Hà Nội
23°C / 22-25°C

Vùng đất thiêng của vương triều Trần

Thứ bảy, 10:00 29/01/2011 | Giải trí

GiadinhNet - Dưới thời nhà Trần (1226 - 1400) nền văn minh Đại Việt phát triển huy hoàng cả về văn hoá lẫn võ công.

Đó là triều đại tiêu biểu cho tinh thần hoà hợp, đoàn kết dân tộc, quyết chiến, quyết thắng ngoại xâm. Ngày nay, nhắc đến triều đại nhà Trần, người ta thường nghĩ đến đền Trần ở Tức Mặc, Nam Định như là một nơi phát tích của vương nghiệp này. Tuy nhiên, chính vùng đất Long Hưng thuộc tỉnh Thái Bình mới là quê cha đất tổ của Trần Cảnh, vị vua đầu tiên của nhà Trần...
 
Phía trước cổng đền Trần (tỉnh Thái Bình)
 
Bí ẩn Gò hoả tinh...

Làng Tam Đường xưa là vùng đất thiêng, nơi phát nghiệp vương triều Trần, là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của tổ tiên và các vị vua đầu triều Trần - nay thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Các vương triều Đại Việt xưa như các vua triều Lý khi mất đã xây lăng mộ ở quê hương Đình Bảng, Bắc Ninh; nhà Lê thì xây lăng mộ ở tại đất dấy nghiệp Lam Sơn, Thanh Hoá. Nhà Trần cũng vậy, phần lớn các vị hoàng hậu, công chúa vương triều Trần đều được an táng tại quê cha đất tổ Thái Đường lăng. Thái Đường là tên gọi xưa kia của làng Tam Đường ngày nay. Làng nằm ở trung tâm của xã Tiến Đức, phía tây giáp sông Hồng, phía bắc giáp xã Phú Sơn, phía nam nhìn thẳng ra cánh đồng nơi có mộ của bốn vị vua và bốn vị hoàng hậu. Nhà nghiên cứu sử học Đặng Hùng (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) cho hay: Từ xa xưa, người Việt cổ đã đến đây dựa vào gò đống (đất nổi) để sinh sống bằng nghề đánh cá và trồng lúa lốc. Các cụ già trong làng ngày nay vẫn rỉ tai lũ trẻ bảo: Đó là đất mả sao, thiêng lắm! Ấy là các gò đống nổi lên, ở trên có các chòm cỏ xanh hình tròn, đường kính chừng 1 mét, từ xa trông lại chẳng khác gì các ngôi sao ở trên trời. Vì thế mà nơi đây còn có tên gọi là hương Tinh Cương (Tinh có nghĩa là ngôi sao, Cương có nghĩa là gò đất nổi cao lên).
 
Qua hàng ngàn năm bồi đắp phù sa, đất Tinh Cương xưa có hình thế đặc  biệt, mà theo sách địa lý xưa thì đó là thế đất “Tiền Tam thai, hậu Thất tinh” - là vùng đất phát tướng, phát vương. Truyền thuyết kể lại rằng, ngày ấy có một thầy địa lý tài ba dành cả đời đi khắp nơi, tới cả chốn sơn cùng biển tận để tìm đất có vị thế đẹp cho các nhà quyền quý táng mộ. Một lần đến vùng Tinh Cương (làng Tam Đường ngày nay) thấy có một gò hoả tinh nổi lên trên mặt nước, xung quanh có nhiều gò nhỏ, thầy địa lý đã ngạc nhiên mà thốt lên: Giữa vùng sông nước sát với đất bằng mà có những gò đống nổi lên, hẳn không phải là hoang địa. Sau đó, thầy tới làng Tây Nha, gặp người họ Nguyễn vẫn nhờ thầy tìm đất để đặt mộ tổ báo lại việc này. Người họ Nguyễn mừng vui liền mở tiệc rượu khoản đãi, đến khi thấy khách đã say, thừa lúc trời tối, họ Nguyễn bèn trói thầy lại đem quẳng xuống sông.  

