Hà Nội
23°C / 22-25°C

Tìm mẹ sau nửa đời xa cách

Chủ nhật, 11:00 22/02/2015 | Gia đình

GiadinhNet - Cuộc sống với bao bộn bề trôi đi thấm thoát đã 45 năm. Tóc tôi đã điểm bạc, con cái cũng trưởng thành… Những tưởng quá khứ rồi sẽ lãng quên theo thời gian, nhưng càng về già hình ảnh người mẹ trong tôi càng thêm da diết.

"Hình bóng mẹ cứ chập chờn trong mỗi giấc ngủ, để rồi khi bừng tỉnh giấc, tôi vẫn còn nghẹn ngào nước mắt, đầu óc quay cuồng với những câu hỏi đầy xót xa: Mẹ ơi, mẹ còn hay đã mất? Nếu còn sống thì mẹ ở nơi đâu? ...ông  Vũ Quang Hòa, trú tại phường Phạm Ngũ lão, TP Hải Dương bắt đầu câu chuyện về hành trình nửa thế kỉ tìm mẹ đầy nước mắt.

Khoảnh khắc tìm lại mẹ sau nửa đời xa cách (trong ảnh: Ông Vũ Quang Hòa ôm mẹ, người bên cạnh là bố dượng).

Khoảnh khắc tìm lại mẹ sau nửa đời xa cách (trong ảnh: Ông Vũ Quang Hòa ôm mẹ, người bên cạnh là bố dượng).

Chuyện của cha tôi

Cha tôi theo chú sang Lào từ năm 4 tuổi, đất nước Chùa Tháp nuôi cha khôn lớn. Mười tám tuổi, cha đã ý thức được sự nghiệp cách mạng nên tham gia bộ đội tình nguyện Việt – Lào. Do thông thạo địa hình hai nước Lào – Thái Lan nên cha được tổ chức giao cho những nhiệm vụ quan trọng rồi rút vào hoạt động bí mật. Trong giai đoạn này cha mẹ quen và lấy nhau.

Mẹ tôi người gốc Huế, sống với bố mẹ nuôi ở Thái, cũng là một gia đình cơ sở cách mạng. Từ Thái Lan, anh em chúng tôi lần lượt ra đời… Ngày đó, anh em chúng tôi chủ yếu sống cùng mẹ, cha hoạt động bí mật nên ít khi có thời gian gặp vợ con. Tôi chỉ nhớ mình hay được cha bế bồng trên tay và vì là con trai lớn nên tôi được ở bên cha nhiều nhất. Khi tôi 4 – 5 tuổi, mẹ sinh thêm em, thời gian này cha ít về hơn. Chúng tôi chỉ được gặp cha trong đêm, những lần cha về thật vội vã, dưới ngọn đèn dầu mờ nhỏ, cha ngồi ôm em gái và tôi trong bóng tối. Tôi chỉ nhớ mang máng khuôn mặt cha, còn các em tôi lúc đó thì quá bé nên không biết gì. Chúng tôi chỉ cảm nhận được tình yêu của cha dành cho chúng tôi qua những cái ôm thật chặt. Hơi ấm của cha truyền cho chúng tôi, đôi khi là cả những giọt nước mắt. Rồi cha lại ra đi, hình bóng nhòa trong đêm tối.

Lên 10 tuổi, tôi nhớ mãi lần gặp ngắn ngủi ấy với cha – đó cũng là cuộc chia ly không xác định ngày đoàn tụ. Cảm giác trong tôi lúc đó bên cha giờ vẫn nguyên vẹn, cha nắm bàn tay nhỏ bé của tôi trong bàn tay rộng lớn như gửi gắm điều gì đó, rồi ông nói trong gấp gáp: “Con hãy thay cha chăm sóc các em khôn lớn nhé!”. Cha bước đi vội vã với những giọt nước mắt. Lúc đó, tôi chưa ý thức được hết trọng trách khi cha giao cho tôi ba đứa em thơ dại, song tôi hiểu lờ mờ công việc quan trọng của ông đang làm và tôi nghĩ phải bao bọc chăm sóc các em thay cha. Sau này tôi mới hiểu hết ý nghĩa của lần gặp mặt đó - cha đã rời xa chúng tôi vì sự nghiệp cách mạng.

