Hà Nội
23°C / 22-25°C

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Bắc Ninh: Muôn nẻo chuyện "đúc giống"

GiadinhNet - “Nhà em chẳng phải con trưởng, dù không phải lo giữ “nòi” cho cả tông đường nhưng “giống” nhà mình thì mình phải giữ chứ!” – chị Thành (phường Đồng Kỵ, Thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) thủng thẳng.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Bắc Ninh: Muôn nẻo chuyện "đúc giống" 1
6 tháng cuối năm, Trường Mầm non xã Chi Lăng (Quế Võ, Bắc Ninh), số trẻ em trai gần như gấp đôi số trẻ em
Nỗi lo“nhà không giống” khiến vợ chồng chị dù đã có đến 7 cô con gái vẫn không thôi ý định sinh bằng được một cậu con trai, dù năm nay, chị đã gần 40 tuổi.
 
Trường hợp của vợ chồng chị Thành không phải là chuyện hiếm gặp ở mảnh đất vốn nổi tiếng với nghề làm đồ gỗ nói riêng và toàn tỉnh Bắc Ninh nói chung. Để “nặn” ra được cậu con trai, người dân xứ Kinh Bắc sẵn sàng sinh đông con, uống đủ loại thuốc thang... Tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, nỗi lo “mất giống”, sợ chồng ruồng rẫy vì “không biết đẻ”, đẻ dự phòng... là những nguyên nhân khiến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh càng trầm trọng, làm đau đầu các nhà quản lý, những người làm công tác Dân số.
 
Sinh 7 con gái, vẫn quyết tâm “đúc” 
 
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Bắc Ninh: Muôn nẻo chuyện "đúc giống" 2
Dù đã có 4 cô con gái, nhưng vì áp lực gia đình, làng xóm, chị Lam (Hán Quảng, Quế Võ, Bắc Ninh) vẫn không ngại tuổi cao, sinh bằng được một cậu con trai.
Phường Đồng Kỵ từ mấy năm nay nổi lên với danh xưng:“Cả phố là giám đốc”. Từ đầu trục đường chính thị xã Từ Sơn rẽ sâu vào phường, hàng chục ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, trưng đầy biển hiệu công ty, doanh nghiệp, văn phòng giao dịch...
 
Chị Dương Thu Phương- cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ phường cho hay: “Nhà nhà làm gỗ, cả phường làm gỗ, đời sống kinh tế dư dả nên người dân càng thi nhau đẻ”. Biết tôi còn trẻ, chị Phương trêu: “Ở làng này, 25-26 tuổi như nhà báo đã sinh con thứ 3, thứ 4 rồi đấy!”.
 
Tưởng đùa mà hóa thật! Chúng tôi tìm đến nhà chị Thành, anh Chiến- cặp vợ chồng “nổi tiếng” cả khu vì “chiến tích kiên trì” sinh 7 cô con gái mà vẫn chưa hết quyết tâm “đúc” một cậu con trai. “Nhà này chỉ mỗi bố cháu đẹp trai nhất. Việc nặng đều phải nhờ đến các cậu, các em làm cùng” - chị Thành vừa đón chúng tôi vừa nói. Bảy cô con gái, đứa lớn nhỉnh hơn đứa bé nửa cái đầu, cháu lớn nhất vừa lấy chồng khi vừa bước sang tuổi 18. 38 tuổi, chị Chiến đã sắp sửa lên chức bà ngoại.
 
“Sinh đông con thế, chị không thấy mệt sao?”- tôi tò mò. Chị Thành thật thà: “Mệt thì có mệt nhưng cứ chửa là đẻ thôi. Nhà nội đã có “đích tôn” con bác cả nối dõi tông đường. Nhưng đó là nhà bác, nhà họ nội, còn nòi nhà mình, mình phải giữ chứ!” – chị lý giải động lực khiến vợ chồng mình quyết “săn” bằng được một cậu con trai dù tuổi đã cao. Theo chị, con gái lớn lên lại về chăm lo nhà chồng, năm thì mười họa mới về nhà. Nghề mộc gia truyền nên anh chị cũng không muốn “lộ bí kíp” nghề ra ngoài, nên nhất thiết phải đẻ được một cậu con trai để giữ nghề. Gia đình, anh chị em hai bên, ai nấy đều có con trai nên càng khiến anh chị khát khao, có thêm động lực để sinh tiếp, thoát tiếng “sinh con một bề”. “Con gái làm dâu nhà độc đinh, đang mang bầu bé gái, tôi cũng khuyên cháu sinh bằng được con trai, thậm chí cứ đẻ vài đứa cho chắc”- chị Thành thẳng thắn.
 
