Hà Nội
23°C / 22-25°C

15 năm "trải thảm" xanh làng

Thứ hai, 11:00 29/09/2008 | Xã hội

Giadinh.net - Hơn một thập kỉ nay, ông Nguyễn Vĩnh Chã, thôn Khả Lễ - Võ Cường - TP Bắc Ninh, đã trồng hàng vạn cây xanh, ở những khoảng đất trống, cằn cỗi trong vùng để giữ đất và tạo môi trường trong lành.





Một mình xẻ núi trồng cây

Cụ Nguyễn Vĩnh Chã, 82 tuổi, thôn Khả Lễ - Võ Cường - Bắc Ninh.

Cách đây gần 15 năm, toàn bộ mảnh đất 10ha trên ngọn núi Sẻ (thôn Khả Lễ, Võ Cường, TP Bắc Ninh) bạt ngàn cỏ lau. Nhưng vì thiếu cây to giữ đất nên cứ vào mùa mưa, nước chảy xối xả từ trên núi xuống làm trôi hết đất màu, trơ lại những đá và đất chết.

Không những thế, nhiều giếng nước ăn của người dân phía dưới chân núi đều bị đục vì nạn xói đất. Rồi chùa Khả Lễ của thôn được xây dựng ngay trên đỉnh núi để làm nơi sinh hoạt tâm linh cho bà con. Cây cỏ vốn giữ nước kém nay lại bị chặt phá để bê tông hoá và gạch hoá nền đường để làm chùa, điều này càng làm cho tình hình rửa trôi tăng cao.

Cụ Chã lúc ấy đã trên 70 tuổi nhưng còn “xuân chán” (theo lời cụ) xung phong lên canh chùa để đám trẻ vô ý thức luôn thả trâu bò trên đó khỏi nghịch phá. Nhìn thấy cảnh chùa đơn lẻ, chẳng có lấy một bóng cây râm mát, về mùa mưa bà con lại không có nước sạch dùng nên cụ Chã quyết tâm cải tạo thiên nhiên.

Chùa Khả Lễ thanh bình giữa những tán cây do cụ Chã trồng

Thế là từ đó, người ta thấy hằng ngày cụ Chã hì hụi đào hố trồng cây. Đào được cái hố nào cụ lại đi tìm cây giống về trồng. Cả một khu đất rộng hàng chục héc ta nên cụ trồng cũng chẳng có “quy hoạch” cho lắm. Cứ tìm được cây giống gì có nhiều tán xanh là cụ trồng. Cụ cứ như con kiến cô đơn bò đi bò lại, cặm cụi làm việc trên đồi Sẻ. Kiến tha lâu đầy tổ, thành quả của cụ Chã cũng lớn lên từng ngày theo những nhát cuốc từ bàn tay xương xẩu. Cả một vùng đất chết dần dần được lấp đầy những cây non.

Cụ Chã nhớ lại: “Đào hố trồng cây không khổ bằng chăm cây”. Bởi vùng đất đồi ấy rất cằn cỗi, lại mất lớp đất mỡ phía trên nên cây non rất dễ chết vì thiếu nước. Vì vậy, cụ phải hì hụi đi gánh nước từ cách đó nửa cây số để tưới cho cây. Hơn 70 tuổi, lưng đã còng, gân cốt đã “lỏng lẻo” nhưng cụ vẫn nhẫn nại gánh từng xô nước nhỏ leo lên đồi.

Nhưng cực thân là một chuyện, cụ Chã còn khổ tâm vì không ít người buông lời bóng gió chì bấc vì không hiểu “ăn vàng ăn bạc hay là ẩm ương mà ông già hơn 70 tuổi lại đi phá núi, mở đường, trồng rừng, trồng cây ăn quả cho... thiên hạ”. 

