Hà Nội
23°C / 22-25°C

Vụ trừ khử bạn thân khiến 'bố già' Hà Lan bị em gái tố cáo

Thứ sáu, 18:07 12/07/2019 | Bốn phương

Hai em gái của Willem Holleeder lén ghi âm để tố cáo trùm xã hội đen sau khi ông ta giết bạn thân kiêm em rể của mình năm 2003.

Willem Holleeder (trái) và Cor van Hout tại Pháp tháng 11/1985. Ảnh: New Yorker.
Willem Holleeder (trái) và Cor van Hout tại Pháp tháng 11/1985. Ảnh: New Yorker.

Tuần trước, trùm xã hội đen khét tiếng nhất Hà Lan Willem Holleeder, người mang biệt danh "Mũi to" vì có chiếc mũi quá khổ, bị kết án tù chung thân vì giết 5 người. Đó là cái kết của người từng thực hiện một vụ bắt cóc tai tiếng và tàn nhẫn loại bỏ bất cứ ai đe dọa vị trí vua thế giới ngầm Amsterdam của ông ta, kể cả người thân trong gia đình.

Ngày 9/11/1983, tỷ phú bia Freddy Heineken, một trong những người giàu nhất Hà Lan, đang rời khỏi văn phòng ở Amsterdam thì một chiếc xe màu cam đỗ bên cạnh ông. Một số người đàn ông bịt mặt dí súng, bắt Freddy và tài xế của ông lên xe, đưa họ đến một nhà kho ở ngoại ô rồi nhốt họ trong hai buồng cách âm. Tối hôm đó, cảnh sát Hà Lan nhận được thư đòi tiền chuộc 35 triệu guilders Hà Lan, tương đương 18 triệu USD theo thời giá hiện nay.

Ba tuần sau, cảnh sát vẫn không tìm ra tung tích của hai con tin và buộc phải chấp nhận phương án trả tiền chuộc. Gia đình Freddy trao cho một tài xế 5 bao tải tiền, người này lái xe đến Utrecht, để bao tải vào một cống thoát nước và rời đi. Ngày 30/11/1983, cảnh sát được một nguồn tin nặc danh chỉ dẫn đến nhà kho ở Amsterdam, giải cứu Freddy và tài xế.

Giới chức sau đó xác định nhóm bắt cóc gồm hai kẻ chủ mưu là Willem Holleederm, 25 tuổi và Cor van Hout, 26 tuổi. Willem sinh ra trong một gia đình tầng lớp lao động ở Amsterdam, có hai em gái là Astrid và Sonja. Cor là bạn thân của Willem và là chồng của Sonja.

Khi bị cảnh sát truy lùng, Willem và Cor trốn sang Pháp nhưng bị giới chức Paris bắt. Chính quyền Hà Lan yêu cầu dẫn độ Willem và Cor nhưng quá trình kéo dài do vấn đề pháp lý, khiến họ bị giữ ở Pháp gần ba năm.

Trong thời gian này, hai người thỉnh thoảng trả lời phỏng vấn báo chí Hà Lan, thể hiện hình ảnh hai thanh niên tầng lớp lao động ngổ ngáo dám bắt cóc một tài phiệt quyền thế. Nhiều người ở Hà Lan cảm thấy họ thú vị và yêu thích thay vì ghét bỏ hai tên tội phạm.

Willem và Cor bị dẫn độ về nước vào năm 1986 và bị kết án 11 năm tù nhưng được thả sau 5 năm, theo quy định giảm án của Hà Lan.

Sau khi tỷ phú Freddy và tài xế được giải cứu, cảnh sát Hà Lan tuyên bố đã tìm thấy 3/4 số tiền chuộc được chôn trong một khu rừng gần thị trấn Zeist, cách Amsterdam hơn 50 km. Willem và Cor khai rằng số tiền còn lại đã bị đốt trên một bãi biển.

Thực tế, sau khi ra tù, Willem và Cor đã sử dụng số tiền "mất tích" để gây dựng đế chế tội phạm bằng ma túy và mại dâm ở Amsterdam, đầu tư vào một số cơ sở tại phố đèn đỏ và các câu lạc bộ. Họ sở hữu những chiếc xe sang và có những kỳ nghỉ ở Địa Trung Hải.

