Hà Nội
23°C / 22-25°C

Chu Lai: “Nó có giá cả đấy...”

Thứ năm, 18:25 27/03/2008 | Giải trí

Chu Lai kể, vợ chồng ông từng phải lọ mọ dậy thật sớm cạy đá trong chiếc tủ lạnh Xaratop để mang bán cho hàng nước ở phố hàng Đậu. Đi sớm trước khi mặt trời mọc để tránh người quen nhìn thấy, ngượng và nhục.

>> Chu Lai - “Kẻ ăn mày dĩ vãng”

Tôi nhớ mang máng cách đây ít năm Chu Lai đột nhiên cho in trên Văn nghệ quân đội một truyện ngắn khá xuất sắc. Đại ý câu chuyện về người cha có con trai mới lớn nhập ngũ ở một đơn vị huấn luyện. Tấm lòng người cha lo lắng cho người con được ông thể hiện khá cảm động.

Tôi ngạc nhiên về truyện ngắn này vì nó rất khác với phong cách Chu Lai. Văn của ông mạnh mẽ có chút khoa trương, chữ nghĩa băm bổ, bạo liệt khoan thẳng vào vấn đề dù là một tình huống chết chóc trong chiến tranh hay là thời khắc tình duyên lãng mạn, nhịp điệu thẳng băng không quanh co nên luôn tạo ra những hiệu ứng mạnh cộng hưởng trong độc giả.

Trở lại với cái truyện ngắn “lạc điệu” kia, rõ ràng là một Chu Lai khác, mềm yếu, da diết, bất ổn dù vẫn còn đấy nguyên vẹn chất đàn ông cứng rắn. Tìm hiểu thì biết đấy là Chu Lai viết về chính con trai của mình. Vợ chồng ông chỉ có một con trai duy nhất, hèn gì ông lo lắng là phải.

Với con trai mình không biết ông dạy dỗ những gì chỉ biết ông rất "hùng hổ" với con, nào là nghề văn quá khốn khổ nên thằng bé cứ nhú cái chồi văn nào là ông vặt béng cho nó ứ nhựa tiệt nọc, dứt khoát không cho đi theo con đường của cha, nào là thằng bé học nghề tình báo, ông vặt trụi chữ "tình" chỉ để lại cho nó cái nghiệp "báo".

Chu Lai cười rổn rảng: “Nó giống tôi ông ạ, mắt cứ tít lại trước phái đẹp có mà "tình" với chả "báo" cái con khỉ...".

Khi khoe về đứa cháu nội “đích tôn” sắp ra đời nay mai, tôi biết ông đang tận hưởng niềm khoan khoái sung sướng của một người cha tin ở con mình, bắt đầu hãnh diện về đứa con dù nó chỉ khởi đầu bằng nghiệp "báo" nhưng rõ ràng cái hơi hướng văn chương của một gia đình truyền thống đã được Chu Lai cảm nhận thấy ở con trai mình rất rõ. Và ông tự hào về điều ấy.

Chu Lai cười tít: "Nó mà nối được nghiệp tôi (thâm tâm thì không muốn) thì nhà tôi có đến 3 đời làm văn, chưa kể đến đời các cụ xa lắc trước đây”. Gia đình Chu Lai ngoài hai vợ chồng còn ông bố nhà văn lão thành Học Phi và anh trai là nhà văn Hồng Phi. Cười đấy nhưng rồi Chu Lai thoắt đanh mặt lại ra chiều ngẫm ngợi: “Nó có giá cả đấy...”.

Đoạn này thì tôi hiểu, ông muốn nói về cái đoạn đời nuôi con vất vả sau chiến tranh. Nhìn ông đại tá nhà văn về hưu ung dung giữa cơ ngơi của mình bây giờ tôi càng thấy thấm thía về cái thời gian khó đã qua ấy. Thật khó tin khi đã có lần cực nhọc quá, Chu Lai đâm đơn xin ra quân để tìm đường đi xuất khẩu lao động. May lãnh đạo đơn vị đã không chấp nhận lá đơn ấy.

