Hà Nội
23°C / 22-25°C

Hạn chế nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết (cuối): Vướng mắc và hướng khắc phục

Thứ tư, 08:40 11/01/2012 | Dân số và phát triển

GiadinhNet - Câu chuyện về giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Lào Cai đã được nhắc đến rất nhiều lần.

 
Các em học sinh tại Trường tiểu học Nậm Xé, Văn Bàn, Lào Cai.
Ảnh: VT
Tại một hội thảo được tổ chức cuối năm 2011 vừa qua, vấn đề này một lần nữa được các đại biểu đưa ra bàn thảo, "mổ xẻ" thẳng thắn, cho thấy tính cấp bách, thời sự của vấn đề.

Nhức nhối những con số

Trưởng ban Dân vận Lào Cai - bà Hoàng Thị Tráng khẳng định: Tảo hôn xảy ra ở hầu hết các dân tộc, nhưng chủ yếu là Mông, Dao, Tày, Nùng, Phù Lá... Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2006 - 2010 có 952 cặp tảo hôn. Trong đó, huyện Sapa là 36,2% (453/1.251 cặp); Si Ma Cai: 6,2% (52/826 cặp)...

Về tình trạng hôn nhân cận huyết thống, một khảo sát nhỏ tại 44 xã thuộc 9 huyện, thành phố Lào Cai năm 2007 cho thấy: Có 224 cặp hôn nhân cận huyết thống, chủ yếu ở đời thứ 3. Ngoài những trường hợp (221/224) là con bá lấy con dì, con chị gái/em gái lấy con anh trai/em trai, cháu lấy dì/cô/chú... thì cá biệt có trường hợp con anh trai lấy con em trai ở Bắc Hà và Sapa.

Khảo sát này cũng cho kết quả báo động: Trong 224 cặp này có 24 cặp chưa sinh con, số còn lại sinh ra 558 trẻ, trong đó có 51 trẻ phát triển không bình thường, mắc các bệnh như: Bạch tạng, thiểu năng trí tuệ, liệt, câm, lông mi trắng, mù lòa... và có 8 trẻ đã chết.

Phân tích con số này, TS.Lê Cảnh Nhạc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho hay: Nếu lấy số 952 cặp tảo hôn này nhân với TFR (số con trung bình của một phụ nữ) của Lào Cai ở vùng này là 3 con thì bình quân có 2.856 trẻ ra đời. Con số này rất lớn. Bên cạnh đó, tổng số trẻ bị chết và khuyết tật của các cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết chiếm 10,6%, đó là chưa nói đến số trẻ bị suy dinh dưỡng.

Nhức nhối là thế, nhưng theo bà Hoàng Thị Tráng, con số thực tế còn chua xót hơn nhiều. Đó là chưa tính đến một số nơi, trẻ em do các cặp tảo hôn, kết hôn cận huyết khi sinh ra không được làm khai sinh, dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Tại thôn Tả Phìn, xã Dền Thàng, huyện Bát Xát đã có hàng chục cặp kết hôn cận huyết, cá biệt có hộ gia đình có 2 cặp hôn nhân cận huyết. Trong đó, một cặp có tới 3 con đầu sinh ra dị dạng, chết sơ sinh; một cặp sinh con bị bại liệt. Tại xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, một người lấy vợ trực hệ sinh 3 con, 2 cháu đầu đều yếu ớt và chỉ sống được vài tháng, cháu út bị câm, điếc, mù.

"Chuyện mình là thông gia của chính mình không hiếm ở đây! Có gia đình sinh ra 2 đứa con. Một cháu cho đi làm con nuôi, lớn lên lại quay về lấy em mình", bà Tráng đưa ra thông tin rất đáng "giật mình".

Bài học của Sapa
 

Đánh giá cao việc triển khai sớm mô hình Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết của Lào Cai, TS Lê Cảnh Nhạc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS - KHHG, nhấn mạnh: Truyền thông, giáo dục phải làm thường xuyên và được xác định là bước đi đầu tiên. Muốn đưa luật pháp, thiết chế vào đời sống bà con dân tộc, phải thông qua hương ước, quy ước làng bản, bởi sức mạnh, tính ảnh hưởng của nó rất lớn. Lào Cai sẽ là một trong những tỉnh chung tay thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Huyện Sapa là địa phương đi đầu trong việc thực hiện điểm "Cuộc vận động chống tảo hôn trong cộng đồng các dân tộc thiểu số giai đoạn 2007-2010". Ông Nguyễn Ngọc Hinh, Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ chia sẻ: Từ tỷ lệ tảo hôn là 66% (2007) đến năm 2010, con số này giảm còn 13%. Không những thế, một số địa phương như xã Nậm Cang vốn nhức nhối tảo hôn đã 2 năm không có người sinh con thứ 3, nhận danh hiệu xã Anh hùng thời kỳ đổi mới.

