Hà Nội
23°C / 22-25°C

NĐT không bắt buộc về buôn bán, mại dâm và khiêu dâm trẻ em

Thứ tư, 18:40 21/03/2007 | Pháp luật

Nghị định thư không bắt buộc về buôn bán trẻ em,mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em do Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua ngày 25/5/2000 theo Nghị quyết A-RES-54-263, bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em CRC.



[Download bản tiếng Việt]   [Download bản tiếng Anh]

Nghị định thư không bắt buộc về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em, bổ sung cho công ước về quyền trẻ em

 (Optional Protocol to the Convention on the Rights of the Child on the Sale of Children, Child Prostitution and Child pornography)

 

Do Đại Hội đồng Liên Hợp quốc thông qua ngày 25/5/2000 theo Nghị quyết A-RES-54-263.

 

 

Các quốc gia thành viên Nghị định thư này

 

Nhận thấy rằng, để thực hiện tốt hơn nữa những mục đích của Công ước về quyền trẻ em và những quy định của Công ước, đặc biệt là các Điều 1, 11, 21, 32, 33, 34, 35 và 36, cần mở rộng các biện pháp mà các quốc gia thành viên phải tiến hành để bảo vệ trẻ em khỏi các tội phạm buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em,

 

Cũng nhận thấy rằng Công ước về quyền trẻ em công nhận trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi bị bóc lột kinh tế hoặc làm bất kỳ công việc gì có thể có hại hoặc cản trở việc học hành của trẻ em, hoặc nguy hại đến sức khoẻ hoặc sự phát triển thể lực, tâm lực, tinh thần, đạo đức hay xã hội của trẻ em,

 

Hết sức lo ngại về sự gia tăng buôn bán quốc tế trẻ em nhằm mục đích bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em,

           

Lo ngại sâu sắc về thực trạng du lịch tình dục ngày càng phát triển mà do đó trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương, vì thực trạng này trực tiếp thúc đẩy việc buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em  và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em,

 

Công nhận rằng nhiều nhóm trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương, trong đó trẻ em gái có nguy cơ bị bóc lột tình dục lớn hơn và trẻ em gái chiếm tỷ lệ cao trong số những người bị bóc lột tình dục,

 

Lo ngại về việc ngày càng xuất hiện nhiều văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em trên Internet, các công nghệ đang phát triển khác và nhắc lại Hội nghị quốc tế về phòng chống văn hoá phẩm khiêu dâm trên Internet, tổ chức tại Viên (áo) năm 1999, và đặc biệt là là kết luận của Hội nghị kêu gọi việc hình sự hoá trên toàn thế giới việc sản xuất, phân phối, xuất khẩu, chuyển giao, nhập khẩu, sở hữu có dụng ý, quảng cáo văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em, và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác và cộng tác chặt chẽ hơn nữa giữa các chính phủ về công nghệ Internet,

 

Tin tưởng rằng việc xoá bỏ nạn buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em sẽ được tạo điều kiện thuận lợi bằng cách áp dụng một cách tiếp cận toàn diện, giải quyết các yếu tố góp phần gây nên tình trạng đó, bao gồm sự kém phát triển, nghèo đói, cơ cấu kinh tế - xã hội không bình đẳng, gia đình tan vỡ, thất học, sự di dân từ nông thôn ra thành thị, sự phân biệt giới, hành vi tình dục vô trách nhiệm của người lớn, những thói quen truyền thống có hại, các cuộc xung đột vũ trang và buôn bán trẻ em,

           

Tin tưởng rằng những cố gắng để nâng cao nhận thức của nhân dân là cần thiết để giảm cầu về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em, văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em và tầm quan trọng của việc tăng cường sự hợp tác toàn cầu giữa tất cả các bên và của việc tăng cường việc thi hành luật pháp ở cấp quốc gia,

           

Ghi nhận những quy định của các văn kiện pháp lý quốc tế có liên quan đến bảo vệ trẻ em, bao gồm Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác giữa các nước về con nuôi nước ngoài, Công ước La Hay về các khía cạnh dân sự của nạn bắt cóc trẻ em quốc tế, Công ước La Hay về quyền hạn pháp lý, luật pháp áp dụng, công nhận, thực hiện và hợp tác về trách nhiệm của cha mẹ và các biện pháp để bảo vệ trẻ em, Côgn ước số 182 của Tổ chức Lao động quốc tế về cấm và hành động nay lập tức để xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất,

