Hà Nội
23°C / 22-25°C

Già hoá dân số: Giải pháp chính sách đối với già hoá dân số tại Châu Á - TBD

Một hậu quả không thể tránh khỏi của giảm sinh nhanh và duy trì cải thiện mức tử vong là già hoá dân số.

Già hoá dân số ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Quá độ nhân khẩu học

Một hậu quả không thể tránh khỏi của giảm sinh nhanh và duy trì cải thiện mức tử vong là già hoá dân số. Nhiều nước trong khu vực ESCAP đang phải đối mặt với thách thức về số lượng và tỷ lệ người cao tuổi (60 tuổi trở lên) ngày càng tăng. Năm 2000,  cứ 11 người thì có 1 người trong khu vực ở  độ tuổi 60  trở lên. Tỷ lệ sẽ tiếp tục tăng 4/1 năm 2050. Tuy nhiên, có những khác biệt cơ bản về dân số già trong từng tiểu vùng.

Trong một vài thập kỷ qua, mức sinh ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương đã giảm nhanh chóng. Tổng tỷ suất sinh giai đoạn 1950-1955 là 6 con/một phụ nữ đã giảm xuống 2,7 con giai đoạn 1995-2000. Tỷ lệ tử vong giảm một cách bền vững đã dẫn đến việc tăng dần tuổi thọ từ 40 tuổi giai đoạn 1950-1955 đến 66 tuổi giai đoạn 1995-2000, trong đó tuổi thọ của nữ cao hơn và tăng nhanh hơn nam giới .

Bảng 1. Tỷ lệ phần trăm dân số trong các nhóm tuổi ở khu vực ESCAP
Nguồn : Liên hợp quốc, 2002

Sự khác biệt chính trong tiến trình già hoá đó là tốc độ già hoá tại Châu Á- Thái Bình Dương diễn ra nhanh hơn so với phương Tây. Chẳng hạn, để tăng gấp đôi tỷ lệ người 60 tuổi trở lên tại Thuỵ Điển, từ 7% lên 14% thì phải mất 114 năm. Trong khi đó đối với Sin-ga-po thì chỉ cần 18 năm và đối với các nước đông dân số như Trung Quốc và ấn Độ thì cần 25-28 năm. Như trong bảng 1 có thể thấy sự thay đổi nhanh về tỷ lệ dân số trong các nhóm dân số trẻ và dân số già giữa năm 2000 và năm 2050.

Do dân số khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chiếm trên 60% dân số toàn cầu và mức sinh đang giảm nhanh chóng, nên quy mô dân số cao tuổi hiện là một quan tâm chủ yếu.Theo dự  báo của LHQ, đến năm 2025, ở Châu Á-Thái Bình Dương sẽ có 703 triệu người cao tuổi và sẽ tăng lên 1,2 tỷ vào năm 2050. Đây là một vấn đề trọng tâm về mặt chính sách công tại khu vực trong thế kỷ 21.

Mặc dù có sự đa dạng rõ rệt trong xu hướng nhân khẩu học trong khu vực và tốc độ giảm sinh khác nhau trong khu vực, nhưng sẽ không có nước Châu á nào thoát khỏi tình trạng già hoá dân số trong thế kỷ này. Theo dự báo của LHQ, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên tại Châu á - Thái Bình Dương là 9%. Con số này sẽ tăng lên đến 15,4% vào năm 2025 và 23,5% vào năm 2050. Đến năm 2050, các nước trong khu vực Đông á, Đông Bắc á và Đông Nam á sẽ có tỷ lệ người 60 tuổi trở lên cao hơn: Trung quốc 29,9%, Hồng Kông 35,4%, Nhật Bản 42,3%, Hàn Quốc 33,2%, Sin-ga-po 35%, Thái Lan 27,1% và Việt Nam 23,5%.

Tuy nhiên, sự thay đổi về tỷ lệ người cao tuổi sẽ rõ rệt hơn trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ này, năm 2040, nhóm dân số trẻ và nhóm dân số già sẽ gần bằng nhau.  Ngoài việc tăng tỷ lệ người cao tuổi còn có sự khác biệt về giới trong tuổi thọ, dẫn đến tỷ lệ nữ trong nhóm tuổi từ 80 trở lên cao hơn nhiều so với nam giới . Việc giảm dân số ở độ tuổi lao động, việc tăng quy mô dân số người cao tuổi phụ thuộc và tình trạng nữ hoá dân số cao tuổi đang là những vấn đề nghiêm trọng buộc các nhà hoạch định chính sách phải quan tâm và đề ra các giải pháp cấp bách.