Một ngày mùa xuân năm 1996, vợ chồng Cor và Sonja về nhà sau khi đi đón con. Một người đàn ông đến gần họ và nổ nhiều phát súng. Cor bị trúng đạn ở tay, vai và hàm nhưng sống sót.

Sau khi điều tra, Willem nói với gia đình rằng Sam Klepper và John Mieremet, hai gã côn đồ ở Amsterdam, đứng sau vụ này do Cor và Willem đã trở nên quá nổi bật trong thế giới ngầm Hà Lan. Willem cho biết bọn côn đồ hứa sẽ thôi tấn công Cor nếu anh ta trả cho họ một triệu guilders Hà Lan. Willem khuyên Cor trả tiền để dàn xếp vấn đề nhưng Cor từ chối.

Trong mối quan hệ hợp tác giữa Cor và Willem, Cor luôn là người lấn át. Vào thời điểm Cor bị tấn công, mối quan hệ giữa họ đã trở nên căng thẳng. Peter de Vries, phóng viên chuyên điều tra mảng tội phạm quen biết hai người từ thời họ bị giữ ở Pháp, kể rằng "họ cãi nhau rất nhiều". Trong khi Cor muốn lấn sâu hơn vào buôn ma túy và các hoạt động tội phạm khác, Willem muốn làm ăn hợp pháp để rửa tiền.

Mùa đông năm 2000, vài ngày trước Giáng sinh, Cor bị ám sát hụt lần hai. Một tay súng bắn tỉa định giết Cor khi anh ta chuẩn bị vào nhà nhưng bắn trượt. Cor không may mắn trong lần thứ ba. Tháng 1/2003, Cor đang trò chuyện với bạn bên ngoài một nhà hàng thì hai người đàn ông lái xe máy đến, nổ súng kết liễu anh ta.

Sau khi Cor chết, Willem củng cố quyền lực trong thế giới ngầm. Một số kẻ đồng lõa phạm tội của anh ta bị sát hại. Mặc dù không có gì chứng minh anh ta liên quan đến các vụ giết người, mọi người đều cho rằng anh ta gây ra tội ác.

Năm 2007, Willem, khi đó 49 tuổi, bị kết tội tống tiền một số doanh nhân ở Amsterdam và lại bị bỏ tù. Khi được trả tự do 5 năm sau, ông ta càng trở nên nổi tiếng. Willem thu âm bài hát có tên "Willem đã trở lại" với một rapper. Các cuốn sách viết về ông ta bán rất chạy.

Willem còn xuất hiện trên College Tour, chương trình truyền hình từng phỏng vấn những người nổi tiếng như Bill Gates. Báo chí mô tả Willem là một "tên tội phạm gây thiện cảm, khiến người khác muốn ôm". Khi các thanh niên tại Amsterdam gặp Willem, họ đề nghị chụp ảnh selfie với ông. Một trùm côn đồ địa phương có tên Sreten Jocic nói đùa rằng Willem Holleeder là "sản phẩm" nổi tiếng nhất của Hà Lan sau phô-mai.

Willem bị truy tố năm 2007 do cộng sự cũ của ông ta là Willem Endstra hợp tác với cơ quan điều tra và khai rằng ông trùm này đứng sau khoảng 20 vụ giết người. Willem thường khoe rằng ông ta có "tay trong" trong lực lượng cảnh sát và bất cứ ai tố cáo ông ta đều gặp nguy hiểm. Không lâu sau khi trở thành nhân chứng, Endstra bị bắn chết.

Em gái của Willem, Astrid, học luật và trở thành luật sư có tiếng trong thế giới ngầm, thường hay biện hộ cho các tội phạm. Astrid giải thích rằng bà không thể làm cho các hãng luật bình thường vì mọi người đều e dè khi biết bà là em của Willem. Thế giới ngầm là nơi duy nhất chào đón bà.

Astrid biết anh trai mình là một kẻ giết người. Willem thường nhờ bà tư vấn pháp lý và nếu có vụ giết người nào ở Amsterdam mà Willem có thể bị truy tố, Astrid đều tạo ra một hồ sơ chi tiết, liệt kê những người có thể là nhân chứng và cách bác bỏ lời khai của họ.