Chu Lai kể, vợ chồng ông từng phải lọ mọ dậy thật sớm cạy đá trong chiếc tủ lạnh Xaratop để mang bán cho hàng nước ở phố hàng Đậu. Đi sớm trước khi mặt trời mọc để tránh người quen nhìn thấy, ngượng và nhục.

Cũng vì khó khăn kinh tế rồi hai cá tính nhà văn ở liền nhau, nên Chu Lai chỉ dám đẻ một đứa con trai. Đẻ nhiều sợ không nuôi được, thêm nữa, vợ chồng có gì bất đồng phải chia lìa thì con cái khổ.

Khi nói về đứa cháu nội sắp ra đời, Chu Lai tiếc rẻ ca cẩm: “Giá tôi có thêm đứa con gái thì sướng quá. Lúc muốn đẻ thì mình lại già mất rồi". Tôi thật không biết nói gì trước điều ước cổ tích này của ông. 

Mỗi nhà văn có một thế mạnh, Chu Lai là một nhà văn thiên về tiểu thuyết, dù ông viết nhiều thể loại thậm chí còn liều mạng làm cả thơ. Có lẽ không ai không biết ca khúc nổi tiếng "Hà Nội đêm trở gió" của nhạc sĩ Trọng Đài. Nguyên đây là ca khúc viết nền cho vở kịch nói cùng tên mà Chu Lai là tác giả kịch bản.

Tôi vốn không sành âm nhạc nhưng thi thoảng say sưa đánh đu cùng đám trẻ đi hát karaoke nên cũng thuộc được bài hát này.

Thật đã đời khi ruợu ngà ngà được ông ổng cất giọng hát về quê hương của mình trên chính đất đai quê hương ấy: "Hà Nội ơi tươi xanh màu áo học trò, những con đường thân quen còn đó, tiếng rao vang đâu đây nghe động trời đêm, Hồng Hà ơi, buồm ai khe khẽ thuyền về, cành me thì thầm gục đầu vào dĩ vãng...".

Nhạc hay đương nhiên rồi nhưng nếu không phải ca từ tuyệt vời cộng hưởng vào thì chưa chắc ca khúc đã đạt tới tầm cao như thế. Tôi dám chắc nếu có một cuộc bình chọn những bài hát "đỉnh" của "dòng nhạc karaoke" thì chắc chắn "Hà Nội đêm trở gió" sẽ nằm ở tốp nhất, thậm chí giật giải "quán quân".

Dạo đầu tôi khá ngạc nhiên khi biết Chu Lai chính là tác giả của những ca từ tuyệt vời kia. Nhân chuyện này cũng phải nói rõ thêm chút đỉnh, đã có một sự hiểu lầm nho nhỏ dẫn đến việc dư luận săm soi rồi đồn thổi thành việc tranh chấp bản quyền ca từ giữa đạo diễn Hoàng Quân Tạo và nhà văn Chu Lai.

Hiểu lầm nho nhỏ thôi, chứ ca từ đích thực là của Chu Lai, vị đạo diễn tài danh kia có chỉnh sửa đôi chút khi đưa cho Trọng Đài phổ nhạc. Sự cố be bé này không hề làm giảm đi giá trị của ca khúc và của chính vở kịch đồng thời cũng không làm tổn thương quan hệ nghệ sĩ của họ.

Cho đến tận bây giờ, ca khúc “Hà Nội đêm trở gió” vẫn đặc biệt ăn khách, thậm chí nó còn chui vào từng hang cùng, ngõ hẻm, đến tận từng gia đình khi đời sống tăng cao, nhà nhà nô nức sắm dàn karaoke để hưởng thụ.