Ngay sau khi cha đi, để bảo vệ an toàn, bốn anh em tôi được đưa đến một gia đình Việt kiều cơ sở cách mạng nuôi dưỡng. Mẹ thì được đưa sang Lào, rồi lấy chồng để không còn liên quan đến cha nữa. Mẹ ở hẳn bên đó, từ đây anh em chúng tôi phải xa cả cha và mẹ.

Gia đình Việt kiều nuôi dưỡng anh em tôi là một gia đình nhân hậu, cha gọi bà là má Xá Lư. Bà có nhiều cô chú và sau này tôi cũng từng theo chú Vinh – con rể của bà đi làm mộc kiếm sống. Chúng tôi cứ sống bình lặng trong gia đình của bà, thật lâu anh em tôi mới được gặp mẹ một lần. Chúng tôi còn quá nhỏ để hiểu vì sao phải sống xa cả cha lẫn mẹ mặc dù chúng tôi nhớ họ vô cùng… Sau này, bà Xá Lư có nói cho tôi biết là cha tôi đã trở về Tổ quốc nên trong đầu tôi lúc đó luôn đau đáu sẽ đi tìm cha.

Tìm về cội nguồn

Tấm ảnh úa màu - kỉ vật mà ông Hòa 
đã mang sang Thái Lan để tìm mẹ.
Tấm ảnh úa màu - kỉ vật mà ông Hòa đã mang sang Thái Lan để tìm mẹ.

Năm 1960, Bác Hồ kêu gọi kiều bào về nước. Bốn anh em chúng tôi có tên trong danh sách kiều bào hồi hương đầu tiên. Lúc đó tôi đã 15 tuổi, tôi quyết định đưa các em tìm gặp mẹ để giã từ lần cuối trước khi trở về quê hương nơi cha sinh ra. Thời điểm đó cha tôi là thương binh nên được chuyển ngành về làm việc ở một cơ quan nhà nước.

Ngày đi gặp mẹ, chúng tôi phải đi thuyền qua sông Mê Kông. Gần đến bờ bên kia thì gặp doi cát lớn, thuyền không thể đi tiếp, anh em tôi đành phải xuống đi bộ. Giữa cái nắng như rang, chúng tôi chạy chân trần trên cát nóng rát, tôi cõng em út tên Huệ, hai em gái kế tiếp là Thu và Lan vừa chạy theo vừa khóc. Cứ chạy được một đoạn ngắn, anh em tôi phải bới cát để đặt chân xuống cho đỡ bỏng chân rồi lại chạy tiếp, cho đến khi gặp một cây chuối, tôi bày cho các em tước lấy bẹ chuối rồi gấp lại buộc vào chân để có thể băng qua doi cát ấy.

Mẹ con chúng tôi gặp nhau mừng tủi trong nước mắt. Nhưng lần gặp này khởi đầu một cuộc chia ly không hẹn ngày gặp lại. Trước khi chia tay, mẹ dẫn anh em chúng tôi đến tiệm chụp ảnh kỷ niệm và rửa làm 2 tấm. Mẹ trao cho tôi một tấm, một tấm mẹ giữ.

Năm 1960, anh em chúng tôi xuống tàu trở về Tổ quốc gặp cha. Tàu cập bến Hải Phòng, chúng tôi ở trại tập trung được 9 ngày thì cha đến đón. Lúc đó chúng tôi đang chơi có người gọi:  “Cha các cháu đến rồi kìa” – tôi nhớ mang máng nên chạy tới ôm chầm lấy cha, còn các em tôi thì không biết mặt nên cứ bẽn lẽn mãi… Cha con chúng tôi bíu ríu xúc động.

