Hà Nội
23°C / 22-25°C

Bi kịch của người phụ nữ Triều Tiên chết đói tại Hàn Quốc

Thứ bảy, 11:00 24/08/2019 | Bốn phương

Lần cuối cùng người ta nhìn thấy Han Sung-ok là khi cô lựa lên đặt xuống mớ rau ở chợ Seoul, vài tuần trước khi hai mẹ con chết đói.

Bi kịch của người phụ nữ Triều Tiên chết đói tại Hàn Quốc - Ảnh 1.
Những người Triều Tiên đào tẩu đến bày tỏ tiếc thương với Han Sung-ok tại Gwanghwamun vào tháng này. Ảnh: BBC.

Han Sung-ok, 42 tuổi, lật từng lá rau trên quầy để xem xét một cách kỹ càng, trong khi cậu con trai 6 tuổi trèo lên hàng rào gần đó. Người bán rau tại khu chợ ở ngoại ô Seoul, thủ đô Hàn Quốc tỏ vẻ khó chịu vì gặp phải một người khách mua ít hàng nhưng lại kén chọn. Cô chỉ mua một cây xà lách với giá 500 won (0,4 USD) rồi kéo con trai rời đi.

Vài tuần sau, cả hai qua đời .

Han đào tẩu khỏi Triều Tiên để thoát khỏi tình trạng thiếu đói và mơ về một cuộc sống mới. Thế nhưng, cô và con trai cuối cùng chết đói tại một trong những thành phố giàu có nhất châu Á. Thi thể của họ được phát hiện vào ngày 31/7, khi một người đến đọc đồng hồ nước và ngửi thấy mùi hôi.

Khi được phát hiện, thi thể hai mẹ con nằm trên sàn nhà. Thức ăn duy nhất trong căn hộ đi thuê nhỏ bé của họ là một túi ớt. Kết quả giám định cho thấy họ đã qua đời từ hai tháng trước.

Bà chủ sạp rau ở chợ bên ngoài khu chung cư chính là một trong những người cuối cùng nhìn thấy mẹ con Han. Han khi đó đã rút số tiền ít ỏi cuối cùng là 3.858 won (3,20 USD) trong tài khoản ngân hàng.

"Nghĩ lại, tôi cảm thấy rùng mình", người bán rau nói. "Ban đầu tôi không ưa cô ấy vì cho rằng cô ấy hay kén chọn, nhưng bây giờ tôi cảm thấy đáng tiếc. Giá như cô ấy hỏi xin, tôi sẽ cho cô ấy thêm rau".

Người bán rau là một trong số nhiều người nhắc đến từ "giá như" khi nói về cái chết của hai mẹ con Han: Giá như chính quyền chú ý đến hoàn cảnh của Han, giá như chính quyền làm nhiều hơn để giúp đỡ những người Triều Tiên đào tẩu, giá như Han xin sự trợ giúp từ mọi người.

Là một người Triều Tiên đào tẩu, thân phận của Han lẽ ra phải khiến cô được chú ý. Nhưng ở thành phố 10 triệu dân này, cô dường như trở nên vô hình. Rất ít người biết đến cô. Người quen mô tả Han rất ít nói và thường đội mũ, tránh giao tiếp bằng ánh mắt với mọi người khi ra ngoài.

"Thật vô lý, khi sau khi trải qua tất cả những khó khăn và thử thách để đến Hàn Quốc, cô ấy lại chết đói. Tôi rất đau lòng", một người Triều Tiên đào tẩu nói. "Khi mới nghe tin này, tôi cảm thấy thật quá vô lý".

Không rõ Han đã rời khỏi Triều Tiên khi nào và bằng phương pháp nào. Người Triều Tiên thường đào tẩu bằng cách vượt biên qua Trung Quốc dù cách này rất rủi ro. Nếu bị bắt, họ sẽ bị trả về Triều Tiên và có thể phải lao động khổ sai. Các cô gái còn có nguy cơ bị những kẻ buôn người lừa, bị bán làm cô dâu hoặc gái mại dâm.

Hai người đào tẩu từng nói chuyện với Han cho rằng cô đã bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc để làm vợ và có con với anh ta. Thông tin này chưa được xác minh.