Vẫn biết, mấy anh văn xuôi hay khởi nghiệp ban đầu bằng thơ và ít ông nào chịu thừa nhận sự thất bại của mình, chỉ lẳng lặng bỏ thơ tìm đến với văn xuôi thì cũng không thể phủ nhận thành tựu "thơ" của Chu Lai dù chỉ bằng đoạn ca từ ngăn ngắn kia.

Nhắc đến chuyện này Chu Lai hứng khởi, tất nhiên lại vống giọng: "Tôi làm thơ hơi bị mả đấy, ngày trước cũng làm như điên. Nhưng...". Ấy là ông muốn nói đến lần tuyên thệ từ bỏ "nàng thơ" khi đã câu được nữ văn sĩ Vũ Thị Hồng dạo ở trại viết Quân khu 5 thuở nào.

Câu chuyện tình duyên này luôn được Chu Lai kể ông ổng: “Đầu tiên, chỉ là cảm hứng hiếu thắng, thế mà vì mỗi một câu thơ mang đầy tính đong đếm mậu dịch: Biển xanh đựng nắng đổ vào mắt em mà tôi trở thành... "kẻ tù nhân" của cô ấy suốt đời. Vì thế sau này tôi thề không bao giờ làm thơ nữa".

Thật may, nếu Chu Lai cứ tiếp tục làm thơ thì chắc gì ông đã viết được khối lượng tác phẩm đồ sộ kia. Ông viết nhanh và khỏe. Trung bình chỉ năm hơn năm ngót, ông lại cho ra đời một tác phẩm.

Vài chục cuốn sách, vở kịch, hàng trăm tập phim mang lại cho ông không chỉ cái danh vững vàng trên văn đàn mà đó còn là những khoản thu nhập không nhỏ. Tất nhiên không thể phủ nhận sự cần cù thâm canh của ngòi bút "đa diện” đầy nội lực này.

Đã thành giai thoại, người ta kể về cái sự sáng tác của Chu Lai tuân thủ một quy trình như sau: đầu tiên là những chuyến đi thực tế vô hồi kỳ trận chỉ nhằm khơi gợi lại cảm hứng dĩ vãng, sau đó là nét cắt phác thảo bằng truyện ngắn. Từ truyện ngắn ông nghiền ngẫm rồi thêm "mắm muối tương cà" thành tiểu thuyết.

Khi tiểu thuyết có tiếng và bán chạy, ông bắt đầu rao bán nó bằng kịch bản sân khấu và phim truyện. Cứ thế quay vòng, "cái vòng tròn không hề bội bạc" này xoay vòng cuộc đời Chu Lai như chong chóng. Hiếm có một nhà văn nào lại chịu khó đóng cửa ngồi “thiền” bằng chính công việc viết lách như ông.

Tôi công nhận điểm này nhưng cần phải nói thêm. Thường các văn nhân hay tụ tập trà rượu. Cái việc tụ tập bất thành luật nhưng thành lệ này tiêu phí khá nhiều thời gian và... tác phẩm. Thì ngày này tháng khác, cứ tụ bạ triền miên viết bằng "rượu vào lời ra" thì lấy đâu ra tác phẩm.

Biết thế nhưng đố ai tránh được đấy. Mỗi ngày tôi tính trung bình những tửu đồ chính hiệu kia dành thời gian cho rượu dứt khoát phải nhiều hơn việc sáng tác.

Nói chuyện bên lề này không phải để ca ngợi Chu Lai mà là vạch ra một sự thật: Chu Lai không biết uống rượu, đúng hơn là không uống được ruợu. Chẳng biết người khác thế nào chứ tôi không mấy thiện cảm với đám nhà văn không uống rượu.

Người mà lúc nào cũng tỉnh như sáo sậu thì đúng là khổ thật (ngược lại họ - những người không uống lại thương hại chúng tôi là một "lũ rồ, lũ khốn"). Thế nên, tôi ít khi giao du với những người tỉnh táo không rượu.