Ông Vũ Quang Hòa đội mũ nồi  lúc 3 tuổi đứng bên cha và mẹ  
khi còn ở Thái Lan.
Ông Vũ Quang Hòa đội mũ nồi lúc 3 tuổi đứng bên cha và mẹ khi còn ở Thái Lan.

Chúng tôi trở về quê hương nơi cha sinh sống (TP Hải Dương ngày nay). Lúc đó cha đã có một gia đình nhỏ và hai em, đấy cũng là niềm an ủi để dịu bớt nỗi đau không nói được thành lời trong lòng cha. Vì, như sau này cha có thổ lộ, ông đã không hy vọng sẽ gặp lại chúng tôi – những đứa con máu thịt của mình khi mà khoảng cách biển trời mênh mông giữa hai đất nước ở thời điểm cách đây hơn 50 năm.

Chúng tôi lớn lên dưới sự đùm bọc, thương yêu của cha và mẹ trẻ. Rồi ai cũng có một tổ ẩm nhỏ cho riêng mình, sinh con, đẻ cháu. Cuộc sống với bao bộn bề trôi đi thấm thoát đã 45 năm. Tóc tôi điểm bạc, con cái đã trưởng thành… Những tưởng quá khứ rồi sẽ lãng quên theo thời gian, nhưng càng về già hình ảnh người mẹ ngày càng thêm da diết. Mẹ thường hiện về bên tôi trong những giấc mơ dài khắc khoải. Hình bóng mẹ cứ chập chờn trong mỗi giấc ngủ, để rồi khi bừng tỉnh giấc, tôi vẫn còn nghẹn ngào trong nước mắt, đầu óc quay cuồng với những câu hỏi đầy xót xa: Mẹ ơi, mẹ còn hay đã mất? Nếu còn sống thì mẹ ở nơi đâu?

Đám cưới con trai tôi vào dịp Tết Nguyên đán năm 2005, vợ chồng cô chú Viêng – Vinh (chú Vinh là con rể của bà Xá Lư – người tôi đã từng nhắc đến ở đầu câu chuyện) cũng về chia vui với gia đình tôi. Chú cho tôi biết một thông tin quan trọng liên quan đến mẹ: Người em chú đang sinh sống ở Bangkok (Thái Lan) cách đây mấy năm viết thư về có nhắc đến mẹ tôi khi thấy bà bán hàng rong ở một chợ thuộc tỉnh Khon Kèn. Lời nói của chú là tia hy vọng lớn để tôi thực hiện giấc mơ đi tìm mẹ của mình. Khi tôi nói ra ý định này, gia đình, bạn bè ai cũng động viên ủng hộ, nhất là cha tôi, dù cha lúc này đã 86 tuổi. Cha nói, mình rất mong được gặp lại người bạn đời thứ nhất trước khi nhắm mắt…

Cưới vợ cho con trai xong tôi lên đường tìm mẹ. Trước khi đi tôi có gặp chú Năm (bạn cha tôi những năm ở Thái Lan). Chú Năm giúp tôi liên lạc với ông Thành là cán bộ Hội Việt kiều tại Hà Nội. Chú Năm còn đưa tôi đến nhà ông Phẩm (Lãnh sự quán tại Khon Kèn – Thái Lan) liên lạc trước với Hội Việt kiều tại Thái Lan. Ông Thành còn ghi cho tôi địa chỉ của một bà Việt kiều tên Fóoc (Tiếng Thái là bà Dai Nọi) và dặn nếu cần cứ đến tìm bà để xin giúp đỡ.

Tìm mẹ! Tìm mẹ! Tìm mẹ!

 

Ông Vũ Quang Hòa bên người mẹ của mình.
Ông Vũ Quang Hòa bên người mẹ của mình.