Han đến Seoul một mình vào 10 năm trước. Cô trải qua khóa giáo dục 12 tuần ở trung tâm Hanawon, bên liên kết với Bộ Thống nhất của Hàn Quốc để giúp những người đào tẩu thích ứng với cuộc sống mới. Đây là khóa học bắt buộc với tất cả người Triều Tiên đào tẩu, lớp của Han là một trong những lớp đông học viên nhất kể từ khi trung tâm được thành lập với hơn 300 người. Tuy nhiên, Han ít khi mở lòng tâm sự với bạn cùng lớp.

Han ban đầu thích ứng cuộc sống mới rất tốt. Với sự trợ giúp của chính quyền, Han và 6 bạn cùng lớp tìm thuê được căn hộ định cư lâu dài ở khu Gwanak-gu. "Cô ấy rất xinh đẹp và nữ tính", một người bạn cùng lớp nói. "Cô là người thứ hai sau tôi trong lớp kiếm được việc làm. Ban đầu, cô ấy làm việc trong thời gian ngắn tại một quán cà phê ở Đại học Seoul. Tôi nghe nói cô ấy đã gây ấn tượng tốt. Chúng tôi đã nghĩ rằng cô ấy có thể tự chăm sóc bản thân tốt".

Hai người hàng xóm cho biết Han đã thuyết phục được người chồng Trung Quốc chuyển đến Hàn Quốc. Họ dọn nhà đến Tongyeong, nơi anh ta làm việc tại một nhà máy đóng tàu. Cô sinh con trai thứ hai, cậu bé bị mắc chứng khó học (gặp nhiều khó khăn trong việc học tập theo phương pháp thông thường). Người chồng sau đó trở về Trung Quốc và mang theo con trai cả. Cô bị bỏ lại, không có việc làm và phải chăm sóc đứa con có khiếm khuyết. Hàng xóm nói rằng Han rất nhớ con trai lớn.

Cô trở lại căn hộ được trợ cấp tại Gwanak-gu, Seoul, nộp đơn xin trợ giúp tại trung tâm cộng đồng vào tháng 10 năm ngoái và nhận được 100.000 won (94 USD) mỗi tháng tiền trợ cấp nuôi con. Một bà mẹ đơn thân có thể được hưởng gấp 6-7 lần số tiền đó mỗi tháng nhưng họ phải có giấy chứng nhận ly hôn và có lẽ Han không thể đáp ứng được yêu cầu này.

Nhân viên trung tâm cộng đồng cho biết họ từng đến thăm căn hộ của Han vào tháng 4 nhưng cô không ở nhà. Họ không biết về tình trạng của con trai Han. Cô đã không trả tiền thuê căn hộ và các hóa đơn trong một thời gian. Cô cũng không còn đủ điều kiện được bảo hộ với tư cách là người Triều Tiên đào tẩu vì quy chế đó chỉ kéo dài 5 năm.

Bi kịch của người phụ nữ Triều Tiên chết đói tại Hàn Quốc - Ảnh 2.
Vòng hoa chia buồn tại nơi tưởng niệm Han Sung-ok ở Gwanghwamun. Ảnh: BBC.

Tại nơi tưởng niệm Han ở Gwanghwamun, nhiều người Triều Tiên đào tẩu đến bày tỏ niềm tiếc thương và tranh luận về cái chết của cô. "Thật ngược đời khi một người Triều Tiên chạy trốn nạn đói đến Hàn Quốc để chết đói!", một người nói. "Chính phủ Hàn Quốc đã làm gì, đây là cái chết do bị bỏ rơi, do sự thờ ơ", một người khác chỉ trích.

Tuy nhiên, bạn học cũ của Han cho biết đây không phải là cách cô muốn Han được nhớ đến. "Tôi không muốn cái chết của cô ấy gây ra những tranh cãi và đổ lỗi. Chúng ta chỉ nên đoàn kết lại và hứa với nhau rằng sẽ không bao giờ để điều này xảy ra nữa. Tôi thật sự đau lòng về cách mọi thứ đang diễn ra, cách một số người lợi dụng bi kịch này cho mục đích của họ".