 Bức hình chụp cùng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1988 (cụ Chã đội mũ nồi, đứng thứ 3 từ bên phải sang). Ảnh: T.L

Mồ hôi cụ thấm từng thớ đất nơi đây, mỗi một cục sỏi, hòn đá đều tan tành trước “sức trẻ” ngồn ngộn chất chứa trong cụ ông có thân hình nhỏ thó này. Nghe một số hàng xóm của cụ kể lại, cụ làm một mình từ sáng đến tối, cứ hí húi với mấy cây đa, cây ăn quả. Đã thế, đất đai lại cằn cỗi, đụng đâu cũng chỉ toàn là sỏi, đá và khô hạn đến nỗi người dân trong thôn trồng cây chịu hạn cũng không sống được.

Có lần, anh con trai thương bố bèn theo lên núi đào đất trồng giúp. Sau một ngày đào thở cả ra tai, anh con trai khuyên bố rằng cây sẽ không lớn được trên đất cằn cỗi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. “Con chịu. Bố thích cứ làm, nhưng làm vừa thôi kẻo ốm”.

Thầy Hùng - chủ trì chùa Khả Lễ cho biết: “Nhớ lại hồi đó, nghe cụ kể mà đến ngay một thanh niên trai trẻ như tôi cũng phải rùng mình kiêng nể sức dẻo dai và lòng kiên nhẫn phi thường của cụ. Hồi còn dạy học trường làng, sáng nào cụ cũng dậy từ 4h30 rồi dắt trâu vác cày ra đồng lướt qua mấy thước ruộng cho vợ con rồi mới về nhà nhấp môi chén trà nóng, tắm rửa gọn ghẽ và cắp sách lên trường như bao người thầy khác.

Cụ sống với tinh thần của một công dân luôn trăn trở những việc bất công, trái ngang của làng của xóm”.

Nhưng “có công mài sắt có ngày nên kim”, góp nhặt từng cái cây, chắt chiu từng xô nước, sau 5 năm trời khổ cực, cụ Chã đã biến cả một ngọn đồi hoang thành một vườn cây tươi xanh mơn mởn. Giữa bức tranh thiên nhiên hoang sơ đó, màu xanh ấy càng nổi bật lên như một nét chấm phá, sự tương phản đồng điệu được toát lên bởi muôn màu của hoa, lá, quả.

Tưởng rằng việc làm hâm dở kia chẳng nên cơm cháo gì, thì giờ đây, mọi con mắt tò mò, xoi mói đã bớt đi nhường chỗ cho sự ngưỡng mộ ý chí và lý tưởng đẹp đẽ của cụ Chã.

Ngày tháng qua đi, những cái cây bé nhỏ xưa cũng lớn dần lên. Nước mưa xối xuống không ào ào như thác đổ mà ngấm dần dần từ trên núi xuống làm nước giếng trong hẳn. Chất đất trong vườn cũng đỡ bị rửa trôi. Lúc ấy, dân tình mới “à” lên một tiếng dài khen cái công của cụ, rồi ngưỡng mộ, rồi coi như vị “tiên sống” trên chùa.

Bao cây ăn quả từ lúc trồng đến nay cụ giao cho nhà chùa quản lý, không thu hái mà dành phúc đó cho mâm ngũ quả thờ trên án gian nhà chùa. Khi tôi đến thăm vườn cây, nhiều cây cụ Chã trồng ngày xưa đã cao gấp hàng chục lần tấm thân bé nhỏ của cụ. Tôi mất khá nhiều thời gian mà không thể chọn được một góc máy để có thể thu hết thành quả của cụ vào trong ống kính.

Trồng hơn 20 ha cây cho... thiên hạ

Nhớ lại những ngày tháng “mưa dầm thấm lâu” ấy, cụ Chã trầm ngâm: “Đời tôi chỉ có một tâm niệm giản đơn, mình còn sức bao nhiêu thì hãy trút hết cho những việc mình cảm thấy là có ích cho bà con.

Chẳng có sự thành công nào mà ý tưởng ban đầu không bị chê là điên rồ. Tôi cứ làm với tâm niệm duy nhất: trồng cây chứ có phá cây đâu mà sợ, ắt hẳn sẽ có ngày cây lớn. Cây cối là nguồn sống của con người, trồng nhiều tức là làm cho cuộc đời kéo dài ra chút ít. Nhiều đêm tôi chiêm nghiệm rằng mình đang làm việc đức độ cho nhà chùa, không có gì phải hối tiếc cả”.