Bảng 2: Tỷ lệ dân số cao tuổi chia theo giới trong khu vực ESCAP
Nguồn: Liên hợp quốc, 2002

Giới tính trong già hoá dân số

Do tính trung bình phụ nữ sống lâu hơn nam giới nên ở châu á dân số già chủ yếu là nữ, đặc biệt là nữ trên 80 tuổi, nhiều người trong số họ là goá  chồng và dễ bị rơi vào hoàn cảnh nghèo và mù chữ hơn nam giới. Mặc dù về mặt thể lực ốm yếu hơn nam giới nhưng phụ nữ vẫn tiếp tục là người phải quán xuyến việc nhà và tiếp tục kiếm kế sinh nhai mà không hề được bảo vệ về mặt xã hội và pháp luật. Vị thế xã hội thấp, quyền sở hữu tài sản yếu hơn nam giới và sự tiếp cận hạn chế  hơn đối với các tài sản thừa kế đã ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm kinh tế cho họ đặc biệt ở vào tuổi già .

Tỷ số giới tính trong số những người cao tuổi cũng đang tăng lên cùng với sự thay đổi về cấu trúc tuổi. Tuy nhiên sự thay đổi này khác nhau theo từng khu vực.  Những khác biệt này là do sự hạn chế trong việc tiếp cận đến các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, sự nghèo nàn về dinh dưỡng và nhìn chung là do vị thế kinh tế thấp hơn của phụ nữ ở hầu hết các nước Nam á.

Tác động về mặt kinh tế - xã hội của già hoá dân số

Trong 50 năm qua, Chính phủ các nước trong khu vực Châu á-Thái Bình Dương đã rất quan tâm đến vấn đề gia tăng  dân số, đặc biệt là vấn đề kiểm soát mức sinh cao, cải thiện tuổi thọ và giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em và trẻ sơ sinh. Do tuổi thọ tăng, các nước bắt đầu nhận thức được tác động về mặt kinh tế - xã hội của già hoá dân số và đề ra các kế hoạch hưu trí hợp lý, hệ thống chăm sóc sức khoẻ và an sinh xã hội, tạo ra các cơ hội kinh tế cho người cao tuổi và tăng cường hệ thống hỗ trợ để xoá bỏ bạo lực và phân biệt đối với người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ.

Bảng 3: Tỷ số  hỗ trợ tiềm năng (tuổi 15-64/65 )  tại khu vực ESCAP
Nguồn : Liên hợp quốc, năm 2002

Mặc dù có sự thay đổi trong cấu trúc gia đình, hầu hết các nước châu á vẫn duy trì  truyền thống người cao tuổi sống cùng với các thành viên trong gia đình. Người cao tuổi thường giúp đỡ gia đình con cái họ các công việc như trông nom các cháu và họ thường là người chăm sóc. Tuy nhiên, họ vẫn bị phụ thuộc vào các hỗ trợ bên ngoài, đặc biệt khi gia đình của họ có nguồn thu nhập thấp và không chắc chắn. Chính phủ các nước cần phải khẩn trương xây dựng các hệ thống bảo đảm xã hội rộng lớn hơn, đặc biệt là an sinh tuổi già. Tại khu vực ESCAP,  tỷ số hỗ trợ tiềm năng  sẽ giảm từ 11 năm 2000 xuống 4 năm 2050,  rõ rệt nhất ở khu vực Đông Nam á và Trung Nam  Á.

Do tỷ lệ phụ thuộc tuổi già ngày càng tăng ở tất cả các nước trong khu vực,  nên trách nhiệm đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi sống phụ thuộc ngày càng đè nặng lên vai dân số ở  độ tuổi lao động (dưới hình thức thuế cao hơn và các đóng góp khác). Với sự hỗ trợ cần thiết của Chính phủ và xã hội, người cao tuổi vẫn có thể  có những đóng góp tích cực về mặt kinh tế nếu kinh nghiệm và kỹ năng của họ được khai thác một cách có hiệu quả. Ngoài ra, họ còn là yếu tố kết nối quan trọng trong gia đình khi cấu trúc gia đình đang bị xói mòn nhanh chóng. Mặt khác, nếu người cao tuổi bị từ chối tiếp cận về mặt kinh tế khi họ còn đủ sức khoẻ thì nó sẽ có tác động ngược trở lại đến phúc lợi của chính họ và của gia đình họ. ở góc độ xã hội, lực lượng lao động thu nhỏ và số lượng người cao tuổi phụ thuộc tăng lên sẽ có nghĩa là giảm sút về thu nhập tính theo đầu người, tỷ lệ tiết kiệm, đầu tư và năng suất cũng như việc tăng chi tiêu công cho an sinh xã hội, chăm sóc sức khoẻ và phúc lợi của người cao tuổi. Những vấn đề này cần phải được xem xét trong chính sách và các kế hoạch phát triển quốc gia.