Hành trang tôi mang theo tìm mẹ là tấm ảnh chụp tôi với mẹ và các em ngày xưa. Tôi sang Lào qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), sáng hôm sau tôi đã sang tới Viêng Chăn. Anh chị Hường (cháu của chú Vinh) ra tận bến xe đón tôi, sau đó họ nhờ người làm thủ tục cho tôi qua cửa khẩu Lào sang Thái Lan.

Thái Lan - sau 45 năm quay lại, khác xa với trí tưởng tượng của tôi. Nhà máy cưa - nơi mẹ tôi từng làm việc ở đó giờ đã không còn, thay vào đó là những tòa cao ốc chọc trời. Ngày bé tôi đã từng làm mộc ở Viêng Chăn và ở Thái Lan nên biết cả hai thứ tiếng. Nhưng sau bao nhiêu năm không sử dụng giờ tiếp xúc với họ tôi không khỏi bỡ ngỡ, tâm trạng đầy lo âu.

Khi xuống xe vào thành phố, một cảm giác đơn độc xâm chiếm trong tôi. Giờ tôi mới thấm thía câu “lưu lạc nơi đất khách quê người” mặc dù nơi đây tôi đã sống một thời niên thiếu. Theo địa chỉ tôi gặp chú Bính - người viết thư và từng gặp mẹ tôi. Mừng là đã gặp được người mình cần tìm, nhưng vui chẳng tày gang khi tôi nghe chú Bính nói đã gặp mẹ cách đây hơn mười năm rồi. Chú Bính nói thời điểm đó kiều bào ở Thái Lan khá căng thẳng, vì lý do nào đó chính quyền cho rằng những người Việt ở lại trên đất Thái là bất hợp pháp, tìm cách trục xuất. Vì thế, khi gặp mẹ tôi, chú Bính không dám hỏi chuyện, không biết được địa chỉ, không biết cuộc sống của mẹ tôi thế nào. Việc tìm mẹ của tôi rơi vào bế tắc.

Tôi chỉ còn biết xin chú Bính cho tôi được tá túc lại nhà chú, cũng từ đây tôi lang thang khắp nơi với cơ may có một điều kỳ diệu xảy ra. Mọi người khuyên tôi viết nội dung tìm mẹ trên tấm bảng đeo trước ngực rồi đứng ở các siêu thị, bến xe, chợ… Tôi làm theo, nhưng thực tế chẳng đơn giản chút nào.

Ngày qua ngày trôi đi, buổi sáng, sau khi ăn cơm với gia đình xong tôi lại đóng mấy chai nước, bỏ ít lương khô, hôm thì gói mỳ tôm nhai sống lang thang tìm mẹ. Những ngày ấy dài vô tận, tôi cứ đi bộ mỗi ngày tới vài chục cây số, vừa đi vừa vẽ sơ đồ đánh dấu trường học, công viên, các điểm để nhớ đường tìm về… Nhưng càng lúc càng vô vọng, mẹ như bóng chim tăm cá. Tôi thấy mình nhỏ nhoi, lạc lõng giữa phồn thịnh nơi đây. Trên đường đi, thấy ai đó đẩy xe bán hoa quả rong bên đường tôi cũng thấy chạnh lòng, tim tôi đau nhói, tưởng như mẹ đứng đó, gần với tôi lắm. Tôi tâm niệm có những nhân duyên huyền diệu đến với những người gặp lúc khốn cùng và tôi thầm ước sao trời phật phù hộ để tôi được gặp mẹ, được dựa vào mẹ lúc này hơn bao giờ hết khi mà đôi chân của tôi phồng rộp đau đớn, rã rời, mệt mỏi.

Vợ chồng chú Bính thường động viên tôi rằng mẹ nhỏ người lại lao động buôn bán như vậy mới khỏe, sống lâu, chứ người béo tốt sung sướng nhàn hạ có khi lại chưa chắc sống thọ. Hãy cố gắng tìm, không nhỡ sau này mẹ chết rồi không gặp thì ân hận lắm… Có được những lời động viên đó của vợ chồng chú Bính lại thôi thúc tôi mỗi ngày để rồi tối về mệt nhoài, lại nghĩ đến đoạn đường tìm mẹ của ngày mai.

