Hà Nội
23°C / 22-25°C

Khía cạnh giới của di dân lao động trong thời kỳ CNH, HĐH

Thứ sáu, 14:29 25/11/2011 | Dân số và phát triển

Giống như các quốc gia khác, di dân ở Việt Nam là một hiện tượng kinh tế-xã hội mang tính quy luật, một cấu thành tất yếu của sự phát triển.

Di dân là vấn đề có tính quy luật chung, cũng giống như chính quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở các quốc gia. Di dân lao động là một đòi hỏi khách quan trong nền kinh tế thị trường, là biểu hiện rõ nét nhất của sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực, vùng miền lãnh thổ.

Bài này nhằm xem xét đặc trưng của di dân nhìn từ góc độ giới, tập trung đánh giá loại hình di dân lao động nữ ra đô thị và đến các khu công nghiệp, khu chế xuất.  Khía cạnh giới trong di dân là rất quan trọng song thường bị lãng quên trong nghiên cứu, thậm chí bị phủ nhận trong một số chính sách. Vì thế, bài viết sẽ không đề cập đến các hình thái di dân khác như xuất khẩu lao động, du học tự túc, kết hôn với người nước ngoài hoặc buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới.

1.  Quy mô di dân

Cho đến một số năm gần đây, thoát ly khỏi quê hương vẫn được coi là vấn đề của nam giới. Tại nhiều hộ gia đình, đi làm ăn xa được coi là việc của nam giới còn phụ nữ ở lại chăm sóc cha mẹ, con cái hay người thân. Ngay cả khi nữ giới tham gia di dân thì khoảng cách di chuyển cũng rất ngắn, và nam giới vẫn là người ra quyết định chính đối với việc chuyển cư.  Xuất phát từ những chuẩn mực và giá trị xã hội về vị thế của người phụ nữ, quan niệm này đưa ra hình ảnh nữ giới, dù làm mẹ, làm vợ hay là con gái trong gia đình như những đối tượng di dân phụ thuộc.

So với những năm 80, quy mô và tỷ suất di chuyển của dân số nữ đã tăng gấp đôi trong những năm cuối 90, đặc biệt tập trung vào nhóm tuổi 20-25, đa số chưa lập gia đình. Do các số thống kê về di dân thường không được phân tách theo chiều cạnh giới, việc xác định quy mô di chuyển của phụ nữ gặp nhiều hạn chế. Tuy nhiên tính đến thời điểm năm 2002, số lượng phụ nữ di chuyển dưới nhiều hình thức khác nhau ước tính không dưới 3,7 triệu người. Số đông trong nhóm
 

·       Trong tổng số hơn 4,5 triệu người thay đổi nơi thường trú thời kỳ 1994-1999, nữ chiếm tỷ trọng cao hơn nam (54% so với 46%)

·        Với mọi vùng miền lãnh thổ, mức độ di cư nội tỉnh của nữ (4,1%) cao hơn nam (3,2%).  Đối với các luồng di chuyển ngoại tỉnh, không có sự chệnh lệch đáng kể về tỷ suất di dân của nam (3,0%) và nữ (2,8%).

·        Tỷ suất di dân của nữ trong nhóm 20-24 tuổi cao gấp đôi tỷ suất di dân của các nhóm tuổi khác.

·        Tỷ số giới tính (đo bằng số nam so với số nữ) của nhóm dân số 20-24 tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn nông thôn phản ánh xu hướng di dân của nhóm nữ thanh niên từ nông thôn ra thành phố.                                                        
 
Nguồn: Tổng Điều tra Dân số 1999

 này làm lao động phổ thông và ngành nghề dịch vụ, là công nhân trong các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, là thanh niên ra thành phố tìm việc, học tập (VAPEC, 2002)

2.  Hướng di chuyển

Lao động nữ từ nông thôn di chuyển ra đô thị cũng như đến các khu công nghiệp ngày càng đông đảo dưới nhiều phương thức khác nhau. Các trung tâm đô thị và các thành phố lớn với các hoạt động dịch vụ, kinh doanh, thương mại, sản xuất công nghiệp phát triển đã thu hút một lực lượng lớn lao động nữ. Song song với hướng nông thôn - đô thị, phụ nữ cũng tham gia di dân theo hướng nông thôn - nông thôn, song nhóm này chủ yếu đi cùng với người thân, với lý do gia đình hoặc hôn nhân.