Chị Phương cho hay: “Đồng Kỵ cách Hà Nội không xa nên từ tháng thứ 3- 4, bà bầu nào cũng có thể biết giới tính con mình thông qua các phòng khám tư. Tâm lý muốn có được một mụn con trai khiến người dân “thả cửa đẻ”, đến khi nào có con trai thì mới nguôi ý định”. Chính vì thế, nhiều năm nay, tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tỷ số giới tính khi sinh của Đồng Kỵ luôn ở mức cao. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2012, tỷ lệ sinh con thứ 3 là 35,7%; mức chênh lệch giới tính khi sinh là 147,6 bé trai/100 bé gái.
 
Theo số liệu của Trạm y tế phường, vẫn còn 300 thai phụ. Một cán bộ Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã Từ Sơn cho hay: Người dân Đồng Kỵ không nhăm nhăm sinh con trai ngay từ lần đầu mà quan niệm “con cái là giời cho” nên càng nhiều con càng có “lộc”(!?).
 
Đẻ cũng “dự phòng”
 
Rời làng nghề Đồng Kỵ, chúng tôi về huyện Quế Võ. Người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng tỷ số giới tính khi sinh cũng không “thua kém” Từ Sơn là bao: 129 trẻ trai/100 trẻ gái.
 
9 tháng đầu năm 2012, Chi Lăng là xã dẫn đầu huyện về tỷ số giới tính khi sinh với 200 bé trai/100 bé gái. Ghé thăm nhà trẻ của xã, 2/3 số học sinh trong lớp mầm là bé trai. Theo cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã: Tình trạng này đã xảy ra từ 5 năm trở lại đây.
 
Chị Nguyễn Thị Dịu (thôn Quế Ổ, xã Chi Lăng) năm nay 27 tuổi, là mẹ của 3 đứa con. Cậu út nhà chị hơn một tháng tuổi. “Nhà chồng neo người, ông xã lại là con trai duy nhất nên chúng tôi cũng an ủi nhau cố sinh được đông con càng nhiều càng tốt, nhất là con trai.”- chị Dịu tâm sự.
 
Vừa nựng chắt vừa tiếp chuyện chúng tôi, ông nội chồng chị – cụ Nguyễn Như Ngọ (84 tuổi) thật thà: Giờ khu Công nghiệp mọc lên nhiều, thanh niên đi đường láo nháo lắm, tai nạn như nghóe! Nhà nào nhà nấy cũng phải “dự phòng” ít nhất hai thằng con trai cho ăn chắc!  Rồi cụ “nêu gương” mấy gia đình trong làng ngoài xã vì sinh ít con trai nên giờ đang ngồi trên đống lửa vì “mất giống”, như một cách để biện minh thêm cho quan niệm của mình.
 
Quan niệm phải “đẻ dự phòng” của cụ Ngọ là suy nghĩ chung của rất nhiều người ở xã Chi Lăng nói riêng và huyện Quế Võ nói chung, khi rất nhiều người dù đã đủ “cả nếp lẫn tẻ” vẫn sinh cố thêm một cậu con trai.
 
Con ế vợ cũng không sợ
 
Tại xã Hán Quảng, huyện Quế Võ, nơi tỷ số giới tính khi sinh 9 tháng đầu năm 2012 là 150 trẻ trai/100 trẻ gái, không ai không biết câu chuyện “săn mật gấu, đúc thằng cu” của gia đình chị Lê Thị Lam.
 
