Hà Nội
23°C / 22-25°C

Bạc đời phận nữ “cửu”

Thứ bảy, 10:36 15/05/2010 | Xã hội

GiadinhNet - Học dở lớp 11, cô gái mảnh khảnh quê Thuận Thành (Bắc Ninh) phải bỏ học lên Hà Nội làm nghề gánh thuê để nhường "suất" đi học cho 2 đứa em nhỏ. Chưa đến 50 tuổi nhưng tóc bạc già nửa mái đầu, người mẹ khắc khổ phải giã từ vùng chiêm trũng Xuân Thủy (Nam Định) lên phố nuôi hai con học đại học...

Nắng cũng như mưa, cuộc đời họ gắn liền với vỉa hè, góc phố, với bụi bặm chợ búa để kiếm kế sinh nhai.
 
Trắng tóc vì… con
 
Hà Nội những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 gay gắt với cái nắng đầu mùa oi ả, khó chịu. Vậy nhưng, nhóm lao động nữ ngồi chờ việc tại Cầu Đen (Hà Đông), vẫn túm tụm ngóng chờ một bóng xe máy đi qua dừng lại. Với họ, đó là khói, là bụi, là nhọc nhằn vất vả nhưng cũng là cơm, là gạo, là niềm vui sẻ chia với những người thân yêu.
 
Cô Phan Thị Tương (Xuân Thủy, Nam Định) bùi ngùi tâm sự: "Nhà có 4 đứa con đang độ tuổi cắp sách đến trường, nguồn thu nhập chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng ở quê nên nhọc nhằn lắm". Khi đứa con gái đầu lên Hà Nội nhập học Đại học KHXH&NV cũng là lúc cô Tương khăn gói giã từ quê hương đi kiếm sống nuôi con. Từ đó, cô ở riệt Hà Nội bởi khi cô chị mới lên năm 3 thì cô em thứ 2 cũng đỗ đại học. Gia đình đứng trước một sự lựa chọn khó khăn: Hoặc lo cho cô chị học hết đại học, hoặc cho cô em đi học nhưng cô chị phải… nghỉ học. Nuôi cả 2 đứa con học đại học ở Hà Nội không phải là điều dễ với các gia đình khá giả ở quê, nói gì tới nhà nông nghèo như cô Tương! Đang lăn lộn kiếm tiền nuôi con ở Hà Nội, cô Tương hiểu được những đắng cay vất vả của nghề làm thuê. Sau mấy đêm trằn trọc không ngủ, cô quyết định sẽ cố gắng hết sức để cả hai con cùng được đi học đại học.
 

Bốc những chuyến hàng 40 - 50kg ở chợ Đồng Xuân.

 
Mới ngoài 40 tuổi, nhưng nhiều người ngạc nhiên khi gặp mái tóc bạc phân nửa của cô Tương. Gầy gò, mảnh khảnh nhưng phải làm nhiều việc nặng khiến cô già hơn rất nhiều so với tuổi. Quê cô ruộng ít lại không có nghề phụ gì. Mấy sào ruộng nuôi không đủ 8 miệng ăn trong nhà, nói gì lo cho con ăn học! Gánh nặng đè lên vai cô Tương bởi ngoài hai cô chị học ở Hà Nội, 2 đứa em còn lại cũng đang là học sinh. Cháu thứ 3 là học sinh giỏi của trường THPT ở quê, cháu út mới 7 tuổi, đang học lớp 1. Để bất cứ đứa nào phải nghỉ học cô cũng không đành. Vậy là cô nhắm mắt, đưa vai ra gió bụi, chấp nhận những cực nhọc gấp đôi, gấp ba nhằm kiếm thêm tiền cho con ăn học. Có lẽ, đó cũng là điều khiến nhiều nữ cửu vạn khác cùng nhóm thường nhường cho cô ra "nhận việc" trước mỗi khi có người đến thuê.
 