… ngày tháng trôi đi, tiền cũng cạn dần mà mãi vẫn chẳng thấy bóng mẹ. Một hôm, chú Bính khuyên tôi đến gặp ông Tâm (Hội trưởng Hội Việt kiều Thái Lan ở tỉnh Khon Kèn). Lúc này tôi chợt nhớ ra địa chỉ mà ông Thành viết cho tôi nếu cần tìm gặp bà Dai Nọi (trong Hội Việt kiều yêu nước ở Thái Lan) nhờ giúp đỡ. Tôi đưa cho ông Tâm địa chỉ, rất may là ông biết bà Nọi nên đã gọi điện ngay cho bà. Khi tôi đến gặp bà và trình bày hoàn cảnh của mình, tôi mang ra tấm ảnh của mẹ con chúng tôi cho bà Nọi coi. Bà cầm tấm ảnh nhìn chăm chú rồi thốt lên: “Ôi bà Thiều”. Khi nghe đến tên mẹ mình “bà Thiều”, mắt tôi nhòa đi, tôi nghẹn ngào lắp bắp chẳng thành lời: “Bà biết mẹ của cháu ư?!”. Bởi Thiều là tên cha tôi, tuy mẹ tôi đã đi bước nữa song mẹ vẫn dùng tên cha để thay cho tên mình mong rằng sau này các con tìm về với mẹ. Tôi vui sướng hỏi tiếp để khẳng định:

- Thế là bà biết mẹ cháu thật rồi?

- Có – bà Nọi trả lời.

- Thế mẹ cháu còn sống phải không bà?

- Còn sống cháu à.

- Mẹ cháu ở đâu vậy bà?! Bà đưa cháu đến gặp mẹ cháu với!

- Bà ấy ở xa lắm và vẫn sống cùng dượng cháu, nhưng các con bà ở gần đây thôi. Giờ cháu cứ ở lại đây ăn cơm và chờ bà ở nhà, bà sẽ đi báo cho con gái bà Thiều đến đây đưa cháu về gặp mẹ.

Tôi mừng quá, chỉ mong sao nhanh được gặp mẹ. Bà Nọi khóa cửa để tôi ở nhà trong nỗi thấp thỏm chờ mong. Mãi 2h chiều thì bà dẫn hai người em cùng mẹ khác cha với tôi đến và nói bằng tiếng Thái với họ: “Đây là anh của các cháu từ Việt Nam sang tìm mẹ Thiều”. Một cô nhìn tôi một lát rồi nói: “Tôi không có anh nào ở Việt Nam cả!”. Tôi nói: “Anh là con của mẹ Thiều, từ Việt Nam sang tìm mẹ, anh có ảnh đây!”. Nói rồi tôi đưa bức ảnh ra và chỉ từng người trong ảnh cho cô đó xem. Cô ấy cầm ảnh và thốt lên: “Ồ nhà em cũng có một tấm ảnh như thế này! Em đây, khi đó em 3 tuổi”. Thế là anh em nhận ra nhau, đã 45 năm qua đi, giờ cô ấy đã là một phụ nữ 48 tuổi thì sao có thể nhận ra tôi được.

Anh em chúng tôi cảm ơn bà Nọi rồi vội vã lên xe ô tô về nơi mẹ tôi sinh sống cách đó gần trăm cây số. Xe chạy 60km/h mà sao lúc đó tôi thấy xe bò như sên vậy. Xe đỗ lại trước một quả đồi thoai thoải, thưa thớt một vài mái nhà, em gái tôi dẫn đầu mở cổng bước vào sân, dưới bóng cây cổ thụ dượng tôi nằm ở chiếc ghế bạt. Em gái gọi bố dậy và chỉ vào tôi nói bằng tiếng Thái:

