Hà Nội
23°C / 22-25°C

Giải mã chuyện “gặp xui xẻo” sau khi đi thăm bà đẻ

Thứ tư, 09:17 30/03/2016 | Dân số và phát triển

GiadinhNet - Từ lâu, trong dân gian, nhiều người thường rỉ tai nhau quan niệm tránh đi thăm sản phụ mới sinh, nhất là vào ngày mùng 1 đầu tháng. Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng, sau khi thăm “bà đẻ” sẽ gặp nhiều chuyện không vui, không may mắn (?!).

Các chuyên gia khuyến cáo, sản phụ và trẻ sơ sinh sức đề khác còn yếu, cần được chăm sóc cẩn thận để tránh nhiễm bệnh. Ảnh minh họa
Các chuyên gia khuyến cáo, sản phụ và trẻ sơ sinh sức đề khác còn yếu, cần được chăm sóc cẩn thận để tránh nhiễm bệnh. Ảnh minh họa

Mơ hồ trong việc kiêng thăm bà đẻ

Sau khi đi thăm cô cháu họ mới sinh con đầu lòng được 1 tuần, chị Trần Thị Lụa (ở Văn Lâm, Hưng Yên) bỗng dưng gặp nhiều chuyện không may từ… trên trời rơi xuống. Đến nay, chị Lụa vẫn không lý giải được nguyên nhân của những vận xui đó.

Chị kể: “Tôi không phải là người mê tín, thế nên việc mọi người nói phải kiêng không được đến thăm bà đẻ trong 1 tháng đầu sau sinh, tôi cũng không để ý lắm. Cháu tôi sinh mổ nên phải nằm lại bệnh viện 1 tuần để được các bác sĩ chăm sóc. Trong khoảng thời gian đó, ở nhà, ai cũng háo hức ngày đón mẹ con cháu về để đến thăm thằng cu. Thế nhưng, ngay sau hôm ở nhà cháu về, tôi liên tiếp gặp vận đen. Từ việc hỏng xe, phải dắt bộ vài cây số mới tìm được quán sửa xe. Đến khi dắt xe vào quán thì phát hiện bị rơi mất tiền từ khi nào không hay. Xem lại lịch mới biết, hôm đó là ngày mùng 1 âm lịch. Không hiểu có sự trùng hợp nào ở đây không?”.

Giống như chị Lụa, anh Nguyễn Phúc Thành (35 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa hết “ấm ức” vì vừa phải bỏ tiền túi ra để đền khi làm hư hỏng hàng hóa của khách. Anh Thành vốn làm nghề shipper (người giao hàng) tại Hà Nội và một vài tỉnh lân cận. Bình thường, công việc của anh khá suôn sẻ cho đến khi vợ anh rủ đến thăm cô bạn mới sinh con được 2 tuần.

“Tôi đã nói là không thích đi thăm phụ nữ mới đẻ, nhiều cái bất tiện và không may nhưng vợ tôi cứ bắt đi cùng cô ấy cho vui. Nói mãi, tôi cũng đành ngậm ngùi đèo cô ấy đến nhà bạn thân. Đến nơi, tôi chỉ ngồi ngoài nhà nói chuyện với chồng cô bạn, không hề “bén mảng” vào bên trong giường của bà đẻ. Không hiểu sao, về nhà vẫn bị vận đen “ám” vào người”, anh Thành bức xúc kể lại.

Anh Thành cho biết thêm, sau khi đi thăm bà đẻ về, anh nhận được đơn hàng vận chuyển 2 lọ lục bình từ cửa hàng đến cho khách. Dù là người chạy xe rất cẩn thận, nhưng hôm đó anh bị va chạm với một xe máy đi ngược chiều. Anh Thành bị ngã ra đường, chân tay bị xây xát và 1 trong 2 lọ lục bình anh mang cho khách bị nứt đôi. Lần đó, anh Thành phải tốn vài triệu bạc để đền cho chủ cửa hàng, cộng với tiền thuốc men băng bó vết thương và tiền sửa chiếc xe máy bị hư hỏng. “Sau lần đó, tôi giận vợ hơn một tuần và tuyên bố với cô ấy rằng sẽ “cạch” đến già không bao giờ đi thăm bà đẻ nữa. Tốt nhất “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, tránh rước họa vào người”, anh Thành than thở.