Astrid dần dần nghi ngờ về cái chết của anh rể Cor van Hout. Mặc dù Willem khẳng định Sam Klepper và John Mieremet là những kẻ sát hại Cor, ông ta sau đó vẫn làm ăn với Mieremet. Vào thời điểm Cor bị giết năm 2003, Klepper bị bắn chết ở Amsterdam trong một vụ có thể là giết người diệt khẩu. Mieremet sau này bị sát hại ở Pattaya, Thái Lan năm 2005. Xâu chuỗi những sự kiện đó, Astrid cảm thấy rõ ràng Klepper và Mieremet đã không ra lệnh giết Cor. Willem mới là người làm vậy.

Mặc dù Sonja cũng nghi ngờ Willem đứng sau vụ giết chồng mình, bà không nói với em gái, coi đó như một bí mật gia đình. Cuối cùng, vào năm 2012, hai người giãi bày tâm sự với nhau và nghĩ ra kế hoạch vạch trần anh mình.

Trong hai năm, họ gắn các thiết bị ghi âm vào cổ áo để lén lưu lại các cuộc đối thoại với Willem. Khi đó, Willem chỉ còn một vài thân tín. Trên mặt báo, ông ta tiếp tục thể hiện mình như một tay chơi phong độ, nhưng trong các cuộc trò chuyện riêng với Astrid và Sonja, Willem thể hiện sự hoang tưởng và nghi ngờ người thân.

Willem bị ám ảnh về tiền bạc, đặc biệt là khoản tiền chuộc còn lại từ vụ bắt cóc tỷ phú. Tháng 1/2013, Sonja trả cho chính phủ Hà Lan 1,49 triệu USD trong một thỏa thuận để không bị truy cứu về tội rửa tiền và gian lận thuế liên quan đến bất động sản của Cor.

Willem cho rằng Sonja hẳn phải còn rất nhiều tiền hơn thế. Ông ta mắng Sonja, gọi em gái là "con ả ung thư". "Tao là người nổi tiếng, không ai làm được gì tao", ông ta nói.

Ông ta còn nói với Astrid rằng nếu Sonja phản bội thì bà sẽ bị "đánh trong bụi rậm" và cảnh báo "nếu có ngày tao phải vào tù thì các con của nó sẽ đi trước".


Willem Holleeder tại Amsterdam năm 2015. Ảnh: Groene.

Willem Holleeder tại Amsterdam năm 2015. Ảnh: Groene.

Tháng 12/2014, Willem bị bắt và bị buộc tội giết các tay sai trong băng đảng. 4 tháng sau, truyền thông hé lộ Astrid và Sonja đã hợp tác với chính quyền và thu thập bằng chứng chống lại ông ta. Astrid trả lời phỏng vấn báo chí, gọi Willem là kẻ giết người hàng loạt. Wim sững sờ khi bị người nhà quay lưng, ví điều này như "sét đánh ngang tai".

Cảnh sát trang bị cho Astrid và Sonja những nút khẩn cấp để họ có thể báo động nếu cần giúp đỡ. Những đoạn ghi âm được công bố đã phá vỡ hình tượng của tên trùm xã hội đen trong lòng công chúng Hà Lan. Không có điều gì "gây thiện cảm" ở một tên trùm thường xuyên la hét, chửi bới người thân và dọa giết họ. Các đoạn ghi âm cũng cho thấy Willem thừa nhận một cách mơ hồ vai trò của ông ta trong vụ giết Cor và những người khác.

Tháng 4/2016, khi đang ở trong tù, Willem bị cáo buộc yêu cầu hai thành viên của một băng đảng giết hai em gái mình. Willem bác bỏ cáo buộc này. Tòa án ở Amsterdam ngày 4/7 kết án Willem, 61 tuổi, tù chung thân vì liên quan đến 5 vụ giết người và một vụ ngộ sát.

"Cuộc sống của ông ta càng ngày càng tuột dốc, bị mờ mắt bởi lòng tham, ham muốn quyền lực và bạo lực", thẩm phán nói khi tuyên án. "Sự bạo lực của ông ta đã khiến ngay cả người thân cũng phải đứng ra làm chứng vì họ không thấy lối thoát nào khác".