Lúc chúng tôi đến nhà, các cô con gái chị Lam đang cặm cụi  làm hàng mã. Chỉ vào cậu con út duy nhất, chị Nguyễn Thị Anh- cán bộ chuyên trách Dân số xã “bật mí”: Từ lúc sinh ra đến giờ, cu cậu chỉ toàn đòi bế, chẳng mấy khi tự đi. Cả nhà cưng hơn cưng trứng mỏng! Tên thân mật cả làng gọi cu cậu là Mật Gấu, ý chỉ sự “quý giá”.
 
Chị Lam sinh được Mật Gấu khi cô chị cả đã gần 20 tuổi. Kể về quá trình “đúc mật”, chị Lam nói: Gia đình đã có 4 cô con gái, ai cũng khen xinh xắn, khéo tay nhưng lời bàn ra tán vào không để đâu cho hết, áp lực gia đình chồng buộc anh chị phải cố sinh con trai. Ý định sinh con trai nung nấu từ rất nhiều năm trước nhưng đến lúc đời sống kinh tế đi lên, anh chị mới giật mình vì tuổi đã cao. “Thương chồng, gần 40 tuổi tôi vẫn “săn” con trai bằng mọi cách. Mất 3 năm thuốc thang để có thể mang thai trở lại, trong đó có 1 năm uống thuốc sinh con trai để đúc được thằng cu này đấy!” – chị tự hào.
 
Bất chấp tuổi bố mẹ đã cao nhiều nguy cơ tai biến khi sinh, bất chấp khả năng nuôi một đàn con khi kinh tế chưa khá, người dân nơi đây vẫn quyết tâm sinh bằng được một, thậm chí hai con trai cho “chắc ăn”. Con trai không lấy nổi, thậm chí phải “giành giật” để có được vợ Việt. Các chuyên gia đã cảnh báo, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nếu không can thiệp sẽ để lại hậu quả nặng nề, dự báo Việt Nam sẽ có khoảng 2,3-4,5 triệu nam giới bị “dư thừa”, khả năng “nhập khẩu” cô dâu là chuyện không quá xa xôi với tương lai những cậu “Mật Gấu” quý như vàng trên đây!
 

“Mất cân bằng GTKS xảy ra khắp 8/8 huyện, thị của tỉnh. Tiên Du, Quế Võ, Lương Tài là những huyện có tỷ số GTKS cao nhất với lần lượt là 133/100,129/100, 127/100. Huyện thấp nhất là Yên Phong cũng là 116/100. Có nhiều xã tỷ số này vượt 200/100. 8 tháng đầu năm tỷ số này trên toàn tỉnh là 123/100, ước giảm 2,5 điểm phần trăm so với năm 2011. Cái khó nhất vẫn là giữa cung – cầu. Người dân mong muốn sinh con trai, các phòng khám cung cấp thông tin (giới tính), dịch vụ (thuốc thang, kỹ thuật, nạo phá thai). Cần có chế tài xử lý thật mạnh cả người “cung” và người “cầu”; thanh kiểm tra chặt chẽ, liên tục các cơ sở y tế có dấu hiệu vi phạm. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của rất nhiều cơ quan, ngành. Đây không phải là việc riêng của ngành Dân số...”.

Thu Nguyên
baoin
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Qua ứng dụng S-Health, bất ngờ trước những căn bệnh người cao tuổi gặp phải (kỳ 1): Từ chỉ số HALE thấp đến phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ

Qua ứng dụng S-Health, bất ngờ trước những căn bệnh người cao tuổi gặp phải (kỳ 1): Từ chỉ số HALE thấp đến phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ

Dân số và phát triển - 2 năm trước

GiadinhNet - Nhà có người cao tuổi bị rối loạn tứ chi hoặc thậm chí bại liệt tay tức là mắc bệnh lý về thoái hóa đốt sống cổ. Điều đáng nói là bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh khi về già nếu không biết cách phòng ngừa ngay bây giờ. Đây là căn bệnh mà rất nhiều người cao tuổi Việt Nam đang gặp phải.

