Hà Nội
23°C / 22-25°C

Bảo vật Quốc gia và sóng gió cuộc đời người phụ nữ làm rạng rỡ 3 triều vua

Chủ nhật, 16:30 14/02/2016 | Xã hội

GiadinhNet - Lê Thánh Tông được ghi nhận như một trong số không nhiều những vị vua hiền minh, sáng láng, kiệt xuất văn võ của lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Cuộc đời trầm luân của ông gắn liền với vai trò của người mẹ, Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao - một bậc Mẫu nghi thiên hạ có công lao to lớn với cả 3 triều vua Lê sơ. Tấm bia về bà cũng là một di vật đặc biệt hiếm có khi mang trên mình một bài minh và 36 bài xướng họa của quần thần, với những giá trị rực rỡ cả về văn hóa lẫn kiến trúc 600 năm trước truyền lại cho hậu thế. Mới đây, tấm bia đó đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia.

 

Toàn cảnh đền Thánh Mẫu (thờ bà Ngô Thị Ngọc Dao). Ảnh: NH
Toàn cảnh đền Thánh Mẫu (thờ bà Ngô Thị Ngọc Dao). Ảnh: NH

Giấc mơ tiên đồng và dấu ấn trên trán Vua

Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, sinh ra ở làng Đồng Phang (nay thuộc xã Định Hòa, huyện Yên Định, Thanh Hóa), là một ngôi làng cổ, hình thành cách đây khoảng hơn 2.000 năm, từ thời đại các vua Hùng. Vùng đất này có phong cảnh hữu tình, phía trước có đỉnh Non Biền, phía sau có cồn Yên Ngựa, hai bên có cồn Bút, cồn Nghiên. Xưa kia, nơi đây được xem như một mạch đất tay tiên, bốn phương nhiều mạch nước chảy hợp lại, tám hướng gió không lay động, mạch nước từ sông Cầu Chày chảy qua hàng trăm dặm kết huyệt ở áp sông thành đất văn chương bậc nhất... Thế đất được các nhà địa lý xưa xem như một huyệt Hồi Long, đời đời sinh ra cung phi.

Bà Ngọc Dao sinh năm 1420, trong một gia đình đại quý tộc triều Lê. Cha bà là cụ Vương Dụ Ngô Từ, một vị khai quốc công thần đã theo Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh từ những ngày đầu. Năm 16 tuổi, bà Ngọc Dao theo chị gái vào hầu vua Lê Thái Tông ở hậu cung, được nhà vua sủng ái, sắc phong làm Tiệp dư ở cung Khánh Phương. Lúc đó, bà 18 tuổi.

Các cụ cao niên ở xã Định Hòa kể lại rằng: Có rất nhiều giai thoại dân gian về vẻ đẹp và các đức tính đáng khen của bà còn lưu truyền đến ngày nay. Cụ thể như, lúc thân mẫu của bà đang mang thai thì mộng thấy tiên từ cung trăng xuống rồi vào trong nhà, tỉnh dậy sinh ra bà Ngô Thị Ngọc Dao. Khi bà sinh ra, trong nhà có mùi thơm lạ, ngoài sân có tiếng nhạc, âm luật khác thường như nhạc tiên. Đến khi lớn lên, theo người nhà đi làm việc ngoài đồng, thường thấy có 5 sắc mây che trên đầu bà, trẻ nhỏ thường chạy theo để được râm mát lây. Có người biết vậy nên nói “Gái ấy đáng là mẹ của thiên hạ”. Sau khi vào cung hầu vua, lúc sắp sinh, bà Ngọc Dao cũng mơ thấy Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con trai bà. Tiên đồng ấy dùng dằng không chịu đi ngay, Thượng đế giận liền cầm cái hốt ngọc đánh vào trán tiên đồng chảy máu. Bà Ngọc Dao giật mình tỉnh giấc, sinh ra hoàng tử Lê Tư Thành (tức vua Lê Thánh Tông sau này). Tương truyền, khi sinh ra trên trán hoàng tử Lê Tư Thành cũng có một vết sẹo giống như bà Ngọc Dao đã thấy trong giấc mộng.

