Hà Nội
23°C / 22-25°C

BS Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế): Cần đầu tư nhân lực, nguồn lực để thực hiện thành công Nghị quyết 21

Thứ ba, 11:30 05/02/2019 | Dân số và phát triển

GiadinhNet - “Ngành Dân số bước vào năm 2019 cùng với những thách thức của năm 2018 chưa được giải quyết triệt để. Đó là những thách thức dài hạn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, những vấn đề về nhân lực, về nguồn lực cũng đang là những khó khăn nhìn thấy rõ trong năm 2019, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của ngành Dân số” - BS Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số chia sẻ những trăn trở và những mong muốn để ngành Dân số vượt qua khó khăn, thách thức trong thời gian tới.


BS Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số

BS Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số

Nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức

Năm 2018 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về công tác Dân số trong tình hình mới. Ông có thể cho biết những thuận lợi và thách thức của công tác Dân số trong năm 2019?

- Năm 2018 là năm rất đặc biệt. Đó là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác Dân số trong tình hình mới, tiếp tục chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Năm 2019 và những năm tiếp theo, công tác Dân số phải đồng thời giải quyết một số nhóm việc sau:

1. Duy trì mức sinh thay thế: Thành tựu đạt được và duy trì mức sinh thay thế tính trên phạm vi cả nước trong nhiều năm nay là rất to lớn. Tuy nhiên, thách thức hiện nay là chênh lệch mức sinh giữa các khu vực, các vùng khá lớn. Trong khi mức sinh ở khu vực thành thị, miền Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long giảm sâu dưới mức “2 con” thì mức sinh ở khu vực Tây Nguyên, miền núi và Trung du phía Bắc, Bắc Trung bộ vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, có tỉnh bình quân mỗi cặp vợ chồng vẫn sinh trên 3 con! Rút ngắn khác biệt về mức sinh, tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của nhân dân giữa các khu vực này; vì vậy, Đảng ta chủ trương vận động “Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp”.

Kinh nghiệm các nước phát triển cho thấy, mức sinh quá thấp (dưới 2 con) kéo dài là thách thức lớn đối với phát triển bền vững và nâng cao mức sinh còn khó khăn, tốn kém hơn cả giảm sinh. Bên cạnh đó, những khu vực có mức sinh cao như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ lại là những khu vực có trình độ phát triển chưa cao, những địa bàn khó khăn nhất trong cuộc vận động giảm sinh.

Vì vậy, xây dựng các giải pháp phù hợp với từng vùng, từng tỉnh sao cho vừa đảm bảo duy trì mức sinh thay thế, vừa tiến tới đồng đều về mức sinh trên phạm vi cả nước là thách thức và yêu cầu của công tác dân số hiện nay.

2. Đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên: Ở nước ta, mất cân bằng giới tính khi sinh được ghi nhận vào năm 2006, khi trong số trẻ em sinh ra trong năm, cứ 100 cháu gái thì tương ứng có tới 110 cháu trai. Sự mất cân bằng này đang tăng lên và đã ở mức nghiêm trọng. Hiện nay, tỉ số này đã ở mức 112,1/100. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra, đến giữa thế kỷ 21, dân số Việt Nam trong độ tuổi trưởng thành, dự báo nam giới sẽ nhiều hơn nữ khoảng từ 2,3 triệu đến 4,3 triệu người. Hậu quả là sự khủng hoảng về hôn nhân, phá vỡ cấu trúc gia đình, gia tăng tội phạm mua bán phụ nữ, tệ nạn mại dâm, gây bất ổn xã hội và khó khăn trên thị trường lao động… Tuy nhiên, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chỉ tập trung ở một số khu vực mà điển hình là vùng Đồng bằng sông Hồng và đã sớm được của Đảng, Nhà nước quan tâm, chú ý đề cập trong chính sách, pháp luật để điều chỉnh.

Nguyên nhân của mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta là sự kết hợp giữa yếu tố văn hóa truyền thống sâu xa phải có con trai nối dõi tông đường với sự lạm dụng thành tựu công nghệ y, sinh học và chuẩn mực sinh ít con đã phổ biến. Xóa bỏ tâm lý, tập quán “thâm căn cố đế” - ưa thích con trai, lạm dụng kỹ thuật và công nghệ hỗ trợ lựa chọn giới tính thai nhi là rất khó khăn, chắc chắn không phải là chuyện “một sớm, một chiều”, đòi hỏi đồng bộ nhiều giải pháp, trước mắt và lâu dài; sự nỗ lực vượt bậc, liên tục và mạnh mẽ của toàn xã hội.