Ngay cả Chu Lai, dù rất kính trọng văn nghiệp của ông nhưng cấm bao giờ tôi lai vãng đến nhà chỉ thỉnh thoảng gặp nhau nơi trại viết hoặc hội nghị. Bằng cớ là hôm trước viết bài này, tôi hẹn đến nhà ông nhưng lại cứ lọ mọ tìm quanh quẩn nhà cũ ở khu gia binh số 8 Lý Nam Đế, trong khi ông chuyển đến nhà mới đã... hơn chục năm.

Không uống rượu tất nhiên có cho thêm vàng cũng chả đủ sức mà ngồi đua gan với đám nhậu mà đám bợm nhậu cũng chả dại gì chứa chấp một lão tỉnh queo ngồi nghe hết sạch những thông tin của kẻ say. Những thông tin ấy cực kỳ quý giá vì nó thật hơn cả thật. Người say bao giờ cũng nói thật.

Đấy, không la cà tụ tập được thì chả ngồi nhà viết còn biết làm gì. Đố cái anh nhà văn làm được nghề gì khác cho ra hồn.

Nói giỡn vậy thôi chứ Chu Lai đúng là có cái nết quý "thâm canh cày cuốc" thật. Phải nghị lực lắm, phải kiên trì lắm, say mê lắm mới làm được bao nhiêu việc lớn như vậy. Bởi nói gì thì nói, không có tình yêu chữ nghĩa, không có quá khứ oai hùng, không có đam mê cháy bỏng và trên hết là niềm đau dĩ vãng làm sao ông viết được những trang văn hôi hổi kia.

Trong văn nghiệp của Chu Lai tôi cho rằng ông thành công hơn cả ở tiểu thuyết. Sức mạnh của ông có lẽ tập trung cả ở thể loại này. Có thể coi mỗi tiểu thuyết tập trung cho một cột mốc trong chặng đường sáng tác của ông.

Bắt đầu là “Nắng đồng bằng". Chính tiểu thuyết này đã mang lại tên tuổi cho Chu Lai. Một loạt tiểu thuyết sau đó dần củng cố "ngôi vị" cho ông trên văn đàn.

Tôi đặc biệt ấn tượng về tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng". Đây là tiểu thuyết đã mang lại cho ông giải A Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 về đề tài văn học chiến tranh. Hơn thế cùng tiểu thuyết "Phố" chính "Ăn mày dĩ vãng" là cuốn sách mang tên tuổi Chu Lai ra khỏi biên giới Việt.

Cái chuyện "xuất ngoại" với Chu Lai cũng thật khác người. Vẫn là một sự tình cờ. Ở ta việc một nhà văn có sách dịch ra nước ngoài là chuyện quá xa xỉ nếu không muốn nói là khó khăn đến mức “đáy bể mò kim".

Vẫn có những tác giả liên tục "xuất khẩu" sách ra nước ngoài. Tài năng thì nhất trí rồi nhưng nói gì thì nói vẫn phải có mối quan hệ tốt hoặc với dịch giả, hoặc với một tổ chức xuất bản ngoài nước nào đó.

Chu Lai thì không. Đến ông cũng hoàn toàn bất ngờ vì việc sách của mình được xuất ngoại. Câu chuyện vừa bất ngờ vừa gay cấn và lãng mạn như tiểu thuyết.

Vào một ngày của năm 2002, Chu Lai nhận được điện thoại của một cô gái nói tiếng Việt lơ lớ không dấu. Người phụ nữ này đến từ Pari hẹn gặp ông. Cuộc gặp diễn ra liền sau đó.

Hóa ra cô là con gái dịch giả, Giáo sư Alain Clanet, người từng sống ở Việt Nam đến 25 năm và rất yêu đất nước này. Khi đã về Pháp, ông vẫn thường nhớ đến mảnh đất ông từng sống cả một đoạn đời dài. Dịch giả có một cô cháu gái đi du lịch ở Việt Nam và mang về ngẫu nhiên cuốn tiểu thuyết "Phố". Ông đọc thấy hay bèn nảy ý định dịch và xuất bản ra tiếng Pháp. Đó chính là lý do của cuộc gặp.