- Bố có biết ai đây không? Dượng nhìn tôi lắc đầu. “Anh ở Việt Nam sang thăm bố đấy!”. Dượng mở to mắt nhìn tôi rồi đột nhiên thốt lên một tiếng thật to: “Hòa” và dang tay ra ôm chặt lấy tôi. Ông và tôi cùng khóc vì cảm động… “Mẹ con đâu?”. Cô em hỏi bố - “Mẹ sang chơi hàng xóm”, dượng nói. Trong lúc em gái dắt xe đi tìm mẹ, tôi lặng nhìn ngôi nhà gỗ đơn sơ mẹ ở, rồi bần thần ngồi ở bậc cầu thang chờ mẹ… Một lát thì em đưa mẹ về. Dưới những giọt nắng chiều cuối ngày nhạt nhòa, dáng mẹ nhỏ thó đi phía sau em gái. Mẹ bước chầm chậm lại gần tôi với vẻ mặt ngơ ngác khi thấy người lạ và chưa hiểu điều gì. Em gái chỉ tôi và hỏi: “Mẹ có biết ai không?” – mẹ nhìn tôi như cố lục trong trí nhớ, rồi lắc đầu. “Anh ở Việt Nam sang tìm mẹ đó”. Tôi nhìn mẹ nghẹn ngào không nói được, mẹ nghe xong câu nói của em gái thì khuỵu xuống trong tiếng nấc nghẹn: “Hòa”. Tôi lao đến ôm chầm lấy mẹ, lặng đi… Và rồi mẹ con chúng tôi ôm nhau trong nước mắt tuôn rơi, vui sướng, nghẹn ngào vỡ òa sau 45 năm xa cách.

Ông Vũ Quang Hòa cùng mẹ và những người em cùng mẹ khác cha trong một chuyến sang thăm Thái Lan (Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp).
Ông Vũ Quang Hòa cùng mẹ và những người em cùng mẹ khác cha trong một chuyến sang thăm Thái Lan (Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp).

Tôi xin phép dượng đón mẹ trở về Việt Nam, sống bên những đứa con đất Việt. Mẹ vẫn luôn nhắc đến những người con của mẹ ở Thái Lan với niềm thương mến, mỗi lần các em ở bên kia gọi điện về hỏi thăm mẹ, anh em chúng tôi lại đùa nhau: "Trả mẹ lại cho chúng em đi"- "Không trả mẹ cho các em đâu, anh xa mẹ quá lâu rồi, giờ mẹ phải bù đắp cho anh", rồi anh em chúng tôi lại cùng cười trong nước mắt hạnh phúc. Tôi nhận thấy, niềm hạnh phúc đó cũng đang nhòa trong đôi mắt in hằn dấu chân chim của mẹ. Bởi giờ đây mẹ đã có tất cả các con của mình để yêu thương, bù đắp cho những đau buồn, mất mát… và sự chia ly chỉ còn là quá khứ. Tôi chợt nhận ra điều kỳ diệu ở cuộc sống này là không có sự bất biến của tình mẫu tử. Mặc dù sự chia ly đã xảy ra với gia đình tôi thật khổ đau. Nhưng ký ức ấy lại là tài sản vô giá về mặt tinh thần, đó là quà tặng cuộc sống mà tôi may mắn được trải nghiệm trong cuộc đời của mình.

Thấm thoát đã 9 năm trôi qua, khi tôi kể câu chuyện này mẹ tôi đã qua đời vừa tròn một tháng. Dù 9 năm vẫn chưa đủ đầy để tôi có thể báo hiếu, đáp đền công sinh thành dưỡng dục với mẹ nhưng tôi hiểu mẹ đã rất hạnh phúc với sống những ngày tháng cuối đời bên con cháu. Trước khi nhắm mắt, mẹ mong muốn sau khi chết được hỏa táng, một phần tro cốt của mẹ sẽ được gửi về Thái Lan để mẹ có thể gần với tất cả con cháu của mình. Và lời nguyện ước cuối cùng của mẹ đã được thực hiện, mẹ tôi đã ra đi trong thanh thản.

