Hà Nội
23°C / 22-25°C

Bếp lửa nơi đầu sóng

Thứ năm, 07:00 23/01/2020 | Xã hội

GiadinhNet - Suốt thời thơ bé, tôi từng đun nấu trong căn bếp rạ, vừa thổi lửa vừa nghe gà cục tác, tiếng khế rụng lộp bộp sau vườn. Giờ đây, trong căn bếp phố thị tiện nghi sáng choang, tôi vẫn thích treo từng chùm tỏi, ớt khô, dăm bắp ngô màu cam rực rỡ nhờ lớp bẹ trắng làm nền. Thế nhưng, khi đặt chân lên chuyến tàu ra Trường Sa, giữa vùng trời nước mênh mang, trong tôi luôn dấy lên một niềm đau đáu: Chẳng biết ở nơi xa ấy, bếp có như bếp lửa quê nhà?

Bếp lửa nơi đầu sóng - Ảnh 1.

Lưu luyến An Bang…

Đi Trường Sa mùa biển động, hải trình nào có đảo An Bang thì gần như tất cả nhân sự và chỉ huy trên mỗi chuyến tàu đều nóng lòng sốt ruột, đứng ngồi không yên chừng nào xuồng còn chưa cập đảo. Đảo nhỏ thấp thoáng một dải xanh xanh nhưng thông tin cập nhật trên đài chỉ huy vẫn đều đặn, đầy ắp tình tiết thông báo về sự thay đổi. Khác biệt về mặt địa hình, địa chất khiến An Bang được mệnh danh là "lò vôi", là đảo "đồng hồ", sóng gió bốn mùa sôi lên ùng ục như thể dưới lòng biển đang diễn ra một cuộc vật lộn giữa hải thần với quái vật, giữa nước với lửa, như trống thúc dồn quân xông pha chốn trận tiền. Sóng hết đợt này đến đợt sóng khác, vồng lên rồi chẻ ra tua tủa như lưỡi giáo, lưỡi gươm xộc thẳng tới chân bờ kè, chồm lên trắng xóa miền chân đảo.

Thời điểm vào An Bang ngắn ngủi lắm, chỉ vỏn vẹn vài giờ đồng hồ "châu báu" trong ngày, hễ tính trượt, không biết đến bao giờ mới ghé thăm một trong những đảo gian khó bậc nhất Trường Sa. Cách xuồng cập đảo không hề giống những nơi khác. Chiếc xuồng nhỏ luôn được kéo bởi một chiếc xuồng hình quả nhót để tăng khả năng chống lật. Vượt qua mép xanh, thấy rõ "sợi dây người" vững vàng nơi mép sóng. Sợi dây cảm tử ấy có trách nhiệm kết nối với xuồng, đưa người lên đảo an toàn.

Cầu tàu và bốn bề dữ dội, nhưng đi sâu vào lòng đảo An Bang lại đẹp đẽ, bình yên vô cùng. Chính xác thì đó là cảm giác thân thuộc, ấm cúng như quê nhà ta vậy. Ở đây, những mái nhà cứ nối nhau, gối nhau, quây quần ôm lấy khu bếp trong khoảng sân mát rượi có bốn, năm cây bàng xòe tán che. Đảo nhỏ, không gian sinh hoạt vỏn vẹn một hình tròn như vòng tay vừa khép lại. Bên cột mốc chủ quyền là biển cả bao la sóng vỗ. Đường đi lối lại có hoa giấy nhiều màu tươi tắn, một cây dừa cao vút lên. Màu sơn vàng nhận thêm màu nắng khiến sắc màu bừng lên, sóng sánh và sáng rõ. Không gian đó nồng nàn, lay động xiết bao.

Bếp lửa nơi đầu sóng - Ảnh 2.