Không giống hai trường hợp trên, chị Nguyễn Thị Loan (25 tuổi, quê Hòa Bình) là người đã từng đến thăm rất nhiều bà đẻ sau khi sinh và sau những lần đi thăm ấy, chẳng hề có chuyện gì đen đủi xảy ra, ngược lại, chị còn thấy vui vẻ, gặp nhiều may mắn. Chị Loan cho hay: “Tôi thấy mọi người thường hay nghiêm trọng hóa vấn đề. Tôi từng thăm rất nhiều bé mới sinh và thấy có sao đâu. Hồi tôi còn đi học, trước hôm thi cuối kỳ, tôi vẫn đi thăm chị nhà bác mới sinh em bé. Hôm sau thi làm bài bình thường, thậm chí đạt kết quả tốt hơn mong đợi, không giống với việc mọi người hay nói là gặp đen. Tôi nghĩ, một vài trường hợp gặp rủi ro sau khi thăm bà đẻ có thể chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi”.

Kiêng cữ để tránh gây ảnh hưởng đến mẹ và bé

Xung quanh câu hỏi tại sao dân gian hay có quan niệm kiêng không đến thăm phụ nữ mới sinh, nhất là trong tháng đầu tiên sau sinh, TS.BS Trần Thị Hoàng – Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng cho biết: việc nói thăm bà đẻ sẽ gặp "vận đen" là không có cơ sở khoa học mà chỉ dựa trên quan điểm dân gian, chưa được kiểm chứng. Việc đưa ra lý do như vậy, có thể xuất phát từ thực tế nhiều gia đình muốn từ chối khéo việc mọi người đến thăm quá đông trong 1 tháng đầu sau sinh để tránh gây hại cho cả mẹ và bé.

TS.BS Trần Thị Hoàng phân tích: “Sản phụ mới sinh con, cơ thể yếu do mất sức nên vẫn rất mệt mỏi, cần không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi. Trẻ sơ sinh cũng vậy, khi ra khỏi bụng mẹ phải mất thời gian để làm quen với môi trường bên ngoài nên rất dễ bị giật mình nếu có quá đông người đến thăm cùng một lúc. Do vậy, việc kiêng cữ cho sản phụ và em bé là cần thiết”.

Còn theo ThS. BS Đỗ Thiện Hải – Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ nhỏ nhất là trẻ sơ sinh, sức đề kháng còn yếu nên rất dễ nhiễm các bệnh do virus và vi khuẩn gây nên. Do vậy, việc nhiều người tập trung một chỗ “vây kín” em bé là điều không nên. Trẻ có thể lây bệnh từ các vị khách, nhất là những người đang có các triệu chứng cảm cúm, ho sốt hay vừa từ môi trường chứa nhiều bụi bẩn về.

Rửa tay sạch sẽ khi bế trẻ sơ sinh

Các chuyên gia cũng lưu ý rằng, nên hạn chế cho trẻ nhỏ đến thăm bà đẻ và trẻ sơ sinh, vì sự có mặt của những đứa trẻ có thể sẽ gây ồn ào ảnh hưởng đến giấc ngủ của em bé. Hơn nữa, với những trẻ hay nghịch, chân tay không được vệ sinh sạch sẽ, khi tiếp xúc với trẻ sơ sinh, có thể gia tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn. Vì vậy, để tránh gây hại cho sản phụ và em bé, tốt nhất phụ huynh nên ăn mặc gọn gàng và rửa tay sạch sẽ cho trẻ nhỏ trước khi đến thăm.