Giai thoại của bà mẹ vua lưu lạc nhân gian

 

Bia Quang Thục vừa được công nhận Bảo vật Quốc gia. Ảnh: NH
Bia Quang Thục vừa được công nhận Bảo vật Quốc gia. Ảnh: NH

 

Ông Ngô Anh Trâm (70 tuổi), hậu duệ đời thứ 20 của Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, nguyên là bác sỹ quân đội, người đã dày công nghiên cứu, sưu tầm những tài liệu và giai thoại truyền miệng về bà. Chia sẻ với PV Báo GĐ&XH, ông Trâm tự hào: Lịch sử và những nghiên cứu tìm tòi của bản thân đã cho thấy Hoàng Thái hậu Ngọc Dao sinh ra sẵn có chất ngọc thuần hòa, sống đôn hậu, thường xuyên giúp đỡ mọi người, nghiêm mà không ác, giản dị mà trang nhã, lịch sự. Bà lúc nào cũng nghiêm trang như đang tiếp khách, nhưng lại gần gũi, luôn dạy bảo những điều hay ý đẹp khiến trong cung đình, kẻ sang, người hèn đều gọi bà là Phật sống. Công lao lớn nhất của bà đối với xã tắc là đã nuôi dưỡng, dạy bảo nhà vua ngay từ bé đến lớn với không ít những trầm luân khổ ải nhân gian, lo xa tính rộng, khiến cho cội gốc nước nhà vững chắc, phát triển thịnh vượng.

Còn nữa, cho đến khi tuổi cao nhưng tóc bà không bạc, răng không rụng, mắt không mờ, nhan sắc đẹp như người mới ngoài 40 tuổi. Bà mất trong một lần về thăm quê Đồng Phang, thọ 76 tuổi, ở ngôi Hoàng Thái hậu được 37 năm. Theo chính sử và những nghiên cứu của ông Trâm thì bà xứng đáng ở ngôi vị hàng đầu các vị Hoàng hậu nước Đại Việt. Ở bà, đức sánh trời đất, công lao rạng rỡ 3 đời vua: Đối với Lê Thái Tông thì có công chăm lo giúp đỡ, với vua Lê Thánh Tông thì có công sinh dưỡng cù lao, đối với vua Lê Hiến Tông thì tận tình mến thương, chăm chút. Tuy nhiên, bà cũng là người chịu không ít sóng gió, thị phi, nhiều lần suýt mất mạng do cảnh triều đình có những gian thần nhiễu nhương, ganh tị tìm cách mưu hại. May có sự đùm bọc, che chở của vợ chồng quan Hành khiển Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ mới tai qua nạn khỏi.

Ông Trâm cho biết thêm: Sống trong cung bà luôn nết na hiền dịu, ai cũng yêu quý. Vậy nhưng, đám hoạn quan ghen ghét tâu lên vua rằng bà mang thai 12 tháng mà vẫn chưa sinh, theo các truyền thuyết kể con của bà là con nhà trời, nên thời gian mang thai kéo dài hơn hạ giới. Vua khép vào tội chết, bà bị trói ở Tây cung chờ phút giây hành quyết. May có người can ngăn nên bà thoát chết trong gang tấc, nhưng nhà vua ra lệnh giam bà ở chuồng ngựa. Sau lần thoát chết ấy, bà còn gặp họa bởi Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh ghen ghét, tâu lên vua rằng Ngọc Dao liên quan đến vụ Huệ phi và có âm mưu hại Thái tử, nghe xong vua định bắt Ngọc Dao cho voi giày, nhưng nữ quan Nguyễn Thị Lộ, vợ Nguyễn Trãi đứng ra căn ngăn nên một lần nữa bà thoát chết. Vợ chồng Nguyễn Trãi đưa bà rời khỏi cung lánh nạn tại chùa  Huy Văn, (nay ở phố Hàng Bột - Hà Nội). Bà sinh ra hoàng tử Tư Thành ở sau chùa. Khi Lê Tư Thành chưa đầy tháng tuổi, thì vua cha Lê Thái Tông qua đời. Biết Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh vẫn âm thầm cho người dò la tin tức nên Nguyễn Trãi đã đưa bà về chùa Yên Tử (Quảng Ninh) sống ẩn dật.