3 mốc tâm sinh lý quan trọng của phụ nữ

3 mốc tâm sinh lý quan trọng của phụ nữ

Dân số và phát triển - 3 năm trước

Có 3 thời điểm ghi dấu sự thay đổi tâm sinh lý quan trọng trong đời người phụ nữ là: tuổi dậy thì, thời kỳ mang thai và giai đoạn mãn kinh. Sự thay đổi tâm sinh lý này liên quan chặt chẽ đến lượng nội tiết tố trong cơ thể và tuổi tác.

4 'chất tiết' xuất hiện trên đồ lót ngầm nhắc nhở vùng kín của con gái đang gặp vấn đề

4 'chất tiết' xuất hiện trên đồ lót ngầm nhắc nhở vùng kín của con gái đang gặp vấn đề

Dân số và phát triển - 3 năm trước

Đừng chủ quan bỏ qua bất kỳ dấu hiệu khác lạ nào trên đồ lót, nhất là khi thấy 1 trong 4 biểu hiện dưới đây.

Nắng nóng kéo dài: Người cao tuổi cần phòng ngừa đột quỵ

Nắng nóng kéo dài: Người cao tuổi cần phòng ngừa đột quỵ

Dân số và phát triển - 3 năm trước

Thời tiết nắng nóng, người cao tuổi dễ bị kiệt sức, thậm chí đột quỵ, đặc biệt là những người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, mỡ máu cao. Tuy vậy, đột quỵ mùa nắn...

Ba kích bổ nhưng không phải ai cũng dùng được

Ba kích bổ nhưng không phải ai cũng dùng được

Dân số và phát triển - 4 năm trước

Nhiều người cho rằng thuốc bổ thì ai cũng dùng được, cứ nghe thấy bổ là tự ý mua về dùng. Ba kích cũng vậy, trong Y học cổ truyền rễ ba kích tốt cho xương khớp, nhiều người đã tự mua ba kích để ngâm rươụ để sử dụng. Tuy nhiên điều này thật sai lầm, vì có thể gây ra những hệ lụy.

Những người có nguy cơ mắc xoắn buồng trứng?

Những người có nguy cơ mắc xoắn buồng trứng?

Dân số và phát triển - 5 năm trước

Xoắn buồng trứng là căn bệnh phổ biến nhất của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Bạn đã hiểu bao nhiêu về căn bệnh này?

Tâm sự nghẹn lòng của người đàn ông nghiện ngập

Tâm sự nghẹn lòng của người đàn ông nghiện ngập

Dân số và phát triển - 7 năm trước

GiadinhNet - Máu đỏ đen, ham mê cờ bạc gã thanh niên đã ngã gục trước vòng xoáy của những ván bài. Từ những trận sát phạt thâu đêm suốt sáng đã đưa đẩy Tạ Bá Xinh đến con đường nghiện hút. Để rồi, khi tỉnh lại, người đàn ông ấy phát hiện đang mang trong người căn bệnh thế kỷ.

Có thai sau khi bị dính tinh trùng của bạn trai lên quần?

Có thai sau khi bị dính tinh trùng của bạn trai lên quần?

Dân số và phát triển - 7 năm trước

Trong một lần âu yếm với bạn trai, tinh trùng của bạn trai đã dính vào quần của bạn gái. Từ sau hôm đó, cảm thấy trong người có khác khác. Liệu, bạn gái đã mang thai?

Bệnh tình dục: Không “quan hệ” cũng có thể lây nhiễm

Bệnh tình dục: Không “quan hệ” cũng có thể lây nhiễm

Dân số và phát triển - 7 năm trước

Một số bệnh tình dục có thể lây nhiễm theo nhiều cách khác nhau mà chính bạn cũng không ngờ tới.

Không để sa sinh dục ảnh hưởng chất lượng sống

Không để sa sinh dục ảnh hưởng chất lượng sống

Dân số và phát triển - 8 năm trước

Sa sinh dục thường gọi là sa dạ con hay sa tử cung. Nhưng thực tế không chỉ dạ con mà thường cả bàng quang và trực tràng sa vào trong âm đạo.

Top