           

Được khuyến khích bởi sự hỗ trợ mạnh mẽ đối với Công ước về quyền trẻ em, thể hiện cam kết rộng khắp đối với sự thúc đẩy và bảo vệ các quyền của trẻ em,

           

Công nhận tầm quan trọng của việc thực hiện những quy định của Chương trình hành động về phòng chống buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em, Tuyên bố và Chương trình hành động thông qua tại Hội nghị thế giới chống bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại, tổ chức tại Stốc-khôm từ ngày 27 đến ngày 31/8/1996 và những quyết định và khuyến nghị liên quan của các cơ quan quốc tế thích hợp,

           

Lưu ý đúng mức đến tầm quan trọng của những truyền thống và giá trị văn hoá của mỗi dân tộc đối với việc bảo vệ và phát triển hài hoà trẻ em,

           

Đã thoả thuận như sau:

 

Điều 1

 

Các quốc gia thành viên phải cấm việc buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em như được quy định trong Nghị định thư này.

 

Điều 2

 

Trong phạm vi Nghị định thư này:

 

(a) Buôn bán trẻ em nghĩa là bất kỳ hành động hoặc sự giao dịch nào, qua đó trẻ em bị chuyển giao từ bất kỳ một người hay một nhóm người cho một người hay một nhóm người khác để nhận tiền hoặc bất kỳ hình thức thanh toán nào khác;

 

(b) Mại dâm trẻ em nghĩa là việc sử dụng trẻ em vào các hoạt động tình dục để nhận tiền hoặc bất kỳ hình thức thanh toán nào khác;

 

(c) Văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em nghĩa là bất cứ sự thể hiện nào, dù bằng bất kỳ phương tiện gì, của trẻ em tham gia vào các hoạt động tình dục một cách rõ ràng, thật hoặc mô phỏng, hoặc bất kỳ sự thể hiện nào về những bộ phận sinh dục của trẻ em chủ yếu nhằm các mục đích tình dục.

 

Điều 3

 

1.      Mỗi quốc gia thành viện phải bảo đảm rằng tối thiểu những hành vi và hoạt động sau đây phải được quy định đầy đủ trong pháp luật hình sự, dù các tội phạm này được thực hiện đơn lẻ hoặc có tổ chức, ở phạm vi trong một quốc gia hoặc xuyên quốc gia:

 

(a) Trong phạm vi của việc buôn bán trẻ em như được xác định tại Điều 2:

 

(i) Việc cho, chuyển hoặc nhận trẻ em, bằng bất kỳ biện pháp nào, nhằm:

 

a. Bóc lột trẻ em về tình dục;

 

b. Chuyển giao những bộ phận cơ thể của trẻ em vì lợi nhuận;

 

c. Sử dụng trẻ em để cưỡng bức lao động.

 

(ii) Với tư cách là người trung gian, lợi dụng sự đồng ý một cách không lương thiện cho việc nhận trẻ em làm con nuôi, vi phạm những văn kiện pháp lý quốc tế được áp dụng về con nuôi.

 

(b) Cho, nhận, mua hay cung cấp trẻ em nhằm mục đích mại dâm trẻ em như được xác định tại Điều 2.

 

(c) Sản xuất, phân phối, phổ biến, nhập khẩu, xuất khẩu, chào mời, bán hoặc sở hữu văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em như được xác định tại Điều 2 nhằm các mục đích nói trên.

 

2.      Quy định như vậy cũng phải áp dụng cho một sự cố gắng thực hiện bất kỳ một trong những hành động này và đồng loã hoặc tham gia vào bất kỳ một trong những hành động này tuỳ theo các quy định của luật pháp trong nước của quốc gia thành viên.

 

3.      Mỗi quốc gia thành viên phải có những hình phạt thích hợp đối với các tội phạm nói trên, có lưu ý đến tính chất nghiêm trọng của những tội phạm này.

 

4.      Tuỳ theo các quy định của luật pháp trong nước, mỗi quốc gia thành viên phải thực hiện những biện pháp thích hợp để xác định trách nhiệm pháp lý của pháp nhân theo quy định tại khoản 1 của Điều này. Tuỳ thuộc các nguyên tắc pháp lý của quốc gia thành viên, trách nhiệm pháp lý của pháp nhân có thể là hình sự, dân sự, hoặc hành chính.