Cô con gái dịch giả sang Việt Nam chính thức xin phép tác giả cho dịch sách. Khỏi nói, Chu Lai vui sướng đến nhường nào. Có sách được dịch, được nhiều thứ từ tiền bạc đến danh vọng ai chả thích nhưng điều làm Chu Lai vui sướng hơn cả chính là cái cách tiểu thuyết của ông chu du ra nước ngoài bằng con đường... hoàn toàn do giá trị tác phẩm. Không giá trị sao được, khi một học giả Pháp phải đồng cảm chia sẻ rồi quyết định làm cái việc quan trọng kia.

Chu Lai hào hứng: "Mấy tháng sau, tôi nhận được bản hợp đồng dài... 14 trang bằng tiếng Pháp của NXB L'Aube. Trong đời văn của mình, tôi chưa từng thấy một bản hợp đồng nào chi tiết, công phu và ghê gớm đến vậy. Vừa thán phục, vừa cảm thấy choáng vì cách làm việc nghiêm túc của đối tác, tôi đã phải “cậy” đến bố mình là nhà văn Học Phi dịch hộ bản hợp đồng.

Theo đó, tôi sẽ nhận được 500 euro tiền tạm ứng. Còn tiền bản quyền tính theo số lượng bản in, phát hành cuốn sách thì tôi sẽ nhận được sau khi sách được bán ra...”.

Mừng, thật mừng, mọi việc suôn sẻ cứ như trong mơ trừ một chuyện cốt yếu nhất, sau đấy bẵng đi tịnh không có ai liên lạc với Chu Lai. Ông không nhận được cả tiền tạm ứng. Thế này thì tèo là cái chắc rồi, trong đời ai chả có vài ba bận gặp phải những chuyện tương tự, có người ghét đã phao lên bảo Chu Lai ăn quả lừa, mừng hụt.

Đúng vào lúc Chu Lai đã quên đi việc dịch sách với cái bản hợp đồng 14 trang dằng dặc kia thì ông có việc qua Pari. Vô tình Chu Lai vào một hiệu sách. Chợt ông lặng đi. Cái gì thế kia? Chẳng phải đó là sách của mình đấy sao. Đẹp, trang trọng mang nhan đề "Rue des soldats" tức là "Phố lính". Cuốn sách nằm hiên ngang trên giá như một võ sĩ thách đấu. Mắt Chu Lai nhòe nhòe...

Theo Phạm Ngọc Tiến
CAND

kimvan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Mai Thu Huyền làm phim ra sao mà bị chê "thảm họa", "ế nhất lịch sử"?

Mai Thu Huyền làm phim ra sao mà bị chê "thảm họa", "ế nhất lịch sử"?

Giải trí - 1 giờ trước

Những phim điện ảnh do Mai Thu Huyền cầm trịch từng nhận về không ít lời chê bai từ khán giả và giới phê bình vì kịch bản nhiều "sạn", cách làm phim cũ kỹ, không truyền đạt được thông điệp.

Tuổi xế chiều của nam NSƯT nổi tiếng: Có 10 mối tình nhưng U65 vẫn một mình, sự nghiệp biến động lớn

Tuổi xế chiều của nam NSƯT nổi tiếng: Có 10 mối tình nhưng U65 vẫn một mình, sự nghiệp biến động lớn

Giải trí - 3 giờ trước

Ở tuổi 63 nhưng NSƯT Thành Lộc vẫn một mình lẻ bóng. Ông dành hết tình yêu cho sân khấu nghệ thuật.

3 năm liền giữ vai trò quyền lực Miss Grand Vietnam, Hà Kiều Anh nói gì?

3 năm liền giữ vai trò quyền lực Miss Grand Vietnam, Hà Kiều Anh nói gì?