3. Tận dụng hiệu quả cơ cấu “dân số vàng”: Cơ cấu “dân số vàng” là tình trạng số người trong độ tuổi từ 15 đến 64 (độ tuổi có khả năng lao động) nhiều gấp 2 lần tổng số người dưới 15 tuổi (phụ thuộc trẻ) và số người từ 65 tuổi trở lên (phụ thuộc già). Nói cách khác, một dân số có cơ cấu “dân số vàng”, nếu tỉ lệ những người trong độ tuổi (15-64) chiếm từ 66% trở lên hoặc cứ một nguồi trong độ tuổi phụ thuộc có hai người trong độ tuổi lao động.

Nếu năm 1979, tỉ lệ những người trong độ tuổi có (15-64) ở nước ta chỉ có 53% thì đến năm 2007 đã đạt 66% (bắt đầu bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”) và hiện nay, tỷ lệ này rất cao, xấp xỉ 70%! Hơn nữa, khoảng nửa dân số trong độ tuổi lao động là những người trẻ, dưới 34 tuổi, thuận lợi cho việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật và linh hoạt trong chuyển đổi nghề. Đây là dư lợi lớn của “dân số vàng” về số lượng lao động, mang lại cơ hội cho tăng trưởng và phát triển kinh tế và nhiều vận hội khác cho nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác đã có nền kinh tế “thần kỳ” trong giai đoạn cơ cấu dân số “vàng”. Cần nhấn mạnh rằng, cơ cấu “dân số vàng” mới chỉ là tỷ lệ và số lượng “dân số trong độ tuổi hoạt động kinh tế” lớn, mang lại “khả năng”, “cơ hội” chứ chưa phải là kết quả của tăng trưởng và phát triển kinh tế. Để tận dụng cơ hội cơ cấu “dân số vàng” còn phải đảm bảo, thứ nhất, những người trong “độ tuổi hoạt động kinh tế” có khả năng làm việc. Rõ ràng, nếu trong độ tuổi này nhưng ốm đau, bệnh tật, không có khả năng lao động thì cũng không tác động tích cực cho phát triển, thậm chí ngược lại; Thứ hai, những người “có khả năng làm việc” có việc làm. Những người “có khả năng làm việc” song thất nghiệp hoặc có việc làm không đầy đủ sẽ tác động tiêu cực đến phát triển; Thứ ba, “những người có việc làm” làm việc với năng suất, thu nhập cao. Nếu có việc làm nhưng năng suất, thu nhập thấp, đất nước cũng không tránh được “bẫy thu nhập trung bình”, mức sống nhân dân cũng khó cải thiện.

Mỏ vàng không khai thác thì còn, cơ cấu “dân số vàng” không khai thác thì sẽ mất vào khoảng năm 2040. Vì vậy, cần khẩn trương tận dụng cơ hội quý hiếm này để phát triển nhanh và bền vững đất nước.

4. Thích ứng với già hóa dân số: Năm 2011, dân số 60 tuổi trở lên của nước ta khoảng 10%, nghĩa là Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số. Theo dự báo, Việt Nam sẽ có “dân số già” khi tỉ lệ này tăng lên tới 20 % vào năm 2035 với khoảng 21 triệu người cao tuổi. Già hóa dân số là biểu hiện của thành tựu phát triển kinh tế, xã hội kết quả là tăng nhanh tuổi thọ bình quân và thành tựu giảm sinh, hiệu quả của chương trình kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, là một nước đang phát triển, thế hệ người cao tuổi hiện nay trải qua nhiều năm chiến tranh và nghèo khó nên già hóa dân số cũng đặt ra nhiều khó khăn thách thức như: An sinh xã hội, thu nhập, chăm sóc sức khỏe, việc làm cho người cao tuổi, xây dựng môi trường xã hội thân thiện với người cao tuổi... Vì vậy, thích ứng với già hóa dân số là một thách thức lớn hiện nay, nhất là trong điều kiện Việt Nam già hóa nhanh. Thời gian để người cao tuổi tăng từ 10% lên 20%, ở Pháp mất 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Mỹ 69 năm… còn Việt Nam chỉ hơn 20 năm.