 

5.      Các quốc gia thành viên phải thực hiện tất cả các biện pháp pháp lý và hành chính thích hợp để bảo đảm rằng tất cả những người liên quan đến việc nhận trẻ em làm con nuôi phải tuân thủ các quy định trong các văn kiện pháp lý quốc tế được áp dụng.

 

Điều 4

 

1.      Mỗi quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp có thể cần thiết để xác lập quyền tài phán của mình đối với các tội phạm được quy định tại khoản 1 của Điều 3 khi những tội phạm này được thực hiện trên lãnh thổ của quốc gia thành viên đó hoặc trên tầu thuỷ hoặc máy bay được đăng ký tại quốc gia đó.

 

2.      Mỗi quốc gia thành viên có thể thực hiện các biện pháp có thể cần thiết để xác lập quyền tài phán của mình đối với các tội phạm được quy định tại khoản 1 của Điều 3 trong những trường hợp sau:

 

a)      Khi người bị cho là phạm tội là công dân của quốc gia đó, hoặc thường trú trên lãnh thổ của quốc gia đó;

 

b)      Khi nạn nhân là công dân của quốc gia đó.

 

3.      Mỗi quốc gia thành viên cũng phải thực hiện những biện pháp có thể cần thiết để xác lập quyền tài phán của mình đối với các tội phạm nói trên, khi người bị cho là phạm tội đang có mặt trên lãnh thổ của quốc gia đó và quốc gia thành viên này không dẫn độ người đó sang một quốc gia thành viên khác với lý do rằng tội phạm được thực hiện bởi một công dân của quốc gia mình.

 

4.      Nghị định thư này khôngloại trừ bất kỳ quyền tài phán hình sự nào được thực hiện theo luật pháp trong nước.

 

Điều 5

 

1.      Những tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 3 phải được coi là các tội phạm có thể bị dẫn độ theo bất kỳ điều ước về dẫn độ nào giữa các quốc gia thành viên và phải được coi là những tội phạm có thể bị dẫn độ theo mọi điều ước về dẫn độ nào sau này được ký kết giữa các quốc gia thành viên đó, theo những điều kiện được quy định trong các điều ước đó.

 

2.      Nếu một quốc gia thành viên coi việc dẫn độ phụ thuộc vào sự tồn tại của một điều ước nhận được một yêu cầu dẫn độ của một quốc gia thành viên khác mà giữa hai nước không có bất kỳ điều ước về dẫn độ nào thì có thể coi Nghị định thư này như một cơ sở pháp lý về dẫn độ đối với những tội phạm như vậy. Việc dẫn độ phải tuỳ thuộc vào những điều kiện được quy định trong luật pháp của quốc gia được yêu cầu.

 

3.      Các quốc gia thành viên không coi việc dẫn độ phụ thuộc vào sự tồn tại của một điều ước phải coi những tội phạm như vậy là các tội phạm có thể bị dẫn độ giữa các quốc gia đó với nhau, tuỳ thuộc vào những điều kiện của luật pháp của quốc gia được yêu cầu.

 

4.      Nhằm mục đích dẫn độ tội phạm giữa các quốc gia thành viên, những tội phạm như vậy phải được coi là đã được thực hiện không chỉ ở nơi tội phạm xảy ra mà còn ở trên lãnh thổ của các quốc gia được yêu cầu xác lập quyền tài phán của các quốc gia đó theo Điều 4.

 

5.      Nếu một yêu cầu dẫn độ được đưa ra đối với một tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 3 và nếu quốc gia thành viên được yêu cầu không hoặc sẽ không dẫn độ vì người phạm tội có quốc tịch của quốc gia đó thì quốc gia đó phải tiến hành những biện pháp thích hợp để vụ việc được đưa ra các cơ quan có thẩm quyền để truy tố.

 

Điều 6

 

1.      Các quốc gia thành viên phải dành cho nhau sự hỗ trợ nhiều nhất trong việc điều tra hoặc trong các thủ tục tố tụng hình sự hoặc dẫn độ có liên quan đến các tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 3, bao gồm sự hỗ trợ trong việc thu thập chứng cứ cần thiết cho các thủ tục tố tụng.

