Hà Nội
23°C / 22-25°C

Cách giữ nếp nhà độc đáo trong gia tộc thờ cúng vua Hùng giữa lòng thành phố

Thứ bảy, 08:00 25/04/2015 | Xã hội

GiadinhNet - Được biết, truyền thống thờ cúng vua Hùng cũng chính là cách giữ nếp nhà của gia tộc này, được nhiều người ngưỡng mộ.

 

Đền thờ vua Hùng của gia tộc họ Đoàn giữa lòng TP.HCM.

 

Nép mình trong khu phố nhỏ trên đường Nguyễn Văn Nguyễn (P. Tân Định, Q.1, TP. HCM), ngôi từ đường của gia tộc họ Đoàn nhỏ nhắn nhưng ấm cúng và bình yên đến lạ. Đây là một trong số những địa điểm thờ vua Hùng ở khu vực phía Nam. Được biết, truyền thống thờ cúng vua Hùng cũng chính là cách giữ nếp nhà của gia tộc này, được nhiều người ngưỡng mộ.

Cho con cháu thấm được chữ “Lễ”

Từ cậu bé đánh trống, dưới sự hướng dẫn của cha trong mỗi dịp lễ tế, ông Tài giờ trở thành người chủ trì chính các buổi lễ. Khi mâm cúng được bày biện đầy đủ, chiên trống rộn rã vang lên cũng là lúc đoàn nữ tế mặc lễ phục trang nghiêm nối gót tiến hành lễ tế trước bàn thờ Quốc tổ. Những công đoạn dâng hương, dâng hoa, rót rượu, dâng lễ vật... diễn ra nhịp nhàng theo sự điều hành của nữ thông xướng. Trong không khí cung kính, nghi ngút khói hương, người chủ tế nhắc lại những lời răn dạy con cháu về đạo lý ở đời, cội nguồn cha ông. “Tất cả người ban lễ nhạc đều là con cháu trong nhà được tập luyện từ nhỏ nên rất khuôn phép thuần thục. Con gái làm thông xướng, đọc văn tế lễ, con trai đánh trống. Một buổi tế lễ có thể hiểu nôm na giống như người nhỏ phải cung kính với người lớn trong cuộc sống thường ngày, không có gì rắc rối ngoài tấm lòng hết mực khiêm cung”, ông Tài cho biết.

Người được ủy quyền thừa kế và chăm sóc ngôi đền thờ Hùng Vương giữa lòng thành phố trên là ông Đoàn Văn Tài (SN 1962). Ông Tài vốn là công nhân trong ngành điện lực, sau nối tiếp nghề thêu của cha mẹ. Biết chúng tôi tới tìm hiểu về truyền thống đáng quý của gia đình mình, ông lộ rõ sự hứng khởi. Ông bảo, chủ đề gia đình, chủ đề giáo dục luôn là điều ông quan tâm nhất. “Bây giờ giới trẻ được nhận nhiều sự quan tâm, được người lớn cho nhiều thứ nhưng điều cần nhất thì lại thiếu thốn. Đó là sự giáo dục. Chứng kiến những bi kịch gia đình, sự sa ngã của lớp trẻ đang đầy rẫy ngoài kia mà tôi thầm mừng vì gia đình mình vẫn bình yên, hạnh phúc đến hôm nay. Tất nhiên, tôi cũng không thể tránh khỏi trăn trở với thực trạng đó”, ông Tài chia sẻ. Có lẽ bởi quan tâm tới chủ đề này nên ở ông Tài, chúng tôi cảm nhận được sự chiêm nghiệm thâm sâu không kém gì một chuyên gia giáo dục.