Sau đó, không may Nguyễn Trãi lại rơi vào vụ án oan Lệ Chi Viên, bị tru di 3 họ. Bà Ngọc Dao được cậu là Đinh Liệt bí mật đưa về An Lão (nay thuộc huyện Vũ Thư, Thái Bình) sống và nuôi con. Gần 20 năm, mẹ con bà được nhân dân đùm bọc, giúp đỡ, thời gian này Lê Tư Thành sống, lao động cùng những người dân nên học tập được những đức tính tốt đẹp, ông thấy rõ những vất vả, khổ cực, lầm than của trăm họ. Chính vì vậy, sau này ông lên làm vua đã có nhiều quyết sách sáng suốt hợp với lòng dân, động viên, tập hợp được sức mạnh toàn dân, đưa đất nước lên giai đoạn thịnh vượng nhất. Năm 1460, sau nhiều loạn lạc, mẹ con bà được các quan đại thần đưa về cung, tôn hoàng tử Lê Tư Thành lên làm vua (tức vua Lê Thánh Tông), bà trở thành Hoàng Thái Hậu. Ông Ngô Anh Trâm cho biết gia tộc mới sưu tầm được 12 sắc phong và đã nộp lên tỉnh Thanh Hóa nhân dịp công nhận di  tích cấp tỉnh.

Bảo vật Quốc gia và nỗi trăn trở của hậu thế

Ông Trần Công Cẩn, người trông đền bên những viên đá mà người dân mới trả lại. Ảnh: N.H
Ông Trần Công Cẩn, người trông đền bên những viên đá mà người dân mới trả lại. Ảnh: N.H

Tương truyền, khi Hoàng Thái hậu Ngọc Giao mất, đúng giữa mùa nóng, dù 5 ngày sau mới khâm liệm nhưng tuyệt nhiên không có mùi hôi hám. Sau khi mất, bà được đưa về an táng tại Sơn Lăng (Lam Kinh), phía Đông khu di tích Lam Kinh. Ngoài việc xây lăng, đắp mộ, triều đình còn cho dựng cả một tấm bia to lớn để  ghi lại lai lịch, công đức của người yên nghỉ trong lăng. Đó chính là bia Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao (Khôn Nguyên Chí Đức Chi Bi). Bia làm bằng đá xanh, nhẵn, bóng nguyên khối, có chiều cao 2,80m, rộng 1,92m dày 0,27m được đặt trên lưng con rùa bằng đá dài 2,75m, rộng  1,92m, cao 0,40m, nặng khoảng 13 tấn.

Ông Trịnh Đình Dương, Trưởng Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh khẳng định: Giá trị tiêu biểu của Bia Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao là nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, một phong cách nghệ thuật mới hoàn chỉnh - nghệ thuật thời Lê Sơ. Một mặt, nó kế thừa những tinh hoa truyền thống trong mỹ thuật thời Lý, Trần. Mặt khác do sự thay đổi hoàn cảnh của xã hội thời Lê Sơ, nên ở Bia Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao mang một phong cách riêng biệt, là tiền đề cho một thời đại huy hoàng của nghệ thuật kiến trúc cung đình, biểu hiện rõ nét uy quyền trên các đường nét trang trí Rồng. Rồng ở đây được coi như là bầu trời "Bầu trời khởi nguyên"… Điều đặc biệt ở văn bia này là bên cạnh mặt sau khắc một bài minh, còn có tới 36 bài thơ xướng họa của các quần thần được chạm cùng. Chính những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật độc nhất vô nhị về tấm bia cũng như công lao to lớn của bà nên năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận Bia Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao là Bảo vật Quốc gia.

Theo gia phả dòng họ Ngô xã Định Hòa, sau khi lên làm vua, Lê Thánh Tông cho xây Thuận Mậu đường tại xã Định Hòa để làm nơi nghỉ dưỡng mỗi khi mẫu hậu về thăm quê. Sau đó, nhà vua lại đổi tên nơi đây thành Điện Thừa Hoa để đền ơn trả nghĩa sinh thành và tôn vinh công lao đức hạnh của bà. Sau này, Điện Thừa Hoa đổi tên thành Đền thờ Thánh Mẫu. Ông Ngô Ngọc Ca, hậu duệ đời thứ 17 của bà Ngọc Dao cho biết: Điện Thừa Hoa tọa lạc tại một khu đất rộng trên 5 mẫu, nằm giữa 2 làng Thung Thượng và Thung Thôn thuộc trung tâm xã Định Hòa. Sau gần 600 năm tồn tại, trải qua biết bao biến cố thăng trầm của thời gian, Điện Thừa Hoa đã bị phá hủy, mất mát đi rất nhiều tài liệu, hiện vật quý. Việc trùng tu tôn tạo lại điện ngày nay trên nền móng cũ tuy không được bề thế, khang trang như trước nhưng những gì còn lại đã phản ánh phần nào diện mạo xưa của nó vốn đã có. Lễ hội nơi đây còn được gọi là lễ hội Phủ Nhì, xưa là Quốc lễ vì được Vua đặc ân ban kinh phí từ lộc điền và tiến lễ hàng năm. Chính lễ diễn ra vào 26/3 Âm lịch. Một trong những phần hấp dẫn và độc đáo trong lễ hội là nghi lễ rước bóng Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao từ ngoài đồng về Điện Thừa Hoa. Điều đặc biệt nghi lễ này chỉ có riêng con gái mới được tế lễ trong ngày này. Những người tế lễ phải là những người con gái còn trinh tiết, đức hạnh mới được chọn khiêng kiệu rước bóng của bà.