TS.BS Trần Thị Hoàng tư vấn, để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ và bé sau khi sinh, gia đình nên có chế độ ăn hợp lý, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng để tránh nhiễm bệnh. Việc giữ ấm cho trẻ là cực kỳ cần thiết, tránh nơi có gió lùa. Phụ huynh cũng nên lưu ý, không ủ ấm trẻ quá kỹ vì sẽ có nguy cơ khiến trẻ dễ nhiễm lạnh, ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ. Với sản phụ, việc tắm rửa bằng nước ấm hoặc nước có pha chút muối, nước chanh hoặc tinh dầu có tính sát khuẩn vừa giúp cơ thể sạch sẽ, tránh viêm nhiễm sau sinh, vừa bảo đảm không lây vi khuẩn sang cho trẻ nhỏ.

Mai Thùy/Báo Gia đình & Xã hội

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Thuốc điều trị bệnh lậu

Thuốc điều trị bệnh lậu

Dân số và phát triển - 1 giờ trước

Bệnh lậu có thể điều trị được bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng lậu kháng thuốc ngày càng tăng. Do đó cần điều trị theo kháng sinh đồ. Sau khi hết đợt điều trị mà vẫn còn triệu chứng, bệnh nên đến gặp bác sĩ.

Nắng nóng mùa hè làm tăng những nguy cơ sức khỏe gì với mẹ bầu?

Nắng nóng mùa hè làm tăng những nguy cơ sức khỏe gì với mẹ bầu?

Dân số và phát triển - 2 ngày trước

Thời tiết mùa hè nóng bức ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ mang thai. Quá nóng khi mang thai có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.

8 mẹo duy trì sức khỏe âm đạo trong mùa nóng

8 mẹo duy trì sức khỏe âm đạo trong mùa nóng

Dân số và phát triển - 3 ngày trước

Duy trì sức khỏe âm đạo là một phần không thể thiếu để có sức khỏe tổng thể và việc thích ứng với những thay đổi theo mùa có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề tiềm ẩn.

Chế độ ăn cho người rối loạn nội tiết tố

Chế độ ăn cho người rối loạn nội tiết tố

Dân số và phát triển - 4 ngày trước

Nếu thường xuyên cảm thấy chướng bụng, nôn nao, mệt mỏi, dễ xúc động hoặc đang quá phụ thuộc vào caffeine hay đường, có thể là do rối loạn nội tiết tố. Tham khảo cách cải thiện bằng chế độ ăn uống.

Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc

Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc

Dân số và phát triển - 4 ngày trước

GĐXH - Ngành Y tế Quảng Bình đang tập trung triển khai các hoạt động nhằm cải thiện sức khỏe cho đồng bào, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em...

Nam giới có cần vệ sinh vùng kín hàng ngày?

Nam giới có cần vệ sinh vùng kín hàng ngày?

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

Việc vệ sinh vùng kín của nam giới hàng ngày là điều cần thiết. Nhưng vệ sinh vùng kín cho nam đúng cách thế nào không hẳn ai cũng biết.

Gửi tinh trùng vào ngân hàng chờ làm bố

Gửi tinh trùng vào ngân hàng chờ làm bố

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

Nhiều người đàn ông sợ biến chứng quai bị hay phải điều trị ung thư đã gửi tinh trùng vào ngân hàng, để sau này vẫn có thể thụ tinh trong ống nghiệm để sinh con.

Nấm Candida gây bệnh gì, có nguy hiểm không?

Nấm Candida gây bệnh gì, có nguy hiểm không?

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Các bệnh do nhiễm nấm Candida tuy gây ra các triệu chứng khó chịu nhưng thường dễ điều trị và ít khi đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, tình trạng sẽ nghiêm trọng khi nấm Candida xâm nhập vào máu gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vòng tránh thai chui nhầm ổ bụng 2 người phụ nữ

Vòng tránh thai chui nhầm ổ bụng 2 người phụ nữ

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Các bác sĩ vừa xử trí cấp cứu 2 phụ nữ bị vòng tránh thai lạc chỗ trong ổ bụng.

Gặp ai cũng hỏi "sao mãi mà chưa có con", khi nhìn thấy tấm hình này mới thấu cảm giác bất lực của người mẹ

Gặp ai cũng hỏi "sao mãi mà chưa có con", khi nhìn thấy tấm hình này mới thấu cảm giác bất lực của người mẹ

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Có lẽ chỉ những người mẹ phải trải qua tình cảnh này mới có thể thấu hiểu được.

Top