Các chính sách và chương trình hiện nay đối với người cao tuổi: những thực tiễn tốt nhất

Một số nước Châu Á đang nỗ lực xây dựng và thực hiện các chính sách và các chương trình cải thiện điều kiện sống và chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi. Những nỗ lực đó bao gồm các chính sách tăng cường đảm bảo thu thập và chăm sóc cho người cao tuổi. Hiện nay, tư liệu về các chính sách cũng như thực tiễn tốt nhằm đảm bảo thu nhập và chăm sóc cho người cao tuổi vẫn còn hạn chế. Các tổ chức như Vụ các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc, ESCAP và các Uỷ ban khác của khu vực, Quỹ Dân số Liên hợp quốc và nhiều tổ chức phi chính phủ khác đã phát động nhiều chương trình nhằm giải quyết nhu cầu của người cao tuổi cũng như thu thập và biên soạn các tài liệu về các thực tiễn tốt nhất. Năm 2001, Ban Thư ký ESCAP đã  biên soạn một bản trích yếu gồm những thực tiễn hay nhất trong việc hỗ trợ cho người cao tuổi. Gần đây, UNFPA đã hợp tác với Trường Đại học Co-lum-bi-a đưa ra một sáng kiến xây dựng năng lực ở các nước đang phát triển để hưởng ứng những kiến nghị trong Kế hoạch hành động Madrid 2002 đối với vấn đề già hoá.

Sự tham gia của cộng đồng

Các nhà lập kế hoạch, các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu đã chú trọng đến nhu cầu đảm bảo và tạo cơ hội cho việc lồng ghép và tham gia xã hội của người cao tuổi trong cộng đồng địa phương của họ để tạo ra lòng tự tin và đảm bảo về mặt tâm lý cho người cao tuổi. ở một số nước châu á các hiệp hội người cao tuổi quản lý các trung tâm cộng đồng đáp ứng các nhu cầu của người già. Đối với  đạo Hồi thì các dịch vụ ở nhà thờ Hồi Giáo được tổ chức  các hoạt động cộng đồng như một nơi trung tâm cho người già. Các tổ chức tín ngưỡng này trở thành điểm tụ hội để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin của người  cao tuổi.

Bảo đảm thu nhập

Tại hầu hết các nước châu á,  nơi mà các nguồn  bảo đảm về mặt xã hội cũng như hệ thống tiền lương để bảo vệ cho tuổi già còn hạn chế và hầu như là không có thì hầu hết người cao tuổi phụ thuộc vào khu vực phi chính thức để tạo thu nhập. Trong hoàn cảnh đó, các chương trình tín dụng nhỏ của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức dựa trên cơ sở cộng đồng có nhiều tác động tốt. Theo cách này, người cao tuổi đang giữ một vai trò kinh tế và xã hội mới.

Chăm sóc sức khoẻ

Để giải quyết việc thiếu các cơ sở chăm sóc sức khoẻ công cộng dành cho người cao tuổi ở một số nước châu á, nhiều tổ chức phi chính phủ đã xây dựng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ  trọn gói, như Philíppin đào tạo những người cao tuổi thành “các nhà lão khoa cộng đồng”. Tổ chức HelpAge của ấn Độ mở rộng dịch vụ qua các trạm xá lưu động cho người cao tuỏi và những người tàn tật. ở Karachi, Pakistan, một tổ chức phi chính phủ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ không mất tiền cho những người cao tuổi túng thiếu. Tổ chức Tsao  của Singapo đã cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đồng bộ cho người cao tuổi có thu nhập thấp.