"Gia đình chúng tôi chân thành cảm ơn đại sứ quán hai nước Lào - Thái, lãnh sự quán tại tỉnh Khon Kèn. Chúng tôi xin tri ân đến gia đình bà Xá Lư - người đã đùm bọc che chở cho anh em chúng tôi để có ngày hôm nay. Xin chân thanh cảm ơn chú Năm, ông Thành, vợ chồng anh chị Hường, chú Bính, cô Trâm, chú Cốc, ông Tâm, bà Dai Nọi, cô Thu đã tận tâm, tận lực giúp đỡ tôi trong hành trình tìm mẹ".

 

 

Ngôi chùa Pha That Luang (còn gọi là Ngôi tháp vĩ đại hay Tháp xá lợi linh thiêng) là một đài tưởng niệm tôn giáo tiêu biểu nhất của quốc gia Lào.
Ngôi chùa Pha That Luang (còn gọi là Ngôi tháp vĩ đại hay Tháp xá lợi linh thiêng) là một đài tưởng niệm tôn giáo tiêu biểu nhất của quốc gia Lào.

 

Viêng Chăn nơi đã từng in dấu chân cha

Viêng Chăn – trong ký ức trong tuổi thơ tôi là những câu chuyện cổ tích về một đất nước chùa tháp cổ kính, tráng lệ cha kể tôi nghe. Nơi đây từng in dấu chân cha cả một thời tuổi trẻ. Cha đã trưởng thành, đi theo con đường cách mạng. Cha  đã coi đây là quê hương thứ hai của mình… Những năm cuối đời, cha tôi thường nhắc đến Viêng Chăn với những tình cảm nhớ thương da diết và mong muốn được trở lại nơi đây một lần trước khi nhắm mắt. Nhưng cha đã không thực hiện được ước nguyện đó và ra đi mãi mãi. Đây cũng là lý do hôm nay tôi muốn trở đặt chân lên đất nước hoa Chăm Pa xinh đẹp này, mang nắm đất nơi đây về đắp lên mộ cha như một món quà nhỏ bé dành tặng cha yêu dấu.

Viêng Chăn nơi đã từng in dấu chân cha

là nơi hôm nay con đến.

Dẫu không là nơi chôn rau cắt rốn,

Nhưng Viêng Chăn cũng là máu thịt,

là đồng bào, đồng chí… của cha.

Cả một thời tuổi trẻ cha đã đi qua

Trang sử hào hùng thắp sáng thêm tình yêu giữa hai dân tộc.

Cha đã hóa thân thành chàng trai Puket (Thailan)

Múa những điệu múa Lam Vong tình tứ,

hát những làn điệu dân ca Lăm Tơi, Lăm Xa-ra-van, man mát thiết tha.

Cha đã từng yêu người con gái múa điệu múa hoa Chăm Pa

Tình yêu của cha hòa vào tình yêu đất nước

Để hôm nay thế hệ chúng con có được

cuộc sống yên bình…

Và hôm này con đến mảnh đất diệu kỳ nơi đã từng in dấu chân cha.

Vũ Quang Hòa

(Viết tặng người cha yêu dấu)

Nụ Vũ

(Ghi theo lời kể của nhân vật)

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Chồng ngoại tình khi chúng tôi đang nỗ lực làm thụ tinh ống nghiệm

Chồng ngoại tình khi chúng tôi đang nỗ lực làm thụ tinh ống nghiệm

Chuyện vợ chồng - 50 phút trước

Vợ chồng tôi bị hiếm muộn, phải sử dụng biện pháp thụ tinh trong ống nghiệm để có con. Nhưng chính trong quá trình vật vã "tìm con", chồng tôi đã ngoại tình vì... quá mệt mỏi.