Lần đầu tiên đến với An Bang, tôi ngạc nhiên thích thú khi phát hiện có một cái giếng nước mặn giữa khoảnh sân nhỏ xinh, phía sau bếp. Tán bàng vuông mát rượi điểm xuyết mang đến xúc cảm về giếng nước quê hương. Lời bài hát "Giếng quê" vang lên trong đầu tôi: "Chiều nay giếng bên tôi/ Thầm thì bao kỷ niệm/ Cành khế đầy hoa tím/ Trong một chiều hoàng hôn". Lại gần, soi xuống làn nước xanh ngắt đầy bóng những cụm mây trắng thấy cá tung tăng bơi lội nhìn rõ màu sắc. Tôi từng liên lạc với vài người lính đảo An Bang từ khi còn ở đất liền. Họ hẹn khi tôi lên đảo sẽ làm cơm đãi và quả đúng là chúng tôi kịp ăn với nhau một bữa cơm dưới tán bàng xanh ngắt nhìn sang bên kia là giếng nước, bên này là bếp.

Ở nơi đầu sóng, ăn cùng nhau bữa cơm cũng phải đúng giờ, đúng hiệu lệnh. Bếp chỉ huy có một cậu cần vụ, đến bữa ăn, cậu sắp bát đũa, đơm cơm ngay ngắn. Tất cả thành viên ngồi vào bàn, nhưng không ai được dùng cơm khi chưa có hiệu lệnh. Đúng giờ, còi báo của đảo cất tràng dài: "Toe toe toe, tò toe tý toe", tất cả đồng loạt cầm đũa ăn cơm. Cái cảm giác chờ kẻng ăn cơm thật đặc biệt, chỉ vài phút thôi, tất cả không ai nói với ai câu nào, tĩnh lặng mà thật gần gũi, đầm ấm.

Anh em bộ đội biết "nhà" có khách nên trước đó đã ra biển đục con này, con kia ở bãi san hô rồi đánh bắt cá. Đặc sản biển lên mâm vẫn giữ nguyên sắc màu, vị tươi nên cứ xanh đỏ tím vàng hoa cả mắt. Bộ đội giới thiệu toàn những cái tên, giai thoại rất tiếu lâm, bảo: "Chị ăn đi, ngon lắm, bổ lắm!". Trên đảo, hôm nào khách hẹn ăn cơm là anh em lại chuẩn bị. Có lứa rau mầm, giá đỗ, nhìn lên mâm còn ngắn ngủn biết ngay chưa đến kì thu hoạch đâu, và đó cũng là thực phẩm đảo quý nhất, vậy mà họ vẫn dành cho khách. Khách sáo thì bộ đội buồn, ăn nhiều thì cũng ngại, nên trong những bữa ăn ấy, tôi cứ rơi vào tâm trạng không dám phụ lòng bộ đội, làm sao để tất cả cùng thoải mái, vui vẻ như tấm chân tình vốn thế.

Sau này, về đất liền rồi, tôi quen Biền – người lính thông tin đảo Song Tử Tây năm 2005-2008. Anh kể, có đoàn ra thăm đảo, mưa giông không về được nên lưu trú lại đêm hôm đó. Nhà thông tin nuôi rất nhiều gà và nuôi thả. Biền với một cậu tên Dũng được giao nhiệm vụ bắt gà để làm cơm tiếp khách. Tối muộn rồi nhưng lũ gà đảo rất tinh, chúng chạy loạn xạ và mau lẹ ra tít một bụi cây lớn gần ngọn hải đăng. Biền bên này rọi đèn thấy đôi chân gà, Dũng bên kia bụi cây rọi đèn cũng thấy đôi chân gà, thống nhất chúng ta "một, hai, ba" lao vào cùng chộp nhé. Lao vào, một ông chộp hụt, một ông chộp trúng, tiếng gà quang quác vụt đi, thế là thế nào? Hóa ra, một ông nhìn thấy chân gà, ông kia thấy chân con cuốc, gà chạy mất rồi, bắt được mỗi con cuốc thôi. Hai anh lính tiu nghỉu đi về, nhà thông tin vẫn quyết định đãi khách bằng cách bắt con gà đẻ, dầu rằng gà đẻ trên đảo quý lắm, những quả trứng còn là lứa gà con sau này. Những gì tốt nhất, ngon nhất ở đảo xa chính ra lại để chăm lo cho đất liền. Con cuốc chộp nhầm kia cũng để cải thiện bát mì ăn đêm cho khách.