 

2.      Các quốc gia thành viên phải thực hiện những nghĩa vụ của họ theo khoản 1 của điều này phù hợp với bất kỳ điều ước hoặc thoả thuận nào về tương trợ pháp lý có thể có giữa các quốc gia đó với nhau. Trong trường hợp không có những điều ước hoặc thoả thuận như vậy thì các quốc gia thành viên phải hỗ trợ lẫn nhau theo luật pháp trong nước của các quốc gia đó.

 

Điều 7

 

Tuỳ thuộc những quy định của luật pháp trong nước, các quốc gia thành viên phải:

 

a)      Tiến hành các biện pháp để kê biên hoặc tịch thu, nếu phù hợp:

 

(i) Hàng hoá như vật liệu, tài sản và các phương tiện khác được sử dụng để phạm tội hoặc tạo điều kiện để phạm tội theo Nghị định thư này;

 

(ii) Tài sản do phạm tội mà có;

 

b)      Thực hiện những yêu cầu của một quốc gia thành viên khác để kê biên hoặc tịch thu hàng hoá hoặc tài sản được quy định tại mục a (i);

 

c)      Tiến hành các biện pháp đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn những cơ sở được sử dụng để phạm tội.

 

Điều 8

 

1.      Các nước thành viên phải tiến hành những biện pháp thích hợp để bảo vệ quyền và lợi ích của những trẻ em là nạn nhân của các hành vi bị cấm theo Nghị định thư này trong tất cả các giai đoạn của quá trình tư pháp hình sự, đặc biệt bằng cách:

 

a)      Nhận thức rõ sự dễ bị tổn thương của các nạn nhân là trẻ em và điều chỉnh những thủ tục công nhận các nhu cầu đặc biệt của trẻ em. bao gồm cả những nhu cầu đặc biệt với tư cách là người làm chứng.

 

b)      Thông tin cho các nạn nhân là trẻ em về quyền, vai trò của trẻ em và phạm vi, thời gian, tiến trình tố tụng và xu hướng của các vụ việc đó.

 

c)      Cho phép trình bày các ý kiến, nhu cầu, mối quan tâm của những nạn nhân là trẻ em và những ý kiến đó phải được xem xét đến trong các thủ tục tố tụng nếu quyền lợi cá nhân của trẻ em bị ảnh hưởng, phù hợp với các quy tắc tố tụng của luật pháp quốc gia.

 

d)      Cung cấp cho các nạn nhân là trẻ em những dịch vụ hỗ trợ phù hợp trong suốt quá trình pháp lý.

 

e)      Nếu cần thiết, đảm bảo tính riêng tư và lai lịch của các nạn nhân là trẻ em và tiến hành các biện pháp phù hợp với luật pháp trong nước để tránh sự phổ biến một cách không cần thiết những thông tin có thể dẫn đến sự xác định được lai lịch của các nạn nhân là trẻ em.

 

f)        Trong các trường hợp cần thiết, đảm bảo cho sự an toàn của các nạn nhân là trẻ em cũng như gia đình của trẻ em và những người làm chứng để họ khỏi bị đe doạ và trả thù.

 

g)      Tránh sự chậm trễ không cần thiết trong việc giải quyết các vụ việc và trong việc thi hành những mệnh lệnh hay những quy định luật định về bồi thường cho các nạn nhân là trẻ em.

 

2.      Các quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng việc không chắc chắn về tuổi thực của nạn nhân sẽ không cản trở sự tiến hành điều tra hình sự, bao gồm việc điều tra để xác định tuổi của nạn nhân.

 

3.      Các quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng quyền lợi cao nhất của trẻ em phải là điều được quan tâm hàng đầu trong việc đối xử với trẻ em là nạn nhân của những tội phạm được quy định trong Nghị định thư này theo hệ thống tư pháp hình sự.

 

4.      Các quốc gia thành viên phải được thực hiện các biện pháp để bảo đảm sự đào tạo cần thiết, đặc biệt là đào tạo về pháp lý và tâm lý cho những người làm việc với các trẻ em là nạn nhân của những tội phạm bị cấm theo Nghị định thư này.

 

5.      Trong những trường hợp cần thiết, các quốc gia thành viên phải áp dụng những biện pháp bảo vệ sự an toàn của người và/hoặc tổ chức tham gia vào việc phòng ngừa và/hoặc bảo vệ và phục hồi các trẻ em là nạn nhân của những tội phạm như vậy.