Không chỉ trồng cây phủ xanh đồi Sẻ mà cụ Chã còn trồng rất nhiều cây ở trong vùng. Dọc các đường đi, chỗ nào có đất trống là cụ lại trồng cây. Thậm chí đến nay, chính cụ Chã cũng chẳng nhớ hết những khu đất, những cái cây mà cụ đã từng trồng. Duy có 22 cây đa cụ trồng trước cổng nghĩa trang liệt sĩ phường Võ Cường là cụ nhớ khá rõ vì phải mua từ Yên Thế (Bắc Giang) đem về. Đến nay hai cây đa đã tốt ngật ngưỡng, phủ bóng mát cả một vùng.

 
Ở tuổi gần kề thế giới bên kia, cụ Chã vẫn ngày ngày thầm lặng mang bóng mát đến cho đời.

Theo lời kể của bác quản trang Nguyễn Văn Dũng thì không chỉ trồng hai cây đa này, cụ Chã còn thường dẫn học trò nhặt cỏ, dọn dẹp nghĩa trang. Vào những ngày rằm, ngày lễ, cụ vẫn thường mang hoa quả ra đây khấn lễ trước anh linh các liệt sĩ. “Cụ Chã là người đã có tuổi nhưng có đức tính cực tốt. Việc làm của cụ sẽ huấn thị cho con cháu ngưỡng vọng về những người có công với đất nước này”.

Cô Diêm Thị Hoan, người cùng xóm và là học trò cũ của thầy giáo Chã xúc động: “Tôi thực sự cảm phục những việc làm của thầy Chã. Cả đoạn đường dẫn ra đồng cây ngợp bóng mát kia cũng là một tay thầy Chã trồng nên. Đi làm đồng về chúng tôi thường ngồi nghỉ ở đó “buôn chuyện”. Chỉ có người làng mới biết đây là hàng cây của thầy. Vào vụ mùa, trâu bò nằm nghỉ dưới bóng mát dài dằng dặc hai bên lề đường. Cũng chẳng ai đếm được thầy đã trồng bao nhiêu héc ta cây trong khu vực này.

Chỉ trong khoảng 5 năm thầy đã trồng hết 10ha đất hoang trên đồi Sẻ. Sau đó thầy vẫn đều đặn hằng ngày trồng cây ở những khu đất hoang khác. Nếu như làm một sự ước đoán thì có lẽ số diện tích thầy Chã trồng cũng không dưới 20ha”.

Biến nhà ở thành nơi sinh hoạt văn hoá

Hơn 30 năm là giáo viên trường làng, cụ Chã làm việc với phương châm: Đi trước 10 phút và về sau ít nhất 5 phút so với đồng nghiệp; tận tâm, tận lực với học trò. Cụ bảo luôn phải làm mẫu cho thiên hạ và cũng sẽ có nhiều lời ra lời vào kiểu: “Ấy a, nhà gần trường thế mà giờ mới tới”. Hay những lời than vãn khi về sớm “vài bước chân đã nhảng về tận giường, lúc nào cũng lớn phớn về trước”. Cụ thấy ức cho đồng nghiệp, nên làm mẫu cho các thầy cô noi theo.

Cụ Chã tự hào giới thiệu với chúng tôi những “kỷ vật” trong căn phòng cụ dành riêng để cùng những người bạn già đọc báo và nghe đài. Đó là những tập báo Người cao tuổi phân loại từng năm từ số 1 đến nay; là những tập thơ hoạ lại của các bạn thơ nhân dịp mừng thọ cụ 70 tuổi, cụ hãnh diện khi giới thiệu với tôi bức ảnh cùng các bạn thơ trong Hội thơ Sông Tô (Hà Nội) được chụp với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào năm 1988... Trong đó, điều thú vị nhất là những cuốn Nhật ký bằng thơ cụ viết từ năm 1949, có cuốn màu mực đã nhoè đi nhưng được chủ nhân giữ gìn rất cẩn thận.