Chiều tà, ta nhớ bếp quê…

Bếp lửa nơi đầu sóng - Ảnh 3.

Một bữa ăn thường ngày của lính đảo. Ảnh: Trần Thành

Cùng ở Trường Sa và giờ giấc như nhau nhưng không gian và đặc điểm về bếp ở mỗi đảo một khác. Ở đảo Trường Sa, trước giờ cơm mươi mười lăm phút, bộ đội sẽ xếp hàng một chỉnh tề, trong hàng ấy có một người xách xô nhựa bên trong đựng bát đũa đủ cho nhóm đấy. Thế rồi, các phân đội từ các hướng sẽ đi về nhà bếp. Một hàng bộ đội đang đi theo mép đường băng. Một hàng khác đi qua cây tra phía đối diện. Hàng nữa vừa tới cây bàng… Những hàng dài ngay ngắn, chỉnh tề xuất phát một giờ, đến cùng một lúc. Lững thững đi theo có những con chó tinh khôn. Chỉ ở đảo Trường Sa, hễ kèn vang lên mới có những đoàn người như thế. Vào giờ ăn, đồng loạt chờ hiệu lệnh mới cầm đũa ăn, ăn không nói chuyện, phòng ăn chỉ có tiếng lanh canh bát đũa va khẽ vào nhau chứ không bao giờ bị xen bởi tiếng nói cười.

Thực phẩm tiêu chuẩn bộ đội thường khó ăn. Có những khi chỉ cho vào trong miệng cho có, nuốt cho xong bữa và chưa đi ăn vẫn biết nay ăn gì, mai ăn gì. Trên bàn ăn, ba cái đĩa nhôm trắng đựng thức ăn. Các phân đội ai chế biến thêm gì để cải thiện thì tự làm. Đôi khi, anh em mang thêm lọ cà, muối vừng, con cá câu được sẽ có sự khác biệt so với những mâm cơm y hệt nhau. Bữa cơm bộ đội diễn ra rất nhanh, ai cà kê như trong đất liền ngoảnh sang sẽ thấy anh em "rào" cái đứng lên, lại xếp hàng ngay ngắn đi về, ai được phân công rửa bát thì ở lại, việc ấy bình đẳng và quay vòng.

Đảo Trường Sa Đông lại khác. Nhà bếp đảo nấu cơm nấu canh cho, thức ăn mặn các phân đội tự tập hợp và mang lên bếp chế biến. Hôm phân đội này nấu ốc, nấu cá. Hôm phân đội kia thấy có hai cậu lính tay cầm sáu cóng thịt hộp… Nhà bếp quân đội rất chuẩn chỉ, cơm canh sắp ra những chiếc bàn dài. Ai được giao nhiệm vụ nấu đồ ăn, chế biến xong bưng mâm cơm về, toàn phân đội ăn. Xong xuôi, rửa bát xong, lại mang đúng nồi nhôm, đĩa nhôm, bát đũa lên trả. Ở đảo chìm, nhà giàn chỉ có mấy chục người lính, họ thường ăn chung, không khí giống một gia đình, bộ đội ăn uống nồng ấm bên nhau, ắm đầy chuyện quê hương làng mạc. Dù ở bất cứ nơi đâu chốn mênh mông trời nước, chiều tà luôn là khoảnh khắc tất cả những người lính vừa chờ cơm, ăn cơm, vừa ngoảnh về hướng Tây bởi nơi ấy chính là đất liền thương nhớ.