 

6.      Không có quy định nào tại Điều này được hiểu là làm phương hại  hoặc không phù hợp với quyền của bị cáo được xét xử một cách công bằng và không thiên vị.

 

Điều 9

 

1.      Các quốc gia thành viên phải thông qua hoặc tăng cường, thực thi và phổ biến pháp luật, các biện pháp hành chính, chính sách và chương trình xã hội để phòng ngừa những tội phạm được quy định trong Nghị định thư này. Phải đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ các trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương vì những tội phạm này.

 

2.      Các quốc gia thành viên phải nâng cao nhận thức của người dân nói chung, bao gồm cả trẻ em, thông qua phổ biến thông tin bằng tất cả các phương tiện thích hợp, giáo dục và đào tạo về những biện pháp phòng ngừa và các tác hại của những tội phạm được quy định trong Nghị định thư này. Trong việc thực hiện những nghĩa vụ của mình theo điều này, các quốc gia thành viên phải khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, và đặc biệt của trẻ em và những nạn nhân là trẻ em vào các chương trình phổ biến thông tin, giáo dục và đào tạo, kể cả ở cấp quốc tế.

3.      Các quốc gia thành viên phải tiến hành tất cả những biện pháp khả thi nhằm mục đích bảo đảm mọi sự hỗ trợ phù hợp cho những nạn nhân của các tội phạm như vậy, bao gồm sự hoà nhập đầy đủ của họ vào xã hội và sự hồi phục đầy đủ của họ về thể chất và tâm lý.

 

4.      Các quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng, không có sự phân biệt đối xử, tất cả các trẻ em là nạn nhân của những tội phạm được quy định trong Nghị định thư này được tiếp cận đầy đủ các thủ tục để yêu cầu bồi thường về những tổn haị từ những người phải chịu trách nhiệm pháp lý.

 

5.      Các quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm cấm có hiệu quả việc sản xuất và phổ biến những phương tiện có thể quảng bá cho các tội phạm được quy định trong Nghị định thư này.

 

Điều 10

 

1.      Các quốc gia thành viên phải thực hiện tất cả các bước cần thiết để tăng cường hợp tác quốc tế thông qua những thoả thuận đa phương, khu vực và song phương để phòng ngừa, phát hiện, điều tra, truy tố và trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm về các hoạt động liên quan đến buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em, văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em và du lịch tình dục trẻ em. Các quốc gia thành viên cũng phải đẩy mạnh việc hợp tác và phối hợp quốc tế giữa các cơ quan có thẩm quyền, những tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế và các tổ chức quốc tế.

 

2.      Các quốc gia thành viên phải tăng cường sự hợp tác để hỗ trợ các nạn nhân là trẻ em phục hồi thể lực và tâm lý, tái hoà nhập xã hội và hồi hương.

 

3.      Các quốc gia thành viên phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ như sự nghèo đói và kém phát triển góp phần làm cho trẻ em dễ trở thành đối tượng của việc buôn bán, mại dâm, văn hoá phẩm khiêu dâm và du lịch tình dục trẻ em.

 

4.      Các quốc gia thành viên có điều kiện làm được như vậy phải hỗ trợ tài chính, kỹ thuật hoặc những hỗ trợ khác thông qua các chương trình đa phương, khuc vực, song phương hay những chương trình khác hiện có.

 

Điều 11

 

Không có quy định nào trong Nghị định thư này ảnh hưởng đến bất kỳ quy định nào mà theo đó sự thực hiện các quyền của trẻ em được dễ dàng hơn có thể có trong:

 

a) Luật pháp của một quốc gia thành viên;

 

b) Luật pháp quốc tế có hiệu lực đối với quốc gia đó.

 

Điều 12

 

1.      Mỗi quốc gia thành viên phải gửi một báo cáo đến Uỷ ban quyền trẻ em, sau hai năm kể từ khi Nghị định thư này có hiệu lực đối với quốc gia thành viên đó, để cung cấp những thông tin toàn diện về các biện pháp mà quốc gia đó đã tiến hành nhằm thực hiện những quy định của Nghị định thư này.