Đã ngoài 80 tuổi, tai phải dùng trợ thính nhưng cụ vẫn minh mẫn. Cụ giáo già Nguyễn Vĩnh Chã là bạn đọc quen thuộc của Thư viện tỉnh, nhưng cụ chỉ mượn sách về đọc chứ ít khi nghiên cứu trong phòng đọc. Cụ bảo, đó là bởi cụ chỉ thích đọc những tác phẩm kinh điển, các tiểu thuyết chương hồi, dã sử hay chính sử.

Cụ phân tích: “để làm được những việc có ích cho đời, không chỉ bó hẹp trong những cuốn sách ở làng mà cần phải săn lùng sách kinh điển để hiểu sự đời ở đây với sự đời ở nơi khác như thế nào. Từ đó mà nảy nở ý tưởng cho những công việc tiếp theo. Hơn nữa “ý nghĩa, lối ứng xử trong các tác phẩm này phù hợp với thế hệ già chúng tôi”. Mỗi khi mượn được cuốn sách hay, cụ lại giới thiệu với những người bạn già để cùng trao đổi, tuổi già vì thế dường như đến chậm hơn.

Bây giờ, sáng sáng đánh cầu lông ở sân Nhà văn hoá thôn, thi thoảng đi xe đạp chậm cho thư thái, người thầy giáo năm xưa vẫn tự tìm cho mình phương thức đơn giản ấy để giữ gìn sức khoẻ.

Thời còn trung niên cụ vắt tất cả sức lực trồng cây, cụ bảo hồi đó hăng máu lắm, khí thế chẳng khác nào khí thế lên đường diệt giặc. Đổ bao nhiêu mồ hôi, công sức cho đám cây rừng, nay sắp đến ngày “đi gặp các cụ nhà mình rồi”. Cụ bị vôi hoá cột sống do gánh nước và đào, khoét, đất cứng trên đồi quá nhiều, giờ đi lại khó khăn, nhiều lần ngã tưởng không qua khỏi.

Cụ Phạm Văn Học, chiến hữu của cụ Chã cho biết: “Cách đây 10 năm, vào 1998, cụ cùng hơn 10 cụ khác đạp xe hưởng ứng phong trào người già siêng năng tập luyện thể thao. Cuộc hành trình từ Bắc Ninh - Bắc Giang lên tận cửa khẩu ở Lạng Sơn, rồi đạp ngược lại. Lần đầu tiên một câu lạc bộ văn thể trong tỉnh đạp xe xuyên Bắc Bộ như chúng tôi. Chúng tôi luôn tự hào vì mình là những người đầu tiên khuấy động phong trào”.

“Lúc nào tôi cũng nghĩ rằng khởi đầu mọi tìm tòi khám phá của mình đều xuất phát từ cuộc sống. Cuộc sống khó khăn quá, cần cải thiện nó tốt hơn. Tôi tìm ra nguyên lý sống của mình là đừng xa xôi mà hãy nhìn, hãy yêu, hãy chăm sóc cuộc sống cho thật tốt cái đã. Như thế tự nhiên thành công sẽ đến với mình”. Cũng đúng như bài thơ cụ làm treo trong nhà với tựa đề “Nhân tình”:

Thế thái nhân tình bạc bẽo thay
Sự đời sấp ngửa giống bàn tay
Nhân tình thế thái là thế đó
Tu nhân tích đức được gặp may.

Trước khi chia tay, cụ Chã bảo tôi: “Hãy làm việc như những ngày đầu tiên và hãy sống như những ngày cuối cùng của cuộc đời”.

Đức Chính

thuha
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Vỉa hè ở Hà Nội vừa lát đá mới đã bị chiếm dụng làm nơi đỗ ô tô

Vỉa hè ở Hà Nội vừa lát đá mới đã bị chiếm dụng làm nơi đỗ ô tô

Đời sống - 4 giờ trước

GĐXH - Vỉa hè đường Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm); vỉa hè ngõ 78, 86, 15 phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) đang được cải tạo, lát đá mới. Một số chỗ vừa mới lát xong đã bị chiếm dụng làm nơi đỗ xe ô tô.