Trong đất liền, lắm khi chúng ta cứ phải đau đầu nghĩ hôm nay, ngày mai ăn gì thậm chí sáng ăn gì, trưa ăn gì, tối đổi bữa ra sao. Chuyện chợ búa, khẩu phần với những người phụ nữ lại càng mệt mỏi, nặng nề. Trên đảo giống nhau hết, chẳng bao giờ phải nghĩ, khẩu phần đã được định liệu và chuẩn bị cả tháng trước rồi. Đồ hộp mang ra đảo kiểu gì cũng sẽ ăn hết cho đến phiên cấp sau. Vào dịp lễ Tết, có đồ tươi, cả đảo bừng lên không khí ngày hội. Tôi từng tham dự những bữa ăn như thế. Có lần, tổ kỹ thuật gồm nhân sự các ngành chiêu đãi đảo khi ra nhận nhiệm vụ, cũng để chia tay nhóm kỹ thuật vừa hoàn thành xong nhiệm vụ sẽ về bờ. Họ thịt một con lợn, không khí cực kỳ vui. Thông tin về bữa liên hoan này đã được tiết lộ vài ngày trước, bộ đội nhìn nhau "yên tâm rồi". Các chiến sĩ xúm vào mỗi người một việc.

Đặc biệt, bộ đội thích thịt mỡ lắm. Họ định nghĩa, con lợn ngon phải nhiều mỡ và mỡ thơm. Mùi của mỡ chính là vị tươi kích thích vị giác, khướu giác. Con lợn nào nạc quá chẳng thích đâu, nhìn thớ thịt nghĩ ngay tới miếng thịt nạc hộp. Quý nữa là cỗ lòng luôn được chế biến cẩn thận, sạch sẽ, cầu kỳ. Đảo to nhỏ gì bữa ăn cũng chia đều. Có đợt, con lợn to, bộ đội được ăn thịt tươi đến ba ngày liền. Ngon nhất chính là bữa trưa đầu tiên. Mâm bát bày ra thịnh soạn, đủ đĩa thịt nướng, thịt luộc, lòng, sinh động ra trò. Tôi chợt nhận ra, niềm vui của tất cả mọi người không phải ở bữa ăn, mà chính là không khí chuẩn bị cả buổi, từ việc dậy sớm, cùng làm, cùng đùa vui, chia thịt. Bữa ăn liên hoan thời gian quy định vẫn như cũ, chỉ khoảng nửa tiếng, không khác. Bộ đội đã quen với kỷ luật, không rượu bia, không trò chuyện, phần ăn thừa được mang về, thịt luộc còn thì kho lên đợi bữa sau.

Vừa ra khơi vừa nấu bánh chưng

Tháng Bảy, tàu ra khỏi cửa vịnh Cam Ranh sóng bắt đầu lớn. Tàu rung lắc dữ lắm, nếu tàu nhỏ, giường nằm có khi phải chèn chặt hai bao gạo kẻo người đang nằm bật ra. Khi chúng tôi, người đóng kín mít cửa phòng nằm gọn trên giường vì say sóng, hiếm hoi có người nằm mãi trên boong tàu ngắm trời mây thì cả con tàu vẫn thức, mọi nhân sự vận hành, phục vụ đều không ngừng làm việc. Sau bữa ăn khuya, tổ phục vụ dọn dẹp, kết thúc công việc lúc gần nửa đêm, ngơi nghỉ chân tay chốc lát, trời mờ sáng đã lại nổi lửa lên, lanh canh nồi niêu xoong chảo, bí bầu rau dưa… Người đứng nấu ăn, tay giữ nồi, tay kia cầm đũa. Người đang xử lý thực phẩm, động tác mau lẹ, kẹp thịt cá rau củ cho chắc kẻo lăn lông lốc khắp sàn, đến bữa khách không có cơm ăn.

Thấy tôi còn băn khoăn tò mò về bếp trên tàu, Đại úy Quách Minh Phú, Chính trị viên Tàu 521, Hải đội 413, Vùng 4 Hải quân mở lòng kể về những kỷ niệm của anh và đồng đội quanh căn bếp nhỏ. Ngày ấy, con tàu cấp hàng họ đi còn cái tên là "Tàu thanh niên" vì một lẽ rất tình cờ: Hầu hết nhân sự đều chưa lập gia đình. Tuổi trẻ của những chàng trai chưa yêu cứ hăng hái, say mê "chở tình yêu ra đảo". Chàng lính trẻ có nhiệm vụ nấu bếp lúc nào cũng luôn miệng: "Khi nào về đất liền em sẽ mua một rổ rau thật to, ăn cho thật đã!".