 

2.      Sau khi một báo cáo toàn diện đó, mỗi quốc gia thành viên phải có trong những báo cáo mà các quốc gia này gửi cho Uỷ ban về quyền trẻ em theo Điều 44 của Công ước bất kỳ những thông tin nào thêm liên quan đến việc thực hiện Nghị định thư. Các quốc gia thành viên khác của Nghị định thư phải gửi một báo cáo 05 năm một lần.

 

3.      Uỷ ban về quyền trẻ em có thể đề nghị các quốc gia thành viên cung cấp thêm những thông tin liên quan đến việc thực hiện Nghị định thư này.

 

Điều 13

 

1.      Nghị định thư này được mở ký cho bất kỳ quốc gia nào đã là thành viên hoặc đã ký Công ước về quyền trẻ em.

 

2.      Nghị định thư này phải được phê chuẩn hoặc gia nhập bởi bất kỳ quốc gia nào. Các văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập phải được gửi lưu chiểu tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc.

 

Điều 14

 

1.      Nghị định thư này bắt đầu có hiệu lực sau 3 tháng, kể từ ngày văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập thứ 10 được gửi lưu chiểu.

 

2.      Đối với mỗi quốc gia phê chuẩn hoặc gia nhập Nghị định thư này sau khi  Nghị định thư có hiệu lực, Nghị định thư này bắt đầu có hiệu lực sau một tháng kể từ ngày văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập của quốc gia đó được gửi lưu chiểu.

 

Điều 15

 

1.      Bất kỳ quốc gia thành viên nào đều có thể rút khỏi Nghị định thư này vào bất kỳ lúc nào bằng cách gửi thông báo bằng văn bản cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Sau đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc sẽ thông báo cho các quốc gia thành viên của Công ước và tất cả những quốc gia đã ký Công ước. Việc rút khỏi Nghị định thư này sẽ có hiệu lực sau một năm kể từ khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhận được thông báo.

 

2.      Việc rút khỏi Nghị định thư sẽ không có hiệu lực làm mất đi những nghĩa vụ theo quy định của Nghị định thư này của Quốc gia thành viên xin rút khỏi Nghị định thư đối với bất kỳ một tội phạm nào xảy ra trước ngày việc rút khỏi Nghị định thư có hiệu lực. Việc rút khỏi Nghị định thư này như vậy cũng sẽ không làm phương hại, dù bằng bất kỳ cách nào, sự xem xét tiếp tục về bất kỳ vấn đề nào mà Uỷ ban về quyền trẻ em đang xem xét trước ngày có hiệu lực của việc rút khỏi Nghị định thư.

 

 

 

Điều 16

 

1.      Bất kỳ quốc gia thành viên nào đều có thể đề xuất một sửa đổi và gửi đề xuất này cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc.  Sau đó, Tổng Thư ký sẽ thông báo các đề xuất sửa đổi đó cho các quốc gia thành viên, đồng thời đề nghị cho biết có tán thành hay không việc tổ chức một hội nghị giữa những quốc gia thành viên để xem xét và biểu quyết về các đề xuất đó. Nếu trong vòng 4 tháng kể từ ngày thông báo, có ít nhất một phần ba các quốc gia thành viên tán thành một hội nghị như vậy thì Tổng Thư ký sẽ triệu tập một hội nghị dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Bất kỳ sửa đổi nào được chấp nhận bởi đa số các quốc gia thành viên có mặt và biểu quyết tại hội nghị phải được đệ trình để Đại Hội đồng chấp thuận.

 

2.      Một sửa đổi bổ sung được thông qua theo khoản 1 của Điều này sẽ có hiệu lực khi được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua và được đa số hai phần ba các quốc gia thành viên chấp thuận.

 

3.      Khi một sửa đổi có hiệu lực, sửa đổi đó sẽ ràng buộc các quốc gia thành viên đã chấp thuận sửa đổi,  còn các quốc gia thành viên khác vẫn bị ràng buộc bởi những quy định của Nghị định thư này và bất kỳ sửa đổi bổ sung nào trước đó mà các quốc gia đó đã chấp thuận.

 

Điều 17

 

1.      Nghị định thư này được làm bằng tiếng A-rập, tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha, các văn bản đều có giá trị như nhau và được lưu chiểu tại Liên hợp  quốc.

 

2.      Tổng Thư ký Liên hợp quốc phải gửi các bản sao được xác thực của Nghị định thư này tới tất cả các quốc gia thành viên của Công ước và những quốc gia đã ký Công ước.