Cảnh báo giả danh Chi cục thuế thành phố Huế để lừa đảo

Cảnh báo giả danh Chi cục thuế thành phố Huế để lừa đảo

Pháp luật - 5 giờ trước

GĐXH - Bằng thủ đoạn làm giả giấy mời của Chi cục thuế TP Huế, đồng thời giả cán bộ thuế gọi điện, kết bạn zalo, cung cấp đường link và hướng dẫn nộp quyết toán thuế, các đối tượng lấy cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.

Tỉnh Quảng Trị và T&T Group hợp tác chuyển đổi năng lượng - tăng trưởng xanh với Tập đoàn SK (Hàn Quốc)

Tỉnh Quảng Trị và T&T Group hợp tác chuyển đổi năng lượng - tăng trưởng xanh với Tập đoàn SK (Hàn Quốc)

Xã hội - 5 giờ trước

Ngày 24/4, tại Seoul (Hàn Quốc), với mục tiêu nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác về đầu tư, thương mại và tăng trưởng xanh tại tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị, Tập đoàn T&T Group và SK E&S (Hàn Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.

Kết quả xổ số (KQXS) hôm nay thứ Năm ngày 25/4/2024

Kết quả xổ số (KQXS) hôm nay thứ Năm ngày 25/4/2024

Xã hội - 6 giờ trước

GĐXH - Kết quả xổ số hôm nay - KQXS thứ Năm ngày 25/4/2024: Xổ số miền Nam - XSMN, xổ số miền Trung - XSMT, xổ số miền Bắc - XSMB, xổ số Vietlott - XS Vietlott.

Tìm khóa học hè rèn luyện cho con, một phụ huynh ở Hà Nội bị lừa 600 triệu đồng

Tìm khóa học hè rèn luyện cho con, một phụ huynh ở Hà Nội bị lừa 600 triệu đồng

Pháp luật - 6 giờ trước

GĐXH - Lên mạng xã hội Facebook để tìm cho con khóa học hè về "rèn kỹ năng, tăng trải nghiệm" cho con một phụ huynh ở Thanh Xuân, Hà Nội bị các đối tượng lừa chiếm đoạt 600 triệu đồng.

Cận cảnh những hiện vật quý trong chiến dịch Điện Biên Phủ được giới thiệu tại Hà Nội

Cận cảnh những hiện vật quý trong chiến dịch Điện Biên Phủ được giới thiệu tại Hà Nội

Đời sống - 7 giờ trước

GĐXH - Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, trong đó có nhiều hiện vật lần đầu được giới thiệu đến công chúng.

Ngày mai (26/4), hàng triệu tài xế được hỗ trợ kịp thời nếu gặp sự cố trên cao tốc

Ngày mai (26/4), hàng triệu tài xế được hỗ trợ kịp thời nếu gặp sự cố trên cao tốc

Đời sống - 7 giờ trước

GĐXH - Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, đường dây nóng tiếp nhận thông tin ùn tắc, sự cố... trên cao tốc sẽ chính thức hoạt động từ 26/4.

Đường dây đánh lô đề qua mạng với số tiền hơn 700 triệu đồng/ngày

Đường dây đánh lô đề qua mạng với số tiền hơn 700 triệu đồng/ngày

Pháp luật - 8 giờ trước

GĐXH - Để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng sử dụng sim rác, tài khoản không chính chủ để giao dịch trong đường dây đánh bạc.

Danh sách 12 khu vực tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội, thí sinh và phụ huynh lưu ý

Danh sách 12 khu vực tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội, thí sinh và phụ huynh lưu ý

Giáo dục - 8 giờ trước

GĐXH - Theo hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố toàn thành phố có 12 khu vực tuyển sinh. Dưới đây là danh sách 12 khu vực tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội.

Quy định về chế độ tai nạn lao động được hưởng, có thể nhiều người người chưa nắm rõ

Quy định về chế độ tai nạn lao động được hưởng, có thể nhiều người người chưa nắm rõ

Đời sống - 9 giờ trước

GĐXH - Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động. Mức hưởng chế độ tai nạn lao động hiện nay được quy định thế nào?

Top