Theo VnExpress.net

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Bán hàng trực tuyến một năm, 'tiên nữ' livestream Trung Quốc gây sốc khi đóng thuế gần 320 tỷ

Bán hàng trực tuyến một năm, 'tiên nữ' livestream Trung Quốc gây sốc khi đóng thuế gần 320 tỷ

Chuyện đó đây - 10 giờ trước

Sở hữu 7.7 triệu người theo dõi, người được biết đến với nghệ danh "tiểu tiên nữ" thu về số tiền khủng từ những phiên livestream bán hàng.

Đàn ông ở 'Làng độc thân' nổi tiếng Trung Quốc 56 tuổi chưa một lần nắm tay

Đàn ông ở 'Làng độc thân' nổi tiếng Trung Quốc 56 tuổi chưa một lần nắm tay

Tiêu điểm - 18 giờ trước

Đàn ông trong "Làng độc thân" nổi tiếng ở Trung Quốc sống hơn nửa đời người chưa thể cưới vợ vì hoàn cảnh gia đình, điều kiện sống trong làng và nhiều lý do khác.

Người phụ nữ mang thai không đi làm vẫn có 1,3 tỷ tiêu xài, cảnh sát ập đến nhà thì chứng kiến hiện trường gây sốc: Đường dây tội phạm hơn 52 nghìn tỷ bị triệt phá

Người phụ nữ mang thai không đi làm vẫn có 1,3 tỷ tiêu xài, cảnh sát ập đến nhà thì chứng kiến hiện trường gây sốc: Đường dây tội phạm hơn 52 nghìn tỷ bị triệt phá

Chuyện đó đây - 23 giờ trước

Tại nhà riêng của người phụ nữ mang thai, cảnh sát phát hiện số lượng tiền mặt khổng lồ và nhiều thẻ ngân hàng khác.

Số thương vong ở lễ hội té nước tăng: 243 người chết, 85% vì tai nạn xe máy

Số thương vong ở lễ hội té nước tăng: 243 người chết, 85% vì tai nạn xe máy

Bốn phương - 1 ngày trước

Theo con số thống kê mới nhất, 243 người thiệt mạng tại lễ hội té nước Songkran ở Thái Lan. Nguyên nhân chính gây ra thương vong do va chạm giao thông.

Người đàn ông đứng chặn giữa đường ray để ngăn tàu chở dầu đi qua, tưởng bị phạt nào ngờ còn được trọng thưởng hơn 1 tỷ đồng

Người đàn ông đứng chặn giữa đường ray để ngăn tàu chở dầu đi qua, tưởng bị phạt nào ngờ còn được trọng thưởng hơn 1 tỷ đồng

Chuyện đó đây - 1 ngày trước

Sự việc này dù đã xảy ra khá lâu nhưng nhiều năm gần đây được chia sẻ lại, thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc.

Sếp cho nhân viên nghỉ phép nếu đi làm cảm thấy không vui

Sếp cho nhân viên nghỉ phép nếu đi làm cảm thấy không vui

Bốn phương - 1 ngày trước

Để đạt được sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống, người sếp ở Trung Quốc cho phép nhân viên nghỉ nếu có tâm trạng không tốt.

Đôi vợ chồng trúng số 31 tỷ đồng: Sống giản dị, mang tiền đi từ thiện

Đôi vợ chồng trúng số 31 tỷ đồng: Sống giản dị, mang tiền đi từ thiện

Bốn phương - 1 ngày trước

Tại Anh, câu chuyện vợ chồng trúng giải xổ số trị giá 1 triệu bảng Anh đã khiến nhiều người nể phục vì lối sống giản dị.

Một phụ nữ suýt mất mạng vì 20 cục máu đông ở chân sau khi sinh

Một phụ nữ suýt mất mạng vì 20 cục máu đông ở chân sau khi sinh

Bốn phương - 1 ngày trước

Một bà mẹ đã chia sẻ hình ảnh đáng sợ về 20 cục máu đông chết người được tìm thấy ở chân cô sau khi sinh con.

Nam sinh nghèo rửa bát thuê đỗ ĐH Oxford hiện ra sao sau 30 năm?

Nam sinh nghèo rửa bát thuê đỗ ĐH Oxford hiện ra sao sau 30 năm?

Tiêu điểm - 2 ngày trước

GĐXH - Từ cậu bé sống khu ổ chuột, rửa bát thuê từng ngày để sống, sau 30 năm, Vi Minh Ân trở thành doanh nhân nổi tiếng và là thành viên Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Hạ viện Anh.

Top