Ngày thì "đi cửu vạn", buổi chiều hết việc cô Tương tranh thủ đi nhặt rác đến tối mịt mới về. Khi đi làm thấy thứ gì có thể bán đồng nát được cô đều cố lượm về hết. Hễ có thời gian là cô vào các ngõ nhỏ, bới những đống rác nhặt từng vỏ lon bia, miếng xốp, chai lọ mang về, gom góp rồi đem bán để thêm được đồng nào hay đồng ấy. Khi chúng tôi hỏi về công việc hàng ngày, cô Tương cười hiền: "Chỉ cần có người thuê mình thì có mệt đến mấy cũng chẳng sao. Chỉ sợ không có ai chịu thuê mình thôi, nhất là khi mình cũng đã có tuổi, thường bị người ta chê nên ế việc thường xuyên".
 

Bốc hàng từ tầng 1 lên tầng 3.

 
"Cơm" ít, "bụi" nhiều
 
Đến chợ Đồng Xuân, chúng tôi gặp nhóm của chị Nguyễn Thị Hoa, quê ở Gia Bình (Bắc Ninh). 27 tuổi, chị có 2 con nhỏ, hơn một sào ruộng khoán và ông chồng suốt ngày theo bạn bè rong chơi. Trước đây, chị Hoa làm công nhân gánh gạch tại khu lò gạch ven bờ sông Đuống huyện Gia Bình. Từ ngày nhà nước có quyết định phá bỏ lò gạch thủ công, người dân quê chị mất chỗ kiếm cơm, người vào Nam, người lên Hà Nội làm cửu vạn. Giữa thời buổi đắt đỏ, gạo thóc không đủ nuôi con, chị đành gửi các cháu lại cho ông bà để lên thành phố kiếm sống. Chị Hoa buồn buồn nói: "Con nhỏ không thể đi xa, chứ công việc ở đây bấp bênh lắm, có ngày làm không hết việc, khi ngồi chờ dài không có người thuê. Làm gần để lúc nhớ con còn về thăm được".
 
Còn Huyền, cô gái nhỏ bé hơn rất nhiều so với cái tuổi 18, quê Thuận Thành (Bắc Ninh) thì lại có một sự hy sinh khác. Học dở lớp 11, đang độ tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", Huyền phải bỏ ngang việc học để theo các chị trong làng đi làm thuê nhường cho hai đứa em "suất"... đi học. "Bố mất sớm, một mình mẹ nuôi ba chị em. Hai năm trước, mẹ em bị cảm, sức khỏe yếu hẳn nên em đi làm thuê kiếm tiền phụ mẹ, nuôi em". Những người mới đến thường ít việc hơn, bởi người làm lâu năm đã có mối quan hệ với chủ hàng. Vậy nên, những người như Huyền cũng rất khó khăn khi kiếm bát cơm giữa phố chợ đông đúc này.
 
Chợ Đồng Xuân được coi là nơi tập trung đông cửu vạn nữ nhất. Tính sơ sơ, có đến gần trăm chị có mặt hàng ngày ở đây. Việc chỉ nhiều vào buổi sáng sớm (5h30 - 7h30), hết hàng, họ ngồi thành hàng chục nhóm từ cổng chợ đến bên trong chợ chờ các mối lẻ. Ai thuê gì làm nấy, có khi là bốc hàng, có khi làm những việc lau dọn, phụ hồ... Các chị ở "chợ người" này từ nhiều vùng quê đến, chủ yếu là người Nam Định và Thanh Hóa, trong đó có vài nhóm ở Bắc Ninh mới nhập. Chứng kiến cảnh nhóm phụ nữ cửu vạn đang giành nhau bốc hàng từ xe tải vào quầy mới thấy công việc này quá sức đối với phụ nữ. Từ xe các chị vác trên vai 50 - 70kg hàng, lặc lè leo cầu thang lên tầng 2, tầng 3 của tòa nhà. Một chuyến nhẹ thì được trả công 4.000 - 5.000 đồng, nặng thì 7.000 - 8.000 đồng/chuyến. Khi có xe hàng về, họ phải tranh giành nhau bởi "công việc ở đây chỉ nhiều khi dỡ hàng từ các xe xuống lúc sáng sớm. Cả buổi sáng giỏi lắm thì bốc được hơn chục chuyến, rồi ngồi cả ngày, có khi chả được mối nào" - chị Hoa bùi ngùi tâm sự.
 