Kết quả khám nghiệm tử thi Han và con trai cô sẽ sớm công bố. Bộ Thống nhất Hàn Quốc đang xem xét trường hợp của Han với hy vọng rút ra được bài học.

Vậy bài học nào có thể rút ra? Một người hàng xóm cho biết từng thấy Han có vẻ lo lắng và quẫn trí, khác hẳn với hình ảnh người phụ nữ tươi sáng khi mới đến Hàn Quốc 10 năm trước.

Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người đào tẩu Triều Tiên là lĩnh vực Hàn Quốc có thể cải thiện. Hầu hết người đào tẩu từng phải chịu đựng một số tổn thương tinh thần, bị tấn công tình dục hay nỗi sợ hãi những kẻ buôn người ở Trung Quốc. Theo một cuộc khảo sát người đào tẩu Triều Tiên tại Hàn Quốc, khoảng 15% thừa nhận từng có ý định tự tử, cao hơn 10% so với mức trung bình của Hàn Quốc.

"Chúng ta cần có những dịch vụ thân thiện hơn với người đào tẩu và hướng dẫn dẫn họ tìm đến các dịch vụ này", Jun Jin-yong, từ Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, nói.

Ngoài ra, sự khác biệt giữa xã hội Triều Tiên và Hàn Quốc cũng là yếu tố cần chú ý. Nếu ở Triều Tiên, Han và con trai sẽ không thể sống khép kín trong căn hộ của mình vì người Triều Tiên có tinh thần cộng đồng hơn.

Joseph Park, người trốn khỏi Triều Tiên 15 năm trước, đã mở các quán cà phê ở Seoul để xây dựng cộng đồng kết nối những người đào tẩu. Ông cho rằng cái chết hai mẹ con cô Han không phải do sự thiếu quan tâm của chính phủ mà có một phần nguyên nhân xuất phát từ văn hóa Hàn Quốc.

"Hàn Quốc là nơi bạn có thể sống mà không cần mối quan hệ. Ở Triều Tiên, bạn cần có những mối quan hệ để tồn tại", ông nói.

"Chẳng hạn, nếu một học sinh vắng mặt tại trường học ở Triều Tiên, giáo viên sẽ đưa tất cả bạn cùng lớp đến thăm. Vì vậy, không ai bị bỏ rơi. Ở Triều Tiên sẽ không có khả năng ai đó không xuất hiện trong một tháng mà không ai phát hiện như thế".

Hàng nghìn người Triều Tiên đã có cuộc sống tốt đẹp ở Hàn Quốc. Nhưng điều đó đòi hỏi họ phải thay đổi và thích nghi với người bản địa. Những người đào tẩu đã nói trong nhiều cuộc khảo sát rằng họ cảm thấy mình khác biệt và phải đối mặt với nạn phân biệt đối xử.

"Điều rõ ràng là người Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn cảm thấy tách biệt ngay cả khi họ sống trong cùng một thành phố", Laura Bicker, phóng viên của BBC viết. "Có lẽ câu chuyện của Han sẽ khiến mọi người ở Seoul dành thời gian suy nghĩ với hy vọng rằng xã hội này sẽ không bao giờ phải nói 'giá như' nữa".

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Top 10 người phụ nữ giàu nhất thế giới, lần đầu tiên có một “nữ cường nhân” từ châu Á

Top 10 người phụ nữ giàu nhất thế giới, lần đầu tiên có một “nữ cường nhân” từ châu Á

Tiêu điểm - 5 giờ trước

Đây là lần đầu tiên có một người phụ nữ tới từ châu Á xuất hiện trong danh sách đáng mơ ước này.

Giao đồ ăn tới showroom, nam shipper đòi đeo thử đồng hồ khiến nhân viên bối rối: Chiếc đó hơn 300 triệu!

Giao đồ ăn tới showroom, nam shipper đòi đeo thử đồng hồ khiến nhân viên bối rối: Chiếc đó hơn 300 triệu!

Tiêu điểm - 10 giờ trước

Khi nghe nam shipper ngỏ ý muốn đeo thử chiếc đồng hồ vàng trị giá hơn 300 triệu, nhân viên bán hàng có phần chần chừ.