Ông Trần Công Cẩn, “thủ từ”đền Thánh Mẫu.
Ông Trần Công Cẩn, “thủ từ”đền Thánh Mẫu.

 

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, bà Lê Thị Hương, cán bộ văn hóa xã Định Hòa băn khoăn: “Năm 1993 nhân dân và khách thập phương đã cung tiến và quyên góp tiền để xây dựng lại nơi thờ bà Ngô Thị Ngọc Dao. Sau đó, quần thể di tích Đền thờ Ngô Kinh, Ngô Từ và Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hiện nay chúng tôi cùng với người dân đang sưu tầm những hiện vật, đặc biệt là các tài liệu về thần phả, sắc phong còn lưu lạc trong nhân gian để đưa về nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu, cũng như việc trùng tu, tôn tạo Điện Thừa Hoa. Đây không chỉ là nơi lưu niệm, tôn vinh danh nhân mà còn là một minh chứng lịch sử phản ánh truyền thống uống nước nhớ nguồn”.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng… vô cùng quan trọng, năm 2010 di tích Điện Thừa Hoa được UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Không hiểu vì sao mà đến nay, nơi đây vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ Bộ này? Chia sẻ với chúng tôi, nhiều người dân và đại diện chính quyền địa phương thiết tha mong muốn sớm công nhận Điện Thừa Hoa là di tích cấp Quốc gia, xứng tầm với một vị Hoàng Thái hậu nhiều công lao với 3 triều vua Lê Sơ hiển hách, có nhiều đóng góp cho đất nước.

 

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, Tiến sỹ Sử học Phạm Văn Tuấn, Trưởng Ban quản lý di tích và danh thắng Thanh  Hóa cho biết: “Bia Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao được các nhà nghiên cứu Văn hóa đánh giá là một tấm bia lớn, độc đáo, tiêu biểu, đại diện cho người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay. Đây chính là tài liệu vô cùng quý giá, vì nó được ghi ngay sự kiện xảy ra, không phải qua sao chép của đời sau nên có giá trị lớn góp phần bổ sung nhiều tư liệu vào chính sử. Nó không chỉ mang tính giáo dục truyền thống, lưu truyền cho hậu thế, mà còn là tài liệu quý khi nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật Việt Nam thời Lê sơ”.

 

Ông từ Trần Công Cẩn, người trông coi đền Thánh Mẫu (Điện Thừa Hoa, nơi thờ bà Ngọc Dao) chia sẻ: “Điện Thừa Hoa là nơi rất linh thiêng. Hàng năm, nhất vào dịp lễ chính, du khách khắp nơi đổ về để dâng hương tỏ lòng thành kính đối với bậc Mẫu nghi thiên hạ. Tôi trông đền cũng đã lâu, những chuyện ma mị thì chưa thấy nhưng thỉnh thoảng mỗi sáng mai ngủ dậy lại thấy vài hiện vật bằng đá được người dân lấy đi trả lại cho đền. Gần đây nhất có gia đình làng bên mang trả lại 2 đầu đòn khiêng ngai bà. Được biết những người trót lấy những hiện vật tại đền gia đình họ luôn gặp chuyện không may, hay ốm đau hoặc làm ăn không được suôn sẻ”.

Ngọc Hưng/Báo Gia đình & Xã hội

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Người đàn ông để lại nhẫn cưới, điện thoại rồi nhảy xuống sông

Người đàn ông để lại nhẫn cưới, điện thoại rồi nhảy xuống sông

Xã hội - 6 giờ trước

GĐXH - Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện một đôi dép, chiếc áo, điện thoại và một nhẫn cưới do nạn nhân để lại.