May thay, gặp lúc thuỷ triều xuống, thầy địa lý không chết. Người họ Trần tên Hấp lúc ấy đang đánh cá ở gần đó, nghe tiếng kêu cứu liền bơi thuyền lại vớt lên rồi cởi trói hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện. Thầy địa lý liền thuật lại sự tình, đoạn nói: Đội ơn cứu mạng, già này xin được biếu một nơi cát địa để báo đền. Theo chỉ dẫn của thầy địa lý, Trần Hấp bèn chọn giờ lành, ngày tốt, di dời mộ tổ về táng vào gò hoả tinh. Nơi táng mộ ấy có thế đất của “Phấn đại dương giao chiếu – Liên hoa, dĩ sắc đắc thiên hạ” (nghĩa là Phấn son cùng chiếu rọi, Trước mặt nở hoa sen – Sau này ắt hẳn nhờ người phụ nữ có nhan sắc mà đoạt được thiên hạ). Truyền rằng, để thuận lợi cho việc đánh bắt cá, khai hoang, trồng lúa và cũng là để đề phòng dòng họ khác phá mộ, nên theo lời thầy dặn, Trần Hấp đã làm nhà ngay trên phần mộ tổ để tiện trông nom, bảo vệ.
 
Ông Hoàng Thanh Kiện giới thiệu về hậu cung trong Đế Miếu

Tức Mặc - nơi vị tổ  thứ nhất họ Trần đến ở

Theo dân gian: Cũng nhờ lời mách nước của thầy địa lý mà Trần Hấp đưa cha là Trần Kinh chuyển hẳn từ Tức Mặc (Nam Định) về ở đất Thái Đường, nơi có gò hoả tinh và di dời mộ cụ tổ là Trần Tự Mai về táng ở đây.

Như vậy, theo dân gian: Tức Mặc, Nam Định (đền Trần Nam Định) là nơi trước đây vị tổ đời thứ nhất của nhà Trần là Trần Kinh đến ở; còn con của Trần Kinh là Trần Hấp trở về sau này đều ở đất Long Hưng. Chính sử ghi chép rất sơ lược về Trần Kinh nên ta chỉ biết rằng, Trần Kinh dừng chân ở Tức Mặc với hai người con trai rất giỏi võ là Trần Hấp và Trần Duy. Rồi cuối đời nghe theo con trưởng Trần Hấp về định cư ở Thái Đường (Long Hưng, Thái Bình ngày nay).
 
Sách An Nam chí lược của Lê Tắc viết: “Thiên Trường phủ tên cũ là Tức Mặc hương, nơi phát sinh của họ Trần. Đến khi họ Trần được nước, xây một hành cung tại đó, mỗi năm đến một lần để tỏ ra không quên chỗ phát tích của ông bà rồi đổi tên là Thiên Trường phủ. Cũng theo An Nam chí lược, phủ Long Hưng (tên cũ là hương Đa Cương), tổ tiên nhà Trần lúc còn hàn vi ban đêm đi qua một cái cầu khe, đi qua rồi nghoảnh lại không thấy cầu đâu nữa, chẳng bao lâu nhà Trần được nước đổi tên Đa Cương thành Long Hưng phủ. Di chuyển sang đất Thái Đường, nơi có gò hoả tinh đắc địa, Trần Hấp sinh ra Trần Lý; Trần Lý sinh Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung. Trần Thừa sinh Trần Liễu, Trần Cảnh (vị vua đầu tiên của triều Trần), Trần Nhật Hiệu.

Lại nói về việc từ khi Trần Hấp đưa cha và mộ tổ di dời sang Thái Đường thì đến đời Trần Lý (con trai Trần Hấp), dòng họ Trần bắt đầu giàu có và nổi tiếng khắp vùng. Vì có loạn Quách Bốc ở kinh thành nên Trần Lý cùng gia đình đón Hoàng hậu Đàm Thị cùng Thái tử Sảm về sống ở Lưu gia (Lưu Xá). Thái Tử Sảm ở đó, nghe tin con gái Trần Lý là Trần Thị Dung có tư sắc bèn lấy làm vợ. Sau khi lấy Trần Thị Dung, vua Lý Huệ Tông đã phong cho bố vợ là Trần Lý tước Minh Tự. Từ đó, họ Trần dốc lòng giúp vua Lý dẹp loạn Quách Bốc... Trần Thị Dung sinh được hai công chúa Chiêu Hoàng và Thuận Thiên. Năm 1225, Chiêu Hoàng (lúc này đang làm vua) đã nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Từ đó, nghiệp vương của họ Trần bắt đầu và kéo dài tới 175 năm (đến năm 1.400).

