Hà Nội
23°C / 22-25°C

"Thần bài" cuối cùng của dòng họ Vương

Thứ bảy, 16:34 16/06/2007 | Xã hội

Giadinh.net - Phố huyện Đồng Văn (Hà Giang) chiều mưa ảm đạm, đám thanh niên đang mải mê bên bàn cờ tướng trước hiên nhà. Một ông già đứng bên cạnh xem chăm chú, đột nhiên ông nhắc khẽ: “Đưa pháo sang sông đi!”. Cả đám đang mải mê bỗng ồ lên, một thanh niên vụt đứng dậy chắp tay: “Con xin bố, bố để cho con “thịt” thằng này”. Ông già cười mỉm quay đi, có tiếng xì xào: “Chịu thật, đúng là “thần bài” của nhà Vương”.

“Tôi gốc vốn là dân Nam Định, bố mẹ tôi phiêu bạt lên Đồng Văn lập nghiệp từ những năm đầu của thế kỉ trước cơ. Tôi sinh ra và lớn lên ở trên này” - Trong căn nhà cũ nát ở chân núi Bạch Sơn, ông Phạm Văn Dục, 75 tuổi, vừa nhâm nhi ly cà phê, bồi hồi kể.

- Lúc chiều có người gọi ông là “thần bài”?

- Đúng, tôi là người cuối cùng chơi bạc của nhà Vương đấy.

Sòng bạc của nhà Vương

Dinh thự của Vương Chí Sình (xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn) - ông “vua Mèo” nổi tiếng miền biên ải ngày nào - được bao quanh bằng bức tường thành bằng đá có lỗ châu mai, xung quanh có những hàng cây sa mộc cổ thụ.

Ông Dục kể: “Nhà Vương lúc nào cũng có hai tiểu đội lính người Mông canh giữ suốt ngày đêm. Trong dinh thự lúc nào cũng tấp nập người hầu, kẻ hạ. Vương có tận 5 bà vợ và 6 người con. Bên cạnh Vương có cả những mưu sĩ, tướng lĩnh. Từ các ngả đường đến nhà Vương người ngựa đi về rộn rịch lắm!”.

Ông Dục tự hào rằng hiện nay trên cao nguyên đá Đồng Văn chỉ còn ông là người khách thân nhất và duy nhất của nhà Vương còn lại. Sở dĩ ông là người khách thân nhất bởi vì bố ông là cụ Phạm Văn Quý vốn là bạn làm ăn của Vương, mẹ ông thì chơi thân với bà Trương Thị Thuận, hay gọi là Mỹ Thuận, vợ ba của Vương. Ngoài ra ông còn chơi thân với Vương Quỳnh Sơn, cháu ruột của Vương hiện đang sống tại Hà Nội. Lần nào ông Sơn về Xà Phìn đều đến thăm ông với tư cách là bạn cũ và một thời là cấp trên của ông.

“Cụ Vương không ưa chơi bạc, nhưng trong dinh của cụ hầu như lúc nào cũng có sòng mạt chược” - ông Dục kể - “Sòng họp thâu đêm suốt sáng. Các con bạc chủ yếu là bà ba, bà Vương Thị Ngọc, em gái, ông Hầu Vạn Quả, em rể, ông Sùng Mý Chiu, con rể của cụ Vương. Rồi còn khách dưới xuôi lên, khách bên Tàu sang... đông lắm, tôi không nhớ hết”.

Trong 5 bà vợ của cụ Vương, chỉ duy nhất bà ba là người ham mạt chược quên ăn, quên ngủ. Ông Dục bảo: “Bà ba đang ăn cơm mà thấy bàn mạt chược “khuyết chân” là bà bỏ cơm lên ngồi tắp lự”.

Mặc dù bà ba ham chơi mạt chược nhưng cụ Vương không thể nói được vì bà vốn là người được chiều nhất trong các bà vợ. “Mà không chiều không được vì bà ba và cụ Xíu (mẹ đẻ ra bà ba) hầu như thao túng mọi quyền hành trong nhà Vương” - ông Dục hắng giọng kể - “Có lần chúng tôi đang đánh bạc, cụ Vương lúc đó đang là Chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện, đi xuống, thấy chúng tôi đang “xôm” bên bàn mạt chược bèn cau mặt gắt: “Không được chơi nữa”. Bà ba ngừng tay bốc, ngẩng lên, quát: “Ông đi lên gác đi!”. Vương lắc đầu: “Các người ngồi thâu đêm suốt sáng không biết mệt, thật đúng là...”.