·       Quy mô di dân nữ khác nhau theo từng loại hình di chuyển. Theo số liệu Tổng Điều tra 1999, quy mô di dân nữ lớn nhất đối với loại hình nông thôn - nông thôn, kế đến là theo hướng nông thôn - thành thị và thành thị - thành thị.

·        Song đáng lưu ý là trong dòng di dân từ nông thôn ra đô thị, nữ chiếm số đông  (53% nữ so với 47% nam)

·        Hàng năm thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận 70.000 người nhập cư vào thành phố dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó nữ chiếm đa số (53% tổng số). Hàng năm thành phố vẫn thiếu lao động vì hàng năm vẫn cần một nguồn nhân lực trên 200.000 người.    

3.  Động lực di cư

Nhân tố kinh tế mà trước hết là thu nhập và việc làm vẫn là động lực chính thúc đẩy quá trình di dân lao động. Trước những rủi ro trong sản xuất trồng trọt và chăn nuôi, sự tụt giá đến mức tới hạn của các mặt hàng nông sản trên thị trường, lao động nông thôn không thể trông chờ vào hạt thóc.  Sự chênh lệch quá lớn về thu nhập giữa nông thôn và thành thị đã hối thúc người nông dân tự nguyện rời bỏ đồng ruộng ra thành phố tìm việc làm. 

·       Khảo sát di dân nữ tại thành phố Hồ Chí Minh do Trung tâm Kinh tế châu á-Thái bình dương tiến hành năm 2001 đã cho thấy 39% phụ nữ di chuyển vì lý do thu nhập. Với nhóm di chuyển nhiều lần, tỷ lệ này còn cao hơn (42%)

·         Kết quả khảo sát còn cho thấy trong các lý do thúc đẩy di dân, nhu cầu tìm việc làm trong lĩnh vực sản xuất phi nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ khá mạnh mẽ (36%)

·        Các lý do di chuyển khác như kết hôn, gia đình chiếm một tỷ lệ  thấp hơn (30%)

Nói đến người di cư, người ta thường liên tưởng ngay đến hình ảnh của những người lao động ngoại tỉnh nghèo khó, quanh năm vất vả, ngày ngày phải lo đủ miếng cơm manh áo. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người di dân ra đô thị, định cư ở thành phố đã thực sự thành công và làm giàu bằng nhiều con đường khác nhau. Mặc cho những nỗ lực xoá đói giảm nghèo, chúng ta vẫn chưa thực sự tạo ra được một sức bật và tiềm năng lâu dài cho lao động nông thôn.  Nguồn tiền, vốn, hàng hoá, thông tin đã và đang được người ra đi, mà trong đó không ít là người phụ nữ, chuyển về dưới nhiều hình thức trợ giúp khác nhau cho gia đình, người thân, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

4.  Quyết định chuyển cư

Nếu như trước đây, phụ nữ có rất ít ảnh hưởng đến quyết định chuyển cư cũng như những việc lớn trong gia đình thì hiện nay chuyện đi làm ăn xa của các thành viên trong gia đình đều có sự bàn bạc thống nhất giữa vợ và chồng, giữa bố mẹ và con cái. Các quyết định di dân mang tính bình đẳng giới hơn trước. Với những cơ hội mới về thu nhập và việc làm, trong một môi trường độc lập hơn, lao động nữ di cư có điều kiện đưa ra những quyết định cá nhân.  Chị em đã có thể tự quyết định nhiều hơn về các vấn đề của mình, điều mà trước đây không xảy ra.  Vai trò của người thân, họ hàng, bè bạn cũng có ảnh hưởng đáng kể, dù không trực tiếp, thúc đẩy di dân.