Nói về truyền thống thờ cúng vua Hùng của gia tộc mình, ông Tài cho biết người khởi đầu là cha ông - cụ Đoàn Văn Nụ (1918-1996). Ông kể: “Cha tôi sinh ra ở một miền quê nghèo thuộc tỉnh Hà Nam. Thời trai trẻ, ông vào Nam mưu sinh. Vào đây, ông đã trải qua đủ thứ nghề và cuối cùng bám trụ với nghề thêu. Còn mẹ tôi là người gốc Quảng Nam. Hai người lấy nhau rồi cùng chí thú làm ăn và cho ra đời xưởng thêu với số công nhân lúc đông nhất cũng tới 20 người. Cha tôi là người vui vẻ nhưng cũng khá nghiêm khắc. Ông ít khi cầm roi đánh anh em tôi nhưng mỗi lần phải vậy là ai cũng nhớ đời, không bao giờ mắc phải lỗi ấy nữa. Mẹ tôi thì hiền dịu hơn nhưng cũng không bao giờ bà can thiệp vào việc dạy con của chồng”. Theo lời ông Tài, khi công việc làm ăn thuận lợi, kinh tế gia đình khấm khá, cụ Đoàn Văn Nụ đã quyết định xây dựng đền thờ để tưởng nhớ công ơn vua Hùng, công ơn tổ tiên. “Cha tôi thường bảo: “Con chim có tổ, con người có tông”. Chúng ta thường ghi nhớ công ơn ông bà, cha mẹ, đây là điều tất nhiên. Nhưng từ đâu mới có ông bà, cha mẹ ta? Lời cha dạy giúp chúng tôi ý thức sâu hơn về nguồn cội, về truyền thống uống nước nhớ nguồn”, ông Tài cho biết.

Ngoài việc giáo dục các thế hệ sau về ý thức “ăn quả nhớ người trồng cây”, cụ Nụ còn muốn thông qua những nghi lễ thờ cúng Hùng Vương để con cháu thấm nhuần được chữ “Lễ” trong cuộc sống. Ông Tài chia sẻ: “Khi mới đi học, tôi cũng được học câu “Tiên học Lễ, hậu học Văn”. Nhưng cái “Lễ” đó là gì thì phải đến khi trưởng thành, tôi mới hiểu được. Đó cũng chính là nhờ những nghi lễ mà cha tôi thực hiện mỗi dịp cúng vua Hùng, cúng tổ tiên. Vào ngày lễ, tất cả các thành viên trong gia đình tôi y phục chỉnh tề, xếp thành hai hàng, lần lượt dâng hương. Chính sự nghiêm túc, thành kính của cha khiến anh em tôi luôn cảm thấy đây là việc làm trang trọng, không thể qua loa. Vậy “Lễ” ở đây là gì? Trong đời sống hàng ngày, nó đơn giản là lấy tăm cho bà, rót nước cho ông, gắp miếng ngon cho cha mẹ, đi về thưa gửi… Còn với người đã khuất, “Lễ” là sự ghi nhớ công ơn, sự thành kính, có ý thức và lối sống tích cực…”.

Ông Tài cho biết thêm, sinh thời, cha ông rất coi trọng giá trị gia đình. Cụ treo một tấm bảng ghi hai dòng chữ đỏ ở chỗ dễ nhìn thấy nhất trong nhà để tự nhắc nhở bản thân và con cháu. Đó là: “Nền tảng gia đình xây ngày trước/ Mái nhà văn tự để lại sau”. Và kết quả của những gì cụ Nụ đã xây dựng chính là mái từ đường này với đông đủ con cháu 4 lần/1 năm. Đó là ngày mùng 1 Tết, ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 và hai ngày giỗ của vợ chồng cụ Nụ. Những ngày này, con cháu họ Đoàn dù đi đâu xa, bận bịu gì cũng tề tịu ở đây để chuẩn bị các nghi thức tế lễ, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm gia đình cũng như chia sẻ về các vấn đề trong cuộc sống. Đó cũng là những dịp để mọi người xích lại bên nhau, gần gũi và yêu thương nhau hơn.

