Hà Nội
23°C / 22-25°C

Hai nữ sinh lớp 12 lý giải hội chứng sợ học

Chủ nhật, 17:00 11/11/2018 | Xã hội

Từ nỗi sợ bản thân từng trải qua, Tâm và Nhã đã nghiên cứu sâu về chứng Sophophobia (sợ học) để chỉ ra nguyên nhân.

"Tiếng chuông là báo hiệu đến một giờ học, giờ tiếp thu kiến thức mới mẻ và thú vị. Nhưng với nhiều học sinh, tiếng chuông đó báo động sắp phải đối mặt với nguy cơ nào đó", Lê Huỳnh Mai Tâm và Lê Thanh Nhã mở đầu bài thuyết trình về Sophophobia - hội chứng sợ học, tại vòng thi chung khảo "Tri thức trẻ vì giáo dục" diễn ra chiều 9/11. Hai em khẳng định không còn sợ khi nghe tiếng chuông vào lớp nữa sau một năm nghiên cứu hội chứng này.

Lê Huỳnh Mai Tâm (phải) và Lê Thanh Nhã thuyết trình về hội chứng Sophophobia tại vòng chung khảo Tri thức trẻ vì giáo dục diễn ra chiều 9/11. Ảnh: Dương Tâm
Lê Huỳnh Mai Tâm (phải) và Lê Thanh Nhã thuyết trình về hội chứng Sophophobia tại vòng chung khảo Tri thức trẻ vì giáo dục diễn ra chiều 9/11. Ảnh: Dương Tâm

Là học sinh lớp 12 trường THPT Trần Khai Nguyên (TP HCM), cả Tâm và Nhã từng có cảm giác sợ học, nhất là thời gian đầu cấp 3. Hỏi thăm các bạn, thấy nhiều người giống mình, hai em bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân. Thấy chứng sợ học có tên và cơ sở khoa học, cả hai quyết định kết hợp nghiên cứu sâu và tìm kiếm giải pháp để giúp việc học trở nên nhẹ nhàng hơn.

Khảo sát hơn 1.040 học sinh của 11 trường THPT trên địa bàn TP HCM, Tâm và Nhã giật mình trước tỷ lệ 65% cho biết có gặp phải chứng Sophophobia nhưng tới 67% hoàn toàn chưa biết tới hội chứng này. Trong số người sợ học, 21% là học sinh học lực giỏi, 37% học lực khá.

Điều này phản ánh hai thực tế. Thứ nhất, học sinh THPT chưa có sự quan tâm đúng mức tới vấn đề này. Thứ hai, không phải chỉ học sinh yếu kém mới sợ học. "Kết quả khảo sát đã thôi thúc chúng em làm sâu đề tài nghiên cứu khoa học về Sophophobia nhằm đem đến cho mọi người hiểu biết nhất định", Tâm chia sẻ.

Nguyên nhân và hậu quả của chứng sợ học

Từ quá trình tìm hiểu và khảo sát, Tâm và Nhã chỉ ra một số nguyên nhân khiến học sinh sợ học, trong đó mất động lực chiếm tỷ lệ cao nhất, sau đó đến áp lực điểm số và nghĩ rằng bản thân không có khả năng học môn nào đó do luyện tập nhiều mà không thấy tiến triển hay từ bé đã bị nói là không thể học tốt.

Sợ học cũng có thể xuất hiện khi học sinh bị ảnh hưởng bởi lời nhận xét của người khác; khi có quá nhiều áp lực, tự đặt quá nhiều kỳ vọng vào thành tích, sợ thất bại, sợ thua kém bạn bè.

Ngoài ra, có một số nguyên nhân khách quan dẫn đến sợ học như ám ảnh hay sang chấn tâm lý từ bé vì bị trách mắng, phạt khi học kém, hoặc có những ký ức không đẹp với thứ gắn liền với môn học trong quá khứ; hay do áp lực từ nhà trường, giáo viên.

"Chương trình học ngày càng nặng, học sinh chúng em phải học cả ngày ở trường rồi học thêm và đến khi về nhà rồi lại phải hoàn thành bài tập. Học chiếm quá nhiều thời gian. Nhưng nếu chỉ học ở trường, chúng em khó đáp ứng được lượng kiến thức cho các bài kiểm tra hay thi cử, đặc biệt ở kỳ thi THPT quốc gia tổng hợp kiến thức cả lớp 11 và 12", Nhã nói và cho rằng đó là ví dụ cho nguyên nhân khách quan khiến học sinh sợ học.