·       Kết quả một khảo sát 1.500 phụ nữ nhập cư tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy 62% trường hợp là tự quyết định, 24% do chồng và 8% là do bố mẹ quyết định.

·        Vai trò của mạng lưới xã hội khá rõ nét, 63% phụ nữ có người thân, họ hàng tại thành phố Hồ Chí Minh trước khi chuyển đến.

·        Việc lựa chọn của 37% phụ nữ di cư đến thành phố Hồ Chí Minh là do ảnh hưởng của người thân, họ hàng ở tại thành phố.

·        Sự hỗ trợ của gia đình, bè bạn cho chị em khi đến thành phố chủ yếu dưới hình thức nơi ở, tìm việc làm, động viên tình cảm.

5.  Tiền gửi về

Lao động ngoại tỉnh không thể coi là mối đe doạ thất nghiệp của người dân thành phố. Trái lại, họ đã trở thành nguồn nhân lực không thể thiếu trong thị trường việc làm rất đa dạng ở thành phố, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của các trung tâm đô thị và công nghiệp, nâng cao kim ngạch xuất khẩu và thu nhập quốc dân, ổn định đời sống kinh tế-xã hội.  Sự chuyển dịch lao động thông qua di cư là một tiềm năng quan trọng góp phần làm giảm sức ép lao động-việc làm ở nông thôn, tạo nguồn thu nhập, góp phần ổn định xã hội. Cần có sự nhìn nhận đầy đủ và công bằng hơn đối với di dân và người di dân.

·       Theo số liệu Điều tra Mức sống dân cư Việt Nam năm 1998, trên 23% hộ gia đình đã nhận được tiền gửi trong vòng 12 tháng trước cuộc điều tra, và số tiền gửi này chiếm 38% các khoản chi tiêu của hộ gia đình.

·        Một nghiên cứu của Viện Xã hội học (IOS, 1998) tiền gửi về của người di cư chiếm khoảng 60-70% tổng thu nhập bằng tiền của các nông hộ.

·        Mặc dù tiền công của lao động nữ di cư thường thấp hơn so với lao động nam, tỉ lệ phụ nữ gửi tiền về quê nhà cao hơn nam. Điều này là do sự tiết kiệm, trong chi tiêu của chị em. Tỷ lệ người di cư gửi tiền về quê hàng tháng ước tính qua nghiên cứu nói trên là 34% đối với nữ và 24% đối với nam.

·        Những khoản chi dùng thường xuyên nhất là tiêu pha hàng ngày, trả nợ, học hành, chăm sóc sức khoẻ và kiến thiết nhà cửa.

Việc gửi tiền giúp đỡ quê hương phản ánh một truyền thống gia đình và giữ một vai trò quan trọng trong quá trình mưu sinh kiếm sống của người di cư. Tiền gửi về có ảnh hưởng lớn đến thu nhập của hộ gia đình ở quê và rất cần thiết trong việc trang trải nợ nần, chi phi học hành cho con cái và đau ốm của người thân. Tiền gửi về cũng làm giảm nhu cầu bán lúa gạo của nông dân khi cần tiền mặt và do đó giúp đảm bảo an ninh lương thực cho các gia đình nông thôn.  Nếu không có nguồn tiền mặt do các thành viên đi làm ăn xa gửi về, nông thôn sẽ không có đủ thu nhập để tồn tại hoặc trang trải cho những chi phí học hành và sức khoẻ.