Làng Thái đường ngày nay là nơi án táng của phần lớn các vua, hoàng hậu, công chúa nhà Trần. Ở đây có Thọ Lăng, Chiêu Lăng, Dụ Lăng, Đức Lăng, là nơi án táng Thái Thượng Hoàng Trần Thừa, vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông... Tuyên Từ Hoàng Thái hậu và vua Hiển Tông cũng được an táng ở An Lăng. Gần đó, nhà Trần còn xây các cung điện Tinh Cương, Hưng Khánh, Diên An, Diên Hiển, Thềm Thiên Trì... Bến Ngự là nơi các vua Trần đi thuyền từ Thăng Long về quê hương Tam Đường tế tổ tiên. Sau các cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, Chiêm Thành thắng lợi, các vua Trần thường đi thuyền về Bến Ngự và dâng lên những chiến công oanh liệt với tổ tiên. Đền Trần (Tam Đường, Thái Bình) ngày nay vẫn còn khắc ghi 2 câu thơ bất hủ của vua Trần Nhân Tông, tạm dịch “Đất nước hai phen chồn ngựa đá – Non sông ngàn thuở vững âu vàng”. Ngày ấy, người dân ở vùng Long Hưng đã trở thành những người lính được triều đình nhà Trần tin cẩn. Các trai tráng hương Tinh Cương có mặt trong các đội quân tinh nhuệ và họ mãi là: “Người lính già đầu bạc – Kể mãi chuyện nguyên phong” (Nguyên Phong là niên hiệu của vua Trần Thái Tông trong cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ nhất).
 
Phần Bụt (nấm sỏi) nằm ở địa thế phát vương, phát tướng

Mảnh đất địa linh

Làng Tam Đường ngày nay vẫn còn lại 3 ngôi mộ khổng lồ mà nhân dân vẫn gọi là phần Bụt, phần Trung và phần Đa.

Người ta còn gọi đó là mả Vua. Tổng diện tích mả Vua lên tới gần 1.000m2, cao 5 – 6 mét. Theo các nhà khảo cổ học, các nhà sử học thì rất có thể đây là phần mộ của Thượng hoàng Trần Thừa và vua Trần Nhân Tông. Còn dân gian thì truyền tai nhau rằng đó là mộ của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và một phần xá lị của Trần Nhân Tông. Ba gò mả vua nơi đây là ba gò đống duy nhất nổi lên cao của toàn bộ miền đồng bằng tỉnh Thái Bình. Cấu trúc mộ các vua Trần ở Tam Đường, đặc biệt là ngôi mộ Nấm Sỏi (hay người dân vẫn gọi là Phần Bụt) nằm ở khu tiền Tam thai – hậu Thất tinh (là vùng đất có địa thế phát tướng, phát vương) gây không ít bất ngờ cho các nhà khảo cổ học. Ngôi mộ này đã bị xén nhiều lần nhưng quy mô còn lại đến nay vẫn còn gần 400 m2. Phần quách gỗ của ngôi mộ đã bị lộ ra, trên quách gỗ là quách đá, xung quanh và trên mặt rải đá cuội được lèn chặt lẫn với đất cát, đất thịt, cát vàng. Đặc biệt là ở dưới ngôi mộ này vẫn còn có những viên gạch thời Trần được trang trí rất đẹp, loại gạch này giống với loại gạch dùng để xây tháp Phổ Minh ở Nam Định. Tương truyền, mộ phần Bụt đã từng bị Ô Mã Nhi cho lính khai quật. Khi đào đến phần có đá đậy trên quách thì gặp đúng trời mưa, sét đánh xuống, cho là thần linh quở trách nên giặc sợ không dám đào tiếp.

Ba gò đất nổi cao giữa miền duyên hải bằng phẳng đến nay vẫn là ba “đỉnh núi” duy nhất của dải đất đồng bằng này. Ông Hoàng Thanh Kiện, cán bộ quản lý khu di tích đền Trần cho hay, trong cung cấm Đế miếu nhà Trần hiện còn phối thờ các vị là Thái sư Trần Thủ Độ, quốc mẫu Trần Thị Dung và các hoàng hậu. “Các bài vị cổ xưa còn được giữ gìn nguyên bản cho đến ngày nay”, ông Kiện nói. Các cột thân gỗ lớn trong Đế miếu cao tới hơn 8 mét thì được phục dựng lại từ hơn 200 năm nay, toàn bộ câu đối, tượng nơi ngôi đền linh thiêng này đều được thếp vàng.
 
