Hà Nội
23°C / 22-25°C

Công phu nghề tổ ở “Thanh Hóa đệ nhất kèn… đám ma”

Chủ nhật, 08:10 03/04/2016 | Xã hội

GiadinhNet - 30 Tết, trong lúc nhà nhà đang sắp cỗ tất niên thì ông Liên lại phải lên đường đi đám. Mùng 4 Tết, ông mới trở về nhà, giọng khàn khàn như lạc hẳn đi. “Mấy chục năm theo nghề, chưa năm nào được ăn cái Tết trọn vẹn”, ông Liên – đệ nhất kèn đám ma xứ Thanh tâm sự.

Ông Liên và người con trai bên các nhạc cụ. Ảnh: T.G
Ông Liên và người con trai bên các nhạc cụ. Ảnh: T.G

Một mình chơi liền mấy nhạc cụ

“Sống dầu đèn, chết kèn trống”, tục ngữ của cha ông nói cấm sai, không có tiếng kèn, tiếng trống thì không ra đám ma. Vì thế mà ở đâu cũng có phường kèn. Riêng ở Thanh Hóa thì nhiều lắm, mỗi huyện có đến cả mấy chục phường kèn. Nhưng, như bà con ở đây đồn thổi “không phường nào qua được tiếng kèn phường ông Liên”.

Nhà ông Vũ Văn Liên ở thôn Ba Đình, xã Hoằng Cát, huyện Hoằng Hóa vốn nức tiếng từ lâu vì tiếng kèn đám ma hay đến… não nùng?! Tiếng kèn của ông ai oán, thiết tha, thân chủ nghe thì thắt ruột thắt gan, người ngoài nghe thì xót thương, cảm động. “Lấy được tiền của thiên hạ không phải dễ dàng, nếu mình không hay, người ta đâu có mời”, ông Liên bảo.

Quả thực vậy, một năm 365 ngày, dễ có đến 300 ngày ông Liên đi thổi kèn đám ma. Người ta gọi nhiều quá, nhiều lúc ông phải từ chối vì sức không kham nổi. Cả tỉnh Thanh Hóa 27 huyện, thị hầu như chưa có huyện nào mà phường kèn ông Liên chưa đến. Mà đã đến một lần thì lần sau còn phải quay lại nữa, vì tiếng kèn hay, người ta nhớ, có việc lại gọi.

Nhà ông Liên đến nay đã 4 đời làm nghề kèn trống đám ma. Ông cố Đường là người mở đầu, có duyên học được nghề kèn dưới Chợ Phủ (Hậu Lộc). Thế rồi cố truyền ông, ông truyền cha, cha truyền con, con truyền cháu, nối nhau mãi, đến nay cũng ngót trăm năm.

Ông Liên là thế hệ thứ 3 trong gia đình theo nghiệp kèn. Cùng ông hiện giờ còn có một người em và một người cháu cùng làm. Năm nay ông Liên mới 45 tuổi nhưng đã có thâm niên làm nghề tới 35 năm! Hồi 10 tuổi ông đã theo cha và anh đi đám, tập gõ cái phách, cái mõ rồi dạm trống, thử kèn, đến khi đứng tuổi thì học ca, học khóc sao cho mùi mẫn, bi ai. Bây giờ thì khoản nào ông cũng thành thạo hết. Vì thế phường bát âm chuẩn khi xưa phải hội đủ 8 người, ông Liên chỉ cần 4 người là xong. Bỏ cái kèn ông vớ cái trống, dứt tay phách ông kéo tay nhị, miệng vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa ca khóc, tiếng ca nhập tiếng trống, khớp tiếng phách, hợp tiếng đàn không mảy may sai lệch một chút nào.

Lặn lội trong nghề nhiều năm, ông thành thợ cứng rồi đứng cái phường kèn, dưới tay có cả chục đệ tử. Thế nên một lúc ông có thể nhận được đến vài đám. Có thời điểm nhiều việc, ông chạy từ huyện nọ qua huyện kia, đi miết mươi ngày mới được về nhà nghỉ.

Công phu nghề kèn

Ông Liên thổi kèn giỏi, nức tiếng cả xứ Thanh. Tiếng kèn ông trầm bổng như sóng biển nhấp nhô, nghe thống thiết, bi thương. Kèn ai, kèn tế, kèn rước, điệu lưu thủy, điệu bình bán, điệu bi ai… mấy chục điệu kèn, điệu nào ông thổi cũng hay, cũng thành thần cả. Hơi ông dày dặn nên tiếng kèn ngân xa, liền mạch, có thể thổi liên tục được hơn một giờ.

Tiếng ca khóc của ông cũng không ai sánh được, vừa ai oán, vừa não nề. Vào đám, chỉ trong vài câu trao đổi, ông đã nắm ngay được gia thế của thân chủ. Khách đặt tiền thướng (tiền mượn ca), ông chỉ cần hỏi quan hệ của khách và người đã mất là có thể biên ngay câu ca trong khoảnh khắc. Một tối ca trăm câu, không câu nào giống câu nào, ai cũng chịu là hay. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, mình phải lựa để biến hóa câu chữ, phải ca sao cho người ta chảy nước mắt thì mới có thướng nhiều. Nếu câu trước giống câu sau thì khách chê mà mình cũng mất uy tín”, ông Liên bảo.

