sản TW đã bắt đầu khởi công xây dựng một khu nhà điều trị cao 11 tầng với đầy đủ trang thiết bị tiện nghi. Hy vọng rằng 2 năm nữa, bệnh viện chúng tôi sẽ đáp ứng được yêu cầu của bạn.

Nguyễn Thanh - thanhbg272@yahoo.com - Nam 27 tuổi:

Thưa bác sĩ Nguyễn Viết Tiến. Vợ tôi là người có 2 tử cung, 2 âm đạo. Cách đây 4 tháng, cô ấy mang bầu và sau đó đến bệnh viện khám, kết luận là thai chết lưu. Bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản Bắc Giang khuyên vợ tôi không nên sinh con. Vậy xin bác sĩ cho biết, có cách nào để đảm bảo cho vợ tôi sinh đẻ bình thường? Liệu chữa trị theo phương pháp Đông y và y học cổ truyền có được không ạ?

TS Nguyễn Viết Tiến:

Trường hợp của vợ anh nguyên nhân không sinh được là do dị dạng về tử cung. Khi có thai mà bị sảy là do tử cung quá nhỏ, chính vì vậy vợ anh muốn giữ được thai đến đủ tháng thì cần phải đến bệnh viện chuyên khoa sâu có khả năng phẫu thuật tạo hình may ra mới có thể giải quyết được vì đây là một phẫu thuật rất khó. Anh có thể đưa chị đến khám ở Bệnh viện Phụ sản TW, tôi sẽ xem cụ thể có khả năng phẫu thuật được hay không (khám TS. Nguyễn Viết Tiến vào chiều thứ tư hoặc chiều thứ bảy).

Vợ anh không nên chữa trị theo phương pháp Đông y và y học cổ truyền vì không thể đạt được kết quả như mong muốn.

Bùi Thị Phú - minhphu2410@gmail.com - Nữ 28 tuổi:

Hiện tôi đã có thai được 5 tuần. Tôi bị ho có đờm, viêm họng và bi khản tiếng. Như vậy có ảnh hưởng gì đến em bé không?

TS Nguyễn Viết Tiến:

Nếu như chị bị ho có đờm, viêm họng, chị nên đến khám ở bệnh viện để điều trị kịp thời, đúng. Nếu chị không có điều kiện đến bệnh viện, chị nên dùng nước chanh muối  hoặc các dung dịch có bán ở các hiệu thuốc để súc miệng, nếu chị bị lâu thì nên dùng thêm kháng  sinh loại không độc hại cho thai nhi như: Amoxilin, Unasyn. Sau đó, chị nên đến các cơ sở xét nghiệm để xem mình có bị nhiễm loại virus nào không, đặc biệt nên thử Rubella vì nếu bị nhiễm Rubella thì rất ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Trong trường hợp bị nhiễm Rubella ở tuổi thai còn nhỏ thì cần phải đình chỉ thai nghén vì trẻ dễ bị dị tật của hệ thống thần kinh, mắt.

Nếu chị chỉ bị ho, viêm họng thông thường thì hầu như không ảnh hưởng đến thai của chị. Theo tôi, chị nên đến cơ sở y tế để theo dõi sự phát triển của thai nhi và người mẹ.

Chúc chị khỏe và tương lai có một bé xinh, đẹp, khỏe, thông minh.

NGUYEN VAN QUYET - BSQUYET@YAHOO.COM.VN - Nam 31 tuổi:

Tôi là một người làm trong ngành y tế, khi ngồi trên ghế nhà trường, tôi muốn học tốt sau ra phục vụ cho dân, nhưng khi ra trường tôi thấy xin việc khó quá, phải chạy chọt mới vào được các bệnh viện lớn. XIn hỏi các bs là muốn xin vào làm việc tại BV của bác sĩ thì cần điều kiện gì?