6.  Những khó khăn, trở ngại

Từ góc độ giới, lao động nam và nữ chịu những tác động khác nhau do vị thế di cư của minh. ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị, tiền công cho lao động nữ luôn thấp hơn nam. Nguồn nhân công rẻ và dễ sử dụng tại thành thị bao gồm phần đông lao động nữ đến từ nông thôn. Vị trí thiệt thòi đó là do trình độ học vấn và kỹ năng tay nghề của nữ thấp hơn nam. Lao động nữ làm những công việc dịch vụ như gánh rong, trông coi cửa hàng, làm nội trợ giúp việc gia đình hay gặp những hoàn cảnh éo le, kể cả bị quấy rối tình dục. Do ở tình trạng dễ bị tổn thương, phụ nữ di cư có thể bị rơi vào hoàn cảnh bị xâm hại tình dục hay làm gái mại dâm một cách không mong muốn. Với công việc không ổn định và thu nhập thấp, lao động nữ thường buộc phải vay mượn, mắc nợ và rồi bị ép buộc bán dâm.

Lao động nữ di cư là đối tượng ít được bảo vệ nhất trong môi trường việc làm mới. Tuy nhiên, số giờ làm việc kéo dài trong các ngành sản xuất công nghiệp là độc hại cho sức khỏe và thể chất của chị em. Do không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nghề nghiệp nên lao động di cư không thể tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro về sức khỏe và an toàn bản thân, hiếm khi được bồi thường trong trường hợp bị thương tật, đau ốm, hoặc tai nan.

Vấn đề nhà ở cho người lao động ở các khu công nghiệp, các trung tâm đô thị hiện nay rất bức xúc. Với thu nhập chỉ với 600-800 nghìn đồng/tháng, lao động nhập cư chỉ có thể chi cho tiền nhà từ 60-80 nghìn đồng/tháng.  Do vậy trên thực tế, nhà ở cho người lao động thường do tư nhân, dẫn đến tình trạng những khu nhà trọ tồi tàn bên cạnh những khu công nghiệp lớn.  Nhiều nhà trọ được tư nhân cải tạo lại từ các khu phụ nên thiếu ánh sáng, thiếu không khí, chật chội không đảm bảo vệ sinh, mật độ người ở lại quá cao, không đảm bảo các quy định về sinh hoạt, môi trường và phòng cháy chữa cháy.

Vì muốn thuê chỗ trọ rẻ, nơi ở của người lao động làm việc trong các khu công nghiệp thường phân tán, xa nơi làm việc nên việc đi lại gặp khó khăn vì hầu hết số công nhân làm việc trong khu công nghiệp phải tự lo phương tiện đi làm. Bên

·       Một báo cáo giám sát của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (2003) đã cho thấy những điều kiện làm việc khó khăn và vị thế dễ bị tổn thương của lao động nữ taị các khu công nghiệp và những thị trường lao động khác.

·        Nhiều doanh nghiệp cố tình kéo dài thời gian thử việc để chậm ký kết hợp đồng lao động.  Một số khác cố tình ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng để trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

·        Các doanh nghiệp và chủ thuê mướn lao động không cấp bảo hiểm y tế và xã hội cho lao động di cư. Rất nhiều ngành, kể cả doanh nghiệp nhà nước, đã thuê lực lượng lao động không có nghề và theo mùa vụ mà không ký hợp đồng. Nếu bị thanh tra phát hiện, họ chịu nộp phạt một lần và tiếp tục vi phạm.

·        Lao động phổ thông cũng là những người bị sa thải trước tiên do các văn bản pháp luật và những qui định về lao động không được áp dụng hoặc thi hành do không ký hợp đồng lao động.

·        Hiện nay mới chỉ có 12 trong số 63 tỉnh, thành có chương trình phát triển dân sinh cho các khu công nghiệp. Quy hoạch các khu công nghiệp không có quy hoạch nhà ở và các công trình hạ tầng sinh hoạt công cộng cho công nhân. Hạn chế này đã dẫn đến những khó khăn và hậu quả tiêu cực cho người lao động, nhất là nữ giới.

cạnh đó, sức ép lao động thông qua tăng ca, kéo dài số giờ lao động liên tục khiến nhiều công nhân mới hơn 30 tuổi đã mất sức. Có thể nói nguồn nhân lực để công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngày càng giảm sút về chất lượng trong điều kiện sống và sinh hoạt khó khăn như vậy.