Hơn 700 năm qua, đền thờ các vua Trần, Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung vẫn còn đó. Mảnh đất thiêng ở thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay còn đang lưu giữ hài cốt các bậc tổ tiên triều Trần như: Thủy tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái thượng Hoàng Trần Thừa (cha của vị vua đầu triều Trần: Trần Cảnh). Khi các vị vua và hoàng hậu nhà Trần băng hà, trên một nửa trong số đó được an táng tại quê nhà và đều được xây lăng miếu thờ phụng, trong đó Thái đường lăng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vị vua đầu triều Trần như: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông. Còn các hoàng hậu sau khi qua đời cũng được hợp táng tại các lăng mộ: Thọ lăng, Chiêu lăng, Dự lăng và Quy đức lăng. Đây là đặc điểm độc nhất vô nhị trong các di tích về thời đại nhà Trần trong cả nước. Dòng sông có cái tên được truyền từ đời này sang đời khác: Thái Sư, cũng chính là con sông do Thái sư Trần Thủ Độ chỉ huy khơi đào, đến nay vẫn đang tải nước tưới tiêu cho cả một vùng lúa, cây màu của người dân Hưng Hà.

Lễ hội Khai ấn đền Trần Thái Bình ở chính vùng đất Thái Đường lăng xưa, vùng đất thiêng của tổ tiên các vua nhà Trần, lần đầu tiên được tổ chức vào Tết Canh Dần 2010 vừa qua, hàng vạn du khách khắp nơi đã về đây tụ hội. Mùa Xuân năm Tân Mão 2011 này, đông đảo nhân dân tiếp tục hướng về Thái Đường lăng, tưởng nhớ đến công lao, sự đóng góp của nhà Trần đối với đất nước và dân tộc.
 
Một cổng khác của đền Trần (tỉnh Thái Bình) 
 
Khu đền thờ tại Đền Trần Thái Bình có diện tích 5.175m2, bao gồm sân hành lễ, tam quan có mái rộng 83m, sân đền diện tích 830m2, cột cờ cao 9m, hai dãy nhà dải vũ 5 gian… Không gian thờ tự có bố cục tiền nhất – hậu đinh, nhà bái đường ba gian hai chái hình chữ nhật. Hậu cung bố cục hình chữ đinh, diện tích 216m2. Ngoài ra còn có nhà trưng bày hiện vật thời Trần, nhà bia và khu tượng đài chiến thắng quân Nguyên Mông. Sông Thái Sư sẽ được nạo vét với chiều ngang 100m, chiều sâu 5m. Tại đây sẽ khôi phục lại cảnh lễ hội đón rước thuyền vua về tế tổ như xưa kia. Ban quản lý khu di tích cho biết, tổng diện tích quy hoạch lại hành cung xưa ở nơi đây lên tới 25 ha nhưng hiện mới quy hoạch xong khoảng 10ha.

Hạnh Vân

nguyenquyen
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Á hậu chuyển giới có gương mặt "vạn người mê": Từ bỏ hào quang về quê bán bún cá, vất vả mà yên vui

Á hậu chuyển giới có gương mặt "vạn người mê": Từ bỏ hào quang về quê bán bún cá, vất vả mà yên vui

Giải trí - 54 phút trước

"Ở Sài Gòn lúc nào cũng thơm tho, mịn màng còn bây giờ, lúc nào cũng quanh quẩn trong bếp với rau, cá, nồi nước lèo, lúc nào người cũng đầy mùi cá, than củi, hành ngò. Bán bún cá tuy có vất vả nhưng tôi thấy rất thoải mái", á hậu Tường Vi nói.

HLV Park Hang-seo dặn dò Quang Hải trong ngày cưới Chu Thanh Huyền, ông Troussier vắng mặt sau lùm xùm "ngó lơ" Hải "con"

HLV Park Hang-seo dặn dò Quang Hải trong ngày cưới Chu Thanh Huyền, ông Troussier vắng mặt sau lùm xùm "ngó lơ" Hải "con"

Giải trí - 10 giờ trước

Mối quan hệ giữa HLV Troussier và Quang Hải gây chú ý sau khi ông Troussier nhất quyết không cho Quang Hải vào sân trận thua Indonesia.