Kèn hay, ca giỏi, ông Liên chế đồ cũng tốt. Kèn đại, kèn tiểu ông đều tự làm lấy, rất công phu, tỉ mỉ. Đơn cử như cây kèn đại, từ ống, loa, dăm, thắng, phím, ông đều tự chế hoặc hướng dẫn cho thợ làm như ý mình. Kèn làm ra, chỉ cần nhìn qua, ông biết dùng được hay không, khỏi phải thử.

Vì thế mà ông nổi tiếng, được các phường kèn kính nể, được người ta nhớ đến. Làm nghề nào cũng phải cạnh tranh nhưng với riêng ông Liên thì không có cạnh tranh gì ở đây cả. Ông làm không hết việc, còn phải từ chối bớt, toàn là người ta gọi điện mời đi chứ ông nào phải xin xỏ ai.

Có dạo, ở thôn Nhị Hà (cũng thuộc xã Hoằng Cát) chi bộ Đảng ra nghị quyết cấm ca, kèn để thực hiện nếp sống văn hóa mới. Thế nhưng chính những cán bộ ra nghị quyết đó rốt cục lại phải mời ông Liên lên làm việc. Bởi vì cha mẹ họ, trước khi mất đã trăn trối lại là phải mời thợ kèn! Mà thợ kèn ở cái xứ này, ai qua được ông Liên? Rốt cục là qua 3 đám ma, nghị quyết nói trên phải bị hủy bỏ. “Văn hóa phải thuộc về nhân dân”, ông Liên tủm tỉm cười kết luận.

Đau đớn với miệng lưỡi thế gian

Làm nghề kèn trống không có thu nhập cố định, có lúc làm không được nghỉ, có lúc lại ngồi chơi. “Nhưng về cơ bản là không giàu được”, ông Liên bảo. Trung bình mỗi đám gia chủ trả công cho thợ kèn khoảng 2 triệu đồng. Nhưng nếu tiền thướng nhiều, ông Liên lại sẽ hạ tiền công xuống. “2 triệu cho 1 ngày rưỡi làm việc, tưởng là cao nhưng chia cho anh em trong phường thì mỗi người cũng chẳng được là mấy. Đại khái cũng như người làm thợ hồ thôi, nhưng người ta cứ tưởng mình giàu lắm”.

Theo nghề mấy chục năm nhưng ông Liên vẫn ở trong ngôi nhà cũ. Nhiều lần tính bỏ nghề nhưng nghĩ đó là nghiệp gia truyền, ông lại thôi. Ông bảo, làm nghề kèn trống cũng giống như làm việc nghĩa với người đã khuất vậy mà phải chịu không ít điều tiếng.

Như trước đây khi chế tạo đồ chưa giỏi, mỗi khi chế kèn xong, ông Liên lại phải đem ra thổi thử. Người làng nghe tiếng kèn lại xì xào với nhau “hắn đang gại kèn cho người ta chết đấy”, nghe vừa bực vừa xót.

Hay như thời điểm gia đình ông chịu “hạn trùng tang”, người ta lại đồn thổi là do hậu quả của nghề khóc mướn. “Chuyện ấy là chuyện bình thường, nơi nào chẳng có, liên quan gì đến nghề kèn. Mình làm nghề này là làm phúc cho người ta chứ ăn bổng ăn thưởng gì. Phồng mang trợn má thổi, ca rạc cổ họng ra chứ có dễ dàng gì đâu”, ông Liên phân trần.

“Nhiều khi đi làm đến quê của anh em, bạn bè mà cũng không vào chơi được, vì không thể mang đồ kèn trống vào nhà họ. Ngày Tết cũng ngại đi đến nhà ai, vì cũng có người kiêng này, kiêng nọ”, ông Liên tâm sự.

“Đệ nhất kèn” của xứ Thanh cũng trăn trở về nghề của gia đình mình. Sau ông chỉ còn mỗi đứa cháu trai là Vũ Văn Mạnh kế nghiệp. Mà cháu Mạnh, theo đánh giá của ông mới chỉ đạt mức trung bình khá, dù đã theo nghề được gần chục năm. Chỉ tay vào đứa cháu út trong nhà, ông Liên bảo có khi thằng bé này lại nối được nghiệp nhà, mới 6 tuổi mà đã mê đi đám lắm. “Có thể có hoặc có thể không, đời thay đổi xoành xoạch, biết đâu mà lần”, ông Liên bảo.

Cả đời khóc mướn, đến người thân thì… chịu!

Nhưng có lẽ, ái ngại lớn nhất đối với ông Liên cũng như bao người thợ kèn khác chính là không thể lo được việc cho chính gia đình mình. Tục của người thợ kèn là không được thổi cho người thân. Như dạo cha và anh của ông Liên mất, ông phải thuê phường kèn khác đến thổi. Cả đời khóc mướn cho người, đến thân nhân của mình lại phải lặng im, đó là nỗi khổ tâm rất riêng của người theo nghiệp kèn.