Với các bà vợ, anh em của nhà Vương, trò mạt chược chỉ để giải trí thôi chứ họ dẫu có thua hay thắng cũng chẳng quan trọng gì, vì tiền bạc của nhà họ Vương ngày nào cũng tuôn về như nước máng xối vào bể. Tiền buôn thuốc phiện, tiền đủ các thứ thuế mà dân vùng cao phải đóng cho nhà họ Vương.

“Vì vậy, người nào có tiền mà ham mạt chược cũng thích đánh bạc ở nhà Vương. Nhưng bà ba, cụ Xíu, ông Hầu Vạn Quả... rất ít khi thua, có lẽ họ đánh mãi quen tay hay sao ấy. Chỉ có chúng tôi là khách khi thua mới phải nghĩ ra đủ mọi cách để xoay tiền” - ông Dục trầm ngâm nói.

“Nghiệp” cờ bạc

Ông Phạm Văn Dục giới thiệu với PV về dinh thự của "vua Mèo"

Bà Ngọc Tú Lan, người Tày, năm nay vừa tròn 70 tuổi, hiện đang là chủ hiệu cơm phở ngon có tiếng ở phố huyện Đồng Văn, cho hay, nhà cụ Phạm Văn Quý, thân sinh ông Phạm Văn Dục trước đây là gia đình giàu nhất phố huyện Đồng Văn, gần như chỉ đứng sau nhà Vương ở Xà Phìn. “Nhưng đến đời ông Dục thì gần như nghèo nhất phố huyện Đồng Văn hôm nay” - Bà Lan chép miệng thở dài.

Và ông Dục cũng không giấu diếm khẳng định điều đó là sự thật. “Công tử Dục”, con của đại gia Phạm Văn Quý chuyên kinh doanh muối, thuốc phiện, vải vóc... là cự phú đất Đồng Văn thủa trước. Mới 14 tuổi, ông đã biết “xoa” mạt chược, đánh thạo cờ tướng. Đến khi trưởng thành thì công tử là người hào hoa, phong nhã.

Ở phố huyện miền biên ải, duy nhất công tử Dục là thanh niên người Kinh được ăn học tử tế, tiếng Pháp, tiếng Quảng Đông và kể cả thổ ngữ của đồng bào Mông làu làu như gió. Công tử Dục còn “đánh đu”, kết bạn với cháu của “vua Mèo” nên suốt ngày chỉ lo ăn chơi và... “món mạt chược đã theo tôi đến cuối đời” – ông nói.

“Khi tôi 18 tuổi vào bộ đội lại được làm lính của Vương Quỳnh Sơn, khi đó ông Sơn là tiểu đoàn trưởng. Bà ba biết tôi cũng là một tay xoa mạt chược như bà nên hầu như tối nào cũng cho người gọi tôi về dinh đánh bài. Hết tiền tôi vay tiền vợ Vương Quỳnh Sơn, vay cả dân Mông xung quanh vùng. Có đêm đánh bạc nhẵn túi, hết chỗ vay mượn tôi phi ngựa từ Xà Phìn về Đồng Văn “nã” tiền nhà. Nhưng có hôm tôi được nhiều lắm, mà “cái giống” cờ bạc thì ai cũng biết rồi đấy, khi được, tôi lại lao vào ăn chơi. Tôi đã sang đánh bạc bên Côn Minh, Vân Nam... các sòng bài bên đó, mỗi khi thấy tôi sang đều nghênh đón tôi như một đại gia, còn các thiếu nữ Hoa óng ả thì chiều chuộng tôi như một ông vua con”.

Chốn ăn, chốn chơi một thủa

Từ phố huyện Đồng Văn về dinh thự của họ Vương, “chốn ăn, chốn chơi” của những bậc có máu mặt trên cao nguyên đá thủa nào mất đúng nửa giờ xe máy. Nhà Vương hiện nay đang được Bộ VH-TT trùng tu với kinh phí gần chục tỷ đồng. Ông Dục phăm phăm đi trước dẫn đường, kiêm luôn là “hướng dẫn viên” cho tôi.

Đến gần phòng đánh mạt chược, chân ông đi chậm lại như khẽ khàng, rồi khi bước qua ngưỡng cửa, ông hào hứng chỉ tay xuống sàn nhà: “Đây, chỗ này là nơi tôi hay xoa mạt chược với bà ba, với ông Hầu Vạn Quả”.