Sẵn sàng làm mọi việc từ mang vác hàng hóa, dọn nhà, đánh vữa, nạo vét cống, chở cát đến các công trường tới việc đào bới nền móng, đập phá nhà cũ, san lấp đường... việc gì các cô, các chị cũng làm miễn là kiếm ra tiền. Công việc nặng nhọc, vất vả lại bị coi thường, thậm chí bị chủ thuê chỉ đáng tuổi con, cháu mình mắng xơi xơi họ cũng phải chấp nhận. Họ cam chịu đến nỗi thành quen như câu thổ lộ tội nghiệp của chị Hương: "Ban đầu thì mình cũng khổ tâm lắm, nhưng lâu rồi thành ra đâm quen. Mình là phận làm thuê nên chủ có chửi đôi câu dăm điều cũng là lẽ thường".
 
Ở thời buổi kinh tế khó khăn kiếm được một việc làm đã khó, để tìm được công việc vừa sức đối với những nữ lao động tự do càng khó hơn. Nhất là khi giá cả không ngừng tăng, mưu sinh được ở đất Hà thành thật không dễ.
 

Từng tốp nữ cửu vạn chờ khách bên đường.

 
"Đua" xe kiếm... việc
 
Một ngày đầu tháng 5, chúng tôi có mặt trước cổng Bệnh viện Tuệ Tĩnh từ lúc 5h30 sáng nhưng "chợ người" ở đây đã họp từ rất lâu trước đó. Có đến hơn 100 người cả nam lẫn nữ (tuổi từ khoảng 15 - 60), ngồi thành nhiều nhóm chờ việc. Dù chưa có ai thuê sớm thế nhưng chị em vẫn phải đến sớm bởi luôn luôn trong tâm lý lo mình bị "ế", bị người khác hớt mất việc. Khoảng hơn 7h sáng, một bà chủ to béo đi xe máy kèm một chiếc xe tải ngang qua "chợ" thuê 7 - 8 phụ nữ đi xúc đất đá, phế thải xây dựng lên xe tải. Khoảng 1 tiếng sau, các chị trở lại trong cảnh lấm lem bùn đất, mồ hôi nhễ nhại, líu tíu chia nhau mỗi người mấy chục ngàn.
 
Có một chuyện khiến ai đến chợ lao động cũng sững sờ lo ngại là các cuộc "đua". Người đông, việc ít nên kẻ đứng, người ngồi khắp vỉa hè. Khi có người thuê, họ phải tranh giành nhau bất chấp đường sá, xe cộ đông đúc có thể xảy ra va chạm, tai nạn bất cứ lúc nào. Người thuê vừa nói rõ công việc là cả đoàn vào cuộc "đua" xe đạp, ai đến trước làm trước thì có việc, ai đến sau coi như bỏ sức mà không kiếm được gì.
 
Theo đoàn xe đạp của nhóm lao động nữ mới nhận việc, nhìn họ "đua xe" mà chúng tôi thấy kinh hoàng. Đường đông, ôtô, xe máy lao vun vút vậy mà họ cứ ngang nhiên cắt đường, đạp theo đoàn để giành bằng được công việc. Những việc nặng được trả công cao, khi đó cả đoàn xe đạp, xe máy vào cuộc đua với nhau còn đáng sợ hơn. Còn khi Công an rượt đuổi, mạnh ai nấy chạy, om sòm, náo loạn cả đoạn đường dù nguy hiểm cận kề.
 
Không quản nắng hay mưa, ngày lễ hay ngày thường, những nữ "cửu vạn" vẫn có mặt tại các "chợ người" chờ việc. Hỏi các chị về ngày lễ 8/3, ngày Quốc tế Lao động 1/5 vừa qua, họ lắc đầu quầy quậy: "Chúng tôi có biết đó là ngày gì đâu. Cứ có người thuê mình làm thì tụi tôi vui hơn… Tết!". Hình như với các chị, chỉ có "ngày được thuê" hay "ngày ế việc" còn không có ngày nghỉ, cũng chẳng có khái niệm ngày Phụ nữ nào hết.
 