Cái “Uy” của người cha

Tiếp thu cách giáo dục từ cha mẹ, ông Tài cũng dạy các con về ý thức “uống nước, nhớ nguồn” từ rất sớm. Bởi vậy khi tu sửa đền thờ ông lựa chọn chữ Việt để con cháu đọc được, hiểu được những ngụ ý giáo dục trong đó, chứ không dùng chữ Hán. Ông cũng rất chú trọng trong việc dạy các con về đạo lý, lẽ sống ở đời. “Cha tôi tuy nghiêm khắc và có sử dụng roi vọt nhưng rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thay vào đó, mỗi lần các con mắc lỗi, ông thường ngồi nghiêm túc trên chiếc bàn uống nước rồi kêu: “Lên ba biểu”. Ở đó, cha phân tích về lỗi lầm chúng tôi mắc phải, sai ở đâu, cần rút kinh nghiệm như thế nào. Những lúc cha dạy bảo, tôi hay bất cứ anh chị em nào trong nhà cũng đều im lặng lắng nghe, không ai dám phản ứng hay tỏ thái độ không hài lòng. Đó chính là sự tôn nghiêm mà tôi thấy ngày nay, ít bậc phụ huynh giữ được trước con cái. Nhiều người nói mà con không thèm nghe, thậm chí cãi lại ngay lập tức. Như vậy thì làm sao nói được con”, ông Tài cho hay.

Ông Tài cho biết thêm, để tạo ra sự uy nghiêm đối các con, ông chủ đích xây dựng gia đình theo hướng “cha cương, mẹ nhu”. Đó là người cha cương quyết, có chút gia trưởng và người mẹ dịu dàng, thường xuyên tâm sự để thấu hiểu tâm tư các con. Ông Tài thú thực rằng nhiều khi ông cũng sai, cũng hơi quá đáng khi dạy con. Nhưng dù biết vậy, vợ ông (bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung – PV) không bao giờ tỏ thái độ hay can thiệp ngay lập tức. Đó là cái khéo léo của bà để không làm mất cái uy của chồng trước con cái. Sau đó, bà sẽ tham gia, góp ý với ông khi có riêng hai vợ chồng. “Tôi may mắn lấy được người phụ nữ khéo léo và hiểu mình. Bởi vậy, chúng tôi rất hiểu nhau trong cuộc sống, kể cả việc giáo dục con cái. Tôi nghĩ rằng sống trong không khí gia đình ấm êm, hạnh phúc, những đứa trẻ cũng sẽ có sự phát triển lành mạnh hơn”, ông Tài chia sẻ.

Được biết, ông Tài có hai người con, người con trai đầu đang là giảng viên tại một trường đại học danh tiếng, người con gái thứ hai cũng đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định. Đối với vợ chồng ông Tài, con cái học hành đến nơi đến chốn, ngoan ngoãn, hiếu thảo chính là “thành quả” lớn nhất trong cuộc đời ông bà. Ông Tài tâm sự: “Tôi không hi vọng con mình kiếm được vài chục triệu mỗi tháng, cũng không bao giờ chỉ nó phải làm cách này cách kia để có được lương cao, được địa vị trong xã hội. Tôi thấy nhiều bậc phụ huynh bây giờ hay cổ vũ con trong việc tranh quyền, đoạt lợi. Điều đó vô tình khơi sâu lòng tham trong chúng – cái mà con người nào cũng có. Bây giờ, dù các con đã trưởng thành nhưng tôi vẫn giữ thói quen thỉnh thoảng đi uống nước hoặc ngồi riêng với chúng để trò chuyện về những vấn đề trong cuộc sống. Đó cũng là dịp để tôi dạy thêm các con về lối sống, cách ứng xử”.     

Trang Nhung/Báo Gia đình & Xã hội

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Video: Cộng đồng mạng tranh cãi nguyên nhân vụ tai nạn giữa 2 xe ô tô trên cao tốc

Video: Cộng đồng mạng tranh cãi nguyên nhân vụ tai nạn giữa 2 xe ô tô trên cao tốc

Đời sống - 2 giờ trước

GĐXH - Xe ô tô có gắn camera hành trình khi đang di chuyển với tốc độ cao thì bất ngờ gặp xe khách chuyển làn mà không chú ý quan sát, không bật đèn tín hiệu, hậu quả va chạm đã xảy ra.