Giải trí - 15 giờ trước

GĐXH - Hà Kiều Anh tiết lộ áp lực khi liên tiếp đảm nhận vai trò Trưởng Ban giám khảo Miss Grand Vietnam.

Nghệ sĩ Phương Bình 82 tuổi vẫn chạy xe 20km tới 12 giờ đêm mỗi ngày, bữa ăn khiến ai cũng xót xa

Nghệ sĩ Phương Bình 82 tuổi vẫn chạy xe 20km tới 12 giờ đêm mỗi ngày, bữa ăn khiến ai cũng xót xa

Giải trí - 16 giờ trước

"Mỗi buổi tối, tôi phải chạy lên quán nghệ sĩ để hát, cách nhà tận 20km, tới 12 giờ đêm mới về được tới nhà" – nghệ sĩ Phương Bình chia sẻ.

Đời tư kín tiếng của Bảo Anh trước khi công khai con gái

Đời tư kín tiếng của Bảo Anh trước khi công khai con gái

Giải trí - 19 giờ trước

Ca sĩ Bảo Anh đang trở thành tâm điểm chú ý khi được cho là ngầm thừa nhận chuyện có con.

Vân Dung ở tuổi U50: Có con trai nối nghiệp, cuộc sống nhiều người mơ ước

Vân Dung ở tuổi U50: Có con trai nối nghiệp, cuộc sống nhiều người mơ ước

Giải trí - 20 giờ trước

GĐXH - Không chỉ gây ấn tượng với khán giả qua hình ảnh một nghệ sĩ hài vô cùng duyên dáng và tài năng, Vân Dung còn có cuộc sống riêng nhiều người mơ ước.

Con gái Tú Dưa 'chào sân' âm nhạc, 'đại gia' hậu thuẫn là ai?

Con gái Tú Dưa 'chào sân' âm nhạc, 'đại gia' hậu thuẫn là ai?

Xem - nghe - đọc - 23 giờ trước

GĐXH - "Linh Nhi có làm trong công ty của bố với mức lương 25 triệu/tháng. Trong vòng 2 năm sẽ là 500 triệu rồi. Thế nên có thể nói, bố chính là đại gia của Linh Nhi", Tú Dưa tiết lộ.

Phương Thảo - Ngọc Lễ 'Xe đạp ơi' giờ ra sao sau 19 năm sang Mỹ định cư?

Phương Thảo - Ngọc Lễ 'Xe đạp ơi' giờ ra sao sau 19 năm sang Mỹ định cư?

Giải trí - 23 giờ trước

GĐXH - Phương Thảo - Ngọc Lễ nổi tiếng từ thời giải thưởng "Làn sóng xanh" thập niên 90 - 2000 với "Xe đạp ơi" và "Ba ngọn nến lung linh". Sau 19 năm rời xa Vbiz, sang Mỹ định cư, cuộc sống của cặp đôi nghệ sĩ giờ ra sao?

Nathan Lee: Tôi đẹp trai thế này không có con thì hơi phí, tiền để cho ai tiêu?

Nathan Lee: Tôi đẹp trai thế này không có con thì hơi phí, tiền để cho ai tiêu?

Giải trí - 23 giờ trước

"Tôi hay tự hỏi mình còn thiếu gì? Hào quang, danh vọng tôi thấy cũng tạm ổn rồi. Có lẽ tôi chỉ còn thiếu một gia đình và con cái. Tôi nghĩ mình nên trải nghiệm cả điều đó", Nathan Lee chia sẻ.

‘Bà Mến’ Hương Tươi trở lại khiến khán giả ‘Trạm cứu hộ trái tim’ phấn khích

‘Bà Mến’ Hương Tươi trở lại khiến khán giả ‘Trạm cứu hộ trái tim’ phấn khích

Giải trí - 1 ngày trước

Sự trở lại của nhân vật bà Mến (Hương Tươi) trở thành điểm nhấn trong "Trạm cứu hộ trái tim" tập 19 và được nhiều khán giả thích thú, ủng hộ.

Top