Tiếp cận các dịch vụ xã hội của người di cư là một vấn đề bức xúc khác. Nói một cách khác, chủ sử dụng cần sức lực nhưng không muốn có người lao động nhập cư. Do không có bảo hiểm Y-Tế, rất nhiều người đã phải tự chăm lo cho tình trạng sức khỏe của mình. Song do chi phí thuốc men cao nên họ luôn ngần ngại trong việc chữa trị. Những chương trình y tế chính thức, kể cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, thường ít khi đến được người di cư. Thực ra, chăm sãc sức khỏe thường ít được tính đến trong nhu cầu của người di cư.

Trong các khu công nghiệp, vấn đề hôn nhân, gia đình trở nên bức xúc, chưa được quan tâm. Tỷ lệ nạo hút thai theo báo cáo là rất cao ở các khu công nghiệp nơi có nhiều lao động nữ. Tình trạng dễ bị tổn thương cao hơn trong nhóm phụ nữ di cư, do thường bị xâm hại và bạo lực, gây nên những rủi ro lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS.  Những tác hại xấu đến sức khỏe còn có thể bắt nguồn từ việc bị hạn chế về thông tin và hiểu biết không đầy đủ về các biện pháp phòng tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kể cả HIV/AIDS.

7.  Vị thế pháp lý

Lao động nhập cư nếu không có hộ khẩu thường trú sẽ khó khăn trong xin việc làm những ngành nghề khu vực chính thức, hạn chế về học hành, chăm sóc sức khoẻ, sở hữu nhà đất, không có giấy phép sử dụng đất, vay vốn tín dụng, kinh doanh, mua bán tài sản, đăng ký xe cộ, khai sinh, khai tử, kết hôn... Những quy định liên quan hộ khẩu thường trú làm cho những khó khăn mà những người nhập cư thu nhập thấp gặp phải thêm trầm trọng, tạo ra những rào cản và nảy sinh tiêu cực trong việc tiếp cận sử dụng các dịch vụ xã hội.

·       Nghiên cứu định tính ở thành phố Hồ Chí Minh (SCUK, 1999) chi phí sử dụng các dịch vụ xã hội với những người không có hộ khẩu cũng cao hơn đáng kể. Người nhập cư thường phải chi trả cao hơn từ 4-5 lần đối với tiền điện và 7-8 lần đối với tiền nước so với giá quy định.

·        Tỷ lệ đến trường thấp trong nhóm con em những người nhập cư ở thành phố Hồ Chí Minh do không có hộ khẩu thường trú. Con em của những gia đình trong diện KT1 và KT2 được ưu tiên vào những trường công lập có chất lượng, trong khi con em của những lao động phổ thông thường phải theo học ở trường bán công hoặc tư thục với chi phí cao hơn.

·        Ngay cả với đối tượng lao động có tay nghề công tác theo chế độ hợp đồng chính thức tại các doanh nghiệp, các cơ quan tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế cũng không được đăng ký hộ khẩu, dù có nhà ở hợp pháp, do không thuộc diện quy định của Nghị định 51/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ khẩu. Tuy nhiên  so với công nhân, thu nhập cao hơn của nhóm người lao động này cho phép họ có thể “chi trả” được những dịch vụ xã hội cần thiết cho bản thân và con em mình.

Khi phân biệt người có hộ khẩu thường trú và người không có (thường với lý do để “giảm áp lực”) thì đồng thời đã tạo nên sự bất bình đẳng xã hội. Thử hỏi đời sống người dân sẽ ra sao khi đến làm ăn tại mỗi địa phương lại phải chịu sự phân loại, chọn lựa bình xét, ưu tiên trong dịch vụ xã hội dựa trên tiêu chí hộ khẩu vốn đi ngược lại với quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.