Hỗ trợ của gia đình và cùng chung sống

Tại hầu hết các nước trong khu vực Châu á - Thái Bình Dương gia đình vẫn là nền tảng của cơ cấu xã hội, trong đó việc chăm sóc người cao tuổi là trách nhiệm đặc biệt của gia đình. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của toàn cầu hoá, đô thị hoá, di cư và xu hướng ngày càng tăng của các gia đình hạt nhân, việc thu xếp cùng chung sống với người cao tuổi đang ngày càng trở thành vấn đề khó khăn. Để giải quyết xu hướng đang thay đổi này trong cấu trúc gia đình, nhiều chính phủ và các tổ chức quốc tế đã xây dựng nhà ở và các chương trình dựa trên cơ sở cộng đồng cho người cao tuổi. Nhìn chung trong toàn khu vực, chính phủ các nước một mặt ngày càng chú trọng đến việc sắp xếp tổ chức các giải pháp dành cho người cao tuổi, mặt khác tiếp tục tăng cường và đẩy mạnh hệ thống hỗ trợ gia đình truyền thống.

Các khuyến nghị hành động

Tiến tới một xã hội cho mọi lứa tuổi

Già hoá dân số ở nhiều nước châu á đang xảy ra với một tốc độ nhanh chóng đòi hỏi các chính phủ và các tổ chức xã hội ở cấp quốc gia và quốc tế phải có một sự phối hợp đáp ứng nhanh. Cần phải tăng cường năng lực của các nước để đề ra và thực hiện các chính sách và các chương trình toàn diện đáp ứng nhu cầu về kinh tế và xã hội đang ngày càng thay đổi của người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ nghèo bị nhiều thiệt thòi nhất. Trong nhiều năm qua, các vấn đề như cấu trúc tuổi, điều kiện sống cho người cao tuổi, vấn đề tạo ra một xã hội cho mọi lứa tuổi đã được thảo luận nhiều. Kết quả là,  Hội nghị Thế giới về người cao tuổi lần thứ hai được tổ chức tại Madrid, Tây Ban Nha tháng 4 năm 2002 đã phê chuẩn một chương trình hành động toàn diện để giải quyết động thái nhân khẩu học đang thay đổi nhanh và lồng ghép vấn đề người cao tuổi trong chiến lược và các chính sách phát triển toàn diện.

Mặc dù các nước trong khu vực châu á -Thái Bình Dương ở vào các giai đoạn phát triển khác nhau và có cấu trúc kinh tế và xã hội khác nhau nhưng đều có thể có được lợi ích từ việc sớm thực hiện các kiến nghị trong Kế hoạch hành động quốc tế về người cao tuổi tại Madrid. Các nước trong khu vực ESCAP cần xem xét sự tương đồng và sự khác biệt của tình hình mỗi nước đối với điều kiện sống của người cao tuổi để xây dựng kế hoạch thực hiện trong khu vực. Mỗi nước cần xây dựng kế hoạch hoạt động quốc gia dựa trên thực tiễn tình hình người cao tuổi của nước mình. Đối với vấn đề này, việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm và thực hành tốt nhất thông qua cơ chế hợp tác Nam-Nam sẽ đem lại nhiều giá trị to lớn.

Vai trò của gia đình

Tại hầu hết các nước châu á, gia đình vẫn là nơi chăm sóc chính đối với người cao tuổi. Tuy nhiên áp lực đối với gia đình sẽ ngày càng lớn do số lượng người cao tuổi ngày càng tăng và sẽ tồn tại các hộ gia đình có nhiều thế hệ sống cùng nhau.

Sự gia tăng số người nhiễm HIV/AIDS đang tác động bất lợi đến người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ vì họ buộc phải chăm sóc các con đã trưởng thành bị HIV/AIDS và các cháu mồ côi. Ngoài ra, do hậu quả của nghèo đói, nguồn lực kinh tế của các gia đình đó trở nên ít ỏi. Sự thay đổi mô hình cấu trúc gia đình, di cư từ nông thôn ra thành thị, phụ nữ đi làm ngoài hộ gia đình và quy mô gia đình nhỏ hơn đang ngày càng làm xấu đi tình hình này. Trước tình trạng này, cần phải xem xét lại vai trò chăm sóc người cao tuổi của gia đình. Chính phủ các nước cần tiến hành các giải pháp chính sách phù hợp và phê chuẩn các kế hoạch khuyến khích vật chất nhằm hỗ trợ và củng cố gia đình để đáp ứng được thách thức này.