Bìa cuốn Cẩm nang Sophophobia do Tâm và Nhã thực hiện. Ảnh: Dương Tâm

Theo nghiên cứu của Tâm và Nhã, có bốn biểu hiện phổ biến ở một học sinh mắc chứng này. Thứ nhất là luôn né tránh khi có người nhắc đến môn học, hay lảng tránh việc học bài môn đó. Thứ hai là não bộ tê liệt hay luôn "biến mất" khi đến tiết học, nguyên nhân là khi căng thẳng máu dồn về tứ chi dẫn đến hiện tượng "cháy não". Thứ ba là có những biểu hiện tiêu cực như sợ hãi, khó thở, đổ mồ hôi tay. Và cuối cùng là run rẩy, thậm chí sợ cả giáo viên môn học đó.

Khi mắc hội chứng này, học sinh bị ảnh hưởng tiêu cực. Nó gây chán ăn, đau đầu, khó thở và nhiều ảnh hưởng khác về thể chất. Sophophobia khiến học sinh bị stress nặng nề, gây bất lợi cho việc tiếp thu và ghi nhớ kiến thức của học sinh. Sophophobia cũng khiến học sinh có nhiều hành vi tiêu cực như nói xấu giáo viên, bỏ học...

Phát hành cẩm nang nhận diện chứng sợ học

Tâm và Nhã cho rằng cả giáo viên, phụ huynh và học sinh cần có sự tìm hiểu kỹ càng về hội chứng Sophophobia, từ đó có sự điều chỉnh thích hợp giúp học sinh chuyển biến tích cực trong việc học. Từ những nguyên nhân cụ thể, mọi người có thể đưa ra phương pháp cải thiện.

Hai em đã tự lên ý tưởng nội dung và thiết kế ra cuốn Cẩm nang Sophophobia dành cho giáo viên, phụ huynh và học sinh. Cuốn cẩm nang chỉ rõ định nghĩa Sophophobia, biểu hiện, một số mẹo nhỏ để vượt qua nỗi sợ và cả trắc nghiệm tính cách nhằm giúp người đọc tự tìm phương pháp riêng cho bản thân.

Tâm cho biết cuốn cẩm nang được các em tự thực hiện từ thiết kế hình vẽ đến nội dung. Các em đã nhờ chuyên viên tâm lý của trường và giảng viên ngành Tâm lý học của Đại học Sư phạm TP HCM thẩm định, góp ý. "Chúng em đã cho nhiều bạn tiếp cận với cuốn cẩm nang này và tất cả đều để lại phản hồi rất tích cực. Nhiều chuyên viên tâm lý của các trường đã xin chúng em cuốn cẩm nang để phổ biến về hội chứng Sophophobia cho học sinh", Tâm thông tin.

Cuốn cẩm nang được thể hiện dưới dạng tranh vẽ kèm minh họa nội dung. Ảnh: Dương Tâm
Cuốn cẩm nang được thể hiện dưới dạng tranh vẽ kèm minh họa nội dung. Ảnh: Dương Tâm

Ngoài cuốn cẩm nang, Tâm và Nhã còn lập ra câu lạc bộ và fanpage SOPHO Trần Khai Nguyên và sắp tới là website nhằm phổ biến kiến thức về hội chứng sợ học nhằm kết nối những nhà tâm lý học, giáo viên, phụ huynh và học sinh để cùng nhau giải quyết vấn đề.

Cứ hai tuần một lần, Tâm và Nhã lại tổ chức một buổi sinh hoạt câu lạc bộ nhằm chia sẻ kiến thức sâu hơn về hội chứng Sophophobia, tạo diễn đàn học tập cho học sinh. Đến nay, đã có hàng nghìn học sinh THPT tiếp cận với kiến thức do Tâm và Nhã cung cấp.

Là ban giám khảo của chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2018, ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, đánh giá cao đề tài nghiên cứu của Tâm và Nhã vì sợ học là vấn đề phổ biến ở học sinh nhưng không phải ai cũng hiểu và chia sẻ được. Giám khảo chương trình hy vọng hai em tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, hoàn thiện cuốn cẩm nang hơn nữa để có thể xuất bản, phát hành rộng rãi.

Ngày 9/11, tại trụ sở Trung ương Đoàn tại Hà Nội, chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2018 tổ chức vòng thi chung khảo nhằm lựa chọn ra tối đa 5 công trình xuất sắc để trao giải 100 triệu đồng/công trình. Các công trình, sáng kiến được lựa chọn thuộc ba nhóm nội dung, gồm: đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu; nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Nghiên cứu về hội chứng sợ học - Sophophobia của hai học sinh Lê Huỳnh Mai Tâm và Lê Thanh Nhã là một trong 15 công trình lọt vào chung khảo. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố trong lễ trao giải diễn ra tối 11/11.