Lừa đảo đưa 9 người dân ở Bắc Kạn sang Úc làm việc, một đối tượng quê Hải Dương bị bắt

Lừa đảo đưa 9 người dân ở Bắc Kạn sang Úc làm việc, một đối tượng quê Hải Dương bị bắt

Pháp luật - 8 giờ trước

GĐXH - Do nợ nần, Đoàn Văn Trung quê ở Hải Dương lập tài khoản zalo thường xuyên đăng tải hình ảnh về công việc ở Úc với mức thu nhập cao. Khi nạn nhân tin tưởng và chuyển tiền thì chiếm đoạt.

Bắc Kạn: Vận chuyển pháo hoa thuê với giá 2,2 triệu đồng, một đối tượng bị phạt 5 năm tù

Bắc Kạn: Vận chuyển pháo hoa thuê với giá 2,2 triệu đồng, một đối tượng bị phạt 5 năm tù

Pháp luật - 8 giờ trước

GĐXH - Vận chuyển pháo hoa với số lượng lớn từ Cao Bằng về Thái Nguyên với giá 2.200.000 đồng, một bị cáo bị xử phạt 5 năm tù giam.

TPHCM chỉ đạo nóng sau vụ trẻ mầm non bị tát, ngồi đè lên bụng, nhét đồ ăn

TPHCM chỉ đạo nóng sau vụ trẻ mầm non bị tát, ngồi đè lên bụng, nhét đồ ăn

Giáo dục - 8 giờ trước

Ngày 24/4, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM có văn bản chấn chỉnh hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo sau vụ bạo hành tại Lớp Mẫu giáo Tí Bo.

Sơn La: Mưa đá phủ trắng ruộng nương, đường sá, gây thiệt hại lớn

Sơn La: Mưa đá phủ trắng ruộng nương, đường sá, gây thiệt hại lớn

Thời sự - 10 giờ trước

GDXH - Trận mưa đá lớn ở xã Lóng Luông và Xuân Nha, huyện Vân Hồ, Sơn La bao phủ đồi núi, ruộng nương gây thiệt hại nặng.

Phát hiện, tạm giữ 3,5 tấn đường kính không rõ nguồn gốc xuất xứ

Phát hiện, tạm giữ 3,5 tấn đường kính không rõ nguồn gốc xuất xứ

Pháp luật - 10 giờ trước

GĐXH - Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng của Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình phát hiện, tạm giữ 3,5 tấn đường không rõ nguồn gốc xuất xứ.

3 học sinh dựng hiện trường tự tử khiến nhiều lực lượng mò dưới kênh suốt nhiều giờ

3 học sinh dựng hiện trường tự tử khiến nhiều lực lượng mò dưới kênh suốt nhiều giờ

Xã hội - 10 giờ trước

GĐXH - Nhận được thông tin nghi có học sinh tự tử trên kênh N2 (địa bàn xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) các lực lượng chức năng đã khẩn trương xuống kênh để mò tìm suốt nhiều giờ.

Phát tán video ‘nhạy cảm’ khi người yêu cũ có bạn trai mới: Hành vi đê hèn

Phát tán video ‘nhạy cảm’ khi người yêu cũ có bạn trai mới: Hành vi đê hèn

Pháp luật - 10 giờ trước

GĐXH - Bực tức vì người yêu cũ có người yêu mới, Thức đã phát tán video "nhạy cảm" lên mạng xã hội với mục đích trả thù.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu công an làm rõ vụ 2 phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu công an làm rõ vụ 2 phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp

Pháp luật - 11 giờ trước

GĐXH - Trong quá trình tác nghiệp ghi nhận vụ cháy nhà xưởng trên địa bàn xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội, 2 phóng viên thuộc 2 cơ quan báo chí đã bị một nhóm đối tượng lăng mạ, hành hung.

Dự án tàu điện không ray được đề xuất triển khai tại Hà Nội có gì đặc biệt?

Dự án tàu điện không ray được đề xuất triển khai tại Hà Nội có gì đặc biệt?

Đời sống - 11 giờ trước

GĐXH - Tàu điện không ray là một loại hình vận tải hành khách công cộng mới được đề xuất áp dụng vào mạng lưới giao thông công cộng thành phố Hà Nội. Tàu không chạy trên đường ray truyền thống mà thay thế bằng đường ray ảo với công nghệ hiện đại.

Top