Xuân Hải/Báo Gia đình & Xã hội

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Video: Cộng đồng mạng tranh cãi nguyên nhân vụ tai nạn giữa 2 xe ô tô trên cao tốc

Video: Cộng đồng mạng tranh cãi nguyên nhân vụ tai nạn giữa 2 xe ô tô trên cao tốc

Đời sống - 1 giờ trước

GĐXH - Xe ô tô có gắn camera hành trình khi đang di chuyển với tốc độ cao thì bất ngờ gặp xe khách chuyển làn mà không chú ý quan sát, không bật đèn tín hiệu, hậu quả va chạm đã xảy ra.

Nghĩ ‘mưu’ chiếm đoạt tiền người khác tại cây ATM

Nghĩ ‘mưu’ chiếm đoạt tiền người khác tại cây ATM

Pháp luật - 1 giờ trước

GĐXH - Phát hiện cây ATM nhả tiền chậm, Bình nói với người rút tiền máy hỏng để chiếm đoạt tiền.

Lo sợ thành tội phạm, nhiều người 'suýt' mất tiền oan

Lo sợ thành tội phạm, nhiều người 'suýt' mất tiền oan

Xã hội - 1 giờ trước

GĐXH - Thời gian qua, thủ đoạn giả danh, mạo danh cán bộ làm việc trong các cơ quan tư pháp diễn ra khá phổ biến, khiến nhiều người sập bẫy...

Sau tiếng kêu cứu ám ảnh của thiếu nữ 16 tuổi, người tình của mẹ bị bắt

Sau tiếng kêu cứu ám ảnh của thiếu nữ 16 tuổi, người tình của mẹ bị bắt

Pháp luật - 1 giờ trước

GĐXH - Đêm 19/4, nghe tiếng kêu cứu thất thanh của T., hàng xóm chạy lại đập cửa cứu. Tuy nhiên, khi nhìn vào phòng trọ, họ phát hiện thiếu nữ 16 tuổi đã nằm bất động.

2 anh em đạp xe hàng trăm cây số từ Điện Biên đi Hà Nội tìm mẹ

2 anh em đạp xe hàng trăm cây số từ Điện Biên đi Hà Nội tìm mẹ

Đời sống - 2 giờ trước

2 anh em cùng cha khác mẹ đạp xe từ Điện Biên đi Hà Nội để tìm mẹ, khi đến huyện Mai Châu tỉnh Hoà Bình thì mệt quá, được người dân hỏi han, chăm sóc

Bắt giữ nghi phạm đâm chết người trên phố Hà Nội

Bắt giữ nghi phạm đâm chết người trên phố Hà Nội

Pháp luật - 2 giờ trước

GĐXH - Trong quá trình can ngăn vụ ẩu đả, nạn nhân đã bị nghi phạm đâm nhầm dẫn tới tử vong.

Thông tin mới nhất vụ thiếu nữ 15 tuổi nghi bị bạn trai sát hại, chôn xác phi tang trong vườn

Thông tin mới nhất vụ thiếu nữ 15 tuổi nghi bị bạn trai sát hại, chôn xác phi tang trong vườn

Pháp luật - 2 giờ trước

GĐXH - Qua quá trình đấu tranh, bước đầu Lê Phong T. khai nhận do mâu thuẫn tình cảm nên đã ra tay sát hại bạn gái rồi chôn thi thể nạn nhân trong vườn để phi tang...

Nắng nóng gay gắt ở miền Bắc có thể gây dông, lốc, sét, mưa đá về chiều tối và đêm

Nắng nóng gay gắt ở miền Bắc có thể gây dông, lốc, sét, mưa đá về chiều tối và đêm

Đời sống - 3 giờ trước

GĐXH - Do ban ngày khu vực hứng chịu nền nhiệt cao, mưa dông có thể đi kèm các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Cuộc sống hàng chục hộ dân giữa Thủ đô bị đảo lộn do thiếu cống thoát nước thải sinh hoạt

Cuộc sống hàng chục hộ dân giữa Thủ đô bị đảo lộn do thiếu cống thoát nước thải sinh hoạt

Đời sống - 3 giờ trước

GĐXH - Do thiếu hệ thống cống thoát nước thải sinh hoạt, nhiều năm qua cuộc sống của rất nhiều hộ dân tại TDP Tó (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị đảo lộn.

Loạt vụ xâm hại khiến trẻ mang thai: Bất ngờ với thủ phạm

Loạt vụ xâm hại khiến trẻ mang thai: Bất ngờ với thủ phạm

Pháp luật - 6 giờ trước

Không ít vụ xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian qua xảy ra khi nạn nhân chưa đầy 16 tuổi. Đa số thủ phạm đều là những “gương mặt thân quen” như hàng xóm, cha dượng, người thân trong gia đình…

Top