5. Phân bổ dân số hợp lý và quản lý dân cư: Năm 2017, tỷ lệ dân đô thị của của các nước phát triển là 78%, của thế giới là 54,3%, trong khi đó, Việt Nam mới chỉ đạt 35%. Tuy nhiên, công nghiệp hóa và kinh tế thị trường đang thúc đẩy di cư diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Từ 2004 đến 2009, gần 7 triệu người di cư, tăng 50% so với giai đoạn 1994-1999 góp phần làm tăng tỷ lệ dân đô thị trong khoảng 15 năm trở lại đây và đẩy mạnh xu hướng dân số tập trung vào một số thành phố, vùng lãnh thổ. Chẳng hạn, Đông Nam Bộ, năm 1979 chỉ có 7 triệu người, chiếm 5,7% dân số cả nước thì nay, các con số tương ứng là gần 17 triệu dân và 17,9%!

Di dân góp phần thay đổi cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất lao động - yêu cầu cao nhất của Việt Nam trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, di dân cũng đẩy nhanh quá trình tập trung dân số với mật độ rất cao. Nhiều quận ở Thủ đô Hà Nội và TPHCM, mật độ dân số lên tới trên 40.000 người/1 km2. Điều này dẫn tới quá tải cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội gây tắc ách giao thông, quá tải trường học, bệnh viện, nhiễm môi trường... Ngược lại, những địa phương xuất cư mạnh cũng có những thách thức về chăm sóc người già, trẻ em và cả những thách thức về sử dụng không hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật, xã hội đã có.

Rõ ràng, tạo điều kiện thông thoáng cho dòng di cư này diễn ra trôi chảy đồng thời định hướng, điều hòa để phân bố dân số hợp lý trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng vừa là yêu cầu, vừa là thách thức hiện nay. Bên cạnh đó, những biến đổi dân số diễn ra mạnh mẽ, nhanh chóng nên cần xây dựng cần hệ thống thông tin quản lý dân cư phù hợp, linh hoạt, cập nhật và chính xác.

6. Nâng cao chất lượng dân số: Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số. Quá trình phát triển của lịch sử hiện đại, đặc biệt là trong thời đại 4.0 cho thấy chất lượng dân số là yếu tố quan trọng bậc nhất quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia.

Nhờ những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội chất lượng dân số của nước ta không ngừng được nâng lên. Chỉ số phát triển con người (HDI) - một trong những chỉ báo về chất lượng dân số của nước ta đã tăng từ 0,486 năm 1992 đã tăng lên 0,683 vào năm 2016. Tuy nhiên, so với thế giới, thứ hạng vẫn còn thấp. Năm 1992, HDI của Việt Nam xếp thứ 121 trong 174 nước so sánh và năm 2015 vẫn xếp thứ 115 trong số 188 nước so sánh. Chưa bao giờ Việt Nam lọt vào danh sách 100 nước phát triển nhất, chưa rút ngắn được khoảng cách so với các nước trên thế giới. Trong đó, năng suất lao động vẫn là thành tố yếu nhất khi nói đến chất lượng dân số. Điều này cho thấy những thách thức lớn lao trong việc đạt được mục tiêu “nâng cao chất lượng dân số”.

Nhiều năm nay, Tổng cục Dân số thực hiện các dự án nâng cao chất lượng dân số ngay trong giai đoạn đầu đời, như: Tư vấn tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã thu được những kết quả tốt nhưng vẫn chỉ mới trong khuôn khổ các dự án.

Tóm lại, ngành Dân số có những thuận lợi và thành công nhất định, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 137/NQ-CP để thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-TW.

Mong rằng công tác Dân số sẽ có những khởi sắc trong năm 2019


Lễ phát động tháng Hành động quốc gia về dân số và chào mừng Ngày dân số Việt Nam 26/12Ảnh: Chí Cường

Lễ phát động tháng Hành động quốc gia về dân số và chào mừng Ngày dân số Việt Nam 26/12Ảnh: Chí Cường

Để giải quyết được những khó khăn, thách thức trên, theo ông, ngành Dân số cần làm gì trong thời gian tới?

- Công tác dân số là công tác vừa có tính cấp bách vừa là chiến lược, lâu dài. Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển. Vấn đề dân số không phải là vấn đề mà ta có thể nhìn thấy ngay được như các vấn đề điều trị bệnh trong y tế, vấn đề môi trường... Giải quyết vấn đề trong dân số không thể một sớm một chiều có thể giải quyết được, đó là vấn đề của 10 năm, 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm sau.