Nghĩ ‘mưu’ chiếm đoạt tiền người khác tại cây ATM

Nghĩ ‘mưu’ chiếm đoạt tiền người khác tại cây ATM

Pháp luật - 2 giờ trước

GĐXH - Phát hiện cây ATM nhả tiền chậm, Bình nói với người rút tiền máy hỏng để chiếm đoạt tiền.

Lo sợ thành tội phạm, nhiều người 'suýt' mất tiền oan

Lo sợ thành tội phạm, nhiều người 'suýt' mất tiền oan

Xã hội - 2 giờ trước

GĐXH - Thời gian qua, thủ đoạn giả danh, mạo danh cán bộ làm việc trong các cơ quan tư pháp diễn ra khá phổ biến, khiến nhiều người sập bẫy...

Sau tiếng kêu cứu ám ảnh của thiếu nữ 16 tuổi, người tình của mẹ bị bắt

Sau tiếng kêu cứu ám ảnh của thiếu nữ 16 tuổi, người tình của mẹ bị bắt

Pháp luật - 2 giờ trước

GĐXH - Đêm 19/4, nghe tiếng kêu cứu thất thanh của T., hàng xóm chạy lại đập cửa cứu. Tuy nhiên, khi nhìn vào phòng trọ, họ phát hiện thiếu nữ 16 tuổi đã nằm bất động.

2 anh em đạp xe hàng trăm cây số từ Điện Biên đi Hà Nội tìm mẹ

2 anh em đạp xe hàng trăm cây số từ Điện Biên đi Hà Nội tìm mẹ

Đời sống - 3 giờ trước

2 anh em cùng cha khác mẹ đạp xe từ Điện Biên đi Hà Nội để tìm mẹ, khi đến huyện Mai Châu tỉnh Hoà Bình thì mệt quá, được người dân hỏi han, chăm sóc

Bắt giữ nghi phạm đâm chết người trên phố Hà Nội

Bắt giữ nghi phạm đâm chết người trên phố Hà Nội

Pháp luật - 3 giờ trước

GĐXH - Trong quá trình can ngăn vụ ẩu đả, nạn nhân đã bị nghi phạm đâm nhầm dẫn tới tử vong.

Thông tin mới nhất vụ thiếu nữ 15 tuổi nghi bị bạn trai sát hại, chôn xác phi tang trong vườn

Thông tin mới nhất vụ thiếu nữ 15 tuổi nghi bị bạn trai sát hại, chôn xác phi tang trong vườn

Pháp luật - 4 giờ trước

GĐXH - Qua quá trình đấu tranh, bước đầu Lê Phong T. khai nhận do mâu thuẫn tình cảm nên đã ra tay sát hại bạn gái rồi chôn thi thể nạn nhân trong vườn để phi tang...

Nắng nóng gay gắt ở miền Bắc có thể gây dông, lốc, sét, mưa đá về chiều tối và đêm

Nắng nóng gay gắt ở miền Bắc có thể gây dông, lốc, sét, mưa đá về chiều tối và đêm

Đời sống - 4 giờ trước

GĐXH - Do ban ngày khu vực hứng chịu nền nhiệt cao, mưa dông có thể đi kèm các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Cuộc sống hàng chục hộ dân giữa Thủ đô bị đảo lộn do thiếu cống thoát nước thải sinh hoạt

Cuộc sống hàng chục hộ dân giữa Thủ đô bị đảo lộn do thiếu cống thoát nước thải sinh hoạt

Đời sống - 4 giờ trước

GĐXH - Do thiếu hệ thống cống thoát nước thải sinh hoạt, nhiều năm qua cuộc sống của rất nhiều hộ dân tại TDP Tó (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị đảo lộn.

Loạt vụ xâm hại khiến trẻ mang thai: Bất ngờ với thủ phạm

Loạt vụ xâm hại khiến trẻ mang thai: Bất ngờ với thủ phạm

Pháp luật - 7 giờ trước

Không ít vụ xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian qua xảy ra khi nạn nhân chưa đầy 16 tuổi. Đa số thủ phạm đều là những “gương mặt thân quen” như hàng xóm, cha dượng, người thân trong gia đình…

Top