Theo dõi thanh niên thất nghiệp kiếm 17 tỷ đồng/ngày, mua 4 căn biệt thự, xe sang, 140 cảnh sát ập vào quán cà phê, bắt giữ 23 đối tượng

Theo dõi thanh niên thất nghiệp kiếm 17 tỷ đồng/ngày, mua 4 căn biệt thự, xe sang, 140 cảnh sát ập vào quán cà phê, bắt giữ 23 đối tượng

Chuyện đó đây - 21 giờ trước

Cảnh sát Trung Quốc phát hiện điểm bất thường khi có một nhóm thanh niên xuất thân nông thôn nghèo nhưng lại có tiền mua xe hơi sang trọng để đua xe.

Ảnh, clip: Lũ lụt nghiêm trọng nhất trong 100 năm đổ bộ Trung Quốc, ảnh từ trên cao tiết lộ hiện trường kinh hoàng

Ảnh, clip: Lũ lụt nghiêm trọng nhất trong 100 năm đổ bộ Trung Quốc, ảnh từ trên cao tiết lộ hiện trường kinh hoàng

Tiêu điểm - 1 ngày trước

Cơn mưa lớn tấn công vào khu vực miền nam Trung Quốc đã khiến tính mạng của hàng chục triệu người tại đây bị đe dọa.

Sức khỏe của Công nương Kate Middleton: Nhan sắc có rạng rỡ sau thời gian điều trị ung thư?

Sức khỏe của Công nương Kate Middleton: Nhan sắc có rạng rỡ sau thời gian điều trị ung thư?

Bốn phương - 1 ngày trước

GĐXH - Theo các chuyên gia Hoàng gia Anh, quá trình hồi phục sức khỏe sau điều trị căn bệnh ung thư của công nương Kate Middleton đang đi theo chiều hướng khả quan.

Có ít của hồi môn, cô gái bị gia đình chồng hành hạ đến chết

Có ít của hồi môn, cô gái bị gia đình chồng hành hạ đến chết

Chuyện đó đây - 1 ngày trước

Người thân của Karishma cố gắng "nịnh" nhà trai bằng cách đưa thêm tiền để bù vào số của hồi môn, nhưng gia đình chồng cô vẫn thấy chưa đủ và hành hạ cô đến chết.

Cuộc sống công sở ở đất nước hạnh phúc nhất thế giới sẽ ra sao: Hãy hỏi người Phần Lan

Cuộc sống công sở ở đất nước hạnh phúc nhất thế giới sẽ ra sao: Hãy hỏi người Phần Lan

Chuyện đó đây - 1 ngày trước

7 năm liên tiếp là đất nước hạnh phúc nhất thế giới, cuộc sống công sở tại quốc gia này cũng có nhiều điều khác biệt.

'Đỉnh lưu Pandabiz' Fubao: 'Công chúa nhà tài phiệt' kiếm tiền khủng cỡ nào cho Samsung dù chỉ nằm chơi?

'Đỉnh lưu Pandabiz' Fubao: 'Công chúa nhà tài phiệt' kiếm tiền khủng cỡ nào cho Samsung dù chỉ nằm chơi?

Chuyện đó đây - 2 ngày trước

Được gọi với biệt danh "Công chúa nhà tài phiệt", Fubao được người dân Hàn Quốc hết mực cưng chiều và yêu mến.

Sức khỏe của Vương phi Kate hiện ra sao sau khi công bố mắc ung thư?

Sức khỏe của Vương phi Kate hiện ra sao sau khi công bố mắc ung thư?

Tiêu điểm - 2 ngày trước

GĐXH - Vương phi Kate Middleton đang trong quá trình bình phục, cô sẽ sớm trở lại làm việc sau thời gian điều trị ung thư.

Cụ ông 60 tuổi đã nghỉ hưu vẫn kiếm gần 2 triệu tỷ đồng năm vừa qua, nhiều thứ 2 thế giới chỉ sau Mark Zuckerberg

Cụ ông 60 tuổi đã nghỉ hưu vẫn kiếm gần 2 triệu tỷ đồng năm vừa qua, nhiều thứ 2 thế giới chỉ sau Mark Zuckerberg

Chuyện đó đây - 2 ngày trước

Những tỷ phú kiếm nhiều tiền nhất thế giới năm vừa qua đều là nhờ sa thải bớt lao động.

Top