[Download bản tiếng Việt]   [Download bản tiếng Anh]

giang
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chết não: Điều tra nghi vấn có đồng phạm

Vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chết não: Điều tra nghi vấn có đồng phạm

Pháp luật - 9 giờ trước

Cơ quan chức năng đang xác minh, điều tra, làm rõ vấn đề có đồng phạm hay không trong vụ việc nam sinh lớp 8 ở quận Long Biên bị đánh đến chấn thương sọ não.

Lên mạng tìm 'của lạ' người đàn ông mất hơn nửa tỷ đồng

Lên mạng tìm 'của lạ' người đàn ông mất hơn nửa tỷ đồng

Pháp luật - 10 giờ trước

Một người đàn ông ở tỉnh Gia Lai lên mạng tìm "của lạ" đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn nửa tỷ đồng.

Bắt một giám đốc doanh nghiệp lừa đảo chiếm đoạt gần 987 lượng vàng

Bắt một giám đốc doanh nghiệp lừa đảo chiếm đoạt gần 987 lượng vàng

Pháp luật - 11 giờ trước

GĐXH - Với thủ đoạn tinh vi, một giám đốc doanh nghiệp đã lừa đảo, chiếm đoạt gần 987 lượng vàng 18k, tương đương số tiền hơn 35 tỷ đồng của nhiều người.

Bắt thanh niên 18 tuổi lừa đảo hàng trăm người

Bắt thanh niên 18 tuổi lừa đảo hàng trăm người

Pháp luật - 11 giờ trước

GĐXH - Sau khi lập Facebook, Quý đăng tải bài viết về cho vay online với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh rồi yêu cầu người vay đóng phí. Bằng thủ đoạn này, đối tượng lừa đảo 162 nạn nhân.

Truy đến cùng thông tin xấu độc vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não

Truy đến cùng thông tin xấu độc vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não

Pháp luật - 12 giờ trước

GĐXH - Chiều 28/3, tại cuộc họp báo thông tin kinh tế - xã hội Quý I/2024 của Hà Nội, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã thông tin về vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não xảy ra trên địa bàn quận Long Biên.

Cựu cán bộ ngân hàng MSB chiếm đoạt 338 tỷ đồng của khách, Công an TP Hà Nội kêu gọi các bị hại trình báo

Cựu cán bộ ngân hàng MSB chiếm đoạt 338 tỷ đồng của khách, Công an TP Hà Nội kêu gọi các bị hại trình báo

Pháp luật - 13 giờ trước

GĐXH - Công an TP Hà Nội kêu gọi các bị hại là khách hàng bị mất tiền khi gửi, đầu tư vào Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) trình báo cơ quan chức năng thành phố.

Tổ chức hàng trăm chuyến cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép, nhóm đối tượng nhận kết đắng

Tổ chức hàng trăm chuyến cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép, nhóm đối tượng nhận kết đắng

Pháp luật - 14 giờ trước

GĐXH - Trong khoảng một năm, các đối tượng đã tổ chức hàng trăm chuyến nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, thu lợi bất chính hàng tỉ đồng.

Cú điện thoại 'trị giá' gần 1,2 tỷ đồng khiến người phụ nữ nghẹn đắng

Cú điện thoại 'trị giá' gần 1,2 tỷ đồng khiến người phụ nữ nghẹn đắng

Pháp luật - 14 giờ trước

GĐXH - Lo sợ liên quan đến đường dây phạm pháp, người phụ nữ đã chuyển cho kẻ tự xưng là công an gần 1,2 tỷ đồng.

'Nữ doanh nhân' sang chảnh lĩnh án tử hình

'Nữ doanh nhân' sang chảnh lĩnh án tử hình

Pháp luật - 15 giờ trước

Mỹ tạo vỏ bọc doanh nhân sống sang chảnh để buôn bán ma túy. Hành vi phạm tội của bị cáo này được một cô gái quê Quảng Bình giúp sức.

Bắt các đối tượng đưa 21 người xuất cảnh trái phép

Bắt các đối tượng đưa 21 người xuất cảnh trái phép

Pháp luật - 16 giờ trước

GĐXH - Hai đối tượng Quốc tịch Trung Quốc đang tổ chức cho 21 người Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Lào thì bị lực lượng Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ.

Top