Nhiều chuyến tàu khởi hành đúng ngày 30 Tết. Tàu vừa chạy, vừa nấu bánh chưng! Chúng ta chắc khó tưởng tượng ra cảnh tượng một con tàu nhỏ bé, rời đất liền đúng dịp Tết, vừa ra khơi vừa đón Tết giữa bốn bề trời biển mênh mông. Cảm xúc ấy hẳn là khó tả lắm. Vừa da diết, vừa bâng khuâng, vừa tự hào vì đúng thời điểm này, mình còn mang trên vai nhiệm vụ mang mùa xuân ra đảo. Tết trên tàu đầy đủ bánh chưng, thịt lợn, phòng đón xuân… Bộ đội cũng hát hò, hái hoa dân chủ và xác định vài ngày nữa, nếu sóng to không thể vào đảo được, anh em sẽ cùng nhau hát qua bộ đàm giao lưu cùng lính đảo. Trên ấy, bộ đội còn có thể nhẩm tính, mặc định về các mốc thời gian còn những chuyến tàu thì không…

Đại úy Quách Minh Phú nhớ lại giây phút đón Giao thừa tại đảo Đá Thị, khi đất trời vào xuân, trên đất liền phố phường tấp nập; người người, nhà nhà rộn rã sum vầy ấm cúng bên mâm cỗ Tất niên. Bộ đội trên tàu đang ở giữa trùng khơi, tàu và đảo leo lét hai đốm sáng giữa mênh mông biển đêm lộng gió, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ canh giữ biển trời cho quê hương vui vầy. Trên mũi tàu vẫn có những giọt nước mắt rưng rưng của những chàng chiến sỹ trẻ lần đầu đón xuân trên biển; những lời chúc năm mới nghẹn trong tiếng chập chờn của sóng điện thoại vời vợi yêu thương: "Mẹ yên tâm nhé, chúng con khỏe và đón Tết vui lắm mẹ ơi!". Bấy giờ, cùng với việc nổi lửa trên bếp, tất cả tàu đang làm nhiệm vụ đều kéo ba hồi còi dài đón chào xuân. Những âm thanh ấy trong phút Giao thừa, với những người lính xa nhà vang vọng, thiêng liêng thao thiết. Xuân mới trên biển cả, sau lễ chào cờ trang nghiêm, họ sẽ phóng tầm mắt nhìn biển xanh, tàu cá. Trên nóc mỗi con tàu là cờ đỏ sao vàng tung bay. Như gặp quê hương giữa đất trời lồng lộng, như thấy tình thân ruột thịt hiện hữu giữa trùng khơi.

Những gì tốt nhất, ngon nhất ở đảo xa chính ra lại để chăm lo cho đất liền.

Trong đất liền, lắm khi chúng ta cứ phải đau đầu nghĩ hôm nay, ngày mai ăn gì, thậm chí sáng ăn gì, trưa ăn gì, tối đổi bữa ra sao thì bữa ăn trên đảo giống nhau hết, chẳng bao giờ phải nghĩ, khẩu phần đã được định liệu và chuẩn bị cả tháng trước rồi.

Lữ Mai


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Chứng chỉ ngoại ngữ trong tuyển sinh đại học lên ngôi

Chứng chỉ ngoại ngữ trong tuyển sinh đại học lên ngôi

Giáo dục - 20 phút trước

Theo các chuyên gia, xu hướng tuyển sinh bằng xét tuyển chứng chỉ Ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh sẽ vẫn được nhiều trường đại học duy trì.