Một số đề xuất chính sách

 1. Bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy di dân lao động sẽ diễn ra với quy mô ngày càng lớn trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhiều quốc gia đã phải trả giá do thiếu quan tâm đến quá trình này.  Mặc dù ảnh hưởng về tâm lý-xã hội đối với gia đình và bản thân người di cư là không thể tránh khỏi song trước sự hối thúc của cuộc sống và nhu cầu mưu sinh, người dân vẫn chấp nhận vất vả, bất kể những rào cản và khó khăn để dời quê hương đi làm ăn xa. Các chính sách và chiến lược cần có tầm nhìn xa hơn và toàn diện hơn, cần gắn với xu hướng di dân và di chuyển lao động, tiến tới ổn định đời sống cho người lao động, giảm thiểu những khó khăn và rủi ro mà người lao động di cư  phải gánh chịu, thay vì can thiệp trực tiếp hay tìm cách kiểm soát quá trình khách quan này.

2.  Hỗ trợ về an sinh xã hội cho lao động nhập cư là khâu then chốt đối với mục tiêu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Các doanh nghiệp cần cho phép người lao động nhập cư tham gia các chế độ hợp đồng và bảo hiểm cho người lao động theo quy định hiện hành. Trước mắt, sự hỗ trợ về nhà ở, phát triển loại hình ký túc xá rẻ cho công nhân và người lao động nhập cư, đặc biệt là các khu công nghiệp và thành phố lớn là rất cần thiết. Phải coi chính sách nhà ở là chính sách an sinh xã hội.

3.  Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với mục tiêu phát triển xã hội. Lao động nữ cần có các dịch vụ y tế phù hợp và nhạy cảm giới, được cung cấp thông tin, kiến thức và dịch vụ sức khoẻ sinh sản, phương tiện phòng tránh thai và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, HIV/AIDS tại nơi ở và nơi làm việc. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người lao động có thu nhập thấp ở các trung tâm đô thị và đối với phụ nữ trẻ làm việc và sinh sống tại các khu công nghiệp.

4.  Cần cung cấp thông tin và phổ biến rõ ràng các thủ tục cấp phép tạm trú cho người lao động để giúp cho họ tránh được những khó khăn rủi ro và lệ thuộc vào chủ trọ khi xin giấy phép cư trú. Cần đơn giản hoá thủ tục và các quy định phức tạp hiện nay về đăng ký hộ khẩu vì cho đến nay hệ thống này đã và đang hạn chế những cơ hội nhằm ổn định cuộc sống của người dân. Trong cái vòng luẩn quẩn hiện nay, khi muốn đăng ký hộ khẩu thì phải có nhà ở ổn định, và để có được nhà ở ổn định thì trước hết phải có hộ khẩu thường trú, những tác động về tâm lý, xã hội cho người dân nói chung và lao động di cư nói riêng là rất lớn. Việc quản lý hành chính dân cư nhằm xác định việc cư trú của công dân, tăng cường quản lý xã hội an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là hết sức cần thiết. Song hệ thống đăng ký hộ khẩu đến nay đã được gán cho những "chức năng" mới không có hoặc rất ít liên quan đến mục đích nói trên. Quy định sử dụng hộ khẩu như một tiêu chí đầu vào của người dân nếu muốn tiếp cận các dịch vụ xã hội là cực kỳ bất hợp lý và cần loại bỏ.  Đã đến lúc phải trả lại cho hộ khẩu chức năng vốn có của nó.

5.  Chính quyền địa phương ở nơi tiếp nhận lao động, ở địa bàn các khu công nghiệp có nhiều lao động nữ cần phối hợp với các doanh nghiệp, các chủ thuê mướn lao động trong việc giám sát và hỗ trợ các thủ tục cần thiết để người lao động ổn định cuộc sống, được cư trú và làm việc trong điều kiện an toàn, góp phần nâng cao sức khoẻ và an sinh xã hội, thúc đẩy tác động tích cực của di cư.  Để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, trước hết cần tăng cường thông tin và nâng cao năng lực cho lao động nữ di cư trong suốt quá trình di chuyển, sinh sống và làm việc tại địa bàn nơi đến.
 