Điều đáng lo ngại nhất là chất lượng dân số nước ta cả về mặt thể lực chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Việt Nam đã bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng nhưng vẫn chưa tận dụng được hết lợi thế của nó. Bên cạnh đó là những thách thức về chất lượng dân số, về tỉ số giới tính khi sinh, về an sinh xã hội cho người cao tuổi… Lo ngại lớn hơn nữa là bộ máy tổ chức đang thiếu ổn định, nguồn lực cho công tác dân số bị cắt giảm… Những khó khăn đó đang “hiện thực hoá” thực trạng mà Nghị quyết 21 đã chỉ rõ; đồng thời làm tăng thêm lo lắng về việc làm thế nào để triển khai thành công Nghị quyết 21 khi còn quá nhiều khó khăn nêu trên.

Nghị quyết 21 nhấn mạnh tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ DS-KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Tuy nhiên, cần phải nhận thức rõ rằng, chuyển trọng tâm công tác dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển không có nghĩa là xem nhẹ công tác KHHGĐ mà đây vẫn là nội dung hết sức quan trọng. Bởi quy mô phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của nước ta vẫn còn rất cao, nhu cầu về cung cấp các dịch vụ về KHHGĐ vẫn rất lớn mà hiện nay chúng ta vẫn chưa đáp ứng được. Do đó, trong thời gian tới, bên cạnh việc phát triển toàn diện, ngành Dân số vẫn song song tập trung đẩy mạnh tư vấn và cung ứng dịch vụ DS/SKSS/KHHGĐ, đặc biệt là cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Nhiệm vụ giảm sinh đã đạt được mục tiêu nhưng vẫn phải liên tục duy trì. Giai đoạn tiếp theo công tác dân số phải triển khai đồng loạt các vấn đề khác. Trước những vấn đề mới, thách thức mới, công tác truyền thông vận động xã hội có một vai trò rất lớn. Công tác dân số từ trước đến nay và sau này vẫn là cuộc vận động xã hội rộng lớn, nếu không có sự tham gia của cả hệ thống chính trị thì không thể thành công.

Thời gian tới, ngành Dân số sẽ tập trung truyền thông vào các vấn đề: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; Tận dụng cơ cấu “dân số vàng”; Thích ứng với già hóa dân số; Điều chỉnh phân bổ dân số hợp lý; Nâng cao chất lượng dân số góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Để triển khai thành công các mục tiêu đã đề ra, Nghị quyết 21-NQ/TW đã nhấn mạnh: Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế để bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số. Theo đó, các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Nghị quyết đó là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền; Đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động; Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; Phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ; bảo đảm nguồn lực; kiện toàn tổ chức bộ máy... Từ đó, giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số...

Nhân dịp Tết Nguyên đán, ông có nhắn nhủ gì với đội ngũ cán bộ và cộng tác viên làm công tác dân số ở cơ sở?

- Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới toàn thể đội ngũ làm công tác dân số trong cả nước, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên dân số - những người đã góp sức làm nên thành tựu to lớn trong công tác dân số thời gian qua và sẽ là lực lượng chủ lực thực hiện công tác này trong thời gian tới.

Năm 2019 là năm có rất nhiều khó khăn trước mắt và lâu dài. Tôi mong muốn những người làm công tác dân số ở cơ sở phát huy lòng nhiệt thành, tâm huyết, tinh thần vượt khó và truyền thống đoàn kết mà chúng ta đã có và đã gây dựng hơn nửa thập kỷ qua; hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao. Mong rằng công tác dân số sẽ có những khởi sắc trong năm 2019 và những năm tiếp theo, để sự nghiệp dân số phát triển, đóng góp lớn vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Nhân dịp năm mới Kỷ Hợi 2019, kính chúc toàn thể cán bộ dân số trên khắp mọi miền đất nước lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mỏ vàng không khai thác thì còn, cơ cấu “dân số vàng” không khai thác thì sẽ mất vào khoảng năm 2040. Vì vậy, cần khẩn trương tận dụng cơ hội quý hiếm này để phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Trong thời đại 4.0 cho thấy chất lượng dân số là yếu tố quan trọng bậc nhất quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia.

Như Nghị quyết 21-NQ/TW đã đánh giá, trong suốt 25 năm qua, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Có được kết quả ấy là nhờ nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, bao gồm nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ Trung ương đến cơ sở, trong đó có công đầu thuộc về những cán bộ DS-KHHGĐ cấp xã và cộng tác viên DS-KHHGĐ ở thôn, xóm, bản làng.

Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới là văn bản hết sức quan trọng. Tinh thần và nội dung của Nghị quyết là kim chỉ nam cho công tác dân số ở nước ta từ nay về sau.

Hà Thư (thực hiện)

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Người yêu cũ mang con đến nhà, người đàn ông quyết đi xét nghiệm ADN: Kết quả được hé lộ

Người yêu cũ mang con đến nhà, người đàn ông quyết đi xét nghiệm ADN: Kết quả được hé lộ

Dân số và phát triển - 7 giờ trước

Người đàn ông tên Dũng (*) đã quyết định đến Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền để xét nghiệm quan hệ huyết thống cùng đứa trẻ được người yêu cũ đặt trước cửa nhà anh.

Thói quen của hàng triệu nam giới Việt có hại cho chuyện sinh con

Thói quen của hàng triệu nam giới Việt có hại cho chuyện sinh con

Dân số và phát triển - 2 ngày trước

Bên cạnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay ung thư, hút thuốc lá còn tác động tiêu cực lên khả năng sinh sản của nam giới và bộ gene của tinh trùng.

Bài tập xua tan nỗi lo mất ngủ, khó ngủ

Bài tập xua tan nỗi lo mất ngủ, khó ngủ

Dân số và phát triển - 3 ngày trước

Mất ngủ, khó ngủ thường gây cảm giác khó chịu, lo lắng... ảnh hưởng tới năng suất lao động và học tập. Thực hiện một số bài tập hiệu quả dưới đây giúp bạn ngủ nhanh và thức dậy sảng khoái hơn.

Ung thư vú tiến triển như thế nào?

Ung thư vú tiến triển như thế nào?

Dân số và phát triển - 3 ngày trước

Cho dù đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, việc tìm hiểu tất cả thông tin có sẵn có thể khiến người bệnh hiểu hơn. Dưới đây là tổng quan đơn giản về ung thư vú và các giai đoạn bệnh, phân tích về cách ung thư vú lây lan, chẩn đoán và điều trị.

Người phụ nữ ở Đồng Nai nặng 100kg mang thai bé 4,6kg, nhập viện với nhiều biến chứng nguy hiểm

Người phụ nữ ở Đồng Nai nặng 100kg mang thai bé 4,6kg, nhập viện với nhiều biến chứng nguy hiểm

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

Một bệnh viện ở Đồng Nai đã tiếp nhận trường hợp đặc biệt của sản phụ 35 tuổi, nặng 100 ký, thai trên 38 tuần, em bé to, nặng 4,6kg.

Biện pháp điều trị nấm Candida âm đạo

Biện pháp điều trị nấm Candida âm đạo

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Nấm Candida âm đạo gây kích ứng, ngứa dữ dội và tiết dịch nhiều ở âm đạo và âm hộ, bệnh rất dễ tái phát.

Phổ biến kiến thức về sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho cán bộ y tế, dân số

Phổ biến kiến thức về sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho cán bộ y tế, dân số

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

GĐXH - Ngày 20/3, ông Phan Nam Bình, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị vừa tổ chức hội nghị tập huấn về chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho đội ngũ cán bộ y tế, dân số cơ sở tại huyện Lệ Thủy.

Bị dị tật tử cung đôi có sinh con được không?

Bị dị tật tử cung đôi có sinh con được không?

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã phẫu thuật cho một bé gái có 2 buồng tử cung, 2 cổ tử cung. Đây là dị tật bẩm sinh cơ quan sinh dục hiếm gặp nhưng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ.

Chi trăm triệu đồng sinh con đầu lòng

Chi trăm triệu đồng sinh con đầu lòng

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Chịu áp lực tài chính không nhỏ khi nuôi con tại thành phố lớn, nhiều gia đình tiết kiệm hơn trăm triệu đồng mới dám sinh con.

Vợ mới sinh, nam thanh niên ‘ra ngoài giải tỏa’: Bác sĩ vừa khám vừa thốt lên "Tôi cũng ạ cậu"

Vợ mới sinh, nam thanh niên ‘ra ngoài giải tỏa’: Bác sĩ vừa khám vừa thốt lên "Tôi cũng ạ cậu"

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Sau khi xuất hiện nhiều nốt lạ ở vùng kín, nam thanh niên đi khám và phát hiện mắc sùi mào gà.

Top