Vợ Quang Hải mặc váy 150 triệu đồng trong đám cưới ở quê nhà

Vợ Quang Hải mặc váy 150 triệu đồng trong đám cưới ở quê nhà

Giải trí - 12 giờ trước

Chu Thanh Huyền diện thiết kế được làm từ loại ren nhập đắt đỏ cùng chiếc voan dài 2m khi sánh bước bên chú rể Quang Hải.

NSND Đức Long: 'Đến lúc không kham nổi mình, tôi sẽ vào viện dưỡng lão'

NSND Đức Long: 'Đến lúc không kham nổi mình, tôi sẽ vào viện dưỡng lão'

Giải trí - 12 giờ trước

GĐXH - "Đến giờ tôi cũng không tính tới chuyện lập gia đình nữa. Tôi cho rằng nên nghĩ thoáng một chút, đừng quan niệm phải có gia đình mới là hạnh phúc. Còn nếu sau này không thể tự chăm sóc bản thân, tôi sẽ chọn nhà dưỡng lão", NSND Đức Long chia sẻ.

Tuổi U60 của 'mỹ nhân ảnh lịch' thập niên 90: Sống bình yên bên chồng doanh nhân kín tiếng

Tuổi U60 của 'mỹ nhân ảnh lịch' thập niên 90: Sống bình yên bên chồng doanh nhân kín tiếng

Giải trí - 12 giờ trước

GĐXH - Hiền Mai được mệnh danh là "mỹ nhân ảnh lịch" nổi tiếng trong làng giải trí những năm 90. Hiện tại, khi đã qua thời kỳ đỉnh cao, cuộc sống của chị thay đổi như thế nào?

Tuổi xế chiều của 2 nghệ sĩ đất Bắc: Sống giản dị, thích chăm sóc vườn tược dù không thiếu tiền

Tuổi xế chiều của 2 nghệ sĩ đất Bắc: Sống giản dị, thích chăm sóc vườn tược dù không thiếu tiền

Giải trí - 13 giờ trước

Dù kinh tế khá giả thậm chí là giàu có nhưng 2 nam nghệ sĩ đất Bắc vẫn chọn lối sống giản dị, hòa vào thiên nhiên.

Cận cảnh chiếc xe 16 tỷ đi đón dâu của cầu thủ Quang Hải

Cận cảnh chiếc xe 16 tỷ đi đón dâu của cầu thủ Quang Hải

Giải trí - 16 giờ trước

GĐXH - Quang Hải mới đây đã khiến khán giả đã chú ý khi chuẩn bị xe 16 tỷ để đi đón dâu. Đây là chiếc xe mang nhãn hiệu Rollroyce được trang trí rất đẹp với hoa tươi sang trọng.

Lương Thu Trang từng bị chê khó gần, ghét chính mình khi vào vai phản diện

Lương Thu Trang từng bị chê khó gần, ghét chính mình khi vào vai phản diện

Giải trí - 16 giờ trước

Khi vào vai An Nhiên trong phim "Trạm cứu hộ trái tim", Lương Thu Trang cũng thấy lo lắng. Cô thậm chí cũng "dị ứng" với vai diễn phản diện của mình.

Hơn 3 năm hẹn hò với Trương Ngọc Ánh, Anh Dũng 'Sống chung với mẹ chồng' giờ ra sao?

Hơn 3 năm hẹn hò với Trương Ngọc Ánh, Anh Dũng 'Sống chung với mẹ chồng' giờ ra sao?

Giải trí - 17 giờ trước

GĐXH - Anh Dũng nổi tiếng là diễn viên của VFC một thời trong phim "Sống chung với mẹ chồng" cùng Bảo Thanh. Sau đó, anh Nam tiến và có tin hẹn hò cùng Trương Ngọc Anh. Hiện tại, cuộc sống của nam diễn viên điển trai ra sao?

Lâm Tâm Như hé lộ cách giáo dục con: Quyết nói không với điều này để con học cách chủ động

Lâm Tâm Như hé lộ cách giáo dục con: Quyết nói không với điều này để con học cách chủ động

Giải trí - 18 giờ trước

Lâm Tâm Như cho biết, Hoắc Kiến Hoa cũng có đôi lúc nhượng bộ con gái.

Top