Hà Nội
23°C / 22-25°C

Sự thực về ngôi đền “ban con”

Thứ bảy, 07:26 13/10/2012 | Xã hội

GiadinhNet - Từ lâu, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã biết đến đền Sinh (thôn An Mô, xã Lê Lợi, Chí Linh, Hải Dương).

Toàn cảnh đền Sinh nhìn từ phía cổng tam quan đi vào.

Họ đã về đây để xin thánh thần ban cho mình niềm hạnh phúc được làm cha mẹ. Đây cũng là ngôi đền duy nhất ở Việt Nam thờ khối đá tự nhiên mang dáng dấp người phụ nữ đang trở dạ.

Khối đá mang hình người phụ nữ trở dạ

Tọa lạc ở lưng chừng núi Ngũ Nhạc nên đền Sinh có địa thế tương đối cao so với những ngôi đền khác trong vùng. Muốn lên đến chính điện, du khách phải đi qua một khoảng sân khá rộng được lát bằng gạch đỏ và khá nhiều bậc thang bằng bê tông cũ kỹ. Đền được thiết kế theo dạng chữ Vương với 3 gian rõ rệt. Nội cung đền bài trí khá đơn giản theo mô típ chung của các ngôi đền thờ Mẫu ở miền Bắc. Gian hậu cung đền chiếm một khoảng không gian khá rộng và đây chính là nơi linh thiêng, huyền bí nhất. Bất kỳ ai muốn được lễ bái ở gian hậu cung đều phải được sự đồng ý của ban quản lí đền chứ không được tự ý bước vào.

Một thành viên trong ban quản lí đền cho biết, gian hậu cung trước đây vốn được giữ nguyên kiểu thiết kế từ đời nhà Nguyễn. Nghĩa là toàn bộ khối "Thạch Mẫu thiên tạo" (tượng mẹ đá tự nhiên) được thờ lộ thiên. Tuy nhiên, lo sợ khối "Thạch Mẫu" bị bào mòn bởi mưa gió nên ban quan lí di tích đã quyết định xây mái và đưa khối "Thạch Mẫu" vào gian hậu cung.

Quan sát kỹ thì toàn bộ gian hậu cung được phủ kín bởi một tấm rèm thêu kim tuyến màu vàng, riêng khối đá được "mặc" một tấm vải đỏ vẫn còn rất mới. Khối đá có hình người phụ nữ đang trong thế trở dạ được nằm gọn trong gian hậu cung và được chiếu sáng bởi những ánh đèn màu mờ mờ, ảo ảo. Khối đá này được tạo nên bởi nhiều phiến đá nhỏ với nhiều hình hài và kích thước khác nhau. Chỗ cao nhất của khối đá ước chừng khoảng 3m và trải dài ở nhiều góc cạnh không đều. Xung quanh khối đá vẫn còn rất nhiều những rễ cây cổ thụ bám chặt. Mặt ngoài của khối đá đã được phủ một lớp sơn bóng pha kim tuyến khá dày. Loại đá tạo nên khối đá này được người dân gọi là đá nám - một loại đá tương đối phổ biến ở dãy núi Ngũ Nhạc.

Theo cách giải thích của ông Nguyễn Hữu Bồi (78 tuổi) - thành viên ban khánh tiết của đền thì khối đá tròn nằm ở vị trí trên cùng của khối "Thạch Mẫu" chính là đầu. Khối đá phía dưới là bầu ngực. Hai khối đá lớn, dài hai bên là đầu gối. Giữa hai đầu gối có hai khối đá tượng trưng cửa bát nhã (nơi sinh nở của phụ nữ) và bào thai đang chào đời. Hai khối đá mé ngoài cùng là bàn chân.
 

Khối "Thạch Mẫu" thời kỳ còn lộ thiên.

Lối lên chính điện đền Sinh.

 
Khơi nguồn tục "xin con"
 

Không có cơ sở thực tế

Theo ông Trần Đình Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi, việc xin con ở đền Sinh đơn thuần là do đức tin. Thực tế, chưa có bằng chứng cụ thể nào chứng minh được mức độ thành công của các cặp vợ chồng hiếm muộn tìm về đây cầu tự. Chính vì thế, người dân không nên quá tin tưởng vào những hiện tượng tâm linh mà bỏ qua sự tiến bộ của y học hiện đại.

Ông Bồi cũng cho hay, chính khối đá này cùng những câu chuyện lưu truyền trong dân gian về đức thánh Phi Bồng Hạo thiên tướng quân đã khơi nguồn cho một nghi thức tồn tại hàng trăm năm nay, đó là tục cầu tự (xin con) tại đền Sinh.

Ông Bồi kể: "Nghi thức này xuất hiện từ thế kỷ thứ 6. Thuở ấy, có vợ chồng ông Chu Danh Thức và bà Hoàng Thị Ba ở trang Phấn Lôi (xã Thắng Cương, Yên Dũng, Bắc Giang ngày nay) đã ngoài 50 tuổi mà chưa sinh được một mụn con. Một đêm, ông bà được báo mộng đến miếu gianh bên trang An Mô (sau này là đền Sinh) mà cầu. Vợ chồng liền sắm lễ vật sang miếu. Sau khi làm lễ, bước ra đến cửa, vợ chồng thấy một dấu chân. Bà Ba ướm thử thấy vừa như in, vết chân cũng biến mất. Quả đúng như giấc mộng, sau khi làm lễ, về nhà bà có mang rồi hạ sinh một cậu con trai đặt tên là Chu Phúc Uy. Chu Phúc Uy ngay từ khi mới sinh ra đã mặt mũi khôi ngô, tuấn tú hơn người. Năm 15 - 16 tuổi, Phúc Uy đã văn võ song toàn. Năm 19 tuổi, ông được vua Lý Nam Đế cử cầm quân đánh giặc Lương. Thắng giặc, ông được phong làm trấn thủ xứ Hải Dương. Sau, quân giặc lại kéo sang, ông tử trận bên Việt Yên, Bắc Giang và được lập đền thờ ở đó. Từ đó, những cặp vợ chồng hiếm muộn lại tìm về đền Sinh để cầu tự, mong sinh được con cái".

Một cụ ông tên Được (76 tuổi) chuyên viết sớ ở đền cho hay, hàng năm có hàng trăm cặp vợ chồng từ khắp mọi miền tìm về đền Sinh để cầu tự. Tất cả các cặp vợ chồng đến đền làm lễ cầu tự đều do đích thân ông Được viết sớ hoặc làm lễ hộ.

"Ai đến đây viết sớ cầu tự tôi đều ghi chép lại tên tuổi, địa chỉ và số điện thoại. Trong khoảng 8 năm trở lại đây, các cặp vợ chồng tìm về đây xin con càng nhiều lên. Xa nhất là An Giang, Long An và gần nhất là trong tỉnh, huyện. Riêng năm Thìn này, số lượng tăng lên đột biến. Mới chỉ 9 tháng thôi mà đã có hơn 400 cặp vợ chồng tìm đến để cầu tự rồi, không biết đến cuối năm thì sẽ thế nào?", ông Được cho biết.
 

Cận cảnh khối "Thạch Mẫu" trong gian hậu cung sau khi đền được trùng tu.

Nhiều rễ cây cổ thụ bám sâu vào lòng khối "Thạch Mẫu" vẫn được giữ nguyên vẹn.

Tục lạ

Lễ hội đền Sinh được tổ chức hàng năm từ ngày 6 đến 10 tháng Giêng (âm lịch) và lễ rước tổ chức vào ngày 3/3 (âm lịch). Thường, vào tối mùng 6, sau khi đội tế nam quan của làng thực hiện xong lễ cáo yết, xin phép thánh cho dân làng được mở hội thì tiến hành lễ mộc dục (tắm rửa, lau chùi thần tượng, thần vị, áo mũ và khí tự). Những người tham gia lễ là những thành viên đội tế, có đạo đức, được dân làng tin cậy và trong nhà không có tang. Sau khi được giao nhiệm vụ, những người này áo mũ chỉnh tề cùng nhau lên đền Sinh làm lễ, thắp hương xin phép Mẫu và đức Thánh cho được hành sự. Nước để tắm rửa thần tượng, thần vị là nước sạch pha trầm hương hoặc ngũ vị cho thơm. Sau hai lần tắm bằng nước sạch, lần thứ ba bằng nước ngũ vị hương, thần tượng thần vị được bao lau nhẹ nhàng bằng khăn bông, tiếp đến là lễ gia quan (thay áo thánh).

Khi hành sự, mọi người phải có khăn điều bao hàm để tránh trần khí xông lên thánh cung, không cười nói trong khi làm lễ mà mang tội bất kính. Sau lễ mộc dục, nước ngũ vị hương được để trong quán tẩy, mọi người dùng nước xoa lên mặt gọi là "quan chiêm thần huệ" để trừ bệnh tật; áo thánh thay ra được xé thành mụn nhỏ gọi là khước thánh chia cho dân.

Một tục khá điển hình trong lễ phẩm dâng cúng ở đền Sinh là xôi trắng, lợn đen. Xôi phải để nguyên cả mâm to, thịt lợn quay nguyên cả con. Lợn để tế thần phải là lợn do làng cử một người nuôi thật cẩn thận từ năm trước gọi là "lợn tuần". Đến lượt giáp nào đăng cai thì ngay từ khi mới tiếp nhận, giáp đã phải cử người có đức độ đi mua lợn về nuôi. Trước khi tiến hành công việc này, ông trưởng giáp phải dẫn người được nuôi lợn lên đền thắp hương xin quẻ âm dương. Nếu được thì tiến hành, nếu không thì phải cử người khác. Những người được thần chấp nhận phải là người có đức độ, làm ăn phát đạt, thân thể lành lặn, dân làng tin cậy, trong nhà không có tang. Lợn cúng thần phải có màu đen, là giống lợn thịt ngon có dáng mạo đẹp, thân hình cân đối, không mắc bệnh tật. Có lợn rồi, việc nuôi nấng chăm sóc không đơn giản. Chuồng lợn phải đặt chỗ khô ráo, sạch sẽ, không được để gần chuồng trâu, hố xí. Phải thường xuyên làm vệ sinh để trong chuồng không có mùi hôi thối, ẩm ướt. Thức ăn của lợn phải tinh khiết, phải rửa sạch, nấu chín không để ôi thiu.

Ba tháng trước khi mở hội, cần phải cho lợn ăn thức ăn tinh khiết, có thêm cháo gạo để lợn béo đẫy, mượt mà, đảm bảo trọng lượng cần thiết. Đây là thời kỳ vất vả nhất, lo lắng nhất, đòi hỏi người nuôi phải hết sức thận trọng vì sắp đến ngày mở hội mà lợn tuần vẫn chưa đạt tiêu chuẩn thì vạ cả làng. Nếu chẳng may lợn không kịp lớn hoặc ốm chết thì đó là điều xúi quẩy khôn lường cho cả cộng đồng dù họ có xoay được một con khác thay thế và mâm cỗ vẫn đầy đủ như thường lệ.
 

Tượng thờ đức thánh Chu Phúc Uy ở gian trung điện.

Đến giờ đã định, giáp đăng cai lo mổ lợn, đồ xôi, bày mâm cỗ chu đáo rồi báo cho làng biết để làng cử người xuống tận gia chủ rước mâm cỗ lên tế thần. Rước cỗ không dùng kiệu gỗ, chỉ cần 4 trai đinh lành lặn, mạnh khoẻ, áo mũ chỉnh tề xếp thành hai hàng thẳng thắn giống như chiếc kiệu rồi cùng nhau khiêng mâm đi theo nhịp bước đều đặn, nhẹ nhàng, chậm rãi.

Lợn tế thần phải để nguyên cả con, lấy hết lòng, quay vừa chín. Xôi biện cỗ phải thật trắng được đồ bằng thứ nếp thơm dẻo, không lẫn tẻ, rất đều hạt. Biện mâm lễ tế thần ở lễ hội đền Sinh xưa kia được xem là một việc lớn, vừa thể hiện lòng hiếu thảo, tôn kính của dân làng đối với cộng đồng, lại vừa khẳng định tài năng, khéo léo của con người trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm. Cho nên có thể nói đây là một dịp thi tài giữa các giáp. Ai làm tốt thì sẽ được làng thưởng, ai làm xấu thì bị phạt tuỳ theo mức độ, có thể lần sau không được làm.
 

Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa, tục thờ Chu Phúc Uy thực chất là hiện tượng "lịch sử hoá" tục thờ siêu nhiên của người Việt cổ mang ý nghĩa cầu phồn thịnh, hạnh phúc, no đủ. Nguồn gốc của hệ tư tưởng tín ngưỡng thờ siêu lực tự nhiên chính là tục thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện - mây, mưa, sấm, chớp), đây là nét văn hoá đặc trưng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng Đông Nam Á, cầu mong mưa thuận, gió hoà để mùa màng bội thu. Điều đáng ghi nhận là dù trải qua rất nhiều biến thiên của thời cuộc nhưng đến nay lễ hội đền Sinh hàng năm vẫn giữ được những nghi lễ cổ xưa.

Hà Tùng Long

baocuoituan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Bật mí 4 cách tra cứu giấy phép lái xe theo tên nhanh chóng, chính xác nhất 2024, lái xe có thể biết ngay thật giả

Bật mí 4 cách tra cứu giấy phép lái xe theo tên nhanh chóng, chính xác nhất 2024, lái xe có thể biết ngay thật giả

Đời sống - 23 phút trước

GĐXH - Tra cứu giấy phép lái xe giúp chủ phương tiện hoặc cơ quan chức năng có thể phát hiện bằng lái xe thật hay giả. Dưới đây là cách tra cứu giấy phép lái xe theo tên nhanh chóng, chính xác nhất bạn đọc nên tham khảo.

Video: Ô tô con bất ngờ lao xuống hồ Định Công, hàng chục người 'hò dô' kéo lên bờ

Video: Ô tô con bất ngờ lao xuống hồ Định Công, hàng chục người 'hò dô' kéo lên bờ

Đời sống - 1 giờ trước

GĐXH - Chiếc xe ô tô con không rõ vì lý do gì mà bất ngờ lao xuống hồ Định Công. Hàng chục người dân sau đó đã giúp chủ xe kéo chiếc ô tô từ dưới nước lên bờ.

Các trường hợp không được bồi thường tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất

Các trường hợp không được bồi thường tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất

Pháp luật - 1 giờ trước

GĐXH - Luật Đất đai mới nhất 2024 (có hiệu lực từ 1/1/2025) quy định cụ thể, rõ ràng các trường hợp không được bồi thường tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất.

Thêm một cơ sở nhà sách Tiến Thọ vi phạm PCCC vẫn ngang nhiên mở cửa đón khách

Thêm một cơ sở nhà sách Tiến Thọ vi phạm PCCC vẫn ngang nhiên mở cửa đón khách

Đời sống - 3 giờ trước

GĐXH - Cơ quan chức năng quận Hoàng Mai (Hà Nội) chỉ tên hàng trăm công trình vi phạm về phòng cháy chữa cháy, trong đó có nhà sách Tiến Thọ số 695 – 697 Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội).

Bắt 6 thanh niên trong vụ 2 học sinh bị đánh nhầm

Bắt 6 thanh niên trong vụ 2 học sinh bị đánh nhầm

Pháp luật - 3 giờ trước

Hai học sinh lớp 11 đang trên đường về nhà thì bị nhóm thanh niên dùng gạch đá, dao phóng lợn, gậy gộc tấn công, bị thương nặng.

Sân bay Nội Bài lọt Top 100 sân bay tốt nhất thế giới

Sân bay Nội Bài lọt Top 100 sân bay tốt nhất thế giới

Thời sự - 4 giờ trước

Đại diện sân bay Nội Bài cho biết đơn vị vừa được tổ chức Skytrax bình chọn là sân bay tốt nhất thế giới năm 2024. Cụ thể, Nội Bài xếp thứ 96, tăng 31 bậc so với năm 2023.

Xịt hơi cay vào mặt chủ tiệm để cướp vàng

Xịt hơi cay vào mặt chủ tiệm để cướp vàng

Pháp luật - 4 giờ trước

Khi chủ tiệm ở TP Phan Thiết (Bình Thuận) vừa lấy vàng từ trong tủ ra, nam thanh niên dùng bình hơi cay xịt thẳng vào mặt. Kẻ gây án cùng đồng bọn cướp đi khoảng 2 cây vàng.

Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh lớp 8 ở Cao Bằng

Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh lớp 8 ở Cao Bằng

Pháp luật - 4 giờ trước

Thấy cháu H. (SN 2011) đang đạp xe trên đường, Thành đi xe máy phía sau dùng tay sàm sỡ khiến cháu H. hoảng loạn.

Trường đại học công lập đầu tiên ở phía Bắc đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024

Trường đại học công lập đầu tiên ở phía Bắc đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024

Giáo dục - 4 giờ trước

GĐXH - Trường đại học đầu tiên ở phía Bắc đã công bố điểm chuẩn học bạ là Học viện Phụ nữ Việt Nam với mức điểm cao nhất là 25,5 điểm.

Độc đáo phố nghề thơm nức tiếng giữa lòng Thủ đô, ghé qua là bớt mệt mỏi, căng thẳng

Độc đáo phố nghề thơm nức tiếng giữa lòng Thủ đô, ghé qua là bớt mệt mỏi, căng thẳng

Đời sống - 4 giờ trước

GĐXH – Giữa lòng thủ đô Hà Nội có một phố nghề độc đáo luôn nức hương thơm. Thứ hương thơm này chỉ cần lướt qua phố nghề đã thấy bớt căng thẳng, mệt mỏi, có cảm giác rất dễ chịu, thư thái.

Top