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết:

Với bệnh viện chúng tôi đã có quy định chặt chẽ, muốn vào làm việc ở khoa điều trị phải là bác sĩ tốt nghiệp nội trú của trường ĐH Y khoa Hà Nội. Còn không phải bác sĩ nội trú thì không được nhận vào bệnh viện. Nếu bạn là bác sĩ nội trú, chúng tôi tha thiết mời bạn nộp đơn vào BV Việt Đức, chúng tôi nhận ngay và ưu tiên đặc biệt.

Chúng tôi mong rằng, ai muốn vào làm việc tại BV Việt Đức hãy cố gắng thi và học nội trú bệnh viện. Còn với hệ y tá điều dưỡng, chúng tôi tuyển vào theo hình thức thi tuyển chặt chẽ, công bằng như các bạn đã biết. Không phải tốn kém bất kỳ cái gì.

Lê Sơn - lesonpress@gmail.com - Nam 28 tuổi:

Tại BV Bạch Mai đầu tuần này, tôi chứng kiến một cặp vợ chồng già khi đang loay hoay đóng viện phí thì bị kẻ gian móc trộm hơn 10 triệu chữa tim. Bản thân tôi bị kẻ móc trộm thẻ BHYT, sau đó hắn đưa ra nói là bị rơi, đòi chuộc lại 500.000 đồng... Vậy, Bác sỹ sẽ có cách gì để chấn chỉnh vấn đề này?

PGS. TS Trần Thúy Hạnh:

Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt vì thế hàng ngày có khoảng 10.000 người gồm bệnh nhân, gia đình bệnh nhân, học viên, sinh viên các trường ĐH y dược và các tỉnh về học tại BV Bạch Mai.

Khuôn viên của bệnh viện 11,4ha, có nhiều đơn vị trực thuộc Bộ Y tế cũng đóng trên địa bàn bệnh viện Bạch Mai như: Viện Giám định Y khoa Trung ương, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Viện Tai-Mũi-Họng Trung ương, Viện Huyết học truyền máu... Đặc biệt, bệnh viện là nơi giáp ranh với các quận: Đống Đa, Hai Bà Trưng... có nhiều cửa ra vào cùng chung của các đơn vị. Bệnh viện luôn trong tình trạng vừa quá tải, vừa trong quá trình xây dựng sửa chữa...

Vì thế, việc quản lý trật tự trị an trong bệnh viên gặp rất nhiều khó khăn, nhưng bệnh viện đã có  nhiều biện pháp để hạn chế nạn trộm cắp, cò mồi tại bệnh viện. Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ bệnh viện cùng lực lượng công an phường đã phối hợp rất tốt, có hiệu quả, nhiều chiến công rất dũng cảm của các đồng chí bảo vệ để phát hiện và đấu tranh chống lại kẻ trộm, nghiện hút, cò mồi, móc túi... hoạt động trên địa bàn bệnh viện.

Trong suốt 2 tiếng đồng hồ diễn ra giao lưu trực tuyến, các bác sĩ đã cố gắng trả lời kịp thời rất nhiều các câu hỏi của bạn đọc gửi đến. Hiện cuộc giao lưu đã kết thúc, các câu hỏi còn lại chúng tôi xin hẹn trả lời độc giả trong lần giao lưu sau.

Trân trọng!

Ban Biên tập
hoaianh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Đường dây đánh lô đề qua mạng với số tiền hơn 700 triệu đồng/ngày

Đường dây đánh lô đề qua mạng với số tiền hơn 700 triệu đồng/ngày

Pháp luật - 57 phút trước

GĐXH - Để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng sử dụng sim rác, tài khoản không chính chủ để giao dịch trong đường dây đánh bạc.

Danh sách 12 khu vực tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội, thí sinh và phụ huynh lưu ý

Danh sách 12 khu vực tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội, thí sinh và phụ huynh lưu ý

Giáo dục - 1 giờ trước

GĐXH - Theo hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố toàn thành phố có 12 khu vực tuyển sinh. Dưới đây là danh sách 12 khu vực tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội.