Thấy con trai thương vợ, người mẹ nổi cơn ghen với con dâu

Thấy con trai thương vợ, người mẹ nổi cơn ghen với con dâu

Chuyện vợ chồng - 1 giờ trước

GĐXH - Nhìn thấy sự bất thường trong mối quan hệ giữa mẹ chồng và chồng, cô lập tức đồng ý ly hôn, chỉ muốn rời xa càng sớm càng tốt.

Mẹ bạn trai bất ngờ hẹn gặp, tiết lộ một bí mật khiến tôi ngã ngửa

Mẹ bạn trai bất ngờ hẹn gặp, tiết lộ một bí mật khiến tôi ngã ngửa

Gia đình - 13 giờ trước

Đến quán cà phê, đập vào mắt tôi là hình ảnh một người phụ nữ quý phái, sang trọng và diện... toàn hàng hiệu đắt đỏ. Tôi không chắc liệu đây có thực sự là mẹ của bạn trai không?

Top 6 cung hoàng đạo nữ khó tán tỉnh nhất, số 1 đến soái ca cũng phải rất dày công mới 'đổ'

Top 6 cung hoàng đạo nữ khó tán tỉnh nhất, số 1 đến soái ca cũng phải rất dày công mới 'đổ'

Gia đình - 15 giờ trước

GĐXH - Các chàng trai dù có là soái ca hay giỏi giang đến mức nào cũng phải 'toát mồ hôi' trước độ 'cứng đầu' của các cung hoàng đạo nữ này.

Tôi can đảm ly hôn ở tuổi 60

Tôi can đảm ly hôn ở tuổi 60

Chuyện vợ chồng - 19 giờ trước

Ở tuổi 60, tôi phải nhờ con tìm hiểu thủ tục ly hôn trước sự ngỡ ngàng của chồng, bố mẹ hai bên và những người họ hàng, quen biết.

'Tình cũ không rủ cũng tới', đây là 5 cung hoàng đạo rất dễ quay lại với người yêu cũ

'Tình cũ không rủ cũng tới', đây là 5 cung hoàng đạo rất dễ quay lại với người yêu cũ

Gia đình - 22 giờ trước

GĐXH - Nếu có cơ hội, những cung hoàng đạo sau đây sẵn sàng 'nối lại tình xưa' với người yêu cũ...

Tôi vụn vỡ khi vô tình tìm thấy ảnh lạ trong máy tính của chồng

Tôi vụn vỡ khi vô tình tìm thấy ảnh lạ trong máy tính của chồng

Chuyện vợ chồng - 1 ngày trước

Tôi đã tìm thấy hàng trăm hình ảnh bí mật được lưu trong máy tính của chồng, hóa ra chồng tôi thích như vậy. Sự tự tin của tôi trước anh liền vụn vỡ.

Khi mẹ chồng khiến con dâu 'phát điên'

Khi mẹ chồng khiến con dâu 'phát điên'

Gia đình - 1 ngày trước

GĐXH - Dù ở nền văn hóa nào thì mẹ chồng nàng dâu vẫn là mối quan hệ rất nhạy cảm và có nhiều mâu thuẫn...

Khoa học chứng minh, hôn nhân càng hạnh phúc ngoại hình của vợ và chồng càng giống nhau

Khoa học chứng minh, hôn nhân càng hạnh phúc ngoại hình của vợ và chồng càng giống nhau

Chuyện vợ chồng - 1 ngày trước

Nghiên cứu đã chỉ ra hôn nhân càng hạnh phúc thì vợ và chồng càng giống nhau.

Vợ tôi đòi trả công 15 triệu đồng/tháng để chăm sóc mẹ chồng liệt giường

Vợ tôi đòi trả công 15 triệu đồng/tháng để chăm sóc mẹ chồng liệt giường

Chuyện vợ chồng - 1 ngày trước

GĐXH - Mẹ tôi khóc vì nghĩ con dâu trưởng đã không ra gì, con dâu thứ cũng đối xử với bố mẹ chồng tệ bạc nốt. Tuy nhiên, ông bà vẫn đồng ý với đề nghị của vợ tôi.

Top