Theo Tạp chí Dân số & Phát triển (số 3/2005), website Tổng cục Dân số & KHHGĐ
kimngan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Các thuốc điều trị nhiễm độc thai nghén

Các thuốc điều trị nhiễm độc thai nghén

Dân số và phát triển - 13 giờ trước

Nhiễm độc thai nghén có thể xuất hiện vào 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ. Nếu không được điều trị, nhiễm độc thai nghén có thể dẫn tới sảy thai, sinh non, sản giật. Những đứa trẻ được sinh ra từ người mẹ bị nhiễm độc thai nghén thường nhẹ cân, chậm phát triển so với tuổi thai và suy thai.

Thuốc điều trị bệnh lậu

Thuốc điều trị bệnh lậu

Dân số và phát triển - 1 ngày trước

Bệnh lậu có thể điều trị được bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng lậu kháng thuốc ngày càng tăng. Do đó cần điều trị theo kháng sinh đồ. Sau khi hết đợt điều trị mà vẫn còn triệu chứng, bệnh nên đến gặp bác sĩ.

Nắng nóng mùa hè làm tăng những nguy cơ sức khỏe gì với mẹ bầu?

Nắng nóng mùa hè làm tăng những nguy cơ sức khỏe gì với mẹ bầu?

Dân số và phát triển - 3 ngày trước

Thời tiết mùa hè nóng bức ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ mang thai. Quá nóng khi mang thai có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.

8 mẹo duy trì sức khỏe âm đạo trong mùa nóng

8 mẹo duy trì sức khỏe âm đạo trong mùa nóng

Dân số và phát triển - 4 ngày trước

Duy trì sức khỏe âm đạo là một phần không thể thiếu để có sức khỏe tổng thể và việc thích ứng với những thay đổi theo mùa có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề tiềm ẩn.

Chế độ ăn cho người rối loạn nội tiết tố

Chế độ ăn cho người rối loạn nội tiết tố

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

Nếu thường xuyên cảm thấy chướng bụng, nôn nao, mệt mỏi, dễ xúc động hoặc đang quá phụ thuộc vào caffeine hay đường, có thể là do rối loạn nội tiết tố. Tham khảo cách cải thiện bằng chế độ ăn uống.

Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc

Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

GĐXH - Ngành Y tế Quảng Bình đang tập trung triển khai các hoạt động nhằm cải thiện sức khỏe cho đồng bào, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em...

Nam giới có cần vệ sinh vùng kín hàng ngày?

Nam giới có cần vệ sinh vùng kín hàng ngày?

Dân số và phát triển - 6 ngày trước

Việc vệ sinh vùng kín của nam giới hàng ngày là điều cần thiết. Nhưng vệ sinh vùng kín cho nam đúng cách thế nào không hẳn ai cũng biết.

Gửi tinh trùng vào ngân hàng chờ làm bố

Gửi tinh trùng vào ngân hàng chờ làm bố

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Nhiều người đàn ông sợ biến chứng quai bị hay phải điều trị ung thư đã gửi tinh trùng vào ngân hàng, để sau này vẫn có thể thụ tinh trong ống nghiệm để sinh con.

Nấm Candida gây bệnh gì, có nguy hiểm không?

Nấm Candida gây bệnh gì, có nguy hiểm không?

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Các bệnh do nhiễm nấm Candida tuy gây ra các triệu chứng khó chịu nhưng thường dễ điều trị và ít khi đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, tình trạng sẽ nghiêm trọng khi nấm Candida xâm nhập vào máu gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vòng tránh thai chui nhầm ổ bụng 2 người phụ nữ

Vòng tránh thai chui nhầm ổ bụng 2 người phụ nữ

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Các bác sĩ vừa xử trí cấp cứu 2 phụ nữ bị vòng tránh thai lạc chỗ trong ổ bụng.

Top