Mưa đá lớn xảy ra tại nhiều xã miền núi Nghệ An

Mưa đá lớn xảy ra tại nhiều xã miền núi Nghệ An

Thời sự - 1 giờ trước

Trận mưa đá lớn kéo dài hơn 30 phút xảy ra tại nhiều xã của 2 huyện miền núi ở Nghệ An đã khiến nhiều nhà cửa và hoa màu của người dân bị thiệt hại, hư hỏng.

Đau lòng nam sinh lớp 8 tử vong do tự ngã khi điều khiển xe máy

Đau lòng nam sinh lớp 8 tử vong do tự ngã khi điều khiển xe máy

Xã hội - 8 giờ trước

GĐXH - Trước khi xảy ta sự việc, cháu T. điều khiển xe máy đi trên tuyến đường nội thị từ bãi tắm Bãi Cháy về hướng cầu Bãi Cháy. Khi lưu thông đến khúc cua, phương tiện do nam sinh điều khiển bất ngờ tự ngã xuống đường khiến nạn nhân không qua khỏi.

Vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chết não: Điều tra nghi vấn có đồng phạm

Vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chết não: Điều tra nghi vấn có đồng phạm

Pháp luật - 10 giờ trước

Cơ quan chức năng đang xác minh, điều tra, làm rõ vấn đề có đồng phạm hay không trong vụ việc nam sinh lớp 8 ở quận Long Biên bị đánh đến chấn thương sọ não.

Hôm nay (28/3) có tới 2 người trúng Vietlott, cùng chia nhau số tiền ai cũng mong ước

Hôm nay (28/3) có tới 2 người trúng Vietlott, cùng chia nhau số tiền ai cũng mong ước

Xã hội - 11 giờ trước

GĐXH - Tối 28/3, Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) thông báo đã tìm ra 2 tấm vé trúng giải Jackpot 2 của xổ số Power 6/55.

Lên mạng tìm 'của lạ' người đàn ông mất hơn nửa tỷ đồng

Lên mạng tìm 'của lạ' người đàn ông mất hơn nửa tỷ đồng

Pháp luật - 11 giờ trước

Một người đàn ông ở tỉnh Gia Lai lên mạng tìm "của lạ" đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn nửa tỷ đồng.

Thương tâm: Va chạm với ô tô đầu kéo, người phụ nữ đi xe máy tử vong

Thương tâm: Va chạm với ô tô đầu kéo, người phụ nữ đi xe máy tử vong

Xã hội - 12 giờ trước

GĐXH - Trong quá trình điều khiển xe máy lưu thông trên QL18 đoạn chạy qua địa phận phường Yên Thanh, chị T. bất ngờ va chạm với ô tô đầu kéo đi cùng chiều. Cú va chạm khiến chị T. cùng xe máy ngã ra đường và bị ô tô đầu kéo chèn qua tử vong.

Bắt một giám đốc doanh nghiệp lừa đảo chiếm đoạt gần 987 lượng vàng

Bắt một giám đốc doanh nghiệp lừa đảo chiếm đoạt gần 987 lượng vàng

Pháp luật - 12 giờ trước

GĐXH - Với thủ đoạn tinh vi, một giám đốc doanh nghiệp đã lừa đảo, chiếm đoạt gần 987 lượng vàng 18k, tương đương số tiền hơn 35 tỷ đồng của nhiều người.

Bắt thanh niên 18 tuổi lừa đảo hàng trăm người

Bắt thanh niên 18 tuổi lừa đảo hàng trăm người

Pháp luật - 12 giờ trước

GĐXH - Sau khi lập Facebook, Quý đăng tải bài viết về cho vay online với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh rồi yêu cầu người vay đóng phí. Bằng thủ đoạn này, đối tượng lừa đảo 162 nạn nhân.

Truy đến cùng thông tin xấu độc vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não

Truy đến cùng thông tin xấu độc vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não

Pháp luật - 13 giờ trước

GĐXH - Chiều 28/3, tại cuộc họp báo thông tin kinh tế - xã hội Quý I/2024 của Hà Nội, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã thông tin về vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não xảy ra trên địa bàn quận Long Biên.

Top