Bị tai nạn lao động, người lao động được hưởng những chế độ, quyền lợi gì?

Bị tai nạn lao động, người lao động được hưởng những chế độ, quyền lợi gì?

Đời sống - 1 giờ trước

GĐXH - Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động. Mức hưởng chế độ tai nạn lao động hiện nay được quy định thế nào?

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

Pháp luật - 1 giờ trước

Theo HĐXX, bị cáo Trần Quí Thanh chiếm đoạt số tiền lớn, nhưng có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có nhiều đóng góp cho xã hội, khắc phục một phần thiệt hại...nên tuyên phạt 8 năm tù.

Chìm sà lan ở biển Quảng Ngãi: Vớt được 4 thi thể, đang dùng flycam, thợ lặn tìm người mất tích

Chìm sà lan ở biển Quảng Ngãi: Vớt được 4 thi thể, đang dùng flycam, thợ lặn tìm người mất tích

Thời sự - 3 giờ trước

Trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn các thuyền viên trong vụ chìm sà lan trên vùng biển Quảng Ngãi, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đề nghị huy động tối đa mọi nguồn lực, mở rộng phạm vi tìm kiếm nạn nhân đang mất tích.

Luật Đất đai 2024: Hàng triệu phụ nữ sẽ được hưởng lợi nếu nắm được quy định này

Luật Đất đai 2024: Hàng triệu phụ nữ sẽ được hưởng lợi nếu nắm được quy định này

Pháp luật - 4 giờ trước

GĐXH - Theo chuyên gia, việc nghiêm cấm hành vi “Phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai” của Luật Đất đai 2024 là điều hết sức cần thiết, được người dân đồng tình, ủng hộ (trong đó có lực lượng yếu thế là phụ nữ).

Không cần xin visa (thị thực), người Việt Nam có thể nhập cảnh vào những quốc gia nào trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5?

Không cần xin visa (thị thực), người Việt Nam có thể nhập cảnh vào những quốc gia nào trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5?

Đời sống - 4 giờ trước

GĐXH - Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, nếu người dân có ý định di lịch nước ngoài thì dưới đây là những quốc gia và vùng lãnh thổ miễn visa (thị thực) cho công dân Việt Nam khi nhập cảnh.

Biến động điểm chuẩn trường đại học có tỷ lệ cạnh tranh không kém các trường công an, quân đội

Biến động điểm chuẩn trường đại học có tỷ lệ cạnh tranh không kém các trường công an, quân đội

Giáo dục - 4 giờ trước

GĐXH - Để phục vụ cho phụ huynh và thí sinh tham khảo, dưới đây là bảng điểm chuẩn trong 3 năm gần đây của một trường đại học ở Hà Nội có tỷ lệ cạnh tranh được đánh giá là không kém các trường công an, quân đội.

Ngủ 5 ngày 5 đêm dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Thử thách hay trào lưu du lịch kiểu mới?

Ngủ 5 ngày 5 đêm dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Thử thách hay trào lưu du lịch kiểu mới?

Đời sống - 5 giờ trước

GĐXH - Với khoảng thời gian nghỉ lễ là 5 ngày, cư dân mạng đua nhau thực hiện thử thách "Ngủ 5 ngày 5 đêm" nhân kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Sự kiện này đang được cư dân mạng bàn luận khá sôi nổi.

Hành trình truy bắt kẻ ra tay sát hại họ hàng rồi 'trốn nã' hơn 20 năm

Hành trình truy bắt kẻ ra tay sát hại họ hàng rồi 'trốn nã' hơn 20 năm

Pháp luật - 5 giờ trước

GĐXH - Vì mâu thuẫn, Chí lên kế hoạch rồi ra tay sát hại người họ hàng. Sau khi gây án đối tượng này dùng nhiều phương thức để lẩn trốn ở nhiều địa phương suốt 25 năm.

Top