Theo VnExpress

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Tags:
Hòa Bình: Sau va chạm giao thông nữ giáo viên tai nạn thương tâm

Hòa Bình: Sau va chạm giao thông nữ giáo viên tai nạn thương tâm

Thời sự - 16 phút trước

GĐXH - Trên đường đi dạy học, một giáo viên đang công tác tại một trường học ở huyện Tân Lạc, Hòa Bình bất ngờ xảy ra va chạm dẫn đến tử vong.

Chi tiết lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 2024 mới nhất cho người lao động, học sinh, sinh viên

Chi tiết lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 2024 mới nhất cho người lao động, học sinh, sinh viên

Đời sống - 1 giờ trước

GĐXH - Theo lịch hoán đổi ngày làm việc trong dịp lễ 30/4 - 1/5 năm 2024, người lao động sẽ được nghỉ sẽ kéo dài 5 ngày liên tục.

Hà Nội bắn pháo hoa tại 6 điểm 'đón chào' 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hà Nội bắn pháo hoa tại 6 điểm 'đón chào' 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Thời sự - 2 giờ trước

GĐXH - Ngày 23/4, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND tổ chức bắn pháo hoa kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Từ 1/7/2024, người lao động khu vực Hà Nội đón tin vui về tăng lương tối thiểu vùng?

Từ 1/7/2024, người lao động khu vực Hà Nội đón tin vui về tăng lương tối thiểu vùng?

Đời sống - 2 giờ trước

GĐXH - Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH, thống nhất về đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024. Theo đó, lương tối thiểu vùng tại Hà Nội tăng bao nhiêu?

'Mùa' đăng kiểm ở Hà Nội, dòng phương tiện nối đuôi nhau xếp hàng từ sáng sớm

'Mùa' đăng kiểm ở Hà Nội, dòng phương tiện nối đuôi nhau xếp hàng từ sáng sớm

Thời sự - 2 giờ trước

GĐXH - Những ngày gần đây, các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại Hà Nội đang bước vào giai đoạn "cao điểm", theo ghi nhận, một số trung tâm xuất hiện cảnh ùn ứ ngay từ sáng sớm, hàng dài phương tiện nối đuôi nhau tràn ra cả lòng đường.

Chém người sau mâu thuẫn ăn nhậu, 3 thanh niên lĩnh án

Chém người sau mâu thuẫn ăn nhậu, 3 thanh niên lĩnh án

Pháp luật - 3 giờ trước

GĐXH - Do mâu thuẫn trong lúc ăn nhậu, các đối tượng về nhà lấy dao đến chém đối thủ trọng thương.

Ngày mai (24/4), học sinh lớp 12 đăng ký thi thử tốt nghiệp THPT

Ngày mai (24/4), học sinh lớp 12 đăng ký thi thử tốt nghiệp THPT

Giáo dục - 3 giờ trước

GĐXH - Từ ngày 24-28/4, học sinh được đăng ký thi thử tốt nghiệp THPT trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Học sinh lưu ý khoảng thời gian này để tập dượt đăng ký dự thi.

Giải cứu bé gái bị lừa bán sang nước ngoài

Giải cứu bé gái bị lừa bán sang nước ngoài

Pháp luật - 3 giờ trước

GĐXH - Cháu L. quen một người phụ nữ qua Facebook, rồi bị dụ dỗ, lôi kéo và lừa bán sang Myanmar. Sau khi bị sập bẫy, chúng bắt ép cháu lao động vất vả.

Người phụ nữ bật khóc khi nhận lại 400 triệu đồng chuyển nhầm suốt 3 tháng

Người phụ nữ bật khóc khi nhận lại 400 triệu đồng chuyển nhầm suốt 3 tháng

Đời sống - 3 giờ trước

SKĐS - Chuyển 400 triệu đồng cho con trai, do sơ suất, một phụ nữ ở TP HCM chuyển nhầm sang tài khoản của một thanh niên quê Nghệ An đang làm việc ở nước ngoài.

4 con giáp này gặp nhiều may mắn, tài lộc rủng rỉnh trước ngày nghỉ lễ 30/4

4 con giáp này gặp nhiều may mắn, tài lộc rủng rỉnh trước ngày nghỉ lễ 30/4

Đời sống - 4 giờ trước

GĐXH – Dự báo tử vi tuần mới cho thấy, 4 con giáp này gặp nhiều may mắn, tài lộc rủng rỉnh trước ngày nghỉ lễ 30/4.

Top