Hệ thống hỗ trợ dựa trên cơ sở cộng đồng

Hỗ trợ cộng đồng là rất quan trọng đối với phúc lợi của người cao tuổi. Môi trường kinh tế xã hội đóng vai trò then chốt trong vấn đề này. ở một số nước đã phát triển trong khu vực ESCAP, bên cạnh cấu trúc dịch vụ công cộng rất phát triển, còn có các hỗ trợ thêm ngoài hỗ trợ của gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, hầu hết các nước trong khu vực đều thiếu khung hỗ trợ công cộng như vậy. Do vậy, cần phải có các can thiệp của chính phủ cùng với các tổ chức dân sự để tăng cường và bổ sung hỗ trợ thông qua các chương trình dựa trên cơ sở cộng đồng dành cho người cao tuổi.

Vai trò của các chính phủ

Chính phủ các nước cần đưa ra các chính sách và phân bổ nguồn lực phù hợp để giải quyết nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi. Kế hoạch hành động quốc tế về người cao tuổi tại Madrid đã nhấn mạnh: Chính phủ các nước có trách nhiệm chính trong việc thực hiện các kiến nghị của Kế hoạch hành động quốc tế về người cao tuổi tại Madrid. Bước đầu tiên trong việc thực hiện thành công Kế hoạch hành động này là đưa các vấn đề về người cao tuổi và các mối quan tâm của họ vào chiến lược phát triển quốc gia và các chiến lược xoá đói giảm nghèo.

Vai trò của các tổ chức phi chính phủ

Các tổ chức phi chính phủ tại nhiều nước trong khu vực  đã có nhiều sáng kiến trong việc hỗ trợ người cao tuổi. Tuy nhiên, phạm vi và chất lượng của các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ khác nhau theo từng khu vực và trong nhiều trường hợp các hoạt động của họ phần lớn thực hiện ở vùng đô thị trong khi phần lớn người cao tuổi sống ở nông thôn lại là đối tượng cần được hỗ trợ nhiều hơn; do vậy, cần lưu ý vấn đề này.

Mặc dù chính phủ các nước chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện các kiến nghị của Kế hoạch hành động Madrid về người cao tuổi nhưng chính phủ các nước cũng cần phải hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân.

Xây dựng năng lực và phát triển thiết chế

Nhu cầu và các mối quan tâm của người cao tuổi cần được nêu trong các chính sách và chiến lược ở các cấp quốc gia, khu vực và ở địa phương. Chính phủ các nước, các đối tác phát triển quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong khu vực châu á và Thái Bình Dương cần đầu tư vào việc tăng cường xây dựng năng lực của các tổ chức trong cộng đồng để đảm bảo hỗ trợ cho các nhóm người cao tuổi bị thiệt thòi nhất, đặc biệt là những người cao tuổi nhất, phụ nữ cao tuổi và những người không có sự  hỗ trợ nào của gia đình.

Giám đốc điều hành Quỹ dân số Liên hợp quốc, bà Thoraya Obaid, đã nhấn mạnh  và đưa ra khuyến nghị mạnh mẽ tại Hội nghị Thế giới lần thứ II về  già hoá tại Madrid năm 2002 như sau:

Những vấn đề già hoá dân số phải là trọng tâm của chương trình nghị sự phát triển toàn cầu. Ngày nay, người cao tuổi là nhóm dân số đang tăng nhanh nhất trên thế giới và  cũng nghèo nhất. Hiện tại cứ 10 người thì có 1 người ở độ tuổi 60 trở lên, song tỷ lệ này sẽ tăng lên 5/1 người cao tuổi vào năm 2050. Trong thế giới đang phát triển có tới 400 triệu người ở độ tuổi 60 trở lên mà chủ yếu là phụ nữ và con số này dự báo sẽ tăng rất mạnh trong thập kỷ tới. Chúng ta cần đáp ứng các yêu cầu của người cao tuổi hiện sống và lập kế hoạch  đáp ứng các nhu cầu của  họ ngày mai,

Tăng cường chăm sóc lão khoa

Trong khu vực châu á và Thái Bình Dương, trừ một số nước ở Đông á và Đông Nam á, hầu hết các nước không có dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đặc biệt hoặc  cơ sở chăm sóc y tế có sẵn cho người cao tuổi.  Chăm sóc lão khoa cần được coi là một trong những thành phần chính trong chương trình chăm sóc sức khoẻ dành cho người cao tuổi. Do dân số châu á sẽ trở nên già hơn trong nhiều năm tới nên nguy cơ bệnh tật và tàn tật sẽ tăng lên, đòi hỏi phải có các can thiệp và hệ thống hỗ trợ kịp thời. Chăm sóc lão khoa không nhất thiết phải đặt tại bệnh viện. Cần tăng cường và hỗ trợ để chăm sóc lão khoa tại cộng đồng và gia đình.