Kinh nghiệm của Sapa, theo ông Hinh là: Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng và tổ chức thực hiện chủ trương chống tảo hôn, kết hôn cận huyết, trong đó xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật và hương ước thôn, bản; đặc biệt là cán bộ, đảng viên, lãnh đạo xã và các đoàn thể trong xã. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; ngoài ra phải xây dựng đề án với những nội dung, nhiệm vụ phân công cụ thể.

"Chúng tôi cấm tuyệt đối cán bộ công chức, đảng viên không đến dự các đám cưới tảo hôn, kết hôn cận huyết. Đồng thời tuyên truyền vận động gia đình, người thân, họ hàng, dòng tộc và cộng đồng không đến dự các đám cưới vi phạm tảo hôn. Đám cưới không có cán bộ đến dự, buồn tẻ nên bà con lấy đó làm gương",  ông Hinh chia sẻ.

Cấm là vậy, nhưng theo ông Hinh, không thể kiểm soát hết được các trường hợp đảng viên, cán bộ vi phạm. Đặc biệt, trong quá trình triển khai, đã xuất hiện một số vướng mắc về pháp luật. Cụ thể, trong Thông tư liên tịch số 03/2000 hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, ban hành ngày 31/3/2000; và thông tư liên tịch số 04/2001 ngày 09/7/2001 triển khai một số nội dung chính sách dân số, gia đình, trẻ em vào hương ước, quy ước (gọi tắt là Thông tư 03, 04)  nêu rõ: "(...) không được đặt ra các biện pháp xử phạt nặng nề xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân. Trong hương ước không đặt ra các khoản phí, lệ phí". Trong khi đó, Điều 148 - Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2009 nêu rõ: Tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn: Người nào có một trong các hành vi sau đây đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm: a) Tổ chức việc kết hôn cho những người chưa đến tuổi kết hôn; b) Cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Toà án buộc chấm dứt quan hệ đó.

Ông Hinh cho biết: Tại Sapa, nếu một trường hợp cưới tảo hôn, ngoài việc bị phê bình, sẽ bị phạt 200.000 đồng, nộp vào quỹ cộng đồng của thôn đó. Về điều này, một mặt nếu theo Thông tư 03, 04 thì không đúng quy định; mặt khác, nếu có xử phạt 200.000 đồng đi nữa, thì số tiền này vẫn không đủ sức răn đe, người dân không thể ý thức được hành động của mình là vi phạm pháp luật.

Ông Lý Văn Tim, cán bộ Tư pháp xã Nậm Xé, Văn Bàn, Lào Cai cũng chia sẻ: Tại xã, với những trường hợp tảo hôn, bị phạt từ 300.000-500.000 đồng, khai sinh quá hạn bị phạt từ 50.000- 100.000 đồng. "Có nhiều cặp tự động về ở với nhau khi chưa đủ tuổi, sinh con. Đợi đến khi nào đủ tuổi, con đã lớn, họ mới đi đăng ký kết hôn, đồng thời khai sinh cho con (vì trẻ em sinh ra có quyền được khai sinh), như vậy là không phạm luật. Nhiều trường hợp "vô tư" đến mức, khi đưa con đi nhập học lớp 1, nhà trường yêu cầu giấy khai sinh, cha mẹ mới tá hỏa đi đăng ký kết hôn, làm giấy khai sinh cho con", ông Tim nói.

Đồng tình với ý kiến này, bà Phan Thị Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai cho hay: "Theo quy định, mức thấp nhất của xử lý vi phạm hành chính là 10.000 đồng, nhưng một số địa phương theo tôi được biết, người dân vẫn sẵn sàng nộp 2 triệu đồng để vẫn được ở với nhau". Bà Nguyệt cho biết thêm: Ở huyện Si Ma Cai (Lào Cai), Tòa án ở đây rất muốn xử điểm hủy hôn các cặp tảo hôn, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xử lý được vụ nào bởi không ai "đâm đơn" đề nghị.

"Tôi cam đoan là không có chuyện tảo hôn được đăng ký kết hôn, nhưng kết hôn cận huyết thống thì vẫn có", bà Nguyệt khẳng định. Lý giải cho điều này, bà cho hay: Theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình, chỉ những trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài mới phải phỏng vấn sâu, do đó, trường hợp anh em, họ hàng 3 đời kết hôn vẫn được đăng ký  là chuyện không hiếm.

Cần phải xem xét tuyên truyền sát đối tượng. Ví dụ: Với người Dao, cần chú trọng tuyên truyền cho phụ huynh, người lớn; với người Mông, cần tập trung tuyên truyền cho các em học sinh, vị thành niên, thanh niên, đối tượng tiền hôn nhân.