Ông Dục bảo, đời ông năm nay hơn 70 tuổi, đã đi “xoa” mạt chược nhiều nơi nhưng theo ông “chỉ có đánh bạc ở nhà Vương là... sướng nhất”. Là khách thân, ông Dục vào dinh của Vương đi đứng hiên ngang, lưng được giắt vũ khí. Trước khi đánh, trong lúc chơi, thích ăn món gì, thậm chí muốn một ly cà phê nóng, chỉ cần “kêu một tiếng”, năm phút là có ngay.

Trong con mắt của nhiều người dân trên cao nguyên đá thời ấy, họ Vương là chúa tể đúng với nghĩa đen, nghĩa bóng của nó. Nhưng với ông Dục, Vương cũng chỉ là “một ông già hiền lành, dễ bảo”. Hình ảnh của Vương Chí Sình đọng lại trong ông Dục là một ông già tay hay cầm chiếc điếu nạm bạc dài, nằm trên sập gụ suy tư. Mỗi khi đi lại trong tư dinh thì thong thả thâm trầm. “Tôi thèm thuốc hay lẻn xuống phòng ông, kiếm một ít chuyện làm quà. Vương bảo: Thích hút thuốc phải không, có mấy cây Cotap, 555 người ta mới gửi biếu ta, lấy hút đi”.

Thường xuyên tới đánh bạc trong dinh thự ở Xà Phìn, nên ông Dục biết rất nhiều chuyện “thâm cung bí sử” trong nhà Vương. Chuyện vì sao Vương lấy bà vợ thứ năm. “Bà ấy trước đây là một người hầu của cụ Vương, lúc cụ làm chủ tịch trong Phó Bảng, bà ba thì mê mạt chược nên phải ra ở Xà Phìn. Bà ba mới cho cô hầu vào trong Phó Bảng lo cơm nước cho Vương. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, cô hầu ấy trở thành bà năm”.

“Bà ba không ghen sao?”- tôi hỏi. “Không, bà ấy mê mạt chược quá nên mới làm vậy mà” - ông Dục nói.

Từ ngày Vương mất (1962), thời cuộc xoay chuyển. Mấy năm sau, ông Hầu Vạn Quả, bà Vương Thị Ngọc, bà Xíu, bà ba... cũng thành người thiên cổ hay lưu lạc tha phương. Ông Dục xoay đủ nghề, từ bộ đội chuyển sang làm công tác mậu dịch, công tác giao thông đến ngoại thương... đến năm 1980, ông về nghỉ chế độ.

“Tôi ham mê mạt chược quá nên chẳng làm ăn được gì. Thói đời “cao nhân tắc hữu cao nhân trị”, là thần bài một chốn nhưng đi nơi khác, đánh bạc ở chỗ khác tôi lại sạch sành sanh. Vốn liếng cha mẹ để lại đi theo hết mấy con thất văn, bát vạn cả rồi”...

Hiện nay, cả gia đình “thần bài” sống chỉ trông vào mấy nương ruộng. Hai bà vợ đều đã khuất núi, ông Dục có 5 con, 2 trai 3 gái. Con gái thì lấy chồng, còn hai người con trai, một thì nghiện ngập, một thì đi làm thuê.

“Tôi sống giờ là dựa vào nguồn thu từ hai cái cửa hàng cho thuê. Mỗi tháng cũng được 700 ngàn, số tiền ấy cũng đủ cho tôi... lai rai vài canh mạt chược cho đỡ buồn”.

Hoàng hôn vàng vọt buông xuống Xà Phìn, mấy người cháu của Vương có nhà ở bên cạnh dinh thự được tin ông Dục xuống chơi hồ hởi ra đón. Anh Vương Quyền Sèo, người cháu họ của Vương hiện đang làm trưởng xóm Xà Phìn A cho hay anh chẳng biết gì chuyện ăn chơi của các ông, các bà của anh ngày xưa cả.

Năm nay anh Sèo mới có 35 tuổi, một vợ hai con, kinh tế gia đình anh cũng như gia đình của năm người cháu của Vương đang sống ở Xà Phìn đều có của ăn, của để do chịu khó kinh doanh hàng tạp hoá, làm máy may.

“Ở đây chẳng có ai biết đánh bạc cả, chúng tôi bây giờ chỉ nghĩ đến làm ăn thôi. Năm vừa rồi, gia đình tôi được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện tặng giấy khen trong cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá mới” - Anh Sèo vui mừng báo cáo với “thần bài”, còn ông Dục cứ ngồi trầm ngâm, mắt dõi nhìn xa xăm và thỉnh thoảng lại thở dài...