Xây dựng cơ sở dữ liệu

Nhiều nước đang phát triển thiếu các dữ liệu tin cậy về người cao tuổi. Thông thường tổng điều tra dân số và nhà ở cung cấp các dữ  liệu về cơ cấu tuổi tác, giới tính  của người cao tuổi, nhưng lại không chú ý nhiều đến thu thập các dữ liệu về hoàn cảnh kinh tế - xã hội, điều kiện sức khoẻ, nơi ở và sinh kế của người cao tuổi. Do vậy, cần thiết lập các hệ thống cơ sở dữ liệu trong đó có các điều tra, nghiên cứu thực tế và số liệu thống kê từ nhiều nguồn khác nhau về người cao tuổi ở nhiều cấp khác nhau như cấp quốc gia, cấp vùng và cấp cơ sở. Những cơ sở dữ liệu này không chỉ tạo điều kiện cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách và chương trình quốc gia dành cho người cao tuổi mà còn tạo điều kiện cho các nước tuân thủ và giám sát việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc tế Madrid về người cao tuổi.

ESCAP cần dẫn đầu trong việc thiết lập các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về người cao tuổi. ESCAP cũng cần phải tăng cường nghiên cứu định tính về mặt văn hoá - xã hội để giải quyết nhu cầu và các vấn đề nhạy cảm của người cao tuổi cũng như xem xét ý kiến của chính họ đối với việc đề ra các chính sách và các chương trình phù hợp.

Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông

Việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) một cách có hệ thống có thể đem lại nhiều dịch vụ và các chương trình hỗ trợ khác cho người cao tuổi. Tại nhiều nước châu á, nhiều người cao tuổi sống ở vùng sâu vùng xa ở nông thôn thường không tiếp cận được đến các dịch vụ. Do vậy, cần có những sáng kiến sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để cải thiện môi trường sống cho người cao tuổi.

Những thách thức phía trước

Một thách thức chủ yếu đối với các nhà hoạch định chính sách là việc tránh coi người cao tuổi như là một  “vấn đề”.  Cần tăng chi tiêu công cho người cao tuổi. Mục tiêu cần đạt là phải có được một xã hội cho mọi lứa tuổi. Thách thức đặt ra trước mắt là phải sử dụng nguồn lực đa dạng và ngày càng phát triển của người cao tuổi trong  các xã hội đang có chuyển biến nhanh chóng ở châu á và Thái Bình Dương.

Một trong những bài học cơ bản các nước châu á có thể học được kinh nghiệm từ các nước đã phát triển là những lợi ích do nhà nước tài trợ như an sinh xã hội và hệ thống hưu trí không thể duy trì được trước tình trạng nghèo khó, chi tiêu công phân bổ thấp và già hoá dân số. Do vậy, thách thức phía trước đối với các nước châu á là xây dựng các hệ thống hỗ trợ một cách sáng tạo, dựa trên cơ sở cộng đồng và có khả năng chi trả dành cho tỷ lệ người cao tuổi. Về mặt này, các nước Nam á có thể học tập kinh nghiệm chăm sóc sức khoẻ tại cộng đồng và tại nhà của các nước Đông á và Đông Nam châu á.

Trong khi các nước Đông á và Đông Nam á đã trải qua quá độ nhân khẩu học và đang phải đương đầu với tỷ lệ gia tăng số người cao tuổi thì một số nước ở Nam á vẫn đang trải qua chế độ mức sinh cao; do vậy, đối với các nước này phải một hoặc hai thập kỷ nữa mới phải đương đầu với vấn đề người cao tuổi. Trong bối cảnh này, ESCAP có thể tạo điều kiện để các nước trong khu vực Châu á và Thái Bình Dương học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giúp cho các nước có những chuẩn bị tốt hơn khi tiến trình lão hoá không thể tránh khỏi sẽ xảy ra vào giữa thế kỷ này.