Bà Hoàng Thị Tráng
Trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy Lào Cai

Một kinh nghiệm thành công của chúng tôi là tuyên truyền trọng điểm, bà con dân tộc thiểu số chỉ tin khi "tai nghe, mắt thấy". Do đó, phải sử dụng hình ảnh những người chịu hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết, họ mới thay đổi dần nhận thức được.

Ông Nguyễn Ngọc Hinh
Phó Chủ tịch UBND huyện,
Trưởng ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện Sapa

Phát huy hiệu quả bằng hương ước, quy ước làng, bản (là những văn bản quy phạm xã hội) nhưng cũng cần có quy định để phù hợp với những văn bản quy phạm pháp luật khác.

Bà Phan Thị Nguyệt
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai
Ghi chép của Võ Thu
baoin
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Chế độ ăn cho người rối loạn nội tiết tố

Chế độ ăn cho người rối loạn nội tiết tố

Dân số và phát triển - 14 phút trước

Nếu thường xuyên cảm thấy chướng bụng, nôn nao, mệt mỏi, dễ xúc động hoặc đang quá phụ thuộc vào caffeine hay đường, có thể là do rối loạn nội tiết tố. Tham khảo cách cải thiện bằng chế độ ăn uống.

Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc

Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc

Dân số và phát triển - 1 giờ trước

GĐXH - Ngành Y tế Quảng Bình đang tập trung triển khai các hoạt động nhằm cải thiện sức khỏe cho đồng bào, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em...

Nam giới có cần vệ sinh vùng kín hàng ngày?

Nam giới có cần vệ sinh vùng kín hàng ngày?

Dân số và phát triển - 1 ngày trước

Việc vệ sinh vùng kín của nam giới hàng ngày là điều cần thiết. Nhưng vệ sinh vùng kín cho nam đúng cách thế nào không hẳn ai cũng biết.

Gửi tinh trùng vào ngân hàng chờ làm bố

Gửi tinh trùng vào ngân hàng chờ làm bố

Dân số và phát triển - 1 ngày trước

Nhiều người đàn ông sợ biến chứng quai bị hay phải điều trị ung thư đã gửi tinh trùng vào ngân hàng, để sau này vẫn có thể thụ tinh trong ống nghiệm để sinh con.

Nấm Candida gây bệnh gì, có nguy hiểm không?

Nấm Candida gây bệnh gì, có nguy hiểm không?

Dân số và phát triển - 3 ngày trước

Các bệnh do nhiễm nấm Candida tuy gây ra các triệu chứng khó chịu nhưng thường dễ điều trị và ít khi đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, tình trạng sẽ nghiêm trọng khi nấm Candida xâm nhập vào máu gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vòng tránh thai chui nhầm ổ bụng 2 người phụ nữ

Vòng tránh thai chui nhầm ổ bụng 2 người phụ nữ

Dân số và phát triển - 4 ngày trước

Các bác sĩ vừa xử trí cấp cứu 2 phụ nữ bị vòng tránh thai lạc chỗ trong ổ bụng.

Gặp ai cũng hỏi "sao mãi mà chưa có con", khi nhìn thấy tấm hình này mới thấu cảm giác bất lực của người mẹ

Gặp ai cũng hỏi "sao mãi mà chưa có con", khi nhìn thấy tấm hình này mới thấu cảm giác bất lực của người mẹ

Dân số và phát triển - 4 ngày trước

Có lẽ chỉ những người mẹ phải trải qua tình cảnh này mới có thể thấu hiểu được.

Mắc bệnh lậu nên ăn và nên tránh thực phẩm nào?

Mắc bệnh lậu nên ăn và nên tránh thực phẩm nào?

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Ăn thực phẩm lành mạnh, bổ dưỡng giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch, thúc đẩy quá trình điều trị bệnh lậu.

Hoàn Kiếm (Hà Nội) phát động chiến dịch truyền thông, vận động lồng ghép chăm sóc sức khỏe sinh sản

Hoàn Kiếm (Hà Nội) phát động chiến dịch truyền thông, vận động lồng ghép chăm sóc sức khỏe sinh sản

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

GĐXH – Đây là một hoạt động thường niên nằm trong chuỗi những hoạt động cung cấp kiến thức, các dịch vụ chất lượng cao về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nam và nữ giới tại cộng đồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

5 dấu hiệu cảnh báo sớm rối loạn cương dương và cách cải thiện

5 dấu hiệu cảnh báo sớm rối loạn cương dương và cách cải thiện

Dân số và phát triển - 6 ngày trước

Rối loạn cương dương ảnh hưởng đến cuộc sống và mối quan hệ của cặp đôi. Nam giới có thể khắc phục được nếu không bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo sớm và giải quyết ngay ở giai đoạn đầu.

Top