Lê Hường
kimvan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Cựu cán bộ ngân hàng MSB chiếm đoạt 338 tỷ đồng của khách, Công an TP Hà Nội kêu gọi các bị hại trình báo

Cựu cán bộ ngân hàng MSB chiếm đoạt 338 tỷ đồng của khách, Công an TP Hà Nội kêu gọi các bị hại trình báo

Pháp luật - 14 phút trước

GĐXH - Công an TP Hà Nội kêu gọi các bị hại là khách hàng bị mất tiền khi gửi, đầu tư vào Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) trình báo cơ quan chức năng thành phố.

Tổ chức hàng trăm chuyến cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép, nhóm đối tượng nhận kết đắng

Tổ chức hàng trăm chuyến cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép, nhóm đối tượng nhận kết đắng

Pháp luật - 1 giờ trước

GĐXH - Trong khoảng một năm, các đối tượng đã tổ chức hàng trăm chuyến nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, thu lợi bất chính hàng tỉ đồng.

Cú điện thoại 'trị giá' gần 1,2 tỷ đồng khiến người phụ nữ nghẹn đắng

Cú điện thoại 'trị giá' gần 1,2 tỷ đồng khiến người phụ nữ nghẹn đắng

Pháp luật - 1 giờ trước

GĐXH - Lo sợ liên quan đến đường dây phạm pháp, người phụ nữ đã chuyển cho kẻ tự xưng là công an gần 1,2 tỷ đồng.

Mưa đá bất thường ở Mù Cang Chải

Mưa đá bất thường ở Mù Cang Chải

Thời sự - 1 giờ trước

Sáng nay tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) xảy ra trận mưa đá bất thường, tàn phá nhiều hoa màu của dân.

'Nữ doanh nhân' sang chảnh lĩnh án tử hình

'Nữ doanh nhân' sang chảnh lĩnh án tử hình

Pháp luật - 1 giờ trước

Mỹ tạo vỏ bọc doanh nhân sống sang chảnh để buôn bán ma túy. Hành vi phạm tội của bị cáo này được một cô gái quê Quảng Bình giúp sức.

Bắt các đối tượng đưa 21 người xuất cảnh trái phép

Bắt các đối tượng đưa 21 người xuất cảnh trái phép

Pháp luật - 2 giờ trước

GĐXH - Hai đối tượng Quốc tịch Trung Quốc đang tổ chức cho 21 người Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Lào thì bị lực lượng Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ.

Đề nghị phạt nặng doanh nghiệp xâm hại di tích quốc gia

Đề nghị phạt nặng doanh nghiệp xâm hại di tích quốc gia

Xã hội - 5 giờ trước

GĐXH - Doanh nghiệp múc đất đá trái phép tại chân lèn Hai Vai, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia này.

Hướng dẫn cách tra cứu hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân 2024 đơn giản, nhanh chóng và chính xác nhất

Hướng dẫn cách tra cứu hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân 2024 đơn giản, nhanh chóng và chính xác nhất

Đời sống - 5 giờ trước

GĐXH - Tra cứu hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân nhằm mục đích tránh những sai sót có thể xảy ra trong quá trình thao tác gửi hồ sơ hoàn thuế, đồng thời có thể tra cứu nhanh chóng kết quả thông báo hoàn thuế. Dưới đây là các bước tra cứu hồ sơ hoàn thuế đơn giản, nhanh gọn người nộp thuế nên cập nhật.

Video: Khoảnh khắc 2 thanh niên bị ô tô húc văng, tử vong

Video: Khoảnh khắc 2 thanh niên bị ô tô húc văng, tử vong

Đời sống - 5 giờ trước

GĐXH - Xe máy do 2 thanh niên điều khiển bất ngờ bị ô tô bán tải từ phía sau lao tới tông trúng, va chạm mạnh khiến 2 nạn nhân tử vong tại chỗ.

Tai nạn trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, tài xế tử vong trong ca bin bẹp rúm

Tai nạn trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, tài xế tử vong trong ca bin bẹp rúm

Thời sự - 6 giờ trước

Lưu thông trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết trong đêm, xe tải bất ngờ va chạm với xe đầu kéo lưu thông cùng chiều. Vụ tai nạn làm tài xế xe tải tử vong.

Top