Có một yêu cầu rất cấp bách là phát triển các thiết chế cũng như năng lực  quốc gia như việc hình thành và duy trì các chương trình lão khoa và xây dựng các nhóm chính sách để dự báo, tìm hiểu và lập kế hoạch cho các nhu cầu đang gia tăng của người cao tuổi ở các nước này. Với sự giúp đỡ của các cơ quan tài chính, các chương trình của ESCAP nên xây dựng một chương trình khu vực để hỗ trợ các nước thành viên giải quyết những vấn đề này.
 
Theo Tạp chí Dân số & Phát triển (số 5/2004), website Tổng cục Dân số & KHHGĐ
kimngan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Thuốc điều trị bệnh lậu

Thuốc điều trị bệnh lậu

Dân số và phát triển - 8 giờ trước

Bệnh lậu có thể điều trị được bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng lậu kháng thuốc ngày càng tăng. Do đó cần điều trị theo kháng sinh đồ. Sau khi hết đợt điều trị mà vẫn còn triệu chứng, bệnh nên đến gặp bác sĩ.

Nắng nóng mùa hè làm tăng những nguy cơ sức khỏe gì với mẹ bầu?

Nắng nóng mùa hè làm tăng những nguy cơ sức khỏe gì với mẹ bầu?

Dân số và phát triển - 2 ngày trước

Thời tiết mùa hè nóng bức ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ mang thai. Quá nóng khi mang thai có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.

8 mẹo duy trì sức khỏe âm đạo trong mùa nóng

8 mẹo duy trì sức khỏe âm đạo trong mùa nóng

Dân số và phát triển - 3 ngày trước

Duy trì sức khỏe âm đạo là một phần không thể thiếu để có sức khỏe tổng thể và việc thích ứng với những thay đổi theo mùa có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề tiềm ẩn.

Chế độ ăn cho người rối loạn nội tiết tố

Chế độ ăn cho người rối loạn nội tiết tố

Dân số và phát triển - 4 ngày trước

Nếu thường xuyên cảm thấy chướng bụng, nôn nao, mệt mỏi, dễ xúc động hoặc đang quá phụ thuộc vào caffeine hay đường, có thể là do rối loạn nội tiết tố. Tham khảo cách cải thiện bằng chế độ ăn uống.

Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc

Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc

Dân số và phát triển - 4 ngày trước

GĐXH - Ngành Y tế Quảng Bình đang tập trung triển khai các hoạt động nhằm cải thiện sức khỏe cho đồng bào, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em...

Nam giới có cần vệ sinh vùng kín hàng ngày?

Nam giới có cần vệ sinh vùng kín hàng ngày?

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

Việc vệ sinh vùng kín của nam giới hàng ngày là điều cần thiết. Nhưng vệ sinh vùng kín cho nam đúng cách thế nào không hẳn ai cũng biết.

Gửi tinh trùng vào ngân hàng chờ làm bố

Gửi tinh trùng vào ngân hàng chờ làm bố

Dân số và phát triển - 6 ngày trước

Nhiều người đàn ông sợ biến chứng quai bị hay phải điều trị ung thư đã gửi tinh trùng vào ngân hàng, để sau này vẫn có thể thụ tinh trong ống nghiệm để sinh con.

Nấm Candida gây bệnh gì, có nguy hiểm không?

Nấm Candida gây bệnh gì, có nguy hiểm không?

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Các bệnh do nhiễm nấm Candida tuy gây ra các triệu chứng khó chịu nhưng thường dễ điều trị và ít khi đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, tình trạng sẽ nghiêm trọng khi nấm Candida xâm nhập vào máu gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vòng tránh thai chui nhầm ổ bụng 2 người phụ nữ

Vòng tránh thai chui nhầm ổ bụng 2 người phụ nữ

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Các bác sĩ vừa xử trí cấp cứu 2 phụ nữ bị vòng tránh thai lạc chỗ trong ổ bụng.

Gặp ai cũng hỏi "sao mãi mà chưa có con", khi nhìn thấy tấm hình này mới thấu cảm giác bất lực của người mẹ

Gặp ai cũng hỏi "sao mãi mà chưa có con", khi nhìn thấy tấm hình này mới thấu cảm giác bất lực của người mẹ

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Có lẽ chỉ những người mẹ phải trải qua tình cảnh này mới có thể thấu hiểu được.

Top