Đỗ Hữu Lực

giang
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Đường dây đánh lô đề qua mạng với số tiền hơn 700 triệu đồng/ngày

Đường dây đánh lô đề qua mạng với số tiền hơn 700 triệu đồng/ngày

Pháp luật - 20 phút trước

GĐXH - Để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng sử dụng sim rác, tài khoản không chính chủ để giao dịch trong đường dây đánh bạc.

Danh sách 12 khu vực tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội, thí sinh và phụ huynh lưu ý

Danh sách 12 khu vực tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội, thí sinh và phụ huynh lưu ý

Giáo dục - 28 phút trước

GĐXH - Theo hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố toàn thành phố có 12 khu vực tuyển sinh. Dưới đây là danh sách 12 khu vực tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội.

Bị tai nạn lao động, người lao động được hưởng những chế độ, quyền lợi gì?

Bị tai nạn lao động, người lao động được hưởng những chế độ, quyền lợi gì?

Đời sống - 1 giờ trước

GĐXH - Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động. Mức hưởng chế độ tai nạn lao động hiện nay được quy định thế nào?

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

Pháp luật - 1 giờ trước

Theo HĐXX, bị cáo Trần Quí Thanh chiếm đoạt số tiền lớn, nhưng có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có nhiều đóng góp cho xã hội, khắc phục một phần thiệt hại...nên tuyên phạt 8 năm tù.

Chìm sà lan ở biển Quảng Ngãi: Vớt được 4 thi thể, đang dùng flycam, thợ lặn tìm người mất tích

Chìm sà lan ở biển Quảng Ngãi: Vớt được 4 thi thể, đang dùng flycam, thợ lặn tìm người mất tích

Thời sự - 2 giờ trước

Trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn các thuyền viên trong vụ chìm sà lan trên vùng biển Quảng Ngãi, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đề nghị huy động tối đa mọi nguồn lực, mở rộng phạm vi tìm kiếm nạn nhân đang mất tích.

Luật Đất đai 2024: Hàng triệu phụ nữ sẽ được hưởng lợi nếu nắm được quy định này

Luật Đất đai 2024: Hàng triệu phụ nữ sẽ được hưởng lợi nếu nắm được quy định này

Pháp luật - 4 giờ trước

GĐXH - Theo chuyên gia, việc nghiêm cấm hành vi “Phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai” của Luật Đất đai 2024 là điều hết sức cần thiết, được người dân đồng tình, ủng hộ (trong đó có lực lượng yếu thế là phụ nữ).

Không cần xin visa (thị thực), người Việt Nam có thể nhập cảnh vào những quốc gia nào trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5?

Không cần xin visa (thị thực), người Việt Nam có thể nhập cảnh vào những quốc gia nào trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5?

Đời sống - 4 giờ trước

GĐXH - Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, nếu người dân có ý định di lịch nước ngoài thì dưới đây là những quốc gia và vùng lãnh thổ miễn visa (thị thực) cho công dân Việt Nam khi nhập cảnh.

Biến động điểm chuẩn trường đại học có tỷ lệ cạnh tranh không kém các trường công an, quân đội

Biến động điểm chuẩn trường đại học có tỷ lệ cạnh tranh không kém các trường công an, quân đội

Giáo dục - 4 giờ trước

GĐXH - Để phục vụ cho phụ huynh và thí sinh tham khảo, dưới đây là bảng điểm chuẩn trong 3 năm gần đây của một trường đại học ở Hà Nội có tỷ lệ cạnh tranh được đánh giá là không kém các trường công an, quân đội.

Ngủ 5 ngày 5 đêm dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Thử thách hay trào lưu du lịch kiểu mới?

Ngủ 5 ngày 5 đêm dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Thử thách hay trào lưu du lịch kiểu mới?

Đời sống - 4 giờ trước

GĐXH - Với khoảng thời gian nghỉ lễ là 5 ngày, cư dân mạng đua nhau thực hiện thử thách "Ngủ 5 ngày 5 đêm" nhân kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Sự kiện này đang được cư dân mạng bàn luận khá sôi nổi.

Hành trình truy bắt kẻ ra tay sát hại họ hàng rồi 'trốn nã' hơn 20 năm

Hành trình truy bắt kẻ ra tay sát hại họ hàng rồi 'trốn nã' hơn 20 năm

Pháp luật - 5 giờ trước

GĐXH - Vì mâu thuẫn, Chí lên kế hoạch rồi ra tay sát hại người họ hàng. Sau khi gây án đối tượng này dùng nhiều phương thức để lẩn trốn ở